COVID liên quan đến chứng mất thính giác, ù tai và chóng mặt - Nghiên cứu mới xác nhận mối liên kết

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một số virus, chẳng hạn như virus bệnh sởi, quai bị và viêm màng não, có thể gây ảnh hưởng không tốt đến thính giác; nhưng còn SARS-CoV-2, virus gây ra COVID-19 thì sao?

Trong vài tháng đầu tiên của đại dịch, một số nhà nghiên cứu đã công bố bản đánh giá nhanh chóng và có hệ thống về COVID-19, cùng những tác động của nó tới thính giác.

Theo đó, bản đánh giá này cho thấy mối liên hệ có thể có giữa COVID-19 và các triệu chứng tiền đình như mất thính giác, ù tai và chóng mặt. Tuy nhiên, cả số lượng và chất lượng của những nghiên cứu này đều thấp.

Hiện tại, đại dịch đã bùng phát hơn hai năm trên toàn thế giới, nhiều báo cáo mới được công bố và các nhà nghiên cứu cũng có thể ước tính được mức độ phổ biến của những triệu chứng này.

Ông Kevin Munro (*) cùng các đồng nghiệp đã xác định được khoảng 60 nghiên cứu, trong đó báo cáo các vấn đề liên quan đến triệu chứng âm thanh tiền đình (audio-vestibular) ở những người mắc COVID-19.

Kết quả phân tích dữ liệu được công bố trên Tạp chí Thính học Quốc tế, cho thấy có khoảng 7 - 15% người trưởng thành mắc COVID-19 gặp các triệu chứng liên quan đến âm thanh tiền đình. Trong đó, triệu chứng phổ biến nhất là ù tai, sau đó là khó nghe và chóng mặt.

Ù tai

Ù tai là một tình trạng phổ biến, ảnh hưởng đến khoảng 17% người trưởng thành. Hầu hết những người bị ù tai cũng bị mất thính lực, điều này cho thấy có mối liên hệ chặt chẽ giữa hai chứng này.

Trên thực tế, ù tai thường là cảnh báo đầu tiên, chẳng hạn như tiếp xúc với tiếng ồn lớn hoặc các loại thuốc độc hại (dành cho tai) đã làm hỏng hệ thống thính giác.

Có những báo cáo nghiên cứu cho rằng, ù tai là một triệu chứng kéo dài phổ biến của COVID. Đây là triệu chứng xuất hiện trong vài tuần hoặc vài tháng sau khi hết nhiễm bệnh.

Thực tế, cơ quan thính giác cực kỳ nhạy cảm, vì hầu như ai cũng sẽ bị ù tai tạm thời nếu họ ở trong một môi trường quá yên tĩnh.

Ngoài ra còn có các mối liên hệ chặt chẽ giữa chứng ù tai và căng thẳng. Nếu con người thường xuyên thức trắng đêm, căng thẳng và lo lắng vì điều gì đó, thì không có gì lạ khi họ sẽ nhận ra tai của bản thân đang bị ù nhiều hơn.

Triệu chứng này thường trở nên ít khó chịu hơn khi nguồn gốc của căng thẳng và lo lắng được loại bỏ.

Đáng ngạc nhiên là không có xét nghiệm lâm sàng nào chẩn đoán được chứng ù tai, vì vậy các chuyên gia thính học chỉ có thể dựa vào những khai báo của người bệnh.

Tại sao triệu chứng ù tai ở những người mắc COVID-19 lại được cho là không rõ ràng?

Nguyên nhân của chứng ù tai được cho là vì virus tấn công và làm hỏng hệ thống thính giác của người bệnh. Mặt khác, căng thẳng về tinh thần và cảm xúc trong đại dịch cũng có thể là lý do khởi phát.

Nhưng ông Munro cho rằng cần phải cẩn thận khi giải thích những phát hiện này; bởi điều còn thiếu hiện tại là các nghiên cứu có chất lượng tốt, trong đó so sánh chứng ù tai ở những người mắc và không mắc COVID-19, để từ đó đưa ra nhận định chính xác.

Mất thính giác và chóng mặt

Chứng khó nghe liên quan đến COVID-19 đã được báo cáo ở nhiều độ tuổi với các mức độ nghiêm trọng của COVID-19, từ nhẹ (được cách ly tại nhà) đến nặng (cần nhập viện).

Có một số báo cáo về trường hợp mất thính lực đột ngột ở một bên tai, và thông thường đều kèm theo chứng ù tai.

Mất thính lực đột ngột xảy ra với tỷ lệ 20 / 100.000 người mỗi năm. Để điều trị, người ta dùng steroid nhằm làm giảm sưng tấy và tình trạng viêm nhiễm ở tai trong.

Nhưng điều trị chỉ hiệu quả nếu nó được bắt đầu ngay sau khi tình trạng mất thính lực xảy ra.

Nhóm nghiên cứu của ông Kevin Munro biết rằng virus có khả năng gây mất thính lực đột ngột, vì vậy họ nhận định SARS-CoV-2 cũng có thể là nguyên nhân gây ra mất thính lực ở bệnh nhân COVID.

Một triệu chứng thường phổ biến khác ở những người mắc COVID-19 là chóng mặt.

Có thể khá khó để phân biệt tình trạng này với chóng mặt kiểu xoay vòng, đặc trưng của tổn thương hệ thống thăng bằng ở tai trong. Tuy nhiên, ước tính tốt nhất là chóng mặt kiểu xoay vòng xuất hiện ở khoảng 7% các trường hợp COVID-19.

Tất cả mới chỉ bắt đầu

Do tầm quan trọng của việc cung cấp bằng chứng kịp thời để cung cấp thông tin cho các dịch vụ y tế, nên những đánh giá có hệ thống này rất được hoan nghênh.

Nhưng cho đến nay, bằng chứng vẫn chỉ dựa trên các cuộc khảo sát và khai báo từ những bệnh nhân COVID.

Tuy nhiên, các phát hiện trên có thể chỉ đơn giản phản ánh những hiểu biết ban đầu của các nhà nghiên cứu về tình trạng sức khỏe khẩn cấp này.

Điều còn thiếu là các nghiên cứu chẩn đoán và lâm sàng được tiến hành cẩn thận, để so sánh giữa một mẫu của những người mắc COVID-19 và một mẫu đối chứng không có COVID.

Để đạt được mục tiêu đó, ông Munro cùng các đồng nghiệp đang dẫn đầu một nghiên cứu kéo dài một năm, để điều tra ảnh hưởng lâu dài của COVID-19 đối với hệ thống âm thanh - tiền đình ở những người đã từng nhập viện với virus corona.

(*) Kevin Munro, Giáo sư thính học Ewing, Đại học Manchester.

Bài viết này được xuất bản lại từ The Conversation theo giấy phép Creative Commons. Đọc bài báo gốc.

Hoàng Tuấn
Theo The Epoch Times


COVID liên quan đến chứng mất thính giác, ù tai và chóng mặt - Nghiên cứu mới xác nhận mối liên kết