Các biến thể COVID-19 làm giảm đáng kể khả năng bảo vệ của vaccine và nhiễm bệnh trước đó

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các biến thể COVID-19 được cho là nguyên nhân gây ra sự gia tăng đột biến các trường hợp coronavirus trên toàn thế giới. Giờ đây, một nghiên cứu mới khẳng định rằng, việc tiêm phòng và thậm chí cả việc đã từng nhiễm virus đều ít có hiệu quả trong việc bảo vệ chống lại những biến chủng virus này. 

Các nhà nghiên cứu từ Đại học Khoa học & Sức khỏe Oregon (OHSU) cho biết, thông qua nghiên cứu vaccine chống lại các biến thể Alpha, Beta và bây giờ là Delta, những phát hiện này nhấn mạnh đến việc tiêm chủng và các biện pháp y tế công cộng trong thời kỳ đại dịch đã bị giảm một nửa hiệu quả.

Các nhà khoa học đã xem xét gần 100 người đã tiêm vaccine Pfizer hoặc đã bị nhiễm COVID-19 trước trong dự án này. Nghiên cứu cho thấy các kháng thể của các tình nguyện viên đã làm công việc vô hiệu hóa coronavirus kém hơn, sau khi các nhà khoa học cho máu của họ tiếp xúc với cả hai biến thể. Đặc biệt, biến thể Beta (có nguồn gốc ở Nam Phi) có khả năng kháng gần gấp 9 lần so với virus SARS-CoV-2 ban đầu.

“Chúng tôi biết rằng virus tiếp tục phát triển và biến đổi vì lợi thế của chính nó”, đồng tác giả nghiên cứu Fikadu Tafesse, Tiến sĩ, trợ lý giáo sư vi sinh phân tử và miễn dịch học tại Trường Y OHSU, cho biết trong một thông cáo tại trường đại học.

Bệnh nhân cao tuổi thậm chí có nhiều nguy cơ hơn

Triển vọng đó nghe có vẻ tồi tệ, nhưng nhóm nghiên cứu nói rằng họ có cơ sở cho những phát hiện này. Từ quan điểm của họ, điều tích cực là việc tiêm phòng và việc bị nhiễm bệnh trước vẫn có một số tác dụng trong việc bảo vệ chống lại các biến thể mới này. Phù hợp với quan điểm đó, thế giới đã chứng kiến sự sụt giảm đáng kể về số ca tử vong và nhập viện liên quan đến COVID-19 trong những tháng gần đây bất chấp sự xuất hiện của các biến thể mới.

Các tác giả cho biết nghiên cứu của họ đặc biệt đáng chú ý vì họ đã sử dụng các biến thể virus thực tế được phân lập từ bệnh nhân thực. Hầu hết các nghiên cứu tương tự khác sử dụng phiên bản không sao chép của các biến thể. Nhóm nghiên cứu đã trộn các mẫu virus SARS-CoV-2 ban đầu, cùng với các mẫu Beta và Alpha (có nguồn gốc từ Vương quốc Anh), với các mẫu máu của 50 người được tiêm chủng và 44 người hồi phục sau COVID-19 khác.

Điều quan trọng, nhóm nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng những người trên 50 tuổi thậm chí có ít kháng thể hơn để phản ứng với các biến thể mới. Nói cách khác, đối với một số hệ miễn dịch, người cao tuổi vẫn dễ bị lây nhiễm các biến thể hơn.

Đồng tác giả là nghiên cứu viên cao cấp Bill Messer, MD, Ph.D., trợ lý giáo sư về vi sinh phân tử, miễn dịch học và y học (truyền nhiễm bệnh) trong OHSU School of Medicine nói “Những người cao tuổi xung quanh chúng ta dễ bị tổn thương hơn, cần phải được tiêm phòng và giảm thiểu tiếp xúc với virus. Bạn không thể vô tư bước vào viện dưỡng lão vì tất cả họ đều đã được tiêm phòng. Nếu bạn chưa tiêm phòng, thì đó vẫn là một vấn đề".

Liệu có cần một mũi vaccine tăng cường COVID không?

Ngoài ra, công trình nghiên cứu này chỉ ra rõ ràng rằng các mũi tiêm vaccine tăng cường sẽ cần thiết trong tương lai, tương tự như tiêm phòng cúm hàng năm.

Vậy, những phát hiện này có đánh dấu sự kết thúc hy vọng của chúng ta trong việc chấm dứt đại dịch không? Không nhất thiết là như thế. Đồng tác giả, nghiên cứu viên cao cấp Marcel Curlin, M.D., phó giáo sư y khoa (bệnh truyền nhiễm) tại Trường Y OHSU, tin rằng nếu tiêm đủ vaccine và các biện pháp an toàn sức khỏe thích hợp, đại dịch sẽ kết thúc sớm hơn.

Ông cho biết thêm: “Virus cúm có khả năng biến đổi lớn hơn nhiều so với coronavirus. Hy vọng rằng chúng ta sẽ dễ dàng quản lý coronavirus hơn".

Tiến sĩ Messer kết luận: “Chúng ta đã học được cách đối phó với bệnh cúm. Tôi nghĩ chúng ta cũng sẽ học được cách làm điều tương tự với COVID-19”.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Communications.

Theo Study Finds


Các biến thể COVID-19 làm giảm đáng kể khả năng bảo vệ của vaccine và nhiễm bệnh trước đó