Kiêu hãnh và định kiến: Liệu hôn nhân có là việc phải làm cho xong chuyện?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngày nay, khi mà có nhiều người ủng hộ cho những hành vi phóng túng đạo đức được thể hiện bởi Lydia, hay đặc biệt coi trọng là sự thừa kế “ngon ngọt” đằng sau Anne de Bourgh, tác phẩm Kiêu hãnh và định kiến càng nổi bật với các tiêu chuẩn vàng cho những câu chuyện tình yêu.

Pride and Prejudice (Kiêu hãnh và định kiến) có lẽ là truyện được yêu thích nhất của nhà văn Jane Austen, tác phẩm từng về thứ 2 trong bảng bầu chọn Cuốn sách được yêu thích nhất ở Anh của đài BBC. Chủ đề chính của câu chuyện xoay quanh đề tài tình yêu và hôn nhân vào đầu thế kỷ thứ 19. Truyện kể về cuộc “đối đầu” giữa Elizabeth Bennet, con gái của một gia đình trung lưu, và Fitzwilliam Darcy, một nhà quý tộc giàu có và danh tiếng.

Quan điểm hôn nhân trong ‘Kiêu hãnh và định kiến”

Câu chuyện bắt đầu bằng một trong những câu bất hủ nhất trong văn học Anh: “Có một sự thật mà ai cũng công nhận, đấy là: một người đàn ông có một tài sản khá hẳn sẽ muốn lấy vợ”. Tuy nhiên, đến cuối truyện lại là một sự thật hoàn toàn ngược lại. Không phải các quý ông tìm kiếm một người vợ, mà là các cô gái, để đảm bảo cho mình một tương lai ổn định, phải chủ động kiếm một người chồng.

Hôn nhân ở thế kỷ 19, đó là thời mà những cô gái chỉ mong tìm được một người chồng với tiêu chí duy nhất – “sự sản” (tài sản) tốt. Phụ nữ ngày nay khó mà hiểu được tầm quan trọng của hôn nhân trong cuộc đời của Elizabeth Bennet và chị em của cô. Phụ nữ trẻ ngày nay có nhiều lựa chọn mở cho họ về tương lai, tất nhiên là họ có thể kết hôn, nhưng họ cũng có thể đi học đại học, theo con đường nghề nghiệp mà họ quan tâm, sống cùng gia đình hoặc sống độc lập.

Nhưng phụ nữ trẻ của thế kỷ 19 không có những điều kiện này. Mặc dù các con gái của tầng lớp trung lưu và thượng lưu có thể được gửi đến trường, giáo dục của họ chú trọng vào "thành tích" hơn là mở rộng tri thức cho họ. Vì vậy, phụ nữ tầng lớp trung lưu như Elizabeth thường phải lựa chọn an toàn cho mình bằng một cuộc hôn nhân thực dụng thay cho kết hôn vì lòng tự trọng và tình yêu.

phụ nữ tầng lớp trung lưu như Elizabeth thường phải lựa chọn an toàn cho mình bằng một cuộc hôn nhân thực dụng thay cho kết hôn vì lòng tự trọng và tình yêu.
Phụ nữ tầng lớp trung lưu như Elizabeth thường phải lựa chọn an toàn cho mình bằng một cuộc hôn nhân thực dụng thay cho kết hôn vì lòng tự trọng và tình yêu. (Ảnh thuộc phạm vi công cộng)

Nhà văn Austen đã lấy ví dụ về các loại hôn nhân khác nhau để cho thấy rằng cuộc sống và các mối quan hệ hôn nhân có thể phức tạp hơn so với những gì chúng ta vẫn tưởng.

  • Hôn nhân dựa trên tình yêu và sự tôn trọng lẫn nhau: Darcy và Elizabeth có một cuộc hôn nhân “hoàn hảo” nhất, bởi vì chính họ phải nỗ lực để đạt được điều đó. Họ cần phải tìm hiểu về bản thân mình trước khi có thể hiểu về những người khác. Darcy vượt qua niềm kiêu hãnh của mình, Elizabeth chiến thắng những thành kiến của mình. Từ đó, họ đánh giá cao và tôn trọng những phẩm chất của người kia hơn so với ấn tượng ban đầu về nhau.
  • Hôn nhân dựa trên tình yêu chân thành và thuần khiết: cuộc hôn nhân của Bingley và Jane dựa trên sự cảm mến vô tư không vụ lợi, là tình cảm chân thật xuất phát từ con tim. Không nghi ngờ gì là hai người sẽ sống hạnh phúc mãi mãi về sau, bởi vì họ đều mang những phẩm chất tốt đẹp.
  • Hôn nhân dựa trên vẻ đẹp bề ngoài: ông bà Bennet kết hôn vì ông Bennet đã "bị quyến rũ bởi tuổi trẻ và sắc đẹp", nhưng theo thời gian ông nhận ra rằng chỉ với sức hấp dẫn bề ngoài thì không đủ cơ sở tốt để xây dựng một cuộc hôn nhân hạnh phúc. Khi vẻ đẹp phai dần, và không tìm được sự đồng điệu trong tâm hồn, cuộc hôn nhân trở thành khốn khổ. Vì thế, ông trở nên coi thường và đùa cợt vợ mình, dành nhiều thời gian trong thư viện để tránh bà vợ.
  • Hôn nhân “thực dụng”: cuộc hôn nhân của Charlotte Lucas và anh Collins có thể xem là hôn nhân tiện lợi. Charlotte là bạn thân của Elizabeth, được đánh giá là thông minh và có óc suy xét, đã đồng ý kết hôn với Collin sau khi Elizabeth từ chối anh này. Đây là một cuộc hôn nhân không dựa trên những yếu tố như tình yêu, sự thu hút lẫn nhau hoặc sở thích chung. Charlotte thừa nhận cô không lãng mạn, cô kết hôn với Collins vì anh ta có thể cung cấp một ngôi nhà và an ninh tài chính. Trong khi mối quan hệ của Elizabeth và Darcy là điều mà những độc giả mơ ước, cuộc hôn nhân của Charlotte với Collins chính là cuộc sống thực tế mà phụ nữ Anh thế kỷ 19 sẽ phải đối mặt.
  • Hôn nhân đáng thất vọng nhất là của Wickham và Lydia, vì Wickham là một kẻ đạo đức giả. Anh ta không yêu Lydia, và chỉ kết hôn với cô vì anh ta được trả tiền để “làm việc đúng đắn” sau khi đã dụ dỗ cô bỏ trốn cùng. Lydia chỉ mới 16 tuổi, nông cạn và hời hợt, sự xuất hiện của Wickham và viễn cảnh thú vị của việc được lấy chồng khiến cô mù quáng chạy theo anh. Lydia không hiểu tình yêu là gì, cũng không thực sự yêu hoặc hiểu Wickham, mặc dù cô tin rằng mình thật sự như thế.

Mọi mục đích và ước vọng của các cô gái trẻ đều tập trung vào tìm kiếm lời cầu hôn từ người đàn ông xứng đáng. Vì thế, chắc chắn có một câu mà mọi phụ nữ đều muốn nghe người đàn ông thổ lộ, đặc biệt những lời ấy lại xuất phát từ một đối tượng giàu có và danh vọng, là “một trong những nhân vật lừng lẫy nhất đất nước này” như Darcy: “Tôi đã chống chọi, nhưng vô ích. Tôi không thể làm gì được cả. Tôi không thể kiềm chế tình cảm của mình. Cô phải cho phép tôi nói cho cô biết rằng tôi đã cảm mến và yêu cô mãnh liệt như thế nào”. Elizabeth chính là đối tượng của lời thổ lộ ngọt ngào ấy.

Nhà văn Austen đã lấy ví dụ về các loại hôn nhân khác nhau để cho thấy rằng cuộc sống và các mối quan hệ hôn nhân có thể phức tạp hơn so với những gì chúng ta vẫn tưởng.
Nhà văn Austen đã lấy ví dụ về các loại hôn nhân khác nhau để cho thấy rằng cuộc sống và các mối quan hệ hôn nhân có thể phức tạp hơn so với những gì chúng ta vẫn tưởng thông qua hình tượng người phụ nữ. (Ảnh thuộc phạm vi công cộng)

Elizabeth là một nhân vật “cá biệt” trong thời đại này, khi cô khao khát một cuộc hôn nhân dựa trên tình yêu và sự tôn trọng lẫn nhau. Cô từ chối Darcy vì với cô tiền và danh vọng không phải là mục đích, cô mang “định kiến” về nhân phẩm của anh và vì tình cảm mà cô cho rằng “anh đã ban bố nó một cách miễn cưỡng nhất”.

Tiền và danh vọng, hôn nhân và sự an toàn không phải là động lực khiến Elizabeth kết hôn. Cô từ chối Collin vì anh là một đối tượng hoàn toàn không phù hợp. Cô từ chối lời đề nghị của Darcy tại Hunsford, bất chấp tất cả lợi thế của anh vì cô không tin vào nhân phẩm của anh (mặc dù sau đó cô đã nhận ra sai lầm trong định kiến về anh). Cô xem trọng nhân phẩm, sự tôn trọng lẫn nhau, tình yêu và hạnh phúc. Cuối cùng, cô nhận được phần thưởng cao nhất: là tình yêu và sự tôn trọng của Darcy.

Ngày nay, khi mà có nhiều người ủng hộ cho những hành vi phóng túng đạo đức được thể hiện bởi Lydia, hay đặc biệt coi trọng là sự thừa kế “ngon ngọt” đằng sau Anne de Bourgh, tác phẩm Kiêu hãnh và định kiến càng nổi bật với các tiêu chuẩn vàng cho những câu chuyện tình yêu. Không hẳn ai trong chúng ta cũng có thể gặp được người đàn ông trong mơ như Darcy, người có nhiều tiền của và đất đai, trầm lặng nhưng thông minh, điềm tĩnh và cao thượng, nhưng liệu chúng ta có nên kết hôn chỉ vì an ninh tài chính như Charlotte Lucas, hay chỉ vì tình yêu mù quáng giống như Lydia, hay là chúng ta nên chờ đợi để kết duyên với một người đàn ông mà ta có thể yêu thương và tôn trọng? Liệu bạn có thể chống lại những cám dỗ trong hôn nhân, để cho một “Elizabeth” trong chúng ta có cơ hội của chính mình?

Tâm An
Hình ảnh đại diện có sử dụng tài nguyên từ nguồn png.com



BÀI CÙNG CHUYÊN ĐỀ

BÀI CHỌN LỌC

Kiêu hãnh và định kiến: Liệu hôn nhân có là việc phải làm cho xong chuyện?