Trung Quốc đang mất đi Hoa Kỳ (Phần 3): ĐCSTQ lật lọng, Hoa Kỳ trừng phạt Huawei

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Trung đang đối mặt với sự tách rời toàn diện, các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Huawei cũng ngày càng khắt khe hơn. Tháng 5/2020, Hoa Kỳ lại ban hành lệnh cấm đối với Huawei. Lệnh cấm mới quy định rằng bất kỳ công ty nước ngoài nào sử dụng công nghệ và thiết bị của Mỹ để sản xuất chip đều phải có giấy phép của Bộ Thương mại Hoa Kỳ nếu muốn sản xuất chip cho Huawei. Động thái này đã siết chặt không gian sống của Huawei.

Xem lại: Phần 1, Phần 2

Tháng 5/2019, trong một cơn thịnh nộ bắt nguồn từ việc ĐCSTQ lật lọng trong các cuộc đàm phán thương mại, Hoa Kỳ bắt đầu trừng phạt Huawei. Ít ai biết được rằng vào tháng 4/2019, 6 vị ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã bất đồng ý kiến về việc có nên ký thỏa thuận thương mại với Hoa Kỳ hay không. Cuối cùng ông Tập đã đi nước cờ sai, quyết định cứng rắn với Hoa Kỳ, nhưng kéo theo đó là số phận của Huawei cũng bị ảnh hưởng.

Trên thực tế, từ cuối năm 2018, Hoa Kỳ đã từng ôm hy vọng sẽ đạt được thỏa thuận thương mại quy mô lớn với ĐCSTQ.

Trước cuộc gặp Trump - Tập, ông Tập đã thỉnh giáo ông Shinzo Abe cách đối phó với ông Trump

Vào ngày 18/9/2018, Tổng thống Mỹ Trump tuyên bố tăng thêm 10% thuế đối với 200 tỷ USD các sản phẩm của Trung Quốc, và sẽ được thực hiện từ ngày 24/9. Đến ngày 1/1/2019, mức thuế đã tăng lên đến 25%. Sau đó, ĐCSTQ tuyên bố sẽ áp dụng mức thuế lên tới 10% đối với khoảng 60 tỷ đô-la hàng hóa từ Hoa Kỳ. Đây cũng là vòng thuế quan thứ hai mà Hoa Kỳ áp đặt đối với hàng hóa Trung Quốc.

Trong bầu không khí căng thẳng này, vào ngày 1/12/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch ĐCSTQ Tập Cận Bình đã gặp nhau tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Buenos Aires, Argentina. Một ngày trước cuộc họp, là ngày 30/11 theo giờ địa phương, ông Tập đã tổ chức một cuộc họp với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Trong cuộc họp, ông Tập Cận Bình đã hỏi ông Abe về kỹ năng đối phó với ông Trump.

Một phóng viên của The Wall Street Journal chỉ ra rằng, ông Tập Cận Bình muốn thử sao chép cách mà nhà lãnh đạo Nhật Bản đã thiết lập mối quan hệ thân thiết với Tổng thống Trump, ông Tập đang tìm kiếm manh mối về những gì ông có thể làm. Lần này, ông Tập Cận Bình đã hỏi về kinh nghiệm của ông Abe khi chơi golf cùng ông Trump.

"Vậy ngài và Tổng thống Trump đã đánh bao nhiêu lỗ golf?”, ông Tập hỏi: "Ai trong số hai người đã chơi tốt hơn?".

"Tôi không muốn tiết lộ thông tin này", Thủ tướng Abe trả lời với một nụ cười. "Nhưng Tổng thống Trump chơi tốt hơn tôi".

‘Tình bạn’ thực chất của Trump - Tập

Vào ngày 1/12/2018, Tổng thống Mỹ Trump và Tổng Bí thư ĐCSTQ Tập Cận Bình đã tổ chức một cuộc gặp song phương bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20.

Hôm 3/12, Cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro đã tiết lộ với Đài National Public Radio (NPR) của Mỹ một số chi tiết của "Cuộc gặp Trump - Tập" sau hội nghị G20, nói rằng Hoa Kỳ không đưa ra bất kỳ nhượng bộ nào, và chỉ cho ĐCSTQ thời hạn 90 ngày để họ làm những gì họ nên làm trong 20 năm qua.

Ông Navarro nói rằng hai bên đã thảo luận về toàn bộ vấn đề mang tính cơ cấu. Lúc đầu, ông Tập Cận Bình là người nói chuyện chủ yếu. Ông Tập là người duy nhất nói chuyện trong 30 phút đầu tiên. Ông đã đưa ra các cam kết về việc tăng cường mua hàng hóa của Hoa Kỳ, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và cưỡng chế chuyển giao công nghệ.

Ông Larry Kudlow, Cố vấn Kinh tế của Nhà Trắng, tiết lộ rằng trong Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Argentina, ông Lưu Hạc - Phó Thủ tướng Trung Quốc nói với các quan chức Mỹ rằng Bắc Kinh sẽ có hành động ngay lập tức đối với cam kết mới nhất, các phương sách thương mại sẽ có trị giá hơn 1 nghìn tỷ đô-la. Ông Kudlow nhấn mạnh vào cụm từ "ngay lập tức" mà ông Lưu Hạc nói. Ông nói rằng lần này họ không thể kéo dài, không thể trì hoãn, không thể gây trở ngại nữa. "Trung Quốc và Hoa Kỳ đã gần đạt được một số thỏa thuận về hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ, ngay cả khi các công ty Mỹ buộc phải chuyển giao công nghệ thì hai nước cũng đã tiến rất gần đến một số thỏa thuận”.

Theo một phóng viên của The Wall Street Journal, ông Trump đánh giá cao những phát biểu thẳng thắn của ông Tập Cận Bình, ngay cả cố vấn diều hâu nhất của ông (ông Navarro) cũng nghĩ như vậy.

"Với phong cách điển hình của mình, Trump đã nói với các trợ lý của mình sau bữa tối ngày hôm đó rằng ông không có lựa chọn nào khác ngoài việc tạm thời đình chỉ tăng thuế quan. Trump nói rằng khi ông Tập Cận Bình đến cầu xin, tôi phải cho ông ấy một cơ hội để đạt được thỏa thuận (When Xi comes begging, I have to give him a chance for a deal)".

Nội bộ lãnh đạo ĐCSTQ bất đồng ý kiến, Tập quyết định tạm hoãn ký hiệp ước với Mỹ

Cuộc gặp Trump - Tập năm đó còn có một sự kiện bất ngờ khác.

Vào ngày 1/12/2018, bà Mạnh Vãn Châu - con gái đầu của người sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi đã bị cảnh sát ở Canada bắt giữ. Có nguồn tin bên phía Trung Quốc tiết lộ với tờ Financial Times của Anh rằng, vào thời điểm cuối cùng của cuộc gặp Trump - Tập, Trung Quốc đã biết về vụ bắt giữ Mạnh Vãn Châu, nhưng vì ông Tập Cận Bình rất muốn đạt được thỏa thuận đình chiến với Mỹ, vì vậy ông quyết định nhẫn nhịn không đề cập chuyện đó để tránh thêm phiền phức.

Vụ việc này cũng làm quan hệ Mỹ - Trung xấu đi. Dưới sự tuyên truyền thêm dầu vào lửa của ĐCSTQ, tinh thần chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc đại lục lại tăng cao. Cùng lúc đó, từ cuối tháng 1 đến ngày 5/4/2019, Hoa Kỳ và ĐCSTQ đã tổ chức vòng đàm phán thứ 5 đến vòng thứ 9 kể từ sau chiến tranh thương mại.

Ông Robert Lighthizer - Đại diện Thương mại Hoa Kỳ và ông Lưu Hạc - Phó Thủ tướng Trung Quốc cuối cùng đã đàm phán được một thỏa thuận thương mại dự thảo. Bản dự thảo này bao gồm cam kết của ĐCSTQ về việc sửa đổi luật để giải quyết các mối quan tâm lớn của Hoa Kỳ, đó là hành vi trộm cắp quyền sở hữu trí tuệ và bí mật thương mại, cưỡng chế chuyển giao công nghệ, chính sách cạnh tranh, tiếp cận dịch vụ tài chính và thao túng tiền tệ, v.v.

Cuốn sách "Superpower Showdown" (Được viết bởi 2 phóng viên của The Wall Street Journal; tạm dịch là “Trận đấu giữa các siêu cường quốc") viết rằng, ông Tập Cận Bình đã tổ chức một cuộc họp tại Trung Nam Hải vào cuối tháng 4/2019 để ban lãnh đạo đảng xét duyệt kết quả đàm phán thương mại (dự thảo thỏa thuận). Tuy nhiên, tín hiệu kháng cự quyết liệt mà họ gửi đi vượt quá dự liệu của bất kỳ quan chức Mỹ nào.

Ba trong số 6 thành viên của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ đã ngay lập tức lên tiếng phản đối thỏa thuận này. Họ chỉ chấp nhận trừ khi Trung Quốc có thể có được cam kết chắc chắn từ Hoa Kỳ rằng 250 tỷ đô-la hàng xuất khẩu đã bị áp thuế bổ sung của Trung Quốc sẽ được miễn trừ.

Ông Lật Chiến Thư (Li Zhanshu), Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc, phản đối mạnh mẽ yêu cầu của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc (ĐCSTQ) rằng phải thay đổi luật theo thuế quan hoặc trong một khoảng thời gian được chỉ định. Ông Lật cho rằng Trung Quốc là một quốc gia có chủ quyền, và không có quốc gia nào có quyền nói với Trung Quốc (ĐCSTQ) luật nào cần phải sửa đổi.

Ông Vương Hỗ Ninh (Wang Huning) - Bí thư thứ nhất Ban Bí thư ĐCSTQ, người chịu trách nhiệm quản lý về hệ tư tưởng, cũng kiên quyết phản đối. Ông Vương cho rằng, rất nhiều người Trung Quốc sẽ coi thỏa thuận này là một hiệp ước bán nước, giống như các hiệp ước bất bình đẳng vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20.

Trong số các thành viên Ủy ban Thường vụ đưa ra ý kiến phản đối, người khiến mọi người bất ngờ nhất là ông Hàn Chính (Han Zheng) - Phó Thủ tướng Quốc vụ viện. Ông Hàn Chính đã ở Thượng Hải nhiều năm, và thành phố này dung hợp cả văn hóa phương Đông và phương Tây. Các doanh nhân Mỹ đều cho rằng ông Hàn là một đồng minh ủng hộ cho các vụ đầu tư ở nước ngoài. Nhưng ông Hàn Chính cũng cho rằng thỏa thuận này quá nghiêng về một phía.

Ba vị còn lại là Lý Khắc Cường, Triệu Lạc Tế và Uông Dương không phản ứng mạnh mẽ. Họ cũng có mối lo ngại như 3 vị kia, nhưng về cơ bản họ ủng hộ việc đạt được một thỏa thuận với Hoa Kỳ.

Tuy có 3 thành viên đồng ý với bản thỏa thuận trên, nhưng với tư cách là một người theo chủ nghĩa dân tộc mạnh mẽ, ông Tập cho rằng ĐCSTQ cần có lập trường cứng rắn hơn trong các cuộc đàm phán. Ông Tập cũng giống như Mỹ, đều đã đưa ra phán đoán sai lầm.

Theo ông Tập nhìn nhận, thời gian thuộc về phía Trung Quốc và rằng những nhận xét cứng rắn của Trump đang che đậy những lo lắng của Trump về nền kinh tế Mỹ. Ông Trump đã liên tục thúc giục Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell giảm lãi suất, vì vậy ông Tập cho rằng, khả năng duy nhất là nền kinh tế Mỹ đang chậm lại nhanh chóng.

Mặt khác, ông Tập cũng tin rằng nền kinh tế Trung Quốc đã ổn định và ĐCSTQ có thể bắt đầu tin tưởng vào các đồng minh trong cuộc chiến thương mại. Tại Hội nghị Sáng kiến ​​”Một vành đai, một con đường” được tổ chức tại Bắc Kinh vào tháng 4 năm đó (2019), 40 nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ vẫn tham dự Hội nghị bất chấp sự tẩy chay của Hoa Kỳ.

Ông Tập Cận Bình đã chỉ thị cho ông Lưu Hạc - người đàm phán đại diện phải cứng rắn hơn đối với Hoa Kỳ.

Phiên bản sửa đổi của bản thỏa thuận do Bắc Kinh gửi đến bị “nhuốm đỏ"

Vào đêm 3/5/2019, Washington bất ngờ nhận được một bức điện tín ngoại giao từ ĐCSTQ. Bức điện báo đã sửa đổi một cách có hệ thống bản dự thảo hiệp định thương mại. Bản dự thảo dài gần 150 trang này đã làm cho các cuộc đàm phán Mỹ - Trung vài tháng qua biến thành vô giá trị.

Tờ The New York Times đưa tin, ông Christopher K. Johnson, cựu chuyên gia phân tích cao cấp về các vấn đề Trung Quốc của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), nói rằng phiên bản sửa đổi do Bắc Kinh gửi tới đã được "nhuốm đỏ".

Tổng thống Trump rất không hài lòng với cách ĐCSTQ xé nát các cam kết của chính họ. Vào đầu giờ chiều ngày 6/5, ông tuyên bố nâng mức thuế đối với 200 tỷ đô-la Mỹ hàng hóa Trung Quốc từ 10% lên 25%, và bắt đầu có hiệu lực vào ngày 11/5; ngoài ra Mỹ cũng khởi động chương trình tăng thuế đối với số hàng hóa Trung Quốc trị giá 300 tỷ đô-la Mỹ còn lại.

Vào ngày 13/5, ĐCSTQ cũng tuyên bố tăng thuế đối với hàng hóa của Hoa Kỳ.

Chương trình Xinwen Lianbo của CCTV hiếm khi sử dụng thuật ngữ "chiến tranh thương mại", nhưng trong buổi phát sóng lúc 7h tối hôm đó, họ nói rằng "Trung Quốc đã sẵn sàng ứng phó toàn diện với cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ".

Sau đó, các kênh truyền thông - cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ do ông Vương Hỗ Ninh đứng đầu bắt đầu đổi trắng thay đen, tập trung chỉ trích lập trường của Hoa Kỳ là "thụt lùi". Hầu như ngày nào Tân Hoa XãNhân dân Nhật báo cũng có một hoặc một số bài viết phê phán Hoa Kỳ.

Đồng thời, các kênh truyền thông này cũng liên tục chỉ trích "phái đầu hàng" (ý chỉ 3 vị Thường ủy đồng ý thỏa thuận với Mỹ) trong đảng. Ngày 6/6, tờ Quang minh Nhật báo đã xuất bản một bài viết với tiêu đề "Đàm luận về ‘tôn sùng nước Mỹ, nịnh hót nước Mỹ, e sợ nước Mỹ'". Ngày 7/6, Tân Hoa Xã có bài "Nghĩ gì nói nấy: Hãy để ‘phái đầu hàng' biến thành lũ chuột băng sang đường";

Ngày 11/6, Nhân dân Nhật báo đăng bài "Vứt bỏ tâm thái ‘e sợ nước Mỹ, tôn sùng nước Mỹ'". Ngày 26/6, XinhuaNet xuất bản bài báo "Cảnh giác với những kẻ ‘ném lựu đạn về sân nhà'”.

ĐCSTQ lật lọng, Trump chế tài Huawei

Sau khi đại dịch viêm phổi Vũ Hán lan ra toàn thế giới, dự án "Một vành đai, một con đường" của ĐCSTQ gần như hạ cờ rút quân. Rất nhiều các “nước đồng minh" đã bắt đầu bất hòa với ĐCSTQ. Thế cục ngày nay trái ngược hoàn toàn với những gì ông Tập đánh giá vào thời điểm đó.

Việc ĐCSTQ làm trái lời hứa trong cuộc đàm phán cũng khiến ông Trump tức giận, cùng với đó là tạo ra một hậu quả quan trọng khác mà ĐCSTQ không thể lường trước được, đó là Tổng thống Trump bắt đầu trừng phạt Huawei.

Trong những năm gần đây, chính phủ Hoa Kỳ đã công khai nghi ngờ rằng Huawei có liên quan đến quân đội Trung Quốc, ĐCSTQ có thể sử dụng thiết bị Huawei để theo dõi các khách hàng của công ty này trên toàn thế giới, nhưng Huawei phủ nhận điều này. Mỹ cũng cáo buộc Huawei vi phạm luật chế tài của họ vì công ty này đã vận chuyển các sản phẩm có chứa linh kiện do Mỹ sản xuất cho Iran.

Theo kiến nghị của Cố vấn An ninh Quốc gia lúc đó là ông John Bolton, chính phủ Hoa Kỳ đã đạt được sự đồng thuận về các biện pháp trừng phạt đối với Huawei. Vào ngày 16/5 năm đó, Tổng thống Trump đã ký một lệnh hành pháp tuyên bố tình trạng khẩn cấp của quốc gia, cho phép Hoa Kỳ cấm các công ty thuộc sở hữu hoặc kiểm soát của "đối thủ nước ngoài" cung cấp thiết bị và dịch vụ viễn thông cho Mỹ. Bộ Thương mại Hoa Kỳ tuyên bố rằng Huawei và 70 công ty con của họ sẽ được đưa vào Danh sách Thực thể bị kiểm soát xuất khẩu, và ra lệnh cho các công ty Hoa Kỳ không được phép bán sản phẩm và công nghệ cho Huawei nếu chưa được phê chuẩn.

Đây cũng là một trong những dấu hiệu cho thấy tranh chấp Mỹ - Trung đang hết sức gay cấn.

Việc chính quyền Tổng thống Trump thay đổi lập trường về Huawei có khả năng xuất phát từ chuyến đi tới Bắc Kinh năm 2017 của một Chuẩn tướng Không quân Hoa Kỳ đã giải ngũ.

Tháng 1 năm nay, ông Robert Spalding, cựu Giám đốc phụ trách hoạch định chiến lược tại Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ và là Chuẩn tướng Không quân đã giải ngũ, đã đến Đài Loan. Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Business Today, ông đã nói về những điều bản thân mắt thấy tai nghe khi ông được cử đến Đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh đảm nhiệm chức Tùy viên Quân sự vào năm 2017.

Ông nhớ lại rằng sau khi đến Bắc Kinh, ông đã mời một giáo viên Trung Quốc dạy tiếng Trung cho ông. Ông còn dùng một chiếc điện thoại khác để tải xuống tất cả các phần mềm ứng dụng của đại lục như Tencent, WeChat, Baidu, v.v. Sau đó ông phát hiện rằng chính phủ Trung Quốc đã thông qua các phần mềm này nắm được rất nhiều tư liệu của ông.

"Bạn không cần rút điện thoại di động ra khi bạn bước vào nhà hàng, vì camera giám sát sẽ nhận ra danh tính của bạn, nhân viên bán hàng có thể gọi chính xác tên của bạn và phục vụ thức ăn cho bạn. Bạn hoàn toàn không cần động vào điện thoại di động của mình".

Kinh nghiệm sinh sống ở Bắc Kinh đã khiến Chuẩn tướng Không quân Hoa Kỳ nhận ra cách mà chính quyền chuyên chế có thể lợi dụng công nghệ để kiểm soát xã hội và người dân, đặc biệt là "mặt tối" của công nghệ 5G cũng để lại cho ông ấn tượng rất sâu sắc.

Vào tháng 5/2017, ông Spalding đã được điều về Washington để đảm nhận vị trí Giám đốc hoạch định chiến lược cho Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng. Sau đó, ông thường thảo luận về mối đe dọa của ĐCSTQ đối với Hoa Kỳ. Ông cũng là người có sức ảnh hưởng đáng kể đến những quan chức ra quyết sách của Nhà Trắng.

Trong báo cáo chiến lược an ninh quốc gia đầu tiên sau khi nhậm chức vào tháng 12/2017, Tổng thống Trump đã thêm đoạn sau vào sách lược đối với 5G: "Chúng tôi sẽ cải thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật số tại Hoa Kỳ và triển khai một mạng lưới 5G an toàn cho quốc gia".

Tiếp theo: Phần 4

Đông Phương
Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc đang mất đi Hoa Kỳ (Phần 3): ĐCSTQ lật lọng, Hoa Kỳ trừng phạt Huawei