Ngân hàng Thế giới: Khối nợ lớn đe dọa sẽ nhấn chìm các nền kinh tế đang phát triển

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các quan chức của Ngân hàng Thế giới cảnh báo khối nợ của các nước đang phát triển đã phình to với tốc độ nhanh hơn bất kỳ giai đoạn nào trong 50 năm qua, và có thể sụp đổ trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu mong manh hiện nay...

Một báo cáo của Ngân hàng Thế giới công bố gần đây nhấn mạnh sự gia tăng nợ tại các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển (EMDEs), mà các tác giả báo cáo gọi là “khối nợ lớn nhất, nhanh nhất và rộng nhất của EMDEs trong 50 năm qua”.

Nợ ở các quốc gia này đã đạt mức cao nhất mọi thời đại, chiếm tới 168% GDP, tương đương khoảng 55 nghìn tỷ USD, do chi phí vay cực kỳ thấp.

Những làn sóng nợ toàn cầu, nhìn vào bốn giai đoạn tăng trưởng nợ lớn kể từ năm 1970, cho thấy tỷ lệ nợ/GDP của EMDEs tăng 54 điểm phần trăm kể từ năm 2010, nhanh gấp gần ba lần so với khủng hoảng nợ Mỹ Latinh. Báo cáo cũng lưu ý rằng mức nợ ở các nước thu nhập thấp, một tập hợp con của EMDEs, đã tăng từ 48% GDP (khoảng 137 tỷ USD) lên 67% GDP (268 tỷ USD) chỉ trong vòng 9 năm trở lại đây.

Chủ tịch Ngân hàng Thế giới David Malpass cho biết trong một tuyên bố: "Quy mô, tốc độ và sự mở rộng của làn sóng nợ mới nhất sẽ ảnh hưởng đến tất cả chúng ta. Rõ ràng, đã đến lúc cần phải sửa chữa lại đường lối".

World Bank president at presser
Chủ tịch Ngân hàng Thế giới David Malpass trong một cuộc họp báo tại văn phòng Ngân hàng Thế giới ở New Delhi vào ngày 26/10/2019. (Sajjad Hussain/AFP/Getty Images)

Lịch sử sẽ lặp lại?

Báo cáo cảnh báo rằng làn sóng nợ khổng lồ, kết hợp với các yếu tố rủi ro khác, có thể khiến lịch sử lặp lại và "lên đến đỉnh điểm trong các cuộc khủng hoảng tài chính ở các nền kinh tế này".

Nghiên cứu cho biết: "Ngoài việc tích lũy nợ nhanh chóng, họ còn tích lũy các lỗ hổng khác, như thâm hụt tài khóa và tài khoản vãng lai ngày càng tăng và chuyển thành một cấu phần nợ rủi ro hơn. Do đó, mặc dù lãi suất thực tế đặc biệt thấp và triển vọng lãi suất tiếp tục thấp trong thời gian tới, làn sóng tích lũy nợ hiện nay có thể đi theo mô hình lịch sử và lên đến đỉnh điểm trong các cuộc khủng hoảng tài chính ở các nền kinh tế này”.

Nghiên cứu cũng lưu ý rằng các quốc gia đã trải qua các cuộc khủng hoảng liên quan đến nợ trong các giai đoạn tích lũy nợ trong quá khứ đều có điểm chung là: các chính sách kinh tế vĩ mô không bền vững kết hợp cùng với các điểm yếu về cấu trúc và thể chế.

Các tác giả viết: "Nhiều nền kinh tế trong số này có những điểm yếu nghiêm trọng trong khung chính sách tài chính và tiền tệ, bao gồm các vấn đề: thu ngân sách kém, trốn thuế trên diện rộng, chỉ số lương công và lương hưu, tài chính tiền tệ của thâm hụt ngân sách, và việc sử dụng năng lượng và trợ cấp lương thực bền vững. Ngoài ra, các quốc gia khủng hoảng thường vay bằng ngoại tệ và quản lý tỷ giá hối đoái của họ, trong khi quy định và giám sát của các ngân hàng và các tổ chức tài chính khác thường yếu kém".

Sự không chắc chắn về chính trị là một vấn đề nữa ở một số nước có thị trường mới nổi mà đang phải gánh chịu những khủng hoảng liên quan đến nợ trong quá khứ.

Bà Ceyla Pazarbasioglu - Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới phụ trách Tăng trưởng, Tài chính và Thể chế Công bằng cho biết: "Lịch sử cho thấy các khoản nợ lớn tăng lên thường trùng với các cuộc khủng hoảng tài chính ở các nước đang phát triển, với chi phí lớn cho dân chúng. Các nhà hoạch định chính sách nên hành động kịp thời để tăng cường tính bền vững của nợ và giảm các cú sốc kinh tế".

Đâu là lối thoát?

Người đứng đầu Ngân hàng Thế giới kêu gọi các nhà lãnh đạo của các quốc gia bị ảnh hưởng cần cải thiện cách thức quản lý nợ.

Ông Malpass nói: "Quản lý nợ và minh bạch thông tin cần phải là ưu tiên hàng đầu của các nhà hoạch định chính sách, chỉ có như vậy họ mới có thể thúc đẩy tăng trưởng và đầu tư, và đảm bảo rằng khoản nợ mà họ đảm nhận sẽ góp phần mang lại kết quả phát triển tốt hơn cho người dân".

Ngân hàng Thế giới cho biết, các lĩnh vực hành động bao gồm cải thiện việc thu thuế và siết chặt các quy tắc tài chính để quản lý chi tiêu.

Ông Malpass phát biểu trong báo cáo: "Mặc dù làn sóng nợ toàn cầu mới nhất rất lớn, nhưng dường như vẫn có thể giải quyết được. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo cần nhận ra sự nguy hiểm của nó và đưa các quốc gia vào vùng lãnh thổ an toàn hơn về chất lượng và số lượng đầu tư và nợ, càng sớm càng tốt".

Tuy các tác giả của nghiên cứu lưu ý rằng “không có giải pháp chính sách tức thời và hiệu quả nào” có thể ngăn chặn làn sóng nợ hiện tại khỏi sụp đổ một cách hủy diệt, nhưng họ đã xác định được bốn lĩnh vực cần cải thiện.

Những lĩnh vực này là: tăng cường quản lý nợ và minh bạch; tiền tệ, tỷ giá hối đoái và khung chính sách tài khóa mạnh mẽ hơn; chủ động điều tiết và giám sát ngành tài chính; và quản lý tài chính công hiệu quả, kết hợp với các khuôn khổ và chính sách phá sản hợp lý nhằm thúc đẩy quản trị doanh nghiệp tốt.

Ngân hàng Thế giới lưu ý rằng mặc dù hỗn hợp chính sách theo quy định nên phụ thuộc vào đặc thù của một quốc gia nhất định, nhưng “kinh nghiệm từ các đợt nợ trong quá khứ chỉ ra vai trò quan trọng của các lựa chọn chính sách trong việc xác định kết quả của các giai đoạn này”.

Thanh Hương (biên dịch)

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Ngân hàng Thế giới: Khối nợ lớn đe dọa sẽ nhấn chìm các nền kinh tế đang phát triển