Cách đối phó với virus hiệu quả trong bối cảnh dịch bệnh đang lan rộng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nguy hiểm, nhiều người không khỏi băn khoăn đặt câu hỏi, liệu rằng có một biện pháp nào đó để chúng ta có thể ngăn chặn được virus gây bệnh hay không?

Câu trả lời là “Có”. Tiêu diệt hay ức chế virus được chia làm 2 giai đoạn: trước khi virus xâm nhập vào cơ thể và sau khi virus gây bệnh cho người.

Trước khi virus xâm nhập vào cơ thể:

1. Chủng ngừa (active immunization hay vaccination): là cách tạo ra miễn dịch chủ động nếu virus đã được biết và đã có vắc-xin.

2. Các biện pháp phòng ngừa chuẩn - khi virus đang lây lan: làm sạch môi trường: quần áo, nhà cửa, bề mặt tiếp xúc: các chất tẩy rửa hay dùng khẩu trang, rửa tay với xà phòng đối với Coronavirus.

Khi virus đã gây bệnh cho người:

3. Cơ chế bảo vệ tự nhiên: đa phần là hệ miễn dịch sẽ tự tiêu diệt virus;

4. Thuốc diệt virus (antiviral drug): khi hệ miễn dịch không thể diệt được virus;

5. Liệu pháp miễn dịch (immunoglobulin therapy): cũng là khi hệ miễn dịch không hoàn thành được trách nhiệm.

Biện pháp nào cũng có ưu điểm để phòng chống virus, nhưng bên cạnh đó cũng tồn tại nhược điểm.

1. Chủng ngừa (tiêm vắc-xin)

Vắc-xin chủ yếu để phòng bệnh dựa trên cơ chế tạo miễn dịch đặc hiệu chủ động bằng cách sử dụng phiên bản suy yếu của virus hay phiên bản gần giống như virus (được gọi là kháng nguyên).

Ưu điểm: Tạo được miễn dịch trước khi bệnh tấn công, không cho virus cơ hội xâm nhập cơ thể.

Nhược điểm: Chủng virus ban đầu có thể xảy ra đột biến, khiến cho bất kỳ phương pháp điều trị hoặc loại vắc-xin đặc hiệu dành cho chủng ban đầu bị “lỗi thời”. Ngoài ra, vắc-xin chỉ có hiệu nghiệm trước khi cơ thể bị lây nhiễm; nếu đã bị lây, nó không còn phát huy hiệu quả.

Nguy hiểm hơn, nếu dịch bệnh bùng phát vượt ngoài kiểm soát, chúng ta sẽ không kịp điều chế vắc-xin. Nghiên cứu sẽ mất khá nhiều thời gian để làm thí nghiệm và thử nghiệm trước khi áp dụng trên người, đồng thời chi phí cần thiết cũng không hề nhỏ.

Bác sĩ Paul McKay, người đang nghiên cứu một loại vắc-xin cho chủng coronavirus 2019-nCoV mới trong một phòng thí nghiệm nghiên cứu tại Đại học Y khoa Hoàng gia (ICSM) ở London vào ngày 10 tháng 2 năm 2020.
Bác sĩ Paul McKay, người đang nghiên cứu một loại vắc-xin cho chủng coronavirus 2019-nCoV mới trong một phòng thí nghiệm nghiên cứu tại Đại học Y khoa Hoàng gia (ICSM) ở London vào ngày 10 tháng 2 năm 2020. (Ảnh: Getty)

Đối với các công ty chế tạo vắc-xin, ngoài khoản đầu tư khổng lồ, nếu dịch bệnh kết thúc hoặc được kiểm soát trước khi tạo ra thành phẩm, họ sẽ phải chịu một khoản lỗ khổng lồ. Khi đó, chính phủ có thể ngừng các khoản viện trợ, nhu cầu thị trường giảm, và việc sản xuất vắc-xin quy mô lớn sẽ bị đình chỉ.

2. Các phương pháp phòng ngừa chuẩn

Ưu điểm: Các biện pháp phòng ngừa chuẩn không khó để thực hiện. Ví dụ chính phủ và các tổ chức y tế khuyến cáo phòng ngừa dịch virus Corona bằng cách đeo khẩu trang (đúng cách), rửa tay thường xuyên, tránh chạm tay lên mắt, mũi, miệng; hạn chế tiếp xúc với người bệnh và tự cách ly khi nghi ngờ bản thân nhiễm bệnh...

Nhược điểm: Tuy nhiên, các nghiên cứu đã chỉ ra việc thay đổi hành vi là không hề đơn giản, nhiều hoạt động của con người đã trở thành thói quen vô thức và rất khó sửa đổi. Mặt khác, không phải ai cũng có thể thực hiện các khuyến cáo một cách chính xác do sự khác biệt về xã hội và phong tục tập quán.

Trẻ em rửa tay bằng xà phòng ở thành phố Pfungstadt phía tây nước Đức vào ngày 8 tháng 8 năm 2009. Nên rửa tay để hạn chế sự lây lan của bệnh cúm H1N1 2009.(Ảnh: THOMAS LOHNES / DDP / AFP qua Getty Images)

3. Cơ chế bảo vệ tự nhiên của cơ thể

Ưu điểm: Đây là nhân tố then chốt để bảo vệ cơ thể. Con người đã được “Đấng tạo hóa” ban cho một cơ chế tự nhiên hoàn hảo để tự bảo vệ mình khỏi sự tấn công từ các yếu tố ngoại lai.

Tuần tự từ ngoài vào trong là hàng rào vật lý - lông, da, niêm mạc, dịch thể... ; miễn dịch bẩm sinh - miễn dịch tự nhiên hay miễn dịch không đặc hiệu; và miễn dịch thu được - miễn dịch tập nhiễm hay miễn dịch đặc hiệu.

Virus nếu muốn tấn công cơ thể thì buộc phải đột phá qua được 3 lớp phòng thủ này.

Nhược điểm: Hàng rào tự nhiên của cơ thể cần được chăm sóc tử tế - ví dụ: ăn uống, sinh hoạt, vận động điều độ, đảm bảo sức khỏe cả về tinh thần và thể chất; nếu không, cơ chế bảo vệ này sẽ dễ bị ảnh hưởng bởi các nhân tố bên ngoài.

Và khi một số nhân tố như vi khuẩn và virus gây hại xâm nhập vào bên trong, cơ thể sẽ mất một khoảng thời gian không xác định - từ vài ngày cho đến vài tuần - để cơ chế bảo vệ nhận biết và xử lý. Ngoài ra, có những độc tố tích tụ qua hàng thập kỷ trước khi kiến cơ thể phát bệnh

4. Thuốc kháng virus (Antiviral drug)

Tùy theo vòng đời của virus mà sẽ có loại thuốc tương ứng để xử lý.

Chu trình của virus Tác động của thuốc kháng virus
Gắn vào tế bào chủ Ức chế xâm nhập
Đưa vật chất di truyền/enzyme vào tế bào chủ Ức chế xâm nhập, đồng thời diệt tế bào nhiễm virus
Nhân bản virus/thành phần của virus Diệt tế bào nhiễm virus
Lắp ráp các cấu phần để có virus hoàn chỉnh, phá hủy tế bào Diệt tế bào nhiễm virus
Giải phóng các hạt virus sang các tế bào chủ mới Diệt tế bào nhiễm virus

Nhược điểm: Tương tự vắc-xin, thuốc kháng virus cũng trở nên kém hiệu quả khi virus biến thể, hoặc khi dịch bệnh bùng phát quá nhanh ngoài tầm kiểm soát, tốn kém thời gian và chi phí sản xuất và cả chi phí điều trị.

Ngoài ra, do virus sử dụng tế bào của chính vật chủ để sao chép, nên khó tìm được loại thuốc chỉ can thiệp lên virus mà không gây hại cho tế bào vật chủ; các tác dụng phụ không mong muốn cũng có thể xảy ra.

5. Liệu pháp miễn dịch (immunoglobulin therapy)

Đây là một dạng đặc biệt của thuốc chống virus, chủ yếu với cơ chế là kích thích hệ miễn dịch của cơ thể tấn công virus.

Ưu điểm: Sử dụng hệ miễn dịch vốn có và không gây tổn hại lên tế bào vật chủ.

Nhược điểm: Một số loại thuốc chống virus không tập trung vào một mầm bệnh cụ thể, mà kích thích hệ thống miễn dịch tấn công hàng loạt mầm bệnh. Liệu pháp này có thể sẽ vượt quá sức chịu đựng của cơ thể, cũng có thể sẽ dẫn đến bệnh tự miễn - hệ miễn dịch quay ra tấn công các tế bào của cơ thể.

Mặt khác, các liệu pháp này cũng chỉ điều trị khư trú được một số loại virus, lại khó bảo quản, chi phí đắt đỏ, đi kèm nhiều tác dụng phụ như rối loạn tiêu hóa, đau khớp, rụng tóc… vì vậy bệnh nhân cần phải được theo dõi thường xuyên.

Kết luận

Trong năm biện pháp kể trên, chỉ có biện pháp (2) phòng ngừa chuẩn - làm sạch môi trường, rửa tay, đeo khẩu trang; và (3) nâng cao cơ chế bảo vệ tự nhiên là hữu hiệu hơn cả trong bối cảnh bùng phát dịch Covid-19 hiện nay. Virus Vũ Hán đã tạo ra hơn 130.000 ca nhiễm và gần 5000 người tử vong - kể từ khi ca nhiễm đầu tiên được phát hiện vào đầu tháng 12/2019; trong khi đó, vắc-xin, thuốc diệt virus, hay liệu pháp miễn dịch vẫn đang trong quá trình tìm tòi và thử nghiệm.

Thiện Đức - Mỹ Tâm


Cách đối phó với virus hiệu quả trong bối cảnh dịch bệnh đang lan rộng