Virus Trung Quốc đã không còn “sợ” Bắc Triều Tiên nữa...

Giúp NTDVN sửa lỗi

Gần ba tháng qua, dù virus corona chủng mới càn quét bất cứ chướng ngại nào “ngáng trở” trên con đường lây lan của nó, từ siêu cường cho đến các tiểu quốc, nhưng nó dường như có phần “kiêng dè” Bắc Triều Tiên - khi quốc gia bí ẩn nhất thế giới này tuyên bố chưa có trường hợp nhiễm virus Trung Quốc.

Tuy nhiên, đất nước có chung đường biên giới dài 1.450 km với Trung Quốc đã phải đón nhận tin dữ khi virus Trung Quốc đã có mặt trong quân đội Bắc Triều Tiên và “hạ gục” 180 binh sĩ…

Độc tài hay Dân chủ?

Lịch sử cho thấy, các quốc gia có nền dân chủ và tự do ngôn luận thường có các biện pháp ngăn chặn và điều trị dịch bệnh tốt hơn các chế độ độc tài. "Trách nhiệm của một chính phủ là chăm sóc người dân của mình. Cố tình không làm điều đó là lạm dụng quyền của người dân", Ken Kato, Giám đốc Nhân quyền Châu Á có trụ sở tại Nhật Bản cho biết.

Dựa trên dữ liệu từ tất cả các đợt dịch bệnh được ghi nhận từ năm 1960 (bao gồm bệnh đậu mùa, Zika, Ebola, SARS...), phân tích cho thấy tại các quốc gia dân chủ, thì tỷ lệ người tử vong thường thấp hơn so với các quốc gia phi dân chủ.

Các chế độ độc tài có thể áp đặt nhanh chóng các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt và hà khắc, nhưng chúng có xu hướng kìm hãm luồng thông tin tự do, mà yếu tố này lại vô quan trọng trong các cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng.

Và trong dịch viêm phổi Vũ Hán, Trung Quốc một lần nữa lại trở thành “giáo trình” sống động cho bất kỳ quốc gia nào đang tham chiếu vào nó…

Phô trương cơ bắp hay là đánh lạc hướng dư luận?

Những ngày cuối cùng của tháng 2, trong khi Hàn Quốc - quốc gia có nền công nghiệp hiện đại bậc nhất châu Á đang “bấn loạn” vì virus Trung Quốc, người đứng đầu đất nước đang phải hứng chịu mọi búa rìu dư luận vì “dự đoán sai” dịch bệnh, khiến trong chớp mắt Hàn Quốc trở thành ổ dịch lớn nhất bên ngoài Trung Quốc, thì Bắc Triều Tiên vẫn “im lìm” như chưa hề có chuyện gì xảy ra…

Rồi ngày 2/3, thình lình quốc gia bí ẩn này “ra mặt” tranh ngôi vị siêu “hot” với siêu virus Trung Quốc trên các phương tiện truyền thông thế giới, khi cho phóng thử 2 quả tên lửa đạn đạo tầm ngắn. Và chỉ sau đúng 1 tuần, ngày 9/3, Chủ tịch Kim Jong-un lại tiếp tục cho phóng thử tên lửa đạn đạo lần thứ hai. Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 10/3 cho biết, ông Kim đã đích thân chỉ đạo và “hài lòng” với kết quả thử nghiệm đó.

Tạm gác lại virus Trung Quốc trong giây lát, Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc chỉ trích Bình Nhưỡng leo thang căng thẳng, Đức, Anh, Pháp, Estonia và Bỉ nêu vấn đề lên Hội đồng Bảo an, trong khi Bộ Ngoại giao Mỹ kêu gọi Bình Nhưỡng tránh hành động khiêu khích và trở lại bàn đàm phán.

Triều Tiên liên tục phóng thử hàng loạt tên lửa trong thời gian ngắn.
Triều Tiên liên tục phóng thử hàng loạt tên lửa trong thời gian ngắn. (Ảnh minh hoa: Getty)

Lý do nào khiến Bắc Triều Tiên lại nhằm bắn thử tên lửa vào đúng thời điểm cả thế giới lo sốt vó với virus Trung Quốc, trong bối cảnh “đế quốc” Mỹ và Hàn Quốc - hai “kẻ thù không đội trời chung” đều đang dồn sức chống dịch virus.

Trong cả hai lần phóng tên lửa đó, các bức ảnh đều cho thấy Kim Jong-un - với gương mặt không chút biểu cảm, lại là người duy nhất không đeo khẩu trang giữa các quan chức đeo khẩu trang đen kín mít thị sát cùng lãnh tụ.

Phải chăng, vụ thử tên lửa chỉ là động thái tuyên truyền nhằm đánh lạc hướng dư luận Triều Tiên, trong bối cảnh chính quyền Kim Jong-un bưng bít thông tin về dịch bệnh trước nguy cơ bệnh dịch bùng nổ?

Hay qua các vụ phóng thử tên lửa, chính quyền độc trị muốn gửi tới toàn dân “tín hiệu” rằng, dù virus Vũ Hán nguy hiểm đến đâu, cũng không hòng làm lung chuyển ý chí chống “đế quốc” đến cùng của vị lãnh tụ trẻ tuổi?

Đội quân suy dinh dưỡng

Trong khi lãnh đạo Triều Tiên thị sát các vụ thử tên lửa thì các công dân khốn khổ của họ đang phải đối mặt với viễn cảnh thiếu thốn thực phẩm tồi tệ nhất. Nền kinh tế Triều Tiên vốn đang bị vùi dập bởi lệnh trừng phạt do Mỹ dẫn đầu, giờ phần lớn dựa vào nguồn thu nhập từ du lịch và buôn lậu, đang nhanh chóng cạn kiệt nguồn dự trữ ngoại tệ do lệnh phong tỏa biên giới nhằm kiểm soát virus Trung Quốc.

Lim Soo-ho, chuyên gia phân tích của Viện Chiến lược An ninh Quốc gia Hàn Quốc cho biết, việc tăng cường các nỗ lực kiểm soát virus Trung Quốc có thể cản trở “mục tiêu” của chính quyền Kim Jong-un trong việc huy động người dân tham gia vào các dự án du lịch hay xuất khẩu lao động.

Triều Tiên từ lâu đã bị chỉ trích vì đã dành phần lớn ngân sách cho việc phát triển vũ khí, trong khi không cung cấp đủ lương thực cho người dân của mình. Từ năm 2004-2014, chính quyền họ nhà Kim đã dành ¼ tổng sản phẩm quốc nội cho quân đội - một tỷ lệ phần trăm cao nhất so với GDP của bất kỳ quốc gia nào trên thế giới.

Đổi lại, cứ 2 trong số 5 người dân Bắc Triều Tiên bị suy dinh dưỡng và 2/3 số dân phải sống phụ thuộc vào nguồn viện trợ nước ngoài. Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) ước tính rằng, khoảng 70% trong gần 25 triệu người Triều Tiên không được cung cấp lượng thực phẩm đủ dinh dưỡng với giá cả phải chăng. Mỗi người dân chỉ được cấp 400 gram ngũ cốc mỗi ngày, thấp hơn mức trung bình mà chính phủ đề ra là 573 gram.

Dù đã dành hẳn một phần lớn ngân sách cho quân đội, nhưng Bắc Triều Tiên được cho là vẫn không thể “đủ nuôi” binh lính của mình. Trong khi kênh truyền hình Triều Tiên phát đi phát lại các bản tin hừng hực khí thế chống “đế quốc” Mỹ, thì Jiro Ishimaru, một nhà sản xuất phim tài liệu người Nhật tiết lộ rằng, nhiều binh sĩ Triều Tiên đang trong tình trạng “thể chất tồi tệ và không ở trong trạng thái sức khỏe phù hợp để chiến đấu”.

Quốc gia này sở hữu tới 1,2 triệu quân đang hoạt động của quân đội và là lực lượng binh sĩ “hùng hậu” nhất thế giới (tính theo số dân). Nhà sản xuất phim tài liệu này cho biết, ông đã chứng kiến điều kiện sinh hoạt “thấp kém” của binh sĩ Triều Tiên khi tận mắt thấy các binh sĩ "thiếu dinh dưỡng" đang giặt đồng phục của họ ở sông Yalu, gần biên giới với Trung Quốc.

  • Video tiết lộ cuộc sống thật sự bên trong Triều Tiên:

Tham nhũng không chỉ có ở các nước độc tài, mà còn cả ở các quốc gia dân chủ. Nhưng ở Triều Tiên, tham nhũng có một “vị thế” đặc biệt, nó công khai và tràn lan trong giới “tinh hoa” - tầng lớp được hưởng các “đặc ân” của nhà họ Kim và được tiếp cận trực tiếp nguồn hàng viện trợ của thế giới. Trong đó, tầng lớp sĩ quan quân đội cấp cao thường bớt xén “khẩu phần” trong quân đội - vốn được trang bị và phân phát cho binh sĩ - để tuồn ra các thị trường “đen” bán kiếm lời.

Trái ngược với đội quân hom hem là hình ảnh đẫy đà của vị lãnh tụ Kim Jong- un, người được cho là rất ưa lối sống xa hoa như thích trượt tuyết, xem phim Hollywood, hút thuốc lá xịn, uống rượu Tây, chuộng vi cá mập, thịt lợn Đan Mạch, trứng cá muối Iran, phomai Thụy Sĩ, sushi, thịt bò Kobe Nhật Bản...

Bưng bít thông tin nhưng… giấu đầu hở đuôi

Cho đến lúc này, các nhà khoa học vẫn chưa thể đánh giá hết mức độ nguy hiểm của virus Trung Quốc, nhưng cơ bản mọi người đều biết rằng, chủng virus này dễ dàng “hạ gục” những người có hệ miễn dịch yếu kém. Và người già, người ốm yếu sẽ là “nạn nhân” đầu tiên của nó.

Có một điều mà chính quyền họ Kim muốn che giấu nhưng không thể, đó chính là thể trạng gầy nhom yếu ớt của người dân Triều Tiên. Và trong dịch viêm phổi Vũ Hán, họ sẽ “dễ dàng” trở thành “mồi ngon” trước sự tấn công của các loại siêu vi. Có lẽ ý thức được điều này, nên Chủ tịch Kim Jong-un đã cho đóng cửa biên giới với Trung Quốc ngay từ giữa tháng Giêng.

Tờ Rodong Sinmun, Cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên chính thức mô tả cuộc chiến chống lại virus Trung Quốc là vấn đề “tồn tại quốc gia”. Đất nước nghèo khó này là một trong những quốc gia đầu tiên cấm khách du lịch nước ngoài, trì hoãn lịch học, cách ly hàng trăm người nước ngoài và hàng ngàn người dân từng ra nước ngoài, đóng cửa mọi ngả giao thông biên giới với Trung Quốc, tăng cường sàng lọc các điểm nhập cảnh như sân bay, cầu cảng, biên giới...

Tất cả các biện pháp “quyết liệt” này chứng tỏ chính quyền Kim Jong-un nhấp nhổm không yên trước “họa” virus Trung Quốc. Một số nhà phân tích tin rằng, các động thái mạnh mẽ của Bắc Triều Tiên như đóng cửa toàn bộ các khu vực có đường biên giới với Trung Quốc - đồng minh chính trị quan trọng nhất và là nhà viện trợ “hảo tâm” nhất - báo hiệu rằng, virus Trung Quốc đã tràn qua biên giới, xâm nhập vào đất nước bí ẩn nhất thế giới này.

Tuy nhiên, trong khi gần như tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ tại Đông Á đều xác nhận ít hay nhiều các trường hợp bị nhiễm virus Trung Quốc thì ngạc nhiên thay, không hề có tên Bắc Triều Tiên, mặc dù đất nước này có chung biên giới với hai “ổ dịch khủng” là Trung Quốc và Hàn Quốc.

Ngày 20/2, đại sứ Triều Tiên tại Geneva (Thụy Sĩ) là Han Tae-song cho biết, Triều Tiên đang nỗ lực hết sức để ngăn dịch bệnh xâm nhập vào nước này, đồng thời khẳng định Triều Tiên chưa có bất kỳ ca nhiễm virus nào.

Có điều, trong khi đại sứ Triều Tiên khẳng định không có ca bệnh nào thì báo Đảng Rodong lại thừa nhận có 7.000 người nghi nhiễm virus Vũ Hán đang được cách ly theo dõi”. Thông tin “giấu đầu hở đuôi” này cho phép suy đoán thực tế tình hình tại Bắc Triều Tiên đang diễn ra rất nghiêm trọng.

Với tham vọng phát triển vũ khí hạt nhân, Triều Tiên đã bị thế giới cô lập, cấm vận và cùng với nạn tham nhũng phổ biến, đã khiến hệ thống chăm sóc sức khỏe của đất nước này bị thiếu hụt trầm trọng về thuốc men và nguồn vật tư y tế. Cộng thêm khẩu phần ăn thường xuyên thiếu thốn, binh sĩ và người dân Bắc Triều Tiên nổi tiếng với “bề dày” suy dinh dưỡng rất dễ bị “đổ bệnh” trước bất kỳ tác động ngoại cảnh nào.

Binh sĩ và người dân Bắc Triều Tiên nổi tiếng với “bề dày” suy dinh dưỡng rất dễ bị “đổ bệnh” trước bất kỳ tác động ngoại cảnh nào.
Binh sĩ và người dân Bắc Triều Tiên nổi tiếng với “bề dày” suy dinh dưỡng rất dễ bị “đổ bệnh” trước bất kỳ tác động ngoại cảnh nào. (Ảnh: Shutterstock)

Tất cả các yếu tố này - làm “ấn tượng” thêm cho hai lần phóng thử tên lửa của Triều Tiên - chẳng khác gì là một động thái nhằm giữ “thể diện” và “đánh động” với thế giới: Trong “bão lốc” virus Trung Quốc, đừng quên có Bắc Triều Tiên.

Leif-Eric Easley, giáo sư tại Đại học Ewha ở Seoul cho biết, có thể Triều Tiên đang che giấu một ổ dịch vì lý do tự hào dân tộc. Chế độ Kim ưu tiên sức mạnh dự phóng và kiểm soát sự hoảng loạn trong việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Do đó, chính quyền sẽ kiểm soát thông tin cho đến khi “khủng hoảng” nổ ra. Tại thời điểm đó, chế độ có thể sẽ tìm cách đổ lỗi cho các nguồn lây nhiễm bên ngoài và thanh trừng “nội bộ” với lý do tham nhũng hoặc không thực hiện mệnh lệnh".

Điều này có thể lý giải vì sao vào ngày 3/3, Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc là Zhang Jun kêu gọi Mỹ và các nước trong khu vực nới lỏng lệnh cấm vận với Triều Tiên. Ông Zhang đặc biệt nhấn mạnh Triều Tiên nằm trong số nhiều quốc gia trên thế giới đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch viêm phổi Vũ Hán.

Khi được hỏi Triều Tiên bị ảnh hưởng thế nào bởi dịch bệnh, ông Zhang đã trả lời rằng, “Bắc Triều Tiên đang phải chịu đựng một cách tiêu cực từ virus Trung Quốc” nhưng ông đại sứ này từ chối không cung cấp thêm thông tin chi tiết. Phát biểu của Đại sứ Trung Quốc được đưa ra chỉ một ngày sau khi Triều Tiên bắn hai quả tên lửa đạn đạo tầm ngắn xuống vùng biển phía Đông nước này.

Scott Snyder, Ủy viên cao cấp về nghiên cứu Hàn Quốc và là Giám đốc Chương trình về Chính sách Mỹ-Hàn cho rằng, “Bắc Hàn đang âm thầm đưa ra lời kêu gọi hỗ trợ trong khi tuyên bố công khai không có trường hợp nhiễm virus Trung Quốc nào ở trong nước”.

Jessica Lee, một chuyên gia về Đông Á tại Viện Quincy ở Washington bình luận, thực tế cộng đồng quốc tế không thể biết liệu virus Trung Quốc có lây lan và mức độ tử vong bên trong Triều Tiên như thế nào, do sự kiểm soát thông tin cực kỳ nghiêm ngặt của chính quyền Kim Jong-un.

Virus Trung Quốc không buông tha, dù là “đội quân hùng hậu” nhất

Nhưng dù chế độ độc tài kiểm soát thông tin ngặt nghèo đến đâu thì siêu virus cũng có cách “khoan thủng” bức tường kiểm duyệt đó. Ngày 6/3, một bản báo cáo của Quân đội Bắc Triều Tiên mô tả chi tiết về tác động của virus Vũ Hán đối với lực lực binh sĩ của đất nước này đã bị rò rỉ.

Báo cáo gây sốc cho biết 180 binh sĩ đã tử vong vào tháng 1 và tháng 2, cùng với khoảng 3.700 binh sĩ hiện đang được kiểm dịch. Những người lính tử vong đã từng đóng quân ở các tỉnh Bắc Pyongan, Chagang, Ryanggang và Bắc Hamgyong - nơi tiếp giáp đường biên giới với Trung Quốc.

Báo cáo cũng hé lộ rằng, các tư lệnh quân đội đã ra lệnh cho các bệnh viện quân đội thu thập dữ liệu về số lượng binh sĩ đã chết vì bị sốt cao do viêm phổi, lao, hen suyễn hoặc cảm lạnh và yêu cầu cung cấp số liệu những người bị cách ly.

Theo dailynk, báo cáo xuất hiện vào thời điểm Hàn Quốc có 7.478 ca nhiễm virus Trung Quốc (chỉ xếp sau Trung Quốc) và cho thấy một sự hoảng loạn đang bao trùm khắp quân đội Bắc Triều Tiên.

Nguồn tin cho hay, các xác chết được khử trùng trước khi đem đi hỏa táng: “Có rất nhiều thi thể [được hỏa táng trong quân đội] và họ muốn tránh tin tức [về hỏa táng] bị rò rỉ ra ngoài quân đội”.

Thực tế, điều này đã vi phạm lệnh từ chính quyền Kim Jong-un, rằng tất cả các bệnh viện có nhiệm vụ “phân loại” các trường hợp tử vong (nghi) là do virus Trung Quốc phải nhanh chóng “biến thành” do viêm phổi, và phải hỏa táng tức thì để ngăn chặn việc kiểm tra.

Tuy nhiên, có thể giới lãnh đạo quân đội buộc phải làm vậy vì e rằng, việc đột ngột yêu cầu các bệnh viện hỏa táng nhiều thi thể cùng lúc, sẽ tạo áp lực lớn cho các nhân viên y tế với trang thiết bị nghèo nàn lạc hậu.

Chính quyền cũng đã ra lệnh cho các bệnh viện quân đội khử trùng các khu vực cách ly bằng methanol, nơi các binh sĩ bị bệnh đang được điều trị. Họ cũng “liệt” những binh sĩ thể trạng ốm yếu hoặc có các vấn đề về sức khỏe trong quá khứ vào diện cần theo dõi chặt chẽ.

Nhưng trong rủi có may, “nhờ” virus Trung Quốc, giới chóp bu quân đội đã quan tâm hơn tới đời sống binh sĩ của mình. Nguồn tin cho biết: "Họ cũng đang nhấn mạnh rằng những người lính cần ăn ba bữa súp đậu nành xay nhuyễn mỗi ngày, thay vì một bữa ăn thông thường mỗi ngày."

Các quan chức phụ trách hậu cần của quân đội đang yêu cầu với cấp trên cần phải cung cấp ít nhất 800 gram lương thực mỗi ngày cho binh sĩ, nhằm đảm bảo họ đủ dinh dưỡng để có thể chống chọi lại bệnh tật tốt hơn.

Các quan chức phụ trách hậu cần của quân đội đang yêu cầu với cấp trên cần phải cung cấp ít nhất 800 gram lương thực mỗi ngày cho binh sĩ, nhằm đảm bảo họ đủ dinh dưỡng để có thể chống chọi lại bệnh tật tốt hơn.
Các quan chức phụ trách hậu cần của quân đội đang yêu cầu với cấp trên cần phải cung cấp ít nhất 800 gram lương thực mỗi ngày cho binh sĩ, nhằm đảm bảo họ đủ dinh dưỡng để có thể chống chọi lại bệnh tật tốt hơn. (Ảnh: Shutterstock)

Xử tử bất cứ ai có ý định chống đối

Nhà sản xuất phim tài liệu Jiro Ishimaru từng nói rằng: "Ở một đất nước bình thường, nếu tình trạng thiếu lương thực diễn ra liên miên thì dân chúng sẽ nổi loạn, nhưng ở Bắc Triều Tiên thì không".

Đơn giản, chế độ độc tài của Kim Jong-un sẵn sàng xử tử bất kỳ ai chỉ mới manh nha ý định chống đối, bằng đủ các “phương tiện” giết người, từ súng trường, súng cối, cho đến cả… súng phòng không. “Tội đồ” thuộc mọi thành phần xã hội, từ dân thường khốn khó cho đến thành phần ưu tú cốt lõi của quốc gia, thậm chí cả thân bằng quyến thuộc trong dòng tộc họ Kim cũng không có đường thoát.

Với kinh nghiệm “quản lý” của một chế độ độc tài khép kín và thường xuyên bị cô lập, Bình Nhưỡng huy động cả lực lượng an ninh và quân đội để theo dõi dân chúng, và khi cần có thể dễ dàng “xử lý” bất cứ thành phần “quá khích” nào. Đương nhiên, với bàn tay sắt cai trị nhuốm máu, dân chúng Triều Tiên không có cách nào khác buộc phải “ngoan ngoãn” phục tùng triều đại nhà Kim.

Để đối phó với virus Trung Quốc, chế độ độc tài của Kim Jong-un tiếp tục sử dụng “nắm đấm sắt”, áp đặt luật quân sự hà khắc để thực thi lệnh phong tỏa: Bất cứ ai từng đến Trung Quốc và các nước vùng dịch đều phải bị cách ly và kiểm dịch “vô điều kiện” theo tiêu chuẩn của Bắc Triều Tiên.

Theo nhật báo Dong-a Ilbo (Hàn Quốc), một quan chức chính phủ thuộc diện bị cách ly đã bị bắn chết ngay lập tức vì đã tự tiện tới một nhà tắm công cộng mà không được phép của chính quyền.

Một quan chức khác được cho là đã bị đày đến một trang trại xa xôi hẻo lánh sau khi cố gắng che giấu hành trình của ông ta tới đất nước có dịch bệnh. Quan chức này được cho là thành viên của Bộ An ninh Quốc gia Bắc Triều Tiên.

Triều đại họ nhà Kim vẫn “im lìm” cố gắng thiết lập một pháo đài “bất khả xâm phạm” trước virus Trung Quốc trong khi chủng virus này đang làm mưa làm gió khắp thế giới. Nhưng với tin tức rò rỉ 180 binh lính tử vong, “pháo đài” độc quyền thông tin đang rã rời từng mảnh, hé lộ một quốc gia yếu ớt cô độc đang cố gồng mình trong cơn giông bão mang tên… VIRUS TRUNG QUỐC.

Xuân Trường



BÀI CHỌN LỌC

Virus Trung Quốc đã không còn “sợ” Bắc Triều Tiên nữa...