COVID-19 dễ lây truyền nhất 2 ngày trước, 3 ngày sau khi các triệu chứng xuất hiện

Giúp NTDVN sửa lỗi

COVID-19 rất dễ lây lan. Không có gì đáng bàn cãi. Tuy nhiên, thời kỳ chính xác khi nào những người bị nhiễm bệnh dễ làm lây lan nhất vẫn chưa được xác định rõ. Giờ đây, một nghiên cứu mới đang làm sáng tỏ vấn đề này. Các nhà nghiên cứu của Đại học Boston (BUSPH) cho biết rằng những người dương tính với COVID-19 có khả năng lây lan cao nhất vào 2 ngày trước và 3 ngày sau khi các triệu chứng xuất hiện.

Ngoài ra, nghiên cứu cũng cho thấy những người bị nhiễm bệnh có nhiều khả năng không có triệu chứng nếu họ bị lây nhiễm coronavirus từ một người bệnh F0 (người bị nhiễm đầu tiên trong một đợt bùng phát) cũng không có triệu chứng.

“Trong các nghiên cứu trước đây, tải lượng virus đã được sử dụng như một thước đo gián tiếp về sự lây truyền virus”, đồng trưởng nhóm nghiên cứu, Tiến sĩ Leonardo Martinez, trợ lý giáo sư dịch tễ học tại BUSPH, cho biết trong một thông cáo của trường đại học. “Chúng tôi muốn xem liệu kết quả từ những nghiên cứu trước đây, cho thấy rằng các trường hợp COVID dễ lây truyền nhất vài ngày trước và sau khi khởi phát triệu chứng, có thể được xác nhận hay không, bằng cách xem xét các trường hợp F1 là những người có tiếp xúc gần gũi với F0”.

Nhóm nghiên cứu đã thực hiện theo dõi tiếp xúc và nghiên cứu tốc độ truyền COVID-19 trong số khoảng 9.000 người có tiếp xúc gần với các trường hợp F0 sống ở tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc từ tháng 1 đến tháng 8 năm 2020. Các nhà nghiên cứu đã định nghĩa “tiếp xúc gần” là bất kỳ ai sống hoặc ăn cùng nhau, cùng là công nhân trong phân xưởng, những người tiếp xúc với môi trường bệnh viện và những người đi xe chung.

Các nhà khoa học cũng theo dõi các cá nhân bị nhiễm bệnh trong tối thiểu 90 ngày sau khi xét nghiệm dương tính với COVID-19 để phân biệt giữa các trường hợp không có triệu chứng và có trước khi có triệu chứng.

Thời gian phơi nhiễm là rất quan trọng để truyền COVID

Trong số những người được xác định là các trường hợp F0, 89% tiếp tục phát triển các triệu chứng nhẹ hoặc trung bình, trong khi 11% không có triệu chứng. Không có trường hợp nào phát triển các triệu chứng nghiêm trọng.

Các thành viên trong gia đình của các ca bệnh F0, cùng với những người tiếp xúc với những người bệnh F1 nhiều lần hoặc trong một thời gian dài, cho thấy tỷ lệ lây nhiễm cao hơn những người tiếp xúc gần nhưng trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, trên tất cả các yếu tố nguy cơ đó, những người tiếp xúc gần có nhiều khả năng bị nhiễm COVID-19 từ một người bệnh F0 nếu họ gặp người đó ngay trước hoặc sau khi người đó có các triệu chứng đáng chú ý.

“Kết quả của chúng tôi cho thấy rằng thời điểm tiếp xúc so với các triệu chứng của ca bệnh F0 là quan trọng đối với việc lây truyền và sự hiểu biết này cung cấp thêm bằng chứng cho thấy việc kiểm tra nhanh và cách ly ngay sau khi ai đó cảm thấy ốm là một bước quan trọng để kiểm soát dịch bệnh”, Tiến sĩ Martinez cho biết thêm .

Những người không có triệu chứng ít có khả năng lây bệnh cho người khác hơn những người có triệu chứng. Và, ngay cả khi một người có triệu chứng nhẹ đã lây nhiễm cho người khác, thì người mới bị lây nhiễm đó cũng ít có khả năng tự mình trải qua bất kỳ triệu chứng rõ ràng nào.

Theo Study Finds


COVID-19 dễ lây truyền nhất 2 ngày trước, 3 ngày sau khi các triệu chứng xuất hiện