Những thành tựu nổi bật trong một thập kỷ qua của nền kinh tế Mỹ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thập kỷ qua đã chứng kiến ​​nền kinh tế Mỹ trải qua một thời kỳ tăng trưởng bền vững lâu nhất từ trước tới nay - một thời kỳ mà làm giảm tỷ lệ thất nghiệp, làm gia tăng tài sản của hộ gia đình và thúc đẩy thị trường chứng khoán lên một mức cao lịch sử.

Các cột mốc đáng chú ý bao gồm sự hồi sinh của thị trường nhà đất sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, 110 tháng tăng việc làm không bị gián đoạn, và một tỷ lệ thất nghiệp gần mức thấp nhất trong nửa thế kỷ qua.

Số liệu tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong lịch sử của Cục Dự trữ Liên bang cho thấy hai giai đoạn mở rộng kinh tế tương đối dài trước khi trải qua thời kỳ suy thoái, đó là 1961-1970, và 1991-2001.

Bảng lịch sử cho thấy tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế tại Hoa Kỳ. (Cục phân tích kinh tế / Cục dự trữ liên bang)

Vào tháng 11, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell cho biết: “Đầu tiên, do sự mở rộng kinh tế này tiếp tục vào năm thứ 11 - dài nhất trong lịch sử Hoa Kỳ - nên điều kiện kinh tế nhìn chung là tốt. Thứ hai, những lợi ích của việc mở rộng lâu dài này hiện chỉ đến được với một số cộng đồng, và do đó còn có rất nhiều khoảng trống để xây dựng dựa trên những thành tựu ấn tượng đạt được cho đến nay”.

Tăng tài sản hộ gia đình

Tài sản của hộ gia đình - giá trị của nhà cửa, danh mục đầu tư chứng khoán và tài khoản ngân hàng, trừ đi nợ thế chấp và nợ thẻ tín dụng và các khoản vay khác - đã tăng vọt 81% trong thập kỷ qua. Tổng giá trị tài sản ròng của hộ gia đình đạt 107 nghìn tỷ đô la trong quý ba năm 2019 so với chỉ hơn 59 nghìn tỷ đô la một thập kỷ trước, số liệu từ Cục Dự trữ Liên bang cho thấy.

Tất cả các nhóm đã tăng sự giàu có của họ nhưng ở mức độ khác nhau. Xét về mức tăng phần trăm trong thập kỷ qua, tài sản của 1% những người giàu có nhất tăng 109%, tài sản của nhóm các hộ gia đình thuộc tầng lớp trung lưu và thượng lưu tăng khoảng 68%, trong khi tài sản của 50% hộ dân dưới cùng tăng 209%.

Về mặt tiền tệ, hơn một phần ba tổng số tiền kiếm được - khoảng 18 nghìn tỷ đô la - thuộc về 1% những người giàu có nhất. Các hộ gia đình thuộc tầng lớp trung lưu và thượng lưu đã kiếm được khoảng 28 nghìn tỷ đô la, chiếm khoảng 25% tổng tài sản. Nửa dưới của dân số chỉ kiếm được hơn 1 nghìn tỷ đô la, chiếm chưa đến 2% tổng mức tăng của cải.

Tăng trưởng việc làm

Giống như sự phân phối của cải tích lũy khác nhau giữa các nhóm khác nhau, cơ hội việc làm cũng tập trung ở một số nơi trên khắp nước Mỹ.

Từ năm 2010 đến 2017, 40% việc làm mới đã được tạo ra chỉ trong 20 thành phố; ở những nơi như Nashville và Portland, Oregon, số lượng việc làm mới vượt quá đáng kể so với số lượng dân số tương đối của các khu vực này.

Hơn thế nữa, một nhóm nhỏ hơn gồm năm thành phố - bốn thành phố ở Bờ Tây và một ở bờ Đông - đang gia tăng một cách hiệu quả các việc làm mới trong các ngành công nghiệp “sáng tạo” có vai trò chủ chốt cho thành công của nền kinh tế tương lai.

Thất nghiệp giảm

Số liệu việc làm mới nhất, được công bố vào ngày 6 tháng 12, cho thấy tỷ lệ thất nghiệp được điều chỉnh theo mùa cho tháng 11 năm 2019 ở mức 3,5%, so với 9,9% một thập kỷ trước.

Tỷ lệ thất nghiệp trong số những người da đen hoặc người Mỹ gốc Phi đạt mức thấp lịch sử vào năm 2019, giảm xuống còn 5,5% trong tháng 11 năm nay từ mức 15,7% cùng kỳ 10 năm trước.

Công việc mới tăng thêm ở nhiều ngành

Những gì người Mỹ làm để kiếm sống cũng đã thay đổi đáng kể trong 10 năm qua.

Nhiều ngành công nghiệp lạc hậu đã chứng kiến ​​sự tăng trưởng công việc rất thấp, như ngành sản xuất, hoặc sự suy giảm kéo dài, như các cửa hàng bách hóa.

Nhu cầu phát triển của một nền kinh tế ngày càng định hướng công nghệ đã thúc đẩy sự tăng trưởng nhanh chóng trong nhiều công việc về công nghệ thông tin, trong khi dân số già đang là nguyên nhân của sự gia tăng số lượng nhân viên y tế tại nhà. Việc thay đổi thói quen chi tiêu của người Mỹ - giờ đây họ ưu tiên việc trải nghiệm hơn là sở hữu vật chất - khiến cho những việc làm ở trung tâm thể hình trở nên phát triển nhanh nhất trong thập kỷ qua

Dự đoán việc làm trong tương lai

Cục Thống kê Lao động Hoa Kỳ (BLS) dự kiến ​​số lượng việc làm sẽ tăng thêm 8,4 triệu lên mức 169,4 triệu trong giai đoạn 2018-2028.

Các lĩnh vực dự kiến hàng năm ​​sẽ trải qua sự tăng trưởng việc làm nhanh nhất là chăm sóc sức khỏe và trợ giúp xã hội (1,6%), dịch vụ giáo dục tư nhân (1,2%) và xây dựng (1,1%), BLS cho biết trong một báo cáo phát hành tháng 9. Cơ quan này ước tính rằng chỉ riêng ba lĩnh vực này sẽ thêm hơn 4,6 triệu việc làm vào năm 2028.

Năm lĩnh vực được dự kiến ​​sẽ trải qua sự sụt giảm việc làm từ năm 2018 đến 2028: bán buôn, bán lẻ, dịch vụ công cộng, chính phủ liên bang và sản xuất.

Cơ quan này ước tính rằng thương mại bán lẻ sẽ giảm 0,1% mỗi năm, một phần do sự chuyển đổi sang thương mại điện tử. Xu hướng này dự báo sẽ làm biến mất 153.700 việc làm trong ngành bán lẻ.

Người lao động từ 65 tuổi trở lên đang ngày càng gia tăng trong lực lượng lao động, BLS nói.

“Tỷ lệ những người lao động này tham gia vào lực lượng lao động dự kiến ​​sẽ tăng lên 23,3% vào năm 2028”, cơ quan này lưu ý.

Xu hướng này rất giống với nhóm những người lao động từ 55 tuổi trở lên, một nhóm bao gồm những người sinh ra trong giai đoạn 1946-1964. Tỷ lệ tham gia lao động của nhóm này được dự báo sẽ tiếp tục tăng từ 23,1% lên 25,2% trong thập kỷ 2018-2028 tiếp theo, BLS cho biết.

Cơ quan này nói rằng họ dự kiến ​​GDP thực tế sẽ tăng trưởng ở mức 1,8% từ năm 2018 đến năm 2028, tương đương với tốc độ của thập kỷ trước.

Năng suất lao động dự kiến ​​sẽ tăng hơn một chút so với thập kỷ trước, ở mức 1,6% hàng năm. Tăng trưởng năng suất trong thập kỷ trước ở mức 1,3% mỗi năm.

BLS dự kiến ​​lực lượng lao động tổng thể sẽ tăng với tốc độ 0,5% hàng năm từ 2018 đến 2028, tương ứng với việc tăng từ 8,9 triệu trong thập kỷ vừa qua lên 171 triệu vào năm 2028. Đồng thời, tỷ lệ tham gia vào lực lượng lao động được dự báo là sẽ giảm xuống còn 61,2%, chủ yếu do tỷ lệ tham gia của nam giới giảm xuống từ 69,1% xuống còn 66,1%.

Thanh Hương (biên dịch)

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Những thành tựu nổi bật trong một thập kỷ qua của nền kinh tế Mỹ