Cảnh sát Tây Úc đóng cửa nhà hàng vì có nhân viên chưa được tiêm phòng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Những nỗ lực của chính phủ Tây Úc trong việc cưỡng chế người dân tiêm vaccine để có thể ra/vào các địa điểm ăn uống, giải trí, thể dục, nhà thờ..., cùng các lệnh phong tỏa hà khắc theo từng khu vực địa lý, v.v. đã khiến người dân Úc mất dần tự do giữa đại dịch. Tuy đã vấp phải không ít chỉ trích từ trong nước cho đến quốc tế, song đến nay các chính sách này vẫn không có dấu hiệu 'hạ nhiệt'.

Cảnh sát Tây Úc (WA) đã đóng cửa một nhà hàng gia đình ở thành phố Perth, sau khi nhận được một báo cáo rằng địa điểm này có nhân viên chưa được tiêm phòng.

Tây Úc vấp phải chỉ trích vì ban hành chính sách nghiêm ngặt nhất về tiêm chủng

Tây Úc là một trong những nơi áp dụng các quy định tiêm vaccine khắt khe nhất ở Úc. Nơi đây, tất cả nhân viên và khách hàng quen phải được tiêm chủng đầy đủ mới có thể ra/vào các địa điểm ăn uống, giải trí và thể dục. Ngoài ra, khách đến thăm các viện dưỡng lão và bệnh viện, phần lớn cũng cần phải được tiêm chủng.

Cảnh sát Tây Úc nói với The Epoch Times trong một email rằng, các cảnh sát đã đến quán cà phê Topolinis ở Warwick vào khoảng 1 giờ chiều ngày 7/2, và thông báo với chủ sở hữu cùng các nhân viên rằng, họ không được phép làm việc trừ khi đã được tiêm phòng đầy đủ.

Tuy nhiên, cảnh sát phát hiện cửa hàng vẫn mở cửa khi quay trở lại vào tối hôm đó, và ngay lập tức, chủ nhà hàng và con gái bà đã bị bắt và bị buộc tội vi phạm Đạo luật Quản lý Khẩn cấp.

Ảnh của Epoch Times
Ông Phil, bà Jodie và con gái của họ cầm giấy trả tự do sau khi bị Cảnh sát Tây Úc bắt giữ bên ngoài nhà hàng Topolinis Caffe của mình ở Perth, Úc, vào ngày 7/2/2022. (Ảnh Scorpion Media Group)

Đạo luật Quản lý Khẩn cấp quy định các quy tắc trong tình trạng khẩn cấp được ưu tiên hơn tất cả các luật khác và cấp cho Cảnh sát Tây Úc quyền truy quét trong khu vực khẩn cấp. Tình trạng khẩn cấp đã được ban bố tại Tây Úc vào ngày 16/3/2020, sau khi đại dịch COVID-19 bùng nổ.

Theo đó, cảnh sát được phép đóng cửa một cơ sở kinh doanh, thờ cúng, hoặc giải trí; đột nhập và vào một địa điểm hoặc phương tiện hoặc phá hủy một phương tiện hoặc cơ sở; ngắt nguồn cung cấp điện, ga, nước, hoặc nhiên liệu; và nhiều hơn nữa.

Chủ nhà hàng và con gái của bà đã bị cảnh sát tạm giữ ngay trong đêm đó.

Bà Jodie, chủ nhà hàng, cho biết trong một video của kênh YouTube Scorpion Media Group vào ngày 8/2: “Hai mẹ con chúng tôi đang ở trong một phòng giam".

“Chúng tôi sẽ phải nói với con/cháu tôi, và con/cháu của quý vị, rằng chúng tôi bị bắt vì chúng, vì chúng tôi đang đứng lên bênh vực cho [chúng]… Tôi đứng lên vì tương lai của chúng. Và nếu chúng ta không làm vậy, chúng sẽ không có tương lai".

“Tôi không chắc chuyện gì sẽ xảy ra với nhà hàng và đội ngũ nhân viên của mình, 20 nhân viên đang trông chờ vào tôi".

Chính quyền Tây Úc trước đây đã bị chỉ trích cả trong nước và quốc tế vì đã ban hành một trong những quy định nghiêm ngặt nhất về tiêm chủng ở Úc.

Các sự kiện đã thu hút chỉ trích bao gồm tuyên bố một buổi lễ nhà thờ bắt buộc phải đeo khẩu trang, cấm các luật sư và bồi thẩm đoàn chưa được tiêm chủng vào các phòng xử ánsử dụng những lời nói xấu đối với những cư dân không được tiêm chủng của bang.

Thủ hiến Tây Úc, ông Mark McGowan đã trực tiếp đưa ra một cảnh báo rõ ràng cho những cư dân chưa được tiêm phòng của tiểu bang: "Cuộc sống của quý vị sắp tới sẽ rất khó khăn".

Ảnh của Epoch Times
Thủ hiến Tây Úc Mark McGowan tại Phòng khám Tiêm chủng COVID-19 tại Claremont Showgrounds ở Perth, Úc, vào ngày 3/5/2021. (Ảnh Getty Images)

Nhưng ông McGowan đã tuyên bố, quyết định thực thi quy tắc tiêm chủng trên phạm vi rộng là để đảm bảo an toàn cho cư dân của bang, đặc biệt là khi biến chủng Omicron đang lan rộng các bang phía đông.

Tính đến ngày 7/2, Tây Úc đã ghi nhận tổng cộng 265 ca nhiễm COVID-19, so với 85.344 của New South Wales và 59.801 của Victoria.

“Những nỗ lực mà chúng tôi đang cố gắng thực hiện nhằm giảm tỷ lệ tử vong xuống nhiều nhất có thể, vì bằng cách tăng tỷ lệ tiêm vaccine, quý vị không chỉ cứu được mạng sống mà còn giữ được được công ăn việc làm", ông McGowan nói với 6PR vào ngày 2/2.

Người Úc mất dần tự do giữa đại dịch?

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong 20 tháng kể từ khi vi-rút Vũ Hán lần đầu tiên xuất hiện tại Úc, nó đã gây ra cái chết cho khoảng 1,19% trong tổng số 113.000 ca được xác nhận nhiễm vi-rút Vũ Hán ở nước này.

Mặc dù có tỷ lệ nhập viện và tử vong thấp so với các quốc gia khác, nhưng Chính phủ Úc đã áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt để đối phó với dịch bệnh. Thậm chí phong tỏa các thành phố và khu vực khi chỉ có một hoặc một vài ca dương tính mới được phát hiện.

Để đảm bảo người dân tuân thủ các quy định về phong tỏa, mà như một quan chức bang New South Wales (NSW) gọi đó là “trật tự thế giới mới”, nhà chức trách Úc đôi khi đã thực hiện các biện pháp hà khắc, thậm chí là có hại, với danh nghĩa bảo vệ người dân khỏi đại dịch.

Cảnh sát bang Victoria đã có những phản ứng độc đoán đối với những người biểu tình vào tháng 9. Họ dùng đến các đội chống bạo động, xe bọc thép để tuần tra trong thành phố. Cảnh sát được trang bị vũ trang được bố trí dày đặt để kiểm tra và trấn áp những người biểu tình phản đối và chống lại các quy định về vắc-xin và các hạn chế về y tế ở Melbourne.

Một người đàn ông nhìn ra cửa sổ tại khu nhà phức hợp tại Flemington Towers ở Melbourne, Úc (Ảnh: chụp ngày 6/7/2020 bởi Darrian Traynor/Getty Images)
Một người đàn ông nhìn ra cửa sổ tại khu nhà phức hợp tại Flemington Towers ở Melbourne, Úc (Ảnh: chụp ngày 6/7/2020 bởi Darrian Traynor/Getty Images)

Queensland, một tiểu bang đã hưởng ứng mục tiêu và các biện pháp ngăn chặn vi-rút Vũ Hán mà chính phủ Úc đưa ra, bằng cách bắt buộc người dân đăng ký mã QR trên các ứng dụng điện thoại thông minh và buộc các doanh nghiệp phải triển khai phương án kiểm soát này tại cơ sở của họ.

Ở một số tiểu bang khác, như Tây Úc (WA) và Nam Úc (SA), những công nghệ tương tự với khả năng nhận dạng khuôn mặt và định vị địa lý cũng được sử dụng, để đảm bảo người dân tuân thủ lệnh cách ly tại nhà.

Vào một thời điểm trong tháng 7/2021, hơn một nửa dân số nước Úc, khoảng 12,5 triệu người, phải tuân thủ “Lệnh ở nhà”.

Những hạn chế cực đoan này đã khiến các cơ sở kinh doanh và nhiều địa điểm phải đóng cửa. Đồng thời, chúng còn đặt ra những hạn chế đáng kể cho người dân đối với việc tham dự các hoạt động tín ngưỡng, đám cưới và lễ tang.

Cựu Thủ tướng Úc, ông Tony Abbott, đã gọi một số biện pháp của chính quyền tiểu bang là “chế độ độc tài y tế”.

Cảnh sát xịt hơi cay vào một người biểu tình trong cuộc biểu tình chống lại các lệnh cấm và phong tỏa ở Melbourne, Úc. (Ảnh: chụp ngày 22/9/2021 bởi Con Chronis/Getty Images)
Cảnh sát xịt hơi cay vào một người biểu tình trong cuộc biểu tình chống lại các lệnh cấm và phong tỏa ở Melbourne, Úc. (Ảnh: chụp ngày 22/9/2021 bởi Con Chronis/Getty Images)

Cựu thủ tướng Abbott nói trên podcast của mình: “Nhà có thể bị xâm nhập, người dân có thể bị giam giữ và các điều luật thông thường liên quan đến quyền sở hữu và sử dụng đất đai đã tạm bị đình chỉ".

Những hạn chế này được nhân rộng theo những cách tương tự trên cả 6 tiểu bang và 2 lãnh thổ của Úc.

Huyền Anh


Cảnh sát Tây Úc đóng cửa nhà hàng vì có nhân viên chưa được tiêm phòng