Khi bạn kể về những sai lầm của mình trước mặt con cái, chúng bắt đầu chú ý và tôn trọng sự thẳng thắn của bạn. Phần lớn cuộc đời chúng ta dành để tạo ra hào quang xung quanh mình về con người mà chúng ta muốn trở thành. Đó là một điều đáng buồn. Khi bạn làm hỏng việc, bạn nên chia sẻ (nếu thích hợp) lỗi lầm đó với gia đình mình.
Một ngày nọ, tôi quyết định tặng các con mình “món quà của cha”. Tôi biết chúng sẽ rất vui mừng. Khi nói đến “món quà của cha”, ý tôi là tôi muốn dạy và chia sẻ với chúng tất cả những điều về tiền bạc mà bố tôi chưa từng chia sẻ với tôi. Thật là một lợi thế đáng kinh ngạc mà chúng sẽ nhận được. Tôi nghĩ chúng sẽ nóng lòng muốn mở món quà vô giá này.
Một số giấc mơ kết thúc nhanh hơn những giấc mơ khác.
Kara và tôi vừa mua một ngôi nhà mới. Chúng tôi đang tạm thời sống trong một căn nhà cho thuê trong khoảng thời gian chín tháng kể từ khi bán căn nhà cũ cho đến khi căn nhà mới sẵn sàng để chúng tôi chuyển đến. Ngôi nhà cho thuê khá nhỏ, bọn trẻ của chúng tôi vẫn còn khá nhỏ và những thay đổi đã phá vỡ hoàn toàn thói quen sinh hoạt của gia đình chúng tôi. Tuy nhiên, sự gần gũi với nhau cũng có lợi thế của nó. Chúng tôi thường xuyên chạm mặt nhau trong nhà.
Một buổi tối, tôi hỏi con gái tôi Lauren, lúc đó đang học lớp sáu, “Bố có thể nói với con một chuyện được không?”
“Chắc chắn rồi”, Lauren nói khi tôi đứng trước cửa phòng của nó.
“Bố muốn nói chuyện với con về tiền bạc,” tôi nói với nó. Tôi cảm thấy hân hoan, giống như mình là nhà vô địch mới đăng quang sắp chia sẻ bí quyết thành công của mình. Tôi bắt đầu chia sẻ những hiểu biết sâu sắc của mình về cách đầu tư hợp lý và cách khiến tiền bạc tăng trưởng.
Chà, bạn có nhớ âm thanh khi một thứ gì đó rít lên để dừng lại, chẳng hạn như xe cộ dừng lại khi có ai đó bất ngờ chạy ra đường ngay trước mặt, hay tiếng phấn viết trên bảng đen không? Đó gần như là những gì xảy ra trong tâm trí tôi khi Lauren thể hiện sự không quan tâm. Sau một vài chia sẻ, vẻ mặt trống rỗng trên khuôn mặt Lauren báo hiệu: “Bố, con không quan tâm. Con chán, mắt con đang nhíp lại. Hãy mang lời nói của bố đi nơi khác”.
Tôi ngạc nhiên, sau đó cảm thấy có một chút bị xúc phạm. Tôi lịch sự xin phép rời khỏi phòng. Tôi không dễ dàng bỏ cuộc nên tôi đã suy nghĩ lại kế hoạch. Vài ngày sau, tôi thử một cách tiếp cận khác. “Lauren”, tôi lại nói. “Có một giây không? Bố muốn hỏi con về một điều”.
Nó có vẻ cảnh giác nhưng vẫn nói “Được rồi”, khi tôi lại đứng ở ngưỡng cửa phòng của nó.
Tôi đề cập với nó rằng tôi nghĩ nó có thể cảm thấy Câu lạc bộ Doanh nghiệp cho học sinh cấp 3 mà tôi thành lập ở trường nó thú vị. Nó chỉ còn ba năm nữa là bắt đầu học cấp 3. Tôi cảm thấy đây là thời điểm tuyệt vời để thu hút sự quan tâm của nó và khiến nó muốn tham gia. (Được rồi, có lẽ tôi đã đi quá nhanh) “Bố và mọi người đang làm một số điều rất thú vị”, tôi nói với nó.
"Như thế nào?" nó hỏi, với không nhiều biểu hiện.
“Mọi người nói về cách kiếm tiền và cách khởi nghiệp”, tôi nói. Tôi đưa cho nó một số ví dụ về câu chuyện thành công trong kinh doanh. Tôi thậm chí còn đề cập rằng mọi người đều nhận được loại kẹo yêu thích của mình khi đến Câu lạc bộ Doanh nghiệp. Tôi chắc chắn rằng con bé đã bị thu hút, nhưng tôi nghĩ bây giờ thế là đủ. Tôi không muốn thực hiện quá tay.
Vài tuần sau, tôi lại nhắc đến Câu lạc bộ Doanh nghiệp và điều đó khơi gợi sự quan tâm của nó thêm một chút.
“Làm thế nào để vào được câu lạc bộ?” nó hỏi. (Có lẽ là để tìm ra cách lấy kẹo.)
“Chà, nó không dành cho tất cả mọi người”, tôi nói với nó. Một cách thông minh, tôi tỏ ra đó là một mục tiêu khó đạt được. Tôi giải thích rằng mỗi tuần có bốn mươi phút và có bài tập về nhà. Lauren có vẻ không thích ý tưởng làm bài tập về nhà (tôi không chắc tại sao), nhưng tôi đảm bảo với nó rằng bài tập về nhà rất thú vị, chẳng hạn như cách biến 5 USD thành 25 USD chỉ trong một ngày cuối tuần.
Tôi chắc chắn rằng nó đã “cắn câu" hoàn toàn.
3 năm sau, Lauren ngồi ở hàng ghế đầu trong cuộc họp Câu lạc bộ Doanh nghiệp đầu tiên trong năm thứ nhất của nó.
Trong suốt thời trung học, Lauren rất chăm chỉ lĩnh hội. Nó học hỏi được rất nhiều nguyên tắc kinh doanh. Điều này mở ra cánh cửa cho nhiều cuộc trò chuyện tuyệt vời mà tôi không bao giờ lường trước được. Chuyển nhanh đến ngày hôm nay. Tôi tin rằng Câu lạc bộ Doanh nghiệp và những cuộc đối thoại diễn ra sau đó đã giúp nó trở thành một người phụ nữ trẻ như hiện nay. Gần đây hơn, việc giúp nó mở tài khoản đầu tư đầu tiên và thực hiện giao dịch mua cổ phiếu đầu tiên đã khiến người cha này nở thêm một nụ cười nữa.
Xây dựng sự tò mò là một chuyện; chia sẻ sự tò mò là một điều khác và đó là một cơ hội học hỏi phong phú. Không phải lúc nào cũng là về thứ bạn biết; đó thường là về những gì bạn chưa biết và có thể cùng nhau học hỏi. Giả sử một thành viên trong gia đình đã nhờ bạn giúp đỡ trong việc đầu tư hoặc bắt đầu kinh doanh, nhưng bạn không biết nên bắt đầu từ đâu. Bạn có thể nói, “Xin lỗi, tôi không thể giúp bạn” hoặc bạn có thể nói, “Điều đó nghe có vẻ thú vị. Hãy cùng nhau học hỏi nhé.” Cái hay của phản ứng thứ hai đó là nó giúp bạn thoát khỏi khó khăn vì không phải là chuyên gia. Chỉ cần trở thành một chuyên gia về sự đồng cảm và có thái độ hào hứng học hỏi cùng nhau là đủ.
Nhiều – thực ra là hầu hết – khách hàng của tôi nói với tôi rằng họ chưa bao giờ nghe cha mẹ họ nói về tiền bạc. Bạn cần phải làm như vậy, điều này là quan trọng. Hãy để con bạn quan sát bạn và vợ/chồng bạn họp về ngân sách. Nhà huấn luyện tài chính Kelsa Dickey nói hãy để chúng tình cờ nghe thấy bạn ngồi lại với nhau và nói những câu như, “Mẹ nó cần cập nhật ngân sách của mình”. Trẻ em cần biết rằng quản lý tiền bạc cần sự nỗ lực và bạn không cần phải có tất cả các câu trả lời để dạy ai đó điều gì đó.
Điều quan trọng nữa là dạy con bạn trách nhiệm cá nhân đi kèm với việc có tiền. Chuyên gia Bola Sokunbi nói rằng cô đang dạy các con mình rằng tiền là sức mạnh. “Có tiền giúp chúng có cơ hội có nhiều lựa chọn. Nhưng vấn đề không chỉ là có tiền mà còn là hiểu được tiền có thể có tác động như thế nào đến cuộc sống của chúng và hiểu được trách nhiệm gắn với sự giàu có. Và những lựa chọn này rất quan trọng vì chúng có thể bỏ tiền của mình vào những mục đích và những thứ mà chúng ủng hộ... [và] chúng tránh xa những tình huống hoặc công việc không có lợi cho chúng vì chúng biết chúng có tiền trong ngân hàng”.
Cô Kelsa Dickey, với trải nghiệm sống khác, có một thông điệp mang tính giáo dục không kém khác mà cô muốn truyền tải đến các con mình. Khi lớn lên, cô Kelsa lo sợ rằng nếu công việc kinh doanh của cô trở nên quá thành công, con gái cô sẽ trở nên ích kỷ, hư hỏng và tự cho mình có các đặc quyền trong khi không có đạo đức làm việc tốt. Bất kỳ thành công nào mà cô Kelsa đạt được trong kinh doanh đều là do chính cô ấy làm nên cô ấy không quá lo lắng về cách mình xử lý tài sản như cách cô lo lắng về cách các con cô ấy sẽ xử lý nó. Cô nói chuyện với chồng về những lo lắng của mình và hai người thảo luận về cách mà hệ thống giá trị của một đứa trẻ và những điều chúng quan tâm trong cuộc sống đến từ cha mẹ chứ không phải từ tiền bạc. Nó đến từ việc cha mẹ dạy về đạo đức làm việc, cũng như sự đồng cảm và nhân ái, bất kể đó là gia đình nghèo, trung lưu hay giàu có.
Đó chính xác là điều cô Kelsa cần biết. “Tiền là trung lập”, cô nói. “Tiền không nói lên rằng bạn phải có quyền lợi, ích kỷ hay hư hỏng… Đó là trở ngại về tiền bạc mà cá nhân tôi phải vượt qua”.
Cô Kelsa và chồng cô ấy sau đó đã làm một việc, thứ mà tôi cũng đã giới thiệu cho người khác. Họ viết những gì cô ấy mô tả với tôi như một phương châm của gia đình. “Đây là những giá trị mà chúng ta sẽ sống theo. Và đây là những giá trị chúng ta sẽ xếp tiền ở sau, đây là những giá trị chúng ta sẽ nuôi dạy con cái mình, và chúng ta sẽ thể hiện những giá trị này bằng mọi cách - tiền chỉ là một trong những cách mà chúng ta sẽ dùng để thể hiện những điều này. Vì vậy, cách chúng ta chăm sóc bản thân, cách chúng ta chăm sóc ngôi nhà của mình, cách chúng ta đối xử với người khác - chúng ta sẽ thể hiện những giá trị này bằng mọi cách. Và điều đó thực sự có tác dụng mạnh mẽ đối với nhiều cuộc trò chuyện”.
Kara (vợ tôi) và tôi cũng thường xuyên nhắc nhở mình phải trò chuyện cởi mở với con cái về tiền bạc. Khi tôi quyết định bán doanh nghiệp của mình, chúng tôi đã tập hợp cả gia đình lại và nói với chúng quyết định của mình. Chúng hỏi rất nhiều câu hỏi, chẳng hạn như “Bố sẽ làm gì tiếp theo?” Chúng tôi thành thật nói rằng chúng tôi không biết câu trả lời cho rất nhiều câu hỏi của chúng. Hoặc vài năm trước, khi Kara và tôi quyết định quyên góp số tiền sửa sang nhà bếp đã tiết kiệm được từ lâu để tài trợ cho một phòng tập thể dục ở nhà thờ, chúng tôi đã thảo luận về quyết định này với tư cách là một gia đình.
Chia sẻ các sai lầm là một công cụ cực kỳ mạnh mẽ
Nhưng không phải khoảnh khắc nào cũng là các khoảnh khắc tỏa sáng. Đã có lúc tôi đưa ra một quyết định tồi tệ về một cổ phiếu cụ thể và quyết định chia sẻ sự thất vọng của mình với chúng. Chia sẻ các sai lầm thực sự là một công cụ cực kỳ mạnh mẽ.
Khi bạn quyết định không giấu diếm những sai lầm về tiền bạc của mình, điều đó sẽ giảm bớt áp lực để bạn trở nên hoàn hảo. Thay vào đó, nó tạo ra một cuộc đối thoại cởi mở, an toàn. Tôi sẽ cho bạn một ví dụ. Khi tôi từ văn phòng về nhà, nó thường là vào giờ ăn tối. Chúng tôi đi quanh bàn và hỏi, "Ngày hôm nay thế nào?" Nếu tôi nói, “Ồ, bố đã có một ngày tốt lành”, các con tôi có thể chỉ dành cho tôi một chút sự chú ý. Nhưng nếu tôi nói, “Các con biết không? Hôm nay bố thực sự làm hỏng việc”, đột nhiên tất cả chúng đều chăm chú. Chúng ngồi trên ghế và suy nghĩ, Bố sẽ nói gì đây? Bố nói bố đã làm hỏng chuyện? Chuyện này sẽ như thế nào?
Tôi gọi đây là sức mạnh của việc “làm hỏng việc”. Hầu hết mọi người bỏ lỡ nó. Khi - không phải nếu - bạn làm hỏng việc, bạn nên chia sẻ (nếu thích hợp) lỗi lầm đó với gia đình mình. Phần lớn cuộc đời chúng ta dành để tạo ra hào quang xung quanh mình về con người mà chúng ta muốn trở thành. Tôi nghĩ điều đó thật đáng buồn.
Cách đây nhiều năm, một người bạn tốt của tôi đã nói với tôi rằng: “Derrick, mọi người thích những người không hoàn hảo hơn”. Khi ông ấy nói vậy, tôi cảm thấy nhẹ nhõm. Hãy nghĩ về điều này: Khi bạn đến nhà một người bạn và thấy có vài chiếc đĩa trong bồn rửa, hoặc có thể là một chiếc gối không phồng hoàn hảo, bạn có cảm thấy như ở nhà nhiều hơn khi so với trường hợp bạn đến và bạn có cảm giác như ngôi nhà đã được dàn dựng bởi một nhân viên bất động sản không? Không có gì lạ khi bạn có thể thấy một vài chiếc tất bẩn nằm rải rác quanh nhà tôi. (Gia đình tôi vẫn còn những cậu bé tuổi teen.) Nghe có vẻ ngớ ngẩn nhưng những chiếc tất bẩn đó nhắc nhở tôi rằng tôi không cần phải giả vờ với con mình. Không sao cả nếu mọi thứ vẫn còn lộn xộn. Cũng không sao cả khi cho phép chúng biết được những sai lầm và thất bại của cha mẹ. Tôi coi đó là điểm mạnh chứ không phải điểm yếu. Đây là cuộc sống thực và đây là những bài học cuộc sống. Tôi không muốn ích kỷ khi không chia sẻ.
Khi bạn kể về những sai lầm của mình trước mặt con cái, chúng bắt đầu chú ý và tôn trọng sự thẳng thắn của bạn. Hãy tận dụng sức mạnh của việc chia sẻ về sai lầm và bắt đầu nói chuyện về tiền bạc cùng nhau.
Đoạn trích này được lấy từ “Cuộc cách mạng tiền tốt: Cách kiếm nhiều tiền hơn để làm nhiều việc tốt hơn” của Derrick Kinney.
Theo The Epoch Times
Bảo Nguyên biên dịch