Trực thăng quân đội Trung Quốc rơi tại Hồng Kông, hé lộ hòn đảo này vẫn bị “răn đe” trong đại dịch virus

Giúp NTDVN sửa lỗi

17h ngày 30/3/2020, Tập đoàn Điện lực CLP (Hồng Kông) đã nhận được hàng chục cuộc gọi khẩn cấp về sự cố sụt áp trên bán đảo Cửu Long. Một ngày sau, Cục An ninh Hồng Kông thông báo, một chiếc trực thăng của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đồn trú tại Hồng Kông đã bị rơi xuống khu vực Công viên Quốc gia Tai Lam. Bốn thành viên phi hành đoàn có khả năng đều tử nạn. Sự cố rơi máy bay đã hé lộ Bắc Kinh tiếp tục sử dụng “cơ bắp” để răn đe người Hồng Kông ngay cả trong đại dịch viêm phổi Vũ Hán…

Bí ẩn bao quanh vụ tai nạn máy bay của PLA

Một màn đen bao phủ quanh vụ tai nạn trực thăng của PLA đồn trú tại Hồng Kông khi nó bị rơi xuống khu vực rộng tới 5.370ha trong Công viên Quốc gia Tai Lam ở phía tây nam Hồng Kông. Văn phòng An ninh Hồng Kông ra thông cáo báo chí ngắn gọn rằng, họ nhận được tin chiếc trực thăng bị tai nạn khi đang hoạt động huấn luyện bay thông thường.

Đây là sự cố đầu tiên liên quan đến máy bay của PLA ở Hồng Kông kể từ khi đặc khu này được Anh chuyển giao cho Trung Quốc vào năm 1997, và cũng là đòn giáng nghiêm trọng nhất vào các hoạt động của quân đội Trung Quốc đóng tại vùng lãnh thổ này. Các nhà quan sát cho biết, PLA đang gấp rút khoanh vùng vị trí máy bay gặp nạn và tìm kiếm phi hành đoàn.

Không ai có thể biết chi tiết về vụ tai nạn này nếu PLA hoặc chính quyền Hồng Kông chọn cách che giấu nó. Quân đội Trung Quốc thường triển khai hai mẫu máy bay trực thăng là Z-9 (mô phỏng theo Eurocopter AS365 Dauphin của Pháp đã lỗi thời) và Z-8 (của Super Frelon cũng do Pháp sản xuất hiện đã “nghỉ hưu”). PLA sở hữu một trung đoàn trực thăng đặt tại căn cứ không quân Shek Kong, gần thị trấn Yuen Long ở phía bắc Hồng Kông.

Tin tức hé lộ, bốn thành viên phi hành đoàn có thể đã bị tử nạn. Ngoài ra, vụ tai nạn cũng khiến một vài trụ điện và một phần đường dây điện dọc theo tuyến đường cao thế 400kV bị phá hủy. Những tài sản này đều thuộc sở hữu của Tập đoàn Điện lực CLP (Hồng Kông).

Dù đã xảy ra các sự cố gián đoạn thang máy do sụt áp điện đột ngột trên toàn vùng lãnh thổ Hồng Kông, và một số tuyến tàu điện ngầm cũng bị ảnh hưởng, nhưng Tập đoàn Điện CLP cho biết đã không xảy ra sự cố mất điện vào thời điểm đó. Những hình ảnh trên MXH cho thấy hàng chục chiếc xe tải của PLA đỗ gần các trụ điện cao áp.

Mặc dù có sự hiện diện về quân sự tại Hương Cảng, nhưng Bắc Kinh đã từng hứa với nước Anh rằng, Hồng Kông sẽ được hưởng “một mức độ tự trị cao” theo nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ”. Quân đồn trú bị cấm can thiệp vào việc điều hành thành phố và ngoài việc được phép huấn luyện bên ngoài địa điểm, binh lính Trung Quốc chỉ được phép “loanh quanh” trong doanh trại của họ. Quân đội Trung Quốc đồn trú tại Hồng Kông phải thông báo trước cho chính quyền Hồng Kông về các hoạt động diễn tập.

Tuy nhiên, vụ rơi máy bay trực thăng hôm 30/3 vừa qua cho thấy, rất có khả năng Bắc Kinh phớt lờ chính quyền “đàn em” để tranh thủ giương oai diễu võ khi Hồng Kông đang phải đối phó với đại dịch. Nghị viên Đồ Cẩn Thân, thành viên Ủy ban về an ninh của Hội đồng Lập pháp Hồng Kông, cho rằng lực lượng quân đội Trung Quốc đồn trú cần thông báo ngay cho người dân về các tai nạn: “Nếu máy bay chở theo bom đạn hoặc các vật nguy hiểm khác, nhiều người sẽ bị ảnh hưởng nếu thông báo trễ”.

Các nhà quan sát cho rằng, vụ tai nạn máy bay xảy ra trong bối cảnh Bắc Kinh có thói quen phô trương cơ bắp thông qua các cuộc tập trận quy mô lớn nhằm răn đe người dân Hồng Kông mỗi khi nơi đây xảy ra các cuộc biểu tình, hoặc các cuộc tranh cãi chính trị “náo nhiệt”...

Trước đó, vào tháng 11/2019, người ta đã nhìn thấy một chiếc trực thăng Z-8 “lơ lửng” ẩn hiện giữa làn khói hơi cay trên khuôn viên trường Đại học Hồng Kông khi hắc cảnh bao vây các sinh viên biểu tình.

Bức ảnh cảnh sát Hồng Kông phóng hơi cay vào người biểu tình của Đại học Bách khoa vào sáng ngày 18 tháng 11 năm 2019 (Ảnh Epoch Times)

Và nay, Bắc Kinh tiếp tục thị uy bằng cuộc diễn tập quân sự trong bối cảnh tâm lý bài Trung Quốc đang dâng cao tại Hồng Kông khi đại dịch coronavirus lan rộng. Các phong trào dân chủ tại Hồng Kông đã có một hướng đi mới đối chọi lại với chính quyền Bắc Kinh: Đó là ngăn chặn không cho người Trung Quốc đại lục mang mầm bệnh qua Hồng Kông.

Thật không may, cuộc thị uy răn đe người Hồng Kông của ĐCSTQ đã kết thúc trong bi kịch.

Ranh giới đầy rủi ro

Xa xa nơi chân đồi vùng ngoại vi giáp ranh với Trung Quốc, một người lính đơn độc đứng gác tại trạm kiểm soát vắng bóng người - một điều hiếm thấy tại Lo Wu - một trong những cửa khẩu nhộn nhịp nhất Hồng Kông. Đằng sau người lính là những tòa nhà bê tông-kính chọc trời của thành phố Thâm Quyến. 9 cửa khẩu biên giới đã bị buộc phải đóng cửa trong nỗ lực ngăn chặn sự bùng phát của chủng coronavirus nguy hiểm chết người.

Cách tâm dịch Vũ Hán 570 dặm về phía Bắc, người dân Hồng Kông đã hành động cực kỳ chủ động. Sau nhiều tháng biểu tình phản đối đòi quyền tự do, dân chủ cùng sự thất vọng ngày càng dâng cao đối với chính quyền Hồng Kông thân Bắc Kinh, người dân xứ cảng đã có thêm “nhiên liệu” gia tăng sức ép với bà Trưởng Đặc khu Carrie Lam trong cuộc đấu tranh chống lại sức ảnh hưởng của ĐCSTQ.

Các thành viên liên minh, các nhà hoạt động dân chủ, và các chính trị gia ôn hòa đã hợp lực yêu cầu chính quyền Hồng Kông đóng cửa toàn bộ biên giới với Trung Quốc. Một liên đoàn lao động mới gồm khoảng gần 20.000 y tá và bác sĩ của các bệnh viện ở Hồng Kông lên tiếng đe dọa đình công nếu các quan chức chính quyền không đáp ứng yêu cầu đó.

Chính quyền Hồng Kông - trong những năm gần đây ngày càng thân thiết với Bắc Kinh - đã giữ vững lập trường từ chối đóng cửa biên giới với lý do là “không thực tế và phân biệt đối xử”. Bà Trưởng đặc khu Carrie Lam nói rằng, việc đóng cửa biên giới sẽ cản trở nguồn cung cấp hàng hóa vào Hồng Kông. Tuyên bố của bà đã gây hoang mang cho người tiêu dùng khi Hồng Kông đang lâm vào cảnh bị thiếu hụt gạo và giấy vệ sinh.

Hồng Kông đã và đang bị ảnh hưởng bởi làn sóng mua sắm hoảng loạn với các kệ hàng tiêu dùng thiết yếu trống trơn tại các siêu thị.
Hồng Kông đã và đang bị ảnh hưởng bởi làn sóng mua sắm hoảng loạn với các kệ hàng tiêu dùng thiết yếu trống trơn tại các siêu thị. (Ảnh: Getty)

Tuy vậy, dưới áp lực của công chúng, chính quyền Hồng Kông đã phải cho dừng các chuyến tàu và máy bay đến từ Vũ Hán, đóng cửa nhiều khu vực nhập cảnh biên giới, ngoại trừ ba trạm kiểm soát vẫn mở và áp dụng kiểm dịch 14 ngày bắt buộc đối với bất kỳ ai đến từ Hoa lục hoặc đi du lịch tại Trung Quốc. Vì vậy trên thực tế, Hồng Kông chưa bao giờ bị phong tỏa hoàn toàn.

Dù vậy, các biện pháp đóng cửa này cũng là chưa từng có tiền lệ trong lịch sử Hồng Kông, nhưng vẫn chưa đủ xoa dịu nỗi lo ngại của giới y khoa xứ cảng, rằng dịch bệnh truyền nhiễm sẽ vượt qua Hồng Kông và các bệnh nhân Trung Quốc sẽ ào sang mua tích trữ các mặt hàng vật tư y tế của họ.

Tại trung tâm tài chính hàng đầu châu Á này, nơi có hơn 400 trường hợp lây nhiễm đã được ghi nhận, sự lo lắng của người Hồng Kông không phải không có lý do bởi những ký ức kinh hoàng của Hội chứng hô hấp cấp tính (SARS, 2003) đã làm “chấn thương” thành phố khi dịch bệnh đã cướp đi sinh mạng của 229 người.

Với biên giới vẫn còn được mở một phần, những người Hồng Kông đã tự thực thi các “áp đặt” hạn chế của riêng họ. Một số nhà hàng từ chối phục vụ bất kỳ ai nói tiếng Quan thoại. Một số khách sạn yêu cầu khách từ đại lục phải xuất trình giấy chứng nhận sức khỏe…

Năm 2008, khi xảy ra vụ động đất ở Tứ Xuyên, người Hồng Kông là những mạnh thường quân, tình nguyện viên hào phóng và nhiệt tình nhất đến Trung Quốc giúp tái thiết vùng bị nạn.

Nhưng năm 2020, đông đảo người dân cùng giới chức Hồng Kông lại đình công, biểu tình đòi đóng cửa biên giới với Hoa lục, cho thấy tâm lý bài Trung Quốc là nguyện ý chung của đa số người Hồng Kông. Điều này cũng đặt ra thách thức to lớn cho chính quyền của bà Carrie Lam, vốn luôn đặt mối quan hệ gần gũi với chính quyền trung ương ở Bắc Kinh quan trọng hơn là quyền lợi của dân chúng.

Người Hồng Kông không phải người Trung Quốc

Chính mối quan hệ gần gũi giữa hai chính quyền đã làm trầm trọng thêm nỗi “sợ hãi” của các nhà hoạt động dân chủ Hồng Kông. Họ lo ngại rằng sớm muộn Hồng Kông sẽ trở thành một thành phố vệ tinh của Trung Quốc.

Sau khi Bắc Kinh nới lỏng các hạn chế về du lịch vào năm 2003, du khách đại lục đã tràn sang lấp đầy các phòng khách sạn, nhà hàng, trung tâm thương mại…, và mang lại một khoản ngoại tệ khổng lồ cho Hồng Kông, nhưng cũng bầm dập nền kinh tế này “tơi tả” vào năm 2003 vì đại dịch SARS.

Với số lượng khách đại lục gia tăng kỷ lục tới Hồng Kông, từ 7 triệu người (2002) lên đến 51 triệu người (2018), tăng gấp gần 7 lần dân số bản địa, đã làm đảo lộn cuộc sống kỷ cương nề nếp văn minh của người Hồng Kông, dẫn tới sự phẫn nộ ngày càng mãnh liệt trong lòng dân chúng xứ cảng.

Càng ngày, nền kinh tế Hồng Kông càng chú trọng đáp ứng nhu cầu của các “vị khách quý” đến từ Hoa lục - những người bị “buộc tội” gây ra đủ mọi thứ xấu xí, từ gây tắc nghẽn đường phố, ăn uống thô tục, khạc nhổ lung tung, văng tục chửi thề cho đến cả việc “tự nhiên” đại, tiểu tiện nơi công cộng.

Những người Trung Quốc đại lục ào sang theo diện du lịch sinh nở trong hơn 20 năm qua, đã tạo ra một môi trường cạnh tranh gay gắt trong các kỳ thi đại học tại Hồng Kông, và việc sử dụng tiếng Quan thoại ngày càng phổ biến cũng khiến người dân xứ cảng trở nên khó chịu. Dòng tiền đại lục cũng đổ vào thị trường bất động sản Hồng Kông đã đẩy giá nhà lên cao chót vót, kéo theo giá thành sinh hoạt ngày càng trở nên đắt đỏ.

Dòng tiền đại lục cũng đổ vào thị trường bất động sản Hồng Kông đã đẩy giá nhà lên cao chót vót.
Dòng tiền đại lục cũng đổ vào thị trường bất động sản Hồng Kông đã đẩy giá nhà lên cao chót vót. (Ảnh: Getty)

Bắc Kinh còn cố gắng thúc đẩy “hội nhập lãnh thổ” thông qua các dự án cơ sở hạ tầng lớn. Một tuyến đường sắt cao tốc kết nối trực tiếp Hồng Kông với 58 thành phố đại lục đã được khai trương vào năm 2018. Một cây cầu trị giá 18,8 tỷ đô la nối liền Hồng Kông với Macau và thành phố Chu Hải của Trung Quốc.

Những nỗ lực của Bắc Kinh còn nhằm đồng hóa văn hóa Hồng Kông, như lồng ghép các chương trình giáo dục lòng yêu nước của ĐCSTQ vào các trường học nhằm tẩy não học sinh, sinh viên Hồng Kông. Tất cả những “sáng kiến” ​​đó của chính quyền Bắc Kinh chỉ càng tiếp thêm “năng lượng” thúc đẩy người dân xuống đường biểu tình ủng hộ dân chủ, và dần biến thành một trận chiến ý thức hệ rộng lớn đòi các quyền tự do, và xa hơn nữa là mục tiêu giữ gìn bản sắc đặc biệt của Hồng Kông.

Người dân Hồng Kông hơn ai hết hiểu rất rõ bản chất tà ác của ĐCSTQ. Suốt mùa hè “bão lửa” cho đến mùa thu “nghiệt ngã” của năm 2019, các cuộc biểu tình bền bỉ của người dân xứ cảng chưa bao giờ ngơi nghỉ bất chấp sự đàn áp dã man của hắc cảnh Hồng Kông và sự đe dọa của Bắc Kinh. Tất cả đều toát lên một ý chí: Người Hồng Kông không chấp nhận sự lãnh đạo của ĐCSTQ.

Đại dịch virus corona Vũ Hán chỉ là kích hoạt mới cho tinh thần dân tộc tự chủ của người Hồng Kông. Nhiều người Hồng Kông tỏ ra hài lòng và thoải mái hơn khi những người nói tiếng Quan Thoại bị cấm vào các nhà hàng trong khu mua sắm và giải trí nhộn nhịp ở Tsim Sha Tsui trong mùa dịch.

Những tờ ghi chú bằng tiếng Quảng Đông nhắc nhở thực khách đồng hương giữ gìn sức khỏe trong đại dịch virus, còn mọi người thì kiên nhẫn xếp hàng chờ đợi thức ăn được phục vụ tại bàn ăn trong bầu không khí thanh bình, khiến người Hồng Kông hoài niệm một thời vàng son trước khi “bị” trao trả về cho “đất mẹ” Trung Quốc.

Virus Trung Quốc đã đem nguy hiểm tới cho Hồng Kông, nhưng cũng “cung cấp” một phương tiện khác để người Hồng Kông phân biệt họ với người Trung Quốc đại lục…

Vì sao Hồng Kông kiểm soát rất tốt dịch bệnh?

Khi một loại virus bí ẩn “bay” từ Vũ Hán theo hướng bắc “tấn công” Hồng Kông, người dân nơi đây đã hành động rất quyết liệt theo bản năng. Họ che mặt bằng những chiếc khẩu trang tự chế và bôi thuốc khử trùng, họ tuân thủ ở trong nhà ngay cả trước khi chính phủ ra lệnh đóng cửa các trường học và văn phòng làm việc.

Thói quen giữ gìn vệ sinh của người Hồng Kông đã được nuôi dưỡng cả trước và trong bi kịch SARS. Với mật độ dân số đông, lại thường di chuyển trên các phương tiện giao thông công cộng đông đúc, nhiều cư dân Hồng Kông cho biết họ không bao giờ từ bỏ thói quen thận trọng và giữ gìn vệ sinh.

Vào mỗi buổi sáng, trong suốt nhiều năm một cư dân điển hình của Hồng Kông như Sven Johannsen vẫn thường đeo khẩu trang N95 khi di chuyển qua 4 trạm tàu điện ngầm để đến công sở. Anh “gọi” thang máy bằng cú chạm khuỷu tay, tránh tối đa tiếp xúc với các tay nắm lan can lên xuống, và xịt chất khử trùng vào tay sau mỗi lần tiếp xúc.

Với mật độ dân số đông, lại thường di chuyển trên các phương tiện giao thông công cộng đông đúc, nhiều cư dân Hồng Kông cho biết họ không bao giờ từ bỏ thói quen thận trọng và giữ gìn vệ sinh.
Với mật độ dân số đông, lại thường di chuyển trên các phương tiện giao thông công cộng đông đúc, nhiều cư dân Hồng Kông cho biết họ không bao giờ từ bỏ thói quen thận trọng và giữ gìn vệ sinh. (Ảnh: Getty)

Khi virus Trung Quốc “mon men” vào Hồng Kông, người dân xứ cảng đã không chần chừ đeo khẩu trang mọi lúc mọi nơi. Họ được dạy dỗ từ nhỏ và đề cao ý thức tự giác như vậy để bảo vệ sức khỏe cộng đồng cho mỗi lần sụt sịt và ho hắng.

Khi dịch bệnh bắt đầu bùng nổ, nguồn khẩu trang y tế của Hồng Kông đã nhanh chóng bị cạn kiệt. Trung Quốc - nhà sản xuất khẩu trang hàng đầu thế giới - nhưng chưa một lần chuyển lô hàng nào tới “chi viện” cho vùng lãnh thổ Hồng Kông. Tại một thời điểm, bà trưởng đặc khu Carrie Lam đã kêu gọi các quan chức chính phủ không đeo khẩu trang để tiết kiệm vật tư y tế - một “mệnh lệnh” mà một số bác sĩ lo ngại sẽ khiến dân chúng sợ hãi.

Khi chính quyền và ngành công nghiệp tư nhân không cung cấp đủ khẩu trang, người Hồng Kông đã chủ động nhập khẩu hoặc tự may lấy. Khi giá khẩu trang tăng lên - gần 40 đôla cho một hộp 50 chiếc - và người dân không tìm thấy nguồn cung trên Amazon, một vài cá nhân táo bạo đã đề xuất thiết lập các trung tâm sản xuất và đóng gói khẩu trang.

Nhiều gia đình Hồng Kông từng có nghề may mặc nay quay sang ủng hộ sản xuất khẩu trang, và đem tặng cho những người thiếu thốn. Họ dùng khẩu trang tự may lấy, xịt cồn sát trùng lên lớp ngoài và để dành khẩu trang dùng một lần cho các nhân viên y tế và bệnh nhân, vốn đang thiếu thốn đồ bảo hộ. Sự tiết kiệm và ý thức trách nhiệm cộng đồng của người dân Hồng Kông đã mang lại nhiều ích lợi.

Trong khi coronavirus đang hoành hành dữ dội tại các nước châu Á, châu Âu và Mỹ và mặc dù có chung đường biên giới với Trung Quốc, đồng thời nằm sát kề tâm dịch Vũ Hán, Hồng Kông dường như ngăn chặn dịch bệnh rất hiệu quả ngay từ đầu tháng 3: Trong số hơn 400 ca nhiễm trước đó, số ca nhiễm mới gần như không tăng và chỉ có 4 trường hợp tử vong.

Ngay từ tháng 1, khi thông tin về một chủng coronavirus mới được coi giống SARS 2.0 của Hồng Kông, các nhân viên y tế thành phố đã không cho phép điều đó xảy ra lần nữa: “Chúng ta không được để lịch sử lặp lại. Mục tiêu của chúng tôi là bảo vệ tất cả người dân”, Alfred Wong, một bác sĩ tim mạch cho biết.

Tuy nhiên sau một vài tuần “nghe ngóng” tình hình dịch bệnh tại Vũ Hán, các nhân viên y tế Hồng Kông bắt đầu nghĩ rằng có thể dịch bệnh sẽ không tệ hại như họ lo sợ. “Nhưng người dân Hồng Kông thì vẫn cực kỳ cảnh giác. Về cơ bản, họ rất sợ”, bác sĩ Wong nói.

Trong khi cách xử lý khủng hoảng của chính quyền Hồng Kông thường thiếu chủ động, chậm chạp và ít hiệu quả thì “chiến thuật” chặn dịch của Hồng Kông đã trở thành một mô hình để nhiều quốc gia học hỏi. Theo các bác sĩ và các nhà dịch tễ học, điều làm nên sự khác biệt ấy chính là các công dân Hồng Kông.

Chính sự đề cao ý thức trách nhiệm công dân, đề cao tính kỷ luật cùng sự đồng thuận trong công chúng đã giúp người dân Hồng Kông vượt qua khó khăn trong đại dịch. Các công dân Hồng Kông đã chủ động làm hầu hết các công việc.

Các bác sĩ và nhà khoa học ở Hồng Kông cho biết họ không ngạc nhiên nếu có sự gia tăng đột biến các trường hợp lây nhiễm. “Đại dịch sẽ bùng phát theo từng đợt”, Keiji Fukuda, giáo sư y khoa tại Đại học Hồng Kông cho biết, “Đây sẽ là một tình huống khó khăn trong vài tháng tới. Tôi không nghĩ bất kỳ ai trong chúng ta tin rằng điều này sẽ giải quyết trong sáu tuần hoặc hai tháng tới. Hồng Kông sẽ bị ảnh hưởng bởi những gì đang diễn ra ở các khu vực khác và các quốc gia khác”.

Ngay cả khi một số các quốc gia khác cân nhắc đến việc chấm dứt nhanh chóng những hạn chế mạnh mẽ đối với đời sống công dân, thông điệp của người dân Hồng Kông rất rõ ràng: Cần sự kiên trì nghiêm túc để kiểm soát virus. Đây là minh chứng cho thấy nỗ lực phi thường của mỗi người trong số họ.

Benjamin Cowling, một nhà dịch tễ học tại Đại học Hồng Kông cho biết, chính phủ Hồng Kông đã không hành động đủ nhanh khi có tin tức về virus mới ở Vũ Hán. Nhưng chính ý thức và nỗ lực của người dân Hồng Kông như tự cách ly, cô lập người bệnh tại nhà, theo dõi và cách ly những người tiếp xúc với người bệnh, chọn biện pháp làm việc tại nhà… đã góp phần cắt giảm “cơn thịnh nộ” của virus Trung Quốc.

Bác sĩ Keiji Fukuda, người đã dành phần lớn sự nghiệp của mình để điều tra các dịch cúm và phát triển các phác đồ ứng phó cho CDC và WHO cho biết, ông rất ấn tượng với nỗ lực kiểm soát dịch viêm phổi Vũ Hán tại Hồng Kông: “Tôi rất ngưỡng mộ cách người dân ở đây ứng phó với dịch bệnh. Ở các nơi trên thế giới, kể cả Mỹ, nhiều người vẫn không tin rằng có vấn đề. Người dân Hồng Kông ngay lập tức nắm bắt được tác động, đã tạo ra một sự khác biệt lớn kể từ “bài học” SARS năm 2003. Đó là bài học mà nhiều quốc gia chưa học được”.

Xuân Trường



BÀI CHỌN LỌC

Trực thăng quân đội Trung Quốc rơi tại Hồng Kông, hé lộ hòn đảo này vẫn bị “răn đe” trong đại dịch virus