Kết quả xét nghiệm dương tính hoặc âm tính với Covid nghĩa là gì?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Kết quả xét nghiệm dương tính hay âm tính với Covid-19 phản ánh khả năng bị lây nhiễm của một người trước tác nhân gây bệnh là virus corona. Dựa vào kết quả này, các nhân viên dịch tễ sẽ có những biện pháp cách ly và điều trị khác nhau đối với người nhiễm (hoặc không nhiễm) virus.

Thế nào là dương tính (hoặc âm tính) với Covid?

A - Kết quả xét nghiệm dương tính

Theo Medlatec, khi nhận kết quả xét nghiệm dương tính (còn được ký hiệu là dấu (+), tiếng anh là "Positive"), điều này có nghĩa là bạn đã nhiễm bệnh hoặc mang yếu tố gây bệnh, từ đó dẫn đến nguy cơ mắc một bệnh nào đó.

B - Kết quả xét nghiệm âm tính

Ngược lại với kết quả dương tính, âm tính (ký hiệu là dấu (-), tiếng anh là "Negative") biểu thị cho thấy bạn không nhiễm bệnh hay mang mầm bệnh trong cơ thể.

Như vậy, khi làm xét nghiệm virus corona, bạn chỉ được xác định mắc bệnh trong trường hợp có kết quả dương tính với Covid-19, tức phát hiện virus SARS-CoV-2 trong cơ thể.

Xét nghiệm Covid như thế nào?

A - Các phương pháp xét nghiệm virus

Theo CDC, các phương pháp xét nghiệm Covid-19 có thể kiểm tra tình trạng lây nhiễm hiện tại và quá khứ của bệnh nhân.

Phương pháp xét nghiệm chẩn đoán

Để biết hiện tại một người có khả năng nhiễm virus corona hay không, người ta thường áp dụng phương pháp xét nghiệm chẩn đoán, trong đó bao gồm hai loại:

  • Xét nghiệm phân tử (axit nucleic - PCR)
  • Xét nghiệm kháng nguyên (test nhanh)

Đối với phương pháp xét nghiệm chẩn đoán, nhân viên dịch tễ sẽ dùng tăm bông để lấy dịch mũi hoặc họng; ngoài ra, họ cũng có thể lấy nước bọt của người tham gia xét nghiệm để làm mẫu bệnh phẩm, theo FDA.

Xét nghiệm Covid
Xét nghiệm Covid có thể kiểm tra tình trạng lây nhiễm hiện tại và quá khứ của bệnh nhân. (Getty)

Phương pháp xét nghiệm kháng thể

Trong khi đó, xét nghiệm kháng thể chỉ được sử dụng trong trường hợp muốn biết một người từng bị lây nhiễm trong quá khứ hay chưa. Cách thức lấy mẫu của phương pháp này không giống với xét nghiệm chẩn đoán, gồm hai loại:

  • Một là kỹ thuật ELISA: định lượng nồng độ Protein trong máu, đặc biệt là IgM và IgG. Nhân viên dịch tễ sẽ trích máu (có thể từ ngón tay) của người tham gia để làm xét nghiệm.
  • Hai là kỹ thuật sắc ký miễn dịch (test nhanh kháng thể): định tính kháng thể, tương tự như que thử thai.

Thông thường, phương pháp xét nghiệm kháng thể không được sử dụng trong việc chẩn đoán ca nhiễm Covid-19 mới; thay vào đó, người ta sẽ áp dụng phương pháp xét nghiệm chẩn đoán (đặc biệt là PCR).

Xét nghiệm kháng thể chỉ được dùng nhằm mục đích kiểm tra xem người dân trong khu vực liệu có từng nhiễm virus corona hay không, mức độ cao thấp của kháng thể sau khi mắc Covid-19; từ đó đưa ra phác đồ điều trị và phương án phòng chống dịch phù hợp.

B - Kết quả xét nghiệm virus có đáng tin cậy không?

Phần lớn các trường hợp, kết quả xét nghiệm phản ánh khá chính xác tình trạng sức khỏe của người bệnh; nhưng cũng có những tình huống bệnh nhân có được kết quả dương tính (hoặc âm tính) giả.

Theo FDA, đối với các xét nghiệm chẩn đoán, dương tính giả có nghĩa là xét nghiệm cho biết bạn đã nhiễm Covid-19, nhưng thực tế bạn không hề mắc bệnh. Âm tính giả thì ngược lại.

Âm tính Covid
Kết quả xét nghiệm virus corona là âm tính cũng không thể chủ quan. (Getty)

Nguyên nhân có thể xuất phát từ nhiều yếu tố khác nhau, chẳng hạn:

  • Do sự xuất hiện của các tác nhân gây nhiễu;
  • Các phản ứng chéo trong cơ thể làm quá trình xét nghiệm bị sai;
  • Sự nhầm lẫn kết quả hoặc mẫu xét nghiệm;
  • Yếu tố gây bệnh trong cơ thể có tồn tại nhưng chưa đạt đủ ngưỡng để cho ra kết quả đúng;
  • Thời gian xét nghiệm quá sớm hoặc cũng có thể là do lỗi máy xét nghiệm, quy trình lấy mẫu có vấn đề, v.v...

Kết quả dương tính / âm tính lẫn lộn, vậy nên lựa chọn phương pháp nào?

Theo Bác sĩ Trần Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh kiêm Trưởng phòng Công tác xã hội Bệnh viện Nhi Đồng I, các bộ kit test nhanh Covid đang được sử dụng rộng rãi trên nhiều tỉnh thành chưa thể khẳng định 100% kết quả.

Một trong những lý do khiến test nhanh không hoàn toàn chính xác là bởi nếu xét nghiệm quá sớm, thì cơ thể có khả năng chưa tạo đủ kháng thể, từ đó dễ cho kết quả âm tính, dẫn đến chẩn đoán sai.

Kể cả khi test nhanh đúng thời điểm, bạn vẫn chưa thể chắc chắn về kết quả cuối cùng.

Thực tế cho thấy, có những trường hợp làm test nhanh 3 lần dương tính, nhưng khi xét nghiệm Realtime RT-PCR thì lại cho kết quả âm tính.

Đến nay, chỉ có xét nghiệm PCR là đủ khả năng phát hiện chính xác sự tồn tại của virus corona bên trong cơ thể. Đây cũng được xem là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán với độ đặc hiệu lên tới 100% và độ nhạy là 99%, theo Medlatec.

Dù là dương tính hay âm tính với Covid, PCR là phương pháp test virus hiệu quả và chính xác nhất.
Dù là dương tính hay âm tính với Covid, PCR là phương pháp test virus hiệu quả và chính xác nhất. (Getty)

C - Chi phí làm xét nghiệm virus corona hết bao nhiêu tiền?

Đối với test nhanh, giá dịch vụ tại các bệnh viện công dao động từ 238.000 - 350.000 đồng/mẫu. Trong khi xét nghiệm PCR có giá 734.000 đồng/mẫu.

Tại các bệnh viện tư nhân, mức giá cho dịch vụ xét nghiệm PCR cao hơn, dao động từ 1.500.000 - 4.000.000 đồng/mẫu.

D - Mất bao lâu để có kết quả xét nghiệm virus?

Theo Vietnam Vaccine JSC, thời gian từ lúc lấy mẫu đến khi trả kết quả đối với mỗi phương pháp xét nghiệm sẽ khác nhau, cụ thể:

  • Test nhanh kháng nguyên Covid-19 cho quả trong vòng 15 - 30 phút kể từ khi nhận mẫu;
  • Xét nghiệm Realtime RT-PCR cho kết quả trong vòng 5 - 12 giờ kể từ khi nhận mẫu;
  • Kiểm tra kháng thể bằng kỹ thuật sắc ký miễn dịch cho kết quả sau khoảng 15 - 30 phút kể từ khi nhận mẫu;
  • Xét nghiệm kháng thể bằng kỹ thuật miễn dịch đánh dấu sử dụng công nghệ phát quang cho kết quả sau ít nhất 1 giờ kể từ khi nhận mẫu.

E - Quy trình xét nghiệm Covid bao gồm những gì?

Theo Vietnam Vaccine JSC, RT-PCR được đánh giá cao vì độ chuẩn xác và đáng tin cậy, do đó quy trình xét nghiệm chẩn đoán chủ yếu tập trung vào phương pháp này:

  • Bước 1: Chuẩn bị lấy mẫu. Tại bước này, nhân viên dịch tễ sẽ chuẩn bị các tư trang và vật dụng cần thiết đối với bệnh truyền nhiễm để đảm bảo việc lấy mẫu an toàn.
  • Bước 2: Lấy mẫu bệnh phẩm. Nhân viên y tế dùng que lấy mẫu đề trích dịch tại đường hô hấp trên và dưới.
  • Bước 3: Bảo quản mẫu ở nhiệt độ thấp.
  • Bước 4: Vận chuyển mẫu về phòng xét nghiệm nhanh nhất có thể và trả kết quả sau đó nhiều giờ.
Thời gian bác sĩ phát hiện virus corona trong cơ thể người tùy thuộc vào phương pháp xét nghiệm.
Thời gian bác sĩ phát hiện virus corona trong cơ thể người tùy thuộc vào phương pháp xét nghiệm. (Getty)

F - Sau khi có kết quả test covid, cần làm gì?

Sau khi có kết quả xét nghiệm, nếu là dương tính, bạn được xem là người đang nhiễm virus, có khả năng phát tán virus ra cộng đồng.

Lúc này, bạn nên chủ động tự cách ly và liên hệ cơ sở y tế để khai báo thông tin đầy đủ về lịch trình di chuyển, lịch sử tiếp xúc trong vòng 21 ngày trước khi có kết quả test như trên.

Tuy nhiên, kể cả khi bạn có kết quả âm tính, tức chưa nhiễm bệnh, thì bạn vẫn đang nằm trong nhóm những người dễ bị lây virus từ người khác.

Do đó, bạn không nên quá chủ quan, mà vẫn cần tuân thủ các quy định tiêu chuẩn về phòng chống dịch như đeo khẩu trang, giữ khoảng cách tối thiểu, thường xuyên vệ sinh sạch sẽ và hạn chế tới nơi đông người.

Trong trường hợp xuất hiện các triệu chứng đặc trưng của Covid-19, bạn cần liên hệ với cơ sở y tế gần nhất để làm xét nghiệm lại và được tư vấn thêm.

G - Thời gian giữa các lần xét nghiệm virus corona là bao lâu?

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật CDC TP.HCM chia ra nhiều nhóm trường hợp khác nhau, ứng với đó là khoảng thời gian xét nghiệm cũng không giống nhau.

  • Người sau khi xuất viện cần tiếp tục cách ly tại nhà thêm 21 ngày. Trong thời gian đó, bệnh nhân sẽ trải qua 3 lần xét nghiệm, bao gồm: lần 1 vào ngày thứ 5 - 7 của giai đoạn cách ly; lần 2 từ ngày thứ 12 - 14; và lần 3 rơi vào ngày cuối cùng (ngày 21).
  • Người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính, hoặc người đã khỏi bệnh nhưng tái dương tính sẽ được cách ly tập trung 21 ngày. Số lần xét nghiệm tối thiểu: 2 lần, bao gồm ngày đầu cách ly và trước khi hoàn thành thời gian cách ly.
  • Người nước ngoài làm việc ngắn ngày ở Việt Nam: Xét nghiệm lần đầu tiên ít nhất 3 lượt vào ngày đầu. Sau đó lấy mẫu 2 ngày/lần trong thời gian lưu trú cho đến trước khi rời khỏi Việt Nam một ngày.
  • Người nhập cảnh làm việc trên 21 ngày sẽ được cách ly tập trung, xét nghiệm lần 1 vào ngày đầu về khu cách ly, lần 2 vào ngày thứ 14 và lần 3 rơi vào thời điểm trước một ngày khi hết thời hạn cách ly.

Tất cả các trường hợp trên đều sẽ tiến hành lấy mẫu bất kỳ nếu có triệu chứng nghi ngờ.

Bệnh nhân số 17 - Nguyễn Hồng Nhung và bệnh nhân số 21, đều là những người nhiễm virus corona.
Dư luận Việt Nam từng xôn xao về các trường hợp bệnh nhân số 21 và bệnh nhân số 17 trên cùng chuyến bay Vietnam Airlines hồi năm 2020. (Getty)

F0 - F1 - F2 - F3 là gì? Làm thế nào để biết bạn thuộc F mấy?

A - Khái niệm về F0 - F1 - F2 & F3

F0 là cách gọi khác của người mang virus corona. Nói cách khác, F0 là người có kết quả dương tính khi xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR.

F1 là cách gọi khác của người tiếp xúc gần dưới 2m hoặc cùng không gian kín tại bất kỳ địa điểm nào với F0, vốn đang trong thời kỳ lây truyền virus.

F2 là người có tiếp xúc gần dưới 2m hoặc cùng không gian kín với F1, trong khoảng thời gian từ thời điểm F1 có khả năng lây nhiễm virus từ F0 đến khi F1 được cách ly.

Tương tự, F3 là người có tiếp xúc gần với F2, và F4 là người tiếp xúc với F3...

B - Cách ly như thế nào đối với các F Covid?

Người mắc Covid-19 (F0) cần phải cách ly tập trung và điều trị tại cơ sở y tế.

Người tiếp xúc gần với ca bệnh (F1) cũng sẽ cách ly tập trung.

F2 sẽ tự cách ly tại nhà, tuân thủ các quy định phòng chống dịch; đồng thời không tiếp xúc với người nhà hay người ngoài. Nếu có triệu chứng cần phải liên hệ với cơ sở y tế càng sớm càng tốt.

F3 tự theo dõi, chú ý tình trạng sức khỏe của F1 và F2. Nếu có triệu chứng nghi ngờ cần liên hệ với cơ sở y tế.

Nếu như F1 có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid, thì F2 sẽ trở thành F1; tương tự F3 sẽ trở thành F2, còn F4 sẽ thành F3. Các yêu cầu bắt buộc trong phòng chống dịch đối với những trường hợp này sẽ thay đổi và áp dụng biện pháp cách ly ở mức cao hơn.

Hoàng Tuấn tổng hợp


Kết quả xét nghiệm dương tính hoặc âm tính với Covid nghĩa là gì?