Chuyên gia: Ngủ ngon vào ban đêm có thể tăng hiệu quả bảo vệ của vaccine

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngủ ngon là một phương pháp có thể giúp bạn chống lại virus kể cả khi đang ngủ. Bằng cách này, bạn có thể nâng cao đáng kể chức năng miễn dịch, đồng thời làm cho vaccine COVID-19 hiệu quả hơn mà không tốn một xu.

Đã khi nào bạn đặt câu hỏi: So với những người khác, tại sao một số người nhiễm COVID-19 dễ dàng hơn, có các triệu chứng nghiêm trọng hơn, phục hồi chậm hơn và thậm chí mắc các biến chứng hậu coronavirus?

Tại sao một số người lại mắc COVID-19 chỉ hai tuần sau tiêm chủng, và một số người còn nhiễm bệnh tới hai lần?

Thực tế, có nhiều lý do dẫn đến tình trạng này, trong đó thiếu ngủ là yếu tố then chốt nhất.

Chúng ta hãy tập trung vào 3 câu hỏi:

  • Thiếu ngủ làm hỏng chức năng miễn dịch và làm giảm hiệu quả của vaccine COVID-19 như thế nào?
  • Trước và sau khi tiêm phòng chúng ta nên ngủ như thế nào?
  • Bạn có thể làm gì để ngủ ngon hơn?

Thường ngủ không ngon giấc dễ làm giảm khả năng miễn dịch và chống lại virus

Đầu tiên, hãy nói về mối quan hệ giữa khả năng miễn dịch của con người và giấc ngủ.

Hệ thống miễn dịch của cơ thể là tuyến phòng thủ để bảo vệ chúng ta khỏi vi khuẩn và virus lạ. Ngay cả khi bạn bị nhiễm bệnh, cơ thể sẽ huy động các tế bào miễn dịch khác nhau cùng các yếu tố miễn dịch để loại bỏ yếu tố gây bệnh.

Mặc dù cơ thể đôi khi xuất hiện một số triệu chứng như sốt, mệt mỏi, nhức đầu, ho và tiêu chảy, nhưng chúng không gây nguy hiểm tính mạng. Trái lại, chúng thậm chí còn giúp hệ thống miễn dịch của chúng ta mạnh mẽ hơn.

Hẳn nhiều người cho rằng, với sự phát triển của công nghệ và y học hiện đại, chức năng miễn dịch của con người ngày nay sẽ tốt hơn nhiều so với quá khứ. Nhưng điều đó không hẳn đúng.

Cho tới hiện tại, coronavirus đã lây nhiễm cho gần 28 triệu người ở Hoa Kỳ và giết chết gần 510.000 người, bao gồm cả một số người trẻ tuổi và có thể hình tốt.

Ngoài ra, nhiều người khỏi bệnh nhiễm trùng cấp tính nhưng lại phát triển thành hội chứng mãn tính sau COVID-19, và hiện tượng này đã gây ảnh hưởng đến hàng nghìn người.

Giấc ngủ có tác động rất lớn đến chức năng miễn dịch của chúng ta. Nghiên cứu cho thấy nếu chúng ta không ngủ đủ giấc, thì tuyến phòng thủ đầu tiên của cơ thể, tức khả năng miễn dịch bẩm sinh sẽ bị tổn hại.

Các nhà khoa học đã thực hiện một nghiên cứu, trong đó họ chia một nhóm người có cùng tình trạng bệnh thành hai nhóm, một nhóm để họ ngủ ít hơn 6 tiếng và nhóm còn lại ngủ nhiều hơn 7 tiếng trong một tuần.

Một tuần sau, tất cả họ đều tiếp xúc với virus cảm lạnh. Kết quả là, nhóm ngủ ít hơn 6 tiếng có nguy cơ bị nhiễm bệnh cao hơn bốn lần so với nhóm ngủ nhiều hơn 7 tiếng.

Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu này không có nghĩa là bạn phải lo lắng nếu không ngủ ngon hoặc mất ngủ vào một đêm bất kỳ.

Điều chúng ta chủ yếu nói ở đây là tác hại của việc thiếu ngủ lâu dài đối với sức khỏe. Đặc biệt khi nỗi sợ hãi do đại dịch COVID-19 gây ra, sự căng thẳng của học tập, công việc và gia đình do cách ly xã hội, có thể gây rối loạn giấc ngủ kéo dài.

Thêm vào đó, giới trẻ thường có nhiều năng lượng hơn, nên họ có phần thiếu ý thức về tầm quan trọng của giấc ngủ, thích thức khuya hoặc đảo lộn nhịp sinh học cơ thể, dẫn đến rối loạn giấc ngủ mãn tính.

Ngủ không đủ giấc cũng ảnh hưởng đến tác dụng của vaccine - Ngủ kỹ trước và sau khi tiêm phòng

Một số người nghĩ: Tôi không quan tâm, tôi đã tiêm phòng. Chẳng phải đã tiêm rồi thì sẽ an toàn hay sao? Không, tuyệt đối không!

Người khác nói: Không phải hiệu quả của vaccine COVID-19 là hơn 90% sao?

Đúng, nhưng điều đó chỉ đề cập đến những người đã được tiêm vaccine ở giai đoạn nghiên cứu trong phòng thí nghiệm. Trong một quần thể lớn, chúng ta không thể biết nó hiệu quả như thế nào đối với tất cả mọi người.

Hãy đặt câu hỏi, tại sao một số người đã tiêm phòng, nhưng họ vẫn nhiễm COVID-19? Tại sao một số người dù từng mắc viêm phổi Vũ Hán một lần, nhưng sau đó lại nhiễm bệnh tiếp?

Vào tháng 10 năm 2019, Tạp chí Y học Thực nghiệm Hoa Kỳ đã xuất bản một bài báo “bom tấn”.

Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng giấc ngủ làm tăng chức năng ghi nhớ của các tế bào miễn dịch trong cơ thể, cải thiện sự biệt hóa của tế bào lympho T và khả năng tiêu diệt virus cũng như tế bào khối u của chúng.

Nhiều nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng nếu chúng ta ngủ ít hơn 6 tiếng, thì số lượng tế bào lympho T trong máu sẽ giảm, khả năng nhận biết virus cũng giảm, chức năng miễn dịch cũng bị suy yếu.

Tại sao trí nhớ và khả năng nhận biết của tế bào lympho lại quan trọng?

Sau khi cơ thể bị nhiễm bệnh, chức năng miễn dịch bẩm sinh của chúng ta phát huy tác dụng đầu tiên.

Các tế bào lympho của cơ thể sẽ ghi nhớ và lưu trữ cấu trúc cũng như đặc điểm hóa học của yếu tố gây bệnh. Đồng thời, chúng sản xuất ra các kháng thể nhắm mục tiêu đến các yếu tố này khi nó xâm nhập vào cơ thể một lần nữa.

Lúc bấy giờ, cơ thể sẽ nhanh chóng xác định được yếu tố gây bệnh là gì và tạo ra các kháng thể, chất bổ sung và cytokine để bao bọc nó. Người ta gọi phản ứng này là "phản ứng miễn dịch thu được", còn được gọi là phản ứng miễn dịch đặc hiệu.

Các loại vaccine cũng sử dụng cơ chế này để tạo ra các kháng thể cụ thể nhằm đạt được sự bảo vệ.

Nhưng vaccine dù tốt đến đâu thì cũng phụ thuộc vào chức năng miễn dịch của cơ thể để tạo ra tác dụng. Vaccine sẽ kém hiệu quả hơn nếu phản ứng miễn dịch của bạn bị suy yếu.

Những yếu tố nào có thể làm giảm hiệu quả của vaccine?

Đại học Bang Ohio đã phân tích hơn 50 nghiên cứu về vaccine trong 30 năm qua và phát hiện ra rằng lối sống không lành mạnh; chẳng hạn như ít tập thể dục, thiếu ngủ và các rối loạn cảm xúc như căng thẳng, lo lắng và trầm cảm; có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả của vaccine, giảm số lượng kháng thể được tạo ra, từ đó rút ngắn thời gian bảo vệ của vaccine đối với cơ thể người, đồng thời sẽ làm tăng các tác dụng phụ sau khi tiêm chủng.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Sleep Science cũng cho thấy, thiếu ngủ có tác động đặc biệt lớn đến hiệu quả của vaccine.

Nếu bạn không ngủ đủ giấc một hoặc hai đêm trước khi tiêm vaccine, hoặc nếu bạn không ngủ ngon sau khi tiêm vaccine, điều đó có thể khiến vaccine trở nên kém hiệu quả đối với chính bạn.

Một số người thiếu ngủ trước khi tiêm phòng, dẫn đến lượng kháng thể được sản xuất quá ít.

Vì vậy, khi bạn chuẩn bị tiêm phòng phải chú ý, hai đêm trước khi tiêm phải ngủ từ 7 đến 8 tiếng. Sau khi tiêm, bạn cũng phải đảm bảo ngủ đủ giấc trong vòng một tuần liền.

Nắm vững 5 mẹo để cải thiện khả năng miễn dịch khi ngủ

Nếu bạn muốn cải thiện chức năng miễn dịch và hiệu quả của vaccine, đồng thời tránh trở thành nạn nhân của virus corona, hoặc để phục hồi nhanh chóng sau khi mắc COVID-19 mà không để lại di chứng, thì bạn phải học cách ngủ đúng.

Vậy làm thế nào chúng ta có thể bảo vệ giấc ngủ của mình? Dưới đây là 6 nguyên tắc cơ bản về sức khỏe giấc ngủ:

  • Nếu bạn không có vướng bận gì, hãy thức dậy vào cùng một thời điểm mỗi ngày. Ngay cả khi bạn đi ngủ muộn vào một đêm, hãy thức dậy vào cùng một giờ vào ngày hôm sau.
  • Trong một khoảng thời gian nhất định mỗi ngày (không tính những ngày mưa hoặc không có nắng), bạn nên đi dạo ngoài trời dưới ánh nắng để đảm bảo nhịp đồng hồ sinh học được ổn định.
  • Bạn không nên uống đồ uống chứa cafein sau 2 giờ chiều.
  • Tập thể dục vào buổi chiều và buổi tối, nhưng không tập thể dục trong vòng 4 tiếng trước khi đi ngủ.
  • Đặt điện thoại di động và các sản phẩm điện tử khác ở trạng thái im lặng hoặc máy bay khi ngủ (tốt nhất là tắt hoặc để trạng thái máy bay để tránh bức xạ).
  • Trong vòng 2 tiếng trước khi ngủ, bạn đừng nên xem TV, sử dụng máy tính, hoặc xem phim gây căng thẳng và lo lắng. Giấc ngủ nên là thời gian nghỉ ngơi và thư giãn, không xem TV, không dùng điện thoại di động, không duyệt web.

Nếu bạn vẫn không thể ngủ ngon sau khi tuân theo những nguyên tắc trên, bạn có thể cân nhắc bổ sung một số thực phẩm và chất dinh dưỡng tự nhiên.

1/3 cuộc đời mỗi người dành cho giấc ngủ, khoảng thời gian này nên là thứ mà bạn không nên lãng phí. Chỉ có như vậy, bạn mới đảm bảo một cơ thể khỏe mạnh, một cuộc sống vui vẻ, làm việc năng suất trong suốt 2/3 thời gian còn lại.

Có một câu nói rằng: "Nhất giác bảo bình an, nhất giác trị bách bệnh”, nghĩa là một giấc ngủ ngon có thể giúp bạn trị được trăm thứ bệnh tật. Thực tế, sức khỏe giấc ngủ cũng là một môn khoa học trong y học cổ truyền Trung Quốc.

Về tác giả: Yang Jingduan, người sáng lập và giám đốc y khoa của Trung tâm Y học Tích hợp Young ở Pennsylvania (Hoa Kỳ), giáo sư Trung tâm Y học Tích hợp tại Đại học Arizona, chủ tịch Học viện Châm cứu Lâm sàng Hoa Kỳ, và là một học giả tại Oxford.

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống y học cổ truyền, ông đã nhiều lần được mời diễn thuyết chính tại Đại học Harvard, Đại học Pennsylvania, Đại học Y Baylor và Hội nghị thường niên về Tâm thần học Hoa Kỳ.

Bảo Vy
Theo Epoch Times


Chuyên gia: Ngủ ngon vào ban đêm có thể tăng hiệu quả bảo vệ của vaccine