Đề xuất dừng thông báo số ca mắc COVID-19; F0, F1 được đi làm

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bộ Y tế Việt Nam đề xuất tạm dừng thông báo số mắc COVID-19 hàng ngày và cho các trường hợp F0, F1 đang trong thời gian cách ly được đi làm.

Ngày 5/3, Bộ Y tế Việt Nam đề xuất với Ban Chỉ đạo Quốc gia tạm dừng thông báo số ca nhiễm COVID-19 hàng ngày và cho các trường hợp F0, F1 đang trong thời gian cách ly được đi làm.

Tạm dừng thông báo số ca mắc COVID-19 hàng ngày

Bộ Y tế đề xuất tạm dừng việc thông báo số ca mắc COVID-19 hàng ngày để tránh gây hoang mang vì số ca nhiễm chỉ là 1 trong 8 chỉ số để đánh giá tình hình cấp độ dịch mà chưa phản ánh đúng bản chất tình hình dịch bệnh.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, so với tháng trước:

  • Số ca mắc COVID-19 trong cộng đồng trên cả nước tăng 197,9%;
  • Số ca tử vong giảm 47,1%;
  • Số ca đang điều trị tại bệnh viện giảm 24,5%;
  • Số ca nặng, nguy kịch giảm 43,1%;
  • Tỷ lệ tử vong/mắc của 30 ngày qua là 0,2% - giảm so với tháng trước (1%).
  • Phân bố tỷ lệ nhiễm theo độ tuổi trong tháng 2/2022 so với tháng trước: nhóm 18 - 49 tuổi chiếm 54,3% (871.083 ca) tăng 2,5 lần so tháng trước; nhóm 50 - 65 tuổi chiếm 10,8% (173.254 ca) tăng 2,2 lần so với tháng trước; nhóm trên 65 tuổi chiếm 4,5% (72.189 ca) tăng 2 lần so với tháng trước.

Theo Bộ Y tế, đến nay, dịch bệnh cơ bản đang được kiểm soát trên phạm vi cả nước. Tất cả các tỉnh, thành đều đã chuyển sang trạng thái “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.

Tuy vậy, số ca mắc mới có xu hướng gia tăng nhanh tại hầu hết các địa phương trong tháng qua (với khoảng 50.000 - 75.000 ca mỗi ngày).

Số trường hợp mắc tăng nhiều hơn ở nhóm chưa tiêm vaccine, nhất là nhóm dưới 12 tuổi. Số trường hợp nặng, nguy kịch bắt đầu có sự gia tăng 37,6% so với tháng trước. Số trường hợp tử vong trên dưới 100 ca mỗi ngày và hiện vẫn trong khả năng đáp ứng của hệ thống y tế.

Bộ Y tế cho hay, biến thể Omicron có xu hướng gia tăng lây nhiễm nhanh trong thời gian gần đây phổ biến ở các tỉnh, thành phố, nhất là Hà Nội và TP. HCM; thay thế dần biến thể Delta.

Theo báo cáo của TP. Hà Nội, biến thể Omicron đã ghi nhận ở 20/30 quận, huyện; biến thể BA.2 chiếm tới 87% tổng số các mẫu phát hiện biến thể Omicron.

Tại TP. HCM, biến thể Omicron chiếm tới 76% số mẫu có kết quả giải trình tự gene.

Trong 30 ngày từ 29/01 - 28/02, các tỉnh, thành đã tiêm được hơn 14 triệu liều vaccine ngừa COVID-19; chủ yếu là liều bổ sung và liều nhắc lại (hơn 12 triệu liều). Theo đó, Việt Nam đã cơ bản bao phủ hai liều vaccine COVID-19 cho người từ 12 tuổi trở lên.

Bộ Y tế cho hay, đến nay, tỷ lệ tiêm mũi 3 là 37,4% là cơ bản đáp ứng kế hoạch (ước tính khoảng hơn 75% trường hợp đến lịch tiêm mũi 3 đã được tiêm chủng).

Đề xuất F0, F1 có thể đi làm trong thời gian cách ly

Bộ Y tế cũng đề xuất, các trường hợp F0 không có triệu chứng đang trong thời gian cách ly (7 ngày kể từ ngày xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 và chưa có kết quả xét nghiệm âm tính) có thể tự nguyện tham gia làm việc.

Các cơ sở, địa phương có thể xem xét sắp xếp thực hiện các công việc trực tuyến, không tiếp xúc trực tiếp với người xung quanh; hoặc được phép tham gia hỗ trợ chăm sóc, theo dõi, điều trị người nhiễm SARS-CoV-2 trong gia đình, cơ sở lưu trú hoặc tại các cơ sở điều trị bệnh COVID-19 phù hợp với nhiệm vụ được giao, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và thực hiện 5K.

Theo đề xuất, F0 được sắp xếp thực hiện các công việc tại các cơ sở điều trị COVID-19 phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng hộ theo quy định; thường xuyên theo dõi sức khỏe, xét nghiệm SARS-CoV-2; không được chăm sóc hoặc tiếp xúc với những người bệnh bị suy giảm miễn dịch hoặc có nguy cơ cao (người có bệnh nền, phụ nữ mang thai, người trên 50 tuổi).

Đề xuất F0, F1 được đi làm bằng phương tiện cá nhân

Bộ Y tế cũng đề xuất các trường hợp F0 không có triệu chứng đang trong thời gian cách ly được phép di chuyển bằng phương tiện cá nhân đi thẳng từ nơi cách ly đến khu vực làm việc được sắp xếp sẵn và ngược lại. Trong quá trình di chuyển, F0 không tiếp xúc với người xung quanh; thực hiện 5K, đặc biệt là đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, không tiếp xúc gần với người xung quanh trong quá trình làm việc và thực hiện các biện pháp khử khuẩn, phòng ngừa lây nhiễm.

Với F1 tiếp xúc gần F0 nhưng chưa tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19 hoặc chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19 tham gia làm việc cần đảm bảo các yêu cầu sau:

  • Có thể tham gia các công việc cấp bách của cơ sở, địa phương thông qua các hình thức làm việc trực tuyến hoặc trực tiếp.
  • Trong trường hợp làm việc trực tiếp, cơ sở làm việc phải sắp xếp, thiết lập khu vực làm việc dành riêng cho các trường hợp là F1; đảm bảo khoảng cách làm việc, không tập trung đông người và thoáng khí để giảm nguy cơ lây nhiễm.
  • Các trường hợp F1 cũng được di chuyển bằng phương tiện cá nhân đi thẳng từ nơi cách ly đến khu vực làm việc được sắp xếp sẵn và ngược lại. Trong quá trình di chuyển không được tiếp xúc với người xung quanh; thực hiện 5K.

Chưa coi dịch COVID-19 là bệnh “lưu hành”

Về đề xuất coi COVID-19 là bệnh "đặc hữu", Bộ Y tế cho hay, dịch COVID-19 tại Việt Nam vẫn đang chuyển tiếp giữa giai đoạn đại dịch sang "bệnh lưu hành".

Tỷ lệ mắc COVID-19 chưa ổn định, có sự khác biệt rất lớn giữa các địa phương; số ca tử vong theo ngày vẫn còn rất cao so với những bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ tử vong hàng đầu trước đây.

Cùng với đó, do virus liên tục biến đổi và ghi nhận các biến thể mới, thậm chí có biến thể phụ có thể né miễn dịch, gây tái nhiễm khiến tỷ lệ mắc tại các quần thể cảm nhiễm là rất khó xác định và chưa có tính ổn định.

Vì vậy, Bộ Y tế đề xuất “thời gian này, Việt Nam chưa nên coi dịch bệnh COVID-19 là "bệnh lưu hành".

Theo thống kê của Bộ Y tế, kể từ khi dịch bệnh bùng phát đến nay, Việt Nam đã ghi nhận tổng số 4.059.262 ca mắc COVID-19; trong đó có 2.589.436 ca đã khỏi bệnh (63,8%); 40.609 ca tử vong (1%).

Đức Lâm


Đề xuất dừng thông báo số ca mắc COVID-19; F0, F1 được đi làm