Văn hóa truyền thống: Thiên mệnh quan thời thượng cổ (P-4) - Chu thịnh, Thương vong

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thiên mệnh ở thời Tam Đại: Hạ Thương Chu là chuyển dịch, vậy nhà Chu thay nhà Thương thụ nhận Thiên mệnh có giẫm vào vết xe đổ đời trước không? Chu Công cho rằng, không thể bài trừ khả năng này...

Xem: Phần 1; Phần 2; Phần 3

Thiên mệnh quan thời Tam Đại thượng cổ mặc dù đều nhấn mạnh Trời, coi Thiên mệnh là chí cao vô thượng, nhưng nhận thức của cổ nhân về quan hệ giữa Thiên mệnh và vương quyền không phải là cố định. Nhất là cùng với việc nhà Thương diệt vong, nhà Chu hưng khởi thì Thiên mệnh quan truyền thống đã có những biến đổi rõ rệt.

Thiên mệnh thay đổi: Triều Chu thịnh, triều Thương vong

Vào triều Thương, tư tưởng Thiên mệnh của đế vương là làm quân chủ mãi mãi, về cơ bản cho rằng Thiên mệnh không thể thay đổi. Nhưng đến cuối thời nhà Thương thì truyền thống này đã xuất hiện dấu hiệu thay đổi. Thượng thư - Tây Bá kham lê có ghi chép rằng: Vào cuối thời nhà Thương, vua Thương là Trụ Vương hoang dâm bạo ngược khiến người dân oán hận ngùn ngụt. Hồi đó có nước chư hầu phía Tây là nước Chu, thủ lĩnh các bộ lạc ở đó là Chu Văn Vương trị sửa quốc gia ngày càng lớn mạnh, thế lực dần dần ảnh hưởng đến khu vực Trung Nguyên, uy hiếp nghiêm trọng đến an nguy của chính quyền nhà Thương. Đại thần nhà Thương là Tổ Y lo nơm nớp, nói với Trụ Vương rằng: "Trời đã chấm dứt trao Thiên mệnh cho nhà Ân chúng ta rồi... Không phải là tiên vương không bảo hộ hậu nhân chúng ta, mà chỉ vì đại vương hoang dâm, an dật, trễ nải nên tự đoạn tuyệt với Trời. Do đó Trời mới bỏ chúng ta..."

Đối với những lời nói của Tổ Y, Trụ Vương không những không nghe mà trái lại còn ngông cuồng nói: "Ô, ta sinh ra chẳng phải đã có mệnh Trời trao đó sao".

Từ đoạn đối thoại này có thể thấy, mặc dù vua tôi đều cho rằng sự thống trị của vương triều là do Thiên mệnh quyết định, nhưng Trụ Vương mê muội tin rằng Thiên mệnh vĩnh viễn ở bên mình, sẽ không thay đổi. Nhưng Tổ Y thì cho rằng Trời căn cứ vào sự thể hiện của thiên tử để quyết định có ủng hộ sự thống trị của ông ta hay không. Điều này nói rõ rằng đương thời, một bộ phận người Ân đã có sự hoài nghi đối với Thần thoại lưu hành rằng Thiên mệnh vĩnh viễn bảo hộ vương triều.

Tổ Y thì cho rằng Trời căn cứ vào sự thể hiện của thiên tử để quyết định có ủng hộ sự thống trị của ông ta hay không
Trụ Vương mê muội cho rằng Thiên mệnh sẽ mãi ở bên cạnh ông ta, nhưng Tổ Y lại tin rằng Trời căn cứ vào sự thể hiện của thiên tử để quyết định có ủng hộ sự thống trị của ông ta hay không. (Ảnh: Shutterstock)

Đầu năm 1046 TCN, Chu Vũ Vương dẫn quân viễn chinh thảo phạt Trụ Vương nhà Thương. Chỉ trong thời gian một tháng, "nước Chu nhỏ bé" ở một góc phía Tây đã nhanh chóng tiêu diệt "Đại Ân Thương" và trở thành chủ của thiên hạ. Thắng lợi đến nhanh chóng như vậy quả là ngoài dự tính, nhưng Chu Võ Vương và Chu Công không ngây ngất, say sưa trong chiến thắng.

Sử ký có ghi chép rằng, Sau khi Vũ Vương diệt Thương rồi trở về Cảo Kinh, đêm không ngủ được. Em trai là Chu Công đến thăm, hỏi tại sao không ngủ được. Vũ Vương nói: "Ta chưa nắm chắc được Trời bảo hộ, sao có thể ngủ được".

Thì ra nhà Thương là chủ của thiên hạ, là vương triều thống trị vạn bang (nước nhỏ), trong con mắt của người Chu thì những cái tên như "Thiên ấp Thương", "Đại bang Ân", "Đại quốc Ân" đã in hằn sâu trong họ; còn bản thân nước Chu trước đây chỉ là "tiểu quốc", họ mang quan niệm kiểu như: "chúng ta là tiểu bang của nhà Thương". Thế nhưng "Đại bang Ân", "Thiên ấp Thương" xem có vẻ bất khả chiến bại này lại bị tiêu diệt chỉ trong một trận chiến Mục Dã, việc này sao có thể khiến "nước Chu nhỏ bé" không kinh ngạc?

Nếu nói thống trị thiên hạ nhất định là sự thể hiện của Thiên mệnh, thế thì sự thay đổi giữa triều Ân và triều Chu chẳng phải đã nói rõ rằng: Thiên mệnh ban đầu ở triều Ân Thương, giờ đây đã chuyển sang phía người Chu rồi đó sao? Thiên mệnh chẳng phải có thể chuyển dịch đó sao? Nếu đạo lý này đúng, thế thì sẽ có ngày triều Chu cũng sẽ đối diện với mối hiểm nguy mất đi Thiên mệnh, từ đó mất thiên hạ. Làm sao có thể tránh khỏi ách vận này? Làm sao mới có thể mãi mãi giữ được Thiên mệnh? Nghĩ đến đây, người thống trị triều Chu đương nhiên là ngủ không yên rồi.

Vì vậy sau khi Thương diệt Chu hưng, xung quanh việc Thiên mệnh có thể thay đổi chuyển dịch không, nếu có thì căn cứ là gì, tại sao có vương triều là mất đi Thiên mệnh, có vương triều lại có được Thiên mệnh, và làm thế nào để giữ vững Thiên mệnh?... Một loạt các vấn đề khiến Vũ Vương và Chu Công, nhất là Chu Công suy nghĩ sâu sắc, trên cơ sở phản tỉnh và tổng kết giáo huấn diệt vong của hai triều Hạ, Thương, ông đã tiến hành xem xét và có những lý giải mới đối với quan hệ giữa vương quyền và Thiên mệnh, từ đó đã đưa vào nội hàm mới cho thiên mệnh quan truyền thống.

Dù đã đánh bại được nhà Thương, nhưng Chu Vũ Vương và Chu Công không hề chìm trong men say chiến thắng, họ nhận ra Thiên mệnh không hề cố định vĩnh viễn, một ngày nào đó, họ cũng sẽ có thể mất cả thiên hạ...
Dù đã đánh bại được nhà Thương, nhưng Chu Vũ Vương và Chu Công không hề chìm trong men say chiến thắng. Họ nhận ra Thiên mệnh không hề cố định vĩnh viễn, một ngày nào đó, họ cũng sẽ có thể mất cả thiên hạ... (Ảnh: Shutterstock).

Từ bài học lịch sử, triều Chu thay đổi góc nhìn về Thiên mệnh

So với người đời trước thì sự cách tân trong Thiên mệnh quan của người thời nhà Chu được thể hiện ở các phương diện sau:

Đầu tiên là từ "Thiên mệnh thường hằng" chuyển thành "Thiên mệnh không thường hằng", "mệnh không thường hằng".

Bất kể là triều Hạ hay triều Ân Thương, quân vương đều coi Thiên mệnh là vĩnh hằng bất biến, đều cho rằng bản thân một khi đã có được Thiên mệnh rồi thì sẽ không thể mất đi. Thế nhưng kết quả diễn biến lịch sử lại hoàn toàn không như vậy.

Trước tiên nói về triều nhà Hạ. Cuối thời nhà Hạ, vua Hạ Kiệt vô đạo, đức hạnh bại hoại. "Đế vương thế hệ" có ghi chép rằng, Một lần Y Doãn can gián với Hạ Kiệt như sau: "Quân vương không nghe ý kiến các bề tôi thì ngày mất nước sẽ không còn xa nữa".

Nhưng Hạ Kiệt nghe rồi vẫn hoàn toàn chẳng để ý, kích động cười gằn nói: "Ngươi lại nói lời ma mị mê hoặc mọi người. Trên trời có mặt trời giống như ta có con dân, mặt trời diệt vong thì ta mới diệt vong".

Nhưng sau đó không lâu, Hạ Kiệt bị Thương Thái Tổ Thương Thang đánh bại và trở thành vị vua vong quốc. Đây chính là "Thang cách Hạ mệnh" (vua Thương Thang trừ bỏ Thiên mệnh nhà Hạ) nổi tiếng trong lịch sử. "Thang cách Hạ mệnh" có nghĩa là Thượng Thiên thu hồi sứ mệnh trị vì thiên hạ đã trao cho nhà Hạ, Thương Thang thuận ứng với Thiên ý, trừ bỏ Thiên mệnh của Hạ Kiệt.

Lại xem tiếp đến triều Thương. Giống như Hạ Kiệt, Trụ Vương nhà Thương cho rằng Thiên mệnh bất biến, vĩnh viễn ở bên ông. Kết quả cuối cùng cũng trở thành vị vua vong quốc. Vương triều vốn ban đầu được vinh quang ứng với Thiên mệnh cũng có thể mất đi Thiên mệnh, bị giáng xuống làm bang quốc (nước chư hầu), gọi là "Trụy quyết mệnh" (rơi mất Thiên mệnh). Nước vốn ban đầu là bang quốc (chư hầu) cũng có thể có được Thiên mệnh trở thành vương triều của thiên hạ, gọi là "Thụ quyết mệnh" (nhận được Thiên mệnh). Thương vong Chu hưng chính là quá trình triều Thương "trụy quyết mệnh" và Chu bang "thụ quyết mệnh".

Từ những biến đổi xoay vần của lịch sử, nhà Chu đã có một bước chuyển lớn về Thiên mệnh quan khi cho rằng: "Thiên mệnh quan không cố định bất biến". Điều này giúp răn dạy các bậc quân vương luôn phải dốc lòng vì dân, vì nước, không tùy tiện phóng túng bản thân, từ đó đối mặt nguy cơ mất đi Thiên mệnh.
Người thời nhà Chu cho rằng: "Thiên mệnh quan không cố định bất biến". Điều này giúp răn dạy các bậc quân vương luôn phải dốc lòng vì dân, vì nước, không tùy tiện phóng túng bản thân, từ đó đối mặt nguy cơ mất đi Thiên mệnh. (Ảnh: Shutterstock).

Tóm lại, bất kể là Ân Thương thay nhà Hạ hay là Thương vong Chu hưng thì cũng đã lật đổ triệt để quan niệm truyền thống "Thiên mệnh thường hằng". Đối với hiện thực này, Chu Công đã thay đổi tư tưởng của tiền nhân, dũng cảm đề ra quan niệm mới "Thiên mệnh không thường hằng", nghĩa là Thiên mệnh không phải là cố định bất biến.

Sau khi Chu Thành Vương lên ngôi, Khang Thúc tham gia bình định phản loạn, do có công lao nên được phong ở Triều Ca - cố đô triều Thương. Trước khi ông đi nhậm chức, Chu Công đã ân cần căn dặn riêng rằng: "Ôi, một thiếu niên như ngươi được phong đất, cần ghi nhớ Thiên mệnh không thường hằng".

Khi khuyên bảo các cựu thần của triều Ân Thương, Chu Công cũng đã nhiều lần nhắc lại lịch sử đổi thay 3 triều đại Hạ Thương Chu. Thượng thư - Đa sĩ có ghi chép:

"Chu công nói với họ rằng, Thượng Đế ngăn chặn ăn chơi hưởng lạc, nhưng Hạ Kiệt không nghe theo lời dạy của Thượng Đế, phóng túng thỏa sức ăn chơi hưởng lạc. Thế nên Thượng Đế giáng hình phạt lớn, phế bỏ Thiên mệnh của nhà Hạ, mệnh cho tiên tổ Thành Thang của các ông thay thế Hạ Kiệt. Từ Thành Thang đến Đế Ất, các tiên vương của người Ân không ai là không dốc sức thực hiện nền chính trị nhân đức, cẩn thận lễ tế, cũng không ai dám trái với Thiên ý, không ai không xứng đáng với ân trạch của Thượng Thiên.

Nhưng Trụ Vương kế vị sau này đã bất kính Thượng Thiên, không để ý đến Thiên ý và sự khốn khổ của người dân, thỏa sức phóng túng ăn chơi hưởng lạc. Vì vậy Thượng Đế không bảo hộ ông ta nữa, đem tai họa giáng xuống nước Ân. Nước Chu chúng tôi phù trợ Thiên mệnh, phụng hành sự uy nghiêm của Thượng Thiên, thực thi điếu phạt của bậc vương giả, tuyên cáo quốc mệnh của nước Ân đã bị Thượng Thiên chấm dứt. Không phải nước Chu nhỏ bé chúng tôi dám thay thế Thiên mệnh nhà Ân, đó là Thượng Thiên không trao Thiên mệnh cho người tin theo vu cáo dựa vào cái ác nên bảo trợ chúng tôi".

Thiên mệnh ở thời Tam Đại: Hạ Thương Chu là chuyển dịch, vậy nhà Chu thay nhà Thương thụ nhận Thiên mệnh có giẫm vào vết xe đổ đời trước không? Chu Công cho rằng, không thể bài trừ khả năng này. Thượng thư - Quân thích có ghi chép rằng, Chu Công đã từng nói với Triệu Công rằng: "Thượng Thiên đem cái họa diệt vong giáng xuống nhà Ân Thương. Hiện nay người Ân đã bị mất Thiên mệnh rồi, còn nhà Chu chúng ta nhận được phúc mệnh. Nhưng tôi cũng không dám nói cơ nghiệp nhà Chu sẽ có thể kéo dài vĩnh viễn. Tôi cũng không dám phán đoán vương nghiệp nhà Chu có thể tránh được kết quả chẳng lành. Nếu cháu con thừa kế của nhà Chu không kính Trời lo liệu cho dân, không thể kế thừa phát huy truyền thống vẻ vang của tiên vương, thì chúng sẽ mãi mãi mất đi Thiên mệnh".

(Còn tiếp)

Trung Hòa (biên dịch)
Theo Thiên Bách Độ - epochtimes.com



BÀI CHỌN LỌC

Văn hóa truyền thống: Thiên mệnh quan thời thượng cổ (P-4) - Chu thịnh, Thương vong