Đại ôn dịch: Kỳ 1 - Triều Minh mạt thế, vì sao ôn dịch chỉ nhắm vào quân Minh mà không ảnh hưởng tới quân Thanh?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Điều kỳ lạ chính là, bệnh dịch hạch dường như không nhắm vào quân Thanh, mà 'thanh kiếm' ôn dịch chỉ chĩa thẳng vào vương triều Đại Minh...

Hoàng đế Sùng Trinh trị vì Minh triều 17 năm, trước sau 15 năm đã kinh qua bảy lần dịch bệnh. Sử cũ ghi chép, vào cuối triều đại nhà Minh, gần 60% dân số ở kinh đô đã chết vì bệnh dịch. Lúc này cả kinh thành chỉ còn sót lại 50.000 hộ gia đình và 230.000 hộ gia đình ở Tô Châu, tổng cộng có hơn một nửa dân số cả nước đã tử vong.

Tuy nhiên, điều khiến người ta phải kinh ngạc và khó hiểu, đó là khi đại quân Lý Tự Thành đánh vào thành Bắc Kinh lại không hề bị lây nhiễm dịch bệnh. Năm 1644, Thuận Trị xưng đế, tuyên bố kết thúc vương triều Đại Minh, ôn dịch từng tàn phá trong nhiều năm cũng đột nhiên biến mất không còn thấy dấu vết.

Ôn dịch vào cuối triều đại nhà Minh, kinh thành ngày chết vạn người

Trong những năm Vạn Lịch triều Minh, có nhiều năm hạn hán và dịch bệnh. Vào năm Vạn Lịch thứ 8 (năm 1580), trong mười hộ ở Đại Đồng thì có chín hộ “trúng chiêu”, tỷ lệ tử vong rất cao, người bị nhiễm bệnh nối gót nhau mà chết. Người ở khu vực Lộ An bị nhiễm bệnh, cổ sưng to, căn bệnh này rất dễ lây lan, không ai dám đến thăm bệnh nhân và không ai dám thu gom xác chết.

Năm Sùng Trinh thứ 6 (năm 1633), ôn dịch lại xuất hiện ở Sơn Tây. Năm Sùng Trinh thứ 7 và thứ 8, huyện Hưng ở tỉnh Sơn Tây bị mất mùa, đạo tặc nổi lên tứ phía, cướp giật và giết hại người dân. Khi này, Trời đột nhiên giáng xuống ôn dịch, người sáng bị nhiễm bệnh đến đêm đã chết. Dịch bệnh bùng phát dữ dội, người dân bỏ chạy trong hoảng loạn, sau một đêm, cả thành đều đã trống không. Cho đến năm Sùng Trinh thứ 10, dịch bệnh đã tràn lan khắp Sơn Tây và hơn một nửa dân số ở đây đã chết.

Dịch bệnh bùng phát dữ dội, người dân bỏ chạy trong hoảng loạn, sau một đêm, cả thành đều đã trống không.
Dịch bệnh bùng phát dữ dội, người dân bỏ chạy trong hoảng loạn, sau một đêm, cả thành đều đã trống không. (Ảnh chụp màn hình phim Tam Tự Kinh)

Vào năm Sùng Trinh thứ 14, dịch bệnh đã bùng phát ở các phủ thành nổi tiếng, Bắc Kinh, Thiên Tân và Hà Nam lần lượt "rơi vào tay" Thần ôn dịch. Ở khu Hoa Bắc (bao gồm Hà Bắc, Sơn Tây và thành phố Bắc Kinh, Thiên Tân) 50% đến 60% dân số đã chết. Vào tháng 2 năm Sùng Trinh thứ 16, dịch bệnh đã tấn công vào thành Bắc Kinh, trong khu phố không còn nhìn thấy trẻ con. Thi thể được mang đi chôn cất, số thì có quan tài, số thì không có quan tài, tổng hơn 20 vạn. Xe ngựa kéo quan tài làm ùn tắc cả đường phố, xưa kia vốn là kinh đô phồn hoa nay bỗng chốc giống như “thành phố chết”. Những người còn sống sót sau thảm họa, ăn mặc nhếch nhác chịu không thấu, họ không khác gì những kẻ ăn xin.

"Sùng Trinh thực lục” có ghi chép lại rằng: Vào tháng Tư năm Sùng Trinh thứ 16, số người tử vong hàng ngày ở Bắc Kinh lên tới vạn (10.000) người. Từ tháng 6 đến tháng 8, có vô số người bệnh ở Thông Châu, Đông An, Bá Châu, Văn An, Đại Thành và Bảo Định, không phân biệt nam nữ già trẻ, bần tiện phú quý, một khi bị nhiễm bệnh thì cả nhà đều chết, vô cùng khủng khiếp.

Tỷ lệ tử vong cao, lên tới 100%

Vào cuối triều đại nhà Minh đã xảy ra vài đợt bệnh dịch có tỷ lệ tử vong cao tới 100%. Vào mùa hè và mùa thu, đầu tiên ở dưới nách hoặc đùi của người bệnh sẽ mọc những nốt mụn (bọc phù thũng) ở trong có nhân cứng, sau đó không lâu thì chết. Vào mùa xuân, người bệnh nôn ra đờm lẫn máu, hoặc là nôn ra máu loãng như nước ép dưa hấu, rồi một lúc sau chết ngay lập tức, thuốc nào cũng không chữa được. Bởi vì có bọc phù thũng sưng lên, dân gian gọi nó là dịch mụn nhọt, thực tế chính là bệnh viêm hạch bạch huyết nặng.

Vào tháng 8 năm Sùng Trinh thứ 16, một bệnh dịch đã bùng phát ở Thiên Tân, khiến cả hộ gia đình đều chết hết, lần lượt từng nhà từng nhà một, không một người nào sống sót. "Kinh đô đại dịch, người chết không tính hết”, mười nhà thì có chín nhà trống, thậm chí các hộ gia đình tẫn tuyệt, không còn có ai để thu liệm người chết. Có người bệnh chết trong vòng một hoặc hai ngày, có người sáng nhiễm bệnh tối đã chết, lại có người chết “bất tắc kỳ tử” ngay tại chỗ.

Có học giả nhà Thanh đã ghi chép lại tư liệu, mô tả tình hình bệnh dịch vào cuối triều đại nhà Minh. Trong đó nói rằng, hai binh sĩ của kinh thành là Tào Trực Lương và Cổ Di Chính, đang ở trong quán cùng mấy người khách ẩm trà, họ đứng dậy rót trà cho khách, chắp tay thi lễ, người còn chưa kịp đứng thẳng thì đã nhắm mắt tắt thở. Bộ binh Chu Niệm Tổ sau khi đi thăm hỏi bà con ở bên ngoài trở về, chân vừa bước vào cửa chính thì đột ngột qua đời. Ngô Ngạn Thăng người Nghi Hưng, vừa được thăng chức thông phán, đang ngồi trên thuyền chuẩn bị rời đi thì một người hầu đột ngột tử vong, phải nhờ một người hầu khác đi mua quan tài để chôn cất. Kết quả là, người hầu kia cũng đã một đi không trở về, chết trong cửa hàng quan tài.

Trong những người tử vong, có những người đã từng làm chuyện xấu nên kiếp này gặp ác báo. Có hai tên trộm vào giữa đêm nọ đi ăn cắp, không ngờ gặp phải một ngôi nhà đã bị tẫn tuyệt do dịch bệnh. Một tên trộm trông chừng trên nóc nhà, tên còn lại lẻn vào nhà để trộm, rồi đi ra để trao đồ vật ăn cắp được cho tên trên mái nhà. Hai người vừa chuyền tay cho nhau thì đột nhiên cả hai đều ngã lăn xuống đất, tắt thở chỉ trong vài phút.

Trong những người tử vong, có những người đã từng làm chuyện xấu nên kiếp này gặp ác báo.
Trong những người tử vong, có những người đã từng làm chuyện xấu nên kiếp này gặp ác báo. (Ảnh: Shutterstock)

Ôn dịch làm hao tổn rất lớn sức chiến đấu của quân Minh

Một số học giả ở đại lục chỉ ra rằng: Triều Đại nhà Minh đã kết thúc cũng bởi vì bệnh dịch, từ những thiệt hại nghiêm trọng do dịch bệnh gây ra cho vương triều Sùng Trinh vào cuối triều đại nhà Minh, thì dịch bệnh quả thực đã đóng một vai trò như vậy.

Vào cuối triều đại nhà Minh, dân số Bắc Kinh khoảng 80 vạn đến 1 triệu người. Vào lúc cao điểm của dịch bệnh, có khoảng một vạn người chết mỗi ngày. Vào cuối năm Sùng Trinh thứ 16, có đến 20% dân số ở kinh thành đã tử vong, vật phẩm khan hiếm, giá cả tăng cao, dân chúng lầm than, trước nguy cơ bỏ mạng vì mất nước, lòng dân không phải là lo sợ chạy trốn giặc ngoại xâm, mà là đang chạy trốn số mệnh.

Nhìn cả đất nước, đâu đâu cũng thấy người chết. Vào cuối triều đại nhà Minh, tổng dân số của các tỉnh là khoảng 100 triệu người, số người chết bất thường do bệnh dịch bệnh và chiến tranh ước tính chiếm khoảng 40% tổng dân số cả nước. Khu Hoa Bắc có khoảng 10 triệu người đã chết vì bệnh dịch.

Dịch bệnh cũng phá hủy rất lớn sức chiến đấu của quân đội nhà Minh. Quân Minh sau khi bị ôn dịch tàn phá, thì người “gầy như que củi, đứng vào cho đủ số mà thôi”, binh sĩ canh giữ kinh thành Bắc Kinh chỉ có 5 vạn quân, đói khát không có gì ăn, nhiều binh sĩ không thể đứng nổi, dẫu có dùng roi da quật cũng không thể đứng. Cả kinh thành có 15 đến 16 nghìn lỗ châu mai, thì chia đều ra, mỗi binh sĩ phải phòng thủ đến ba lỗ châu mai. Ngựa cũng bị nhiễm ôn dịch, ba vạn con ngựa chiến mà chỉ còn lại một nghìn con.

Trong Minh sử kỷ sự bản mạt có ghi chép lại: Trong ngoài kinh thành có mười lăm vạn bốn ngàn người, doanh trại bị dịch bệnh, những binh sĩ tinh nhuệ thì đã bị đám hoạn quan chọn mất, nội trong hoạn quan mấy nghìn người, còn lại năm sáu vạn binh sĩ gầy yếu, tường thành thấp cũng không trông giữ nổi.

Quân đội như vậy làm sao có thể ngăn được năm mươi vạn tinh binh của Lý Tự Thành đây?

Kinh thành Đại Minh không đánh mà bại, phải chăng đó là Thiên ý?

- Còn tiếp...

Quỳnh Chi

Theo epochtimes.com



BÀI CÙNG CHUYÊN ĐỀ

BÀI CHỌN LỌC

Đại ôn dịch: Kỳ 1 - Triều Minh mạt thế, vì sao ôn dịch chỉ nhắm vào quân Minh mà không ảnh hưởng tới quân Thanh?