Giáo sư Trường Y Stanford: Bắt buộc Nhân viên Y tế tiêm chủng COVID-19 là một ‘Sai lầm Lớn’

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tòa án Tối cao Mỹ đã ra phán quyết giữ nguyên lệnh tiêm chủng COVID-19 bắt buộc của chính phủ Mỹ đối với các nhân viên y tế. GS. TS. BS. Bhattacharya thuộc Trường Y Đại học Stanford cho rằng phán quyết này là một ‘sai lầm lớn’, vì lệnh tiêm chủng bắt buộc này ‘thực sự có thể khiến bệnh nhân tiếp xúc với virus nhiều hơn’.

Tòa án Tối cao Mỹ đã chặn đứng việc chính quyền của Tổng thống Biden bắt buộc nhân viên các doanh nghiệp tư nhân trên 100 người phải tiêm chủng COVID-19.

Nhưng Tòa cũng đã cho phép chính quyền này tiếp tục bắt buộc các nhân viên y tế tiêm chủng COVID-19. Phán quyết này là "thực sự đáng tiếc" và là một "sai lầm lớn" xét từ góc độ chính sách y tế, đó là nhận xét của GS. TS. BS. Jay Bhattacharya từ Trường Y Đại học Stanford.

GS. TS. BS. Bhattacharya, hiện cũng là một học giả cấp cao của Viện Brownstone, chia sẻ với tờ Epoch Times rằng, phán quyết đã dẫn đến một tình huống "tệ đến mức không thể cứu vãn nổi" ("FUBAR").

"Sự tình là như thế này đây phải không? Thật là tệ đến mức không thể cứu vãn nổi", ông nhận xét, và nói thêm rằng "Từ góc độ chính sách y tế, từ góc độ sức khỏe cộng đồng, đây là một sai lầm lớn".

13/01/2022, Tòa án Tối cao Mỹ đã giữ nguyên lệnh tiêm chủng COVID-19 bắt buộc của chính quyền Biden đối với nhân viên y tế làm việc tại những nơi nhận tài trợ từ các chương trình do Trung tâm Dịch vụ Medicare và Medicaid (CMS) quản lý — chương trình bảo hiểm y tế quốc gia Medicare, và chương trình giúp trả chi phí y tế Medicaid. Theo chính phủ Mỹ, lệnh này áp dụng cho 10,4 triệu nhân viên tại 76.000 cơ sở y tế và nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại nhà. Lệnh bắt buộc này có chấp nhận miễn trừ y tế và tôn giáo, nhưng không chấp nhận miễn dịch tự nhiên do đã từng mắc COVID-19, và cũng không chấp nhận việc thay thế tiêm chủng bằng xét nghiệm hàng tuần.

Giáo sư Bhattacharya cho biết, phán quyết của Tòa án Tối cao Mỹ là "thực sự đáng tiếc", và có khả năng gây ra tình trạng thiếu nhân lực ở các bệnh viện Mỹ trong tương lai gần. "Sự thật là số giường bệnh đã giảm — hàng chục nghìn giường — và đó là vì họ đã mất quá nhiều nhân lực trong bệnh viện. [Nhân viên y tế] đã nghỉ việc vì không muốn tiêm chủng".

Y tá chăm sóc cho một bệnh nhân trong phòng chăm sóc đặc biệt, ở Sonora, California, 27/08/2021. (Nic Coury / AFP, qua Getty Images)

Một 'tình huống thực sự kỳ lạ'

GS. Bhattacharya cho biết, có 2 khía cạnh của cái mà ông gọi là một "tình huống thực sự kỳ lạ".

Thứ nhất, trong số những nhân viên y tế đã nghỉ việc vì lệnh bắt buộc tiêm chủng COVID-19, thực ra nhiều người đã "từng bị và khỏi bệnh COVID, bởi vì họ đã làm việc tại tuyến đầu suốt năm 2020", GS. Bhattacharya chia sẻ, và nói thêm rằng những người này "ít truyền bệnh hơn so với những người đã tiêm chủng".

GS. Bhattacharya cho biết: "Nếu bạn đã có miễn dịch tự nhiên và chưa tiêm chủng, bạn sẽ được bảo vệ khỏi bị nhiễm virus tốt hơn, và bạn ít lây lan hơn, so với người chỉ được tiêm chủng nhưng chưa có miễn dịch tự nhiên".

Một nghiên cứu từ Israel mới được công bố một tháng trước cho thấy rằng, khả năng miễn dịch mà người ta có sau khi nhiễm SARS-CoV-2 là cao hơn khả năng bảo vệ của tiêm chủng.

Một nghiên cứu từ Qatar công bố cuối tháng 11 cho thấy rằng, những người chưa tiêm chủng mà đã từng nhiễm SARS-CoV-2 có rất ít nguy cơ tái nhiễm.

Viện Brownstone đã tổng hợp một danh sách gồm 146 nghiên cứu chứng minh rằng "khả năng miễn dịch tự nhiên là ngang bằng, hoặc mạnh mẽ hơn và vượt trội hơn so với các loại vaccine hiện có".

Thứ hai, các cơ quan y tế trên khắp nước Mỹ đang cho phép các nhân viên y tế mắc bệnh COVID-19 ở mức độ nhẹ hoặc không có triệu chứng trở lại làm việc, để giảm nhẹ tình trạng thiếu nhân sự, trong bối cảnh biến thể Omicron đang lây lan nhanh chóng, GS. Bhattacharya cũng lưu ý. "Tất nhiên, họ đã được tiêm chủng, và vì vậy, họ được phép quay trở lại làm việc", ông nói.

GS. Bhattacharya nói: "Vậy nên, chúng ta hãy ghép 2 khía cạnh trên lại với nhau. Chúng ta thấy rằng lệnh bắt buộc tiêm chủng này đã loại bỏ ra khỏi bệnh viện những người không tiêm chủng nhưng có miễn dịch tự nhiên, [và] khiến các bệnh viện cho phép những nhân viên đang nhiễm COVID đến làm việc".

"Cái vaccine này không ngăn chặn lây truyền, vậy nên nó cũng không có lợi ích nào cho bệnh nhân cả, xét về mặt nguy cơ COVID", ông viết trên Twitter.

GS. Bhattacharya chia sẻ với tờ Epoch Times: "Lệnh bắt buộc tiêm chủng trong trường hợp này thực sự có thể khiến bệnh nhân tiếp xúc với virus nhiều hơn, so với khi không có bắt buộc".

Bộ Y tế Mỹ (HHS), Trung tâm Dịch vụ Medicare và Medicaid (CMS), và chính quyền Biden đã không trả lời khi tờ Epoch Times đề nghị họ đưa ra bình luận về ý kiến của GS. Bhattacharya.

Các nhân viên y tế tuyến đầu của California đã đồng loạt tổ chức các cuộc biểu tình phản đối lệnh tiêm chủng bắt buộc của chính phủ tại Bệnh viện Kaiser Permanente-Riverside ở Riverside, California, 21/08/2021. (Linda Jiang / The Epoch Times)

Bộ trưởng Bộ Y tế Mỹ: Việc giữ nguyên Lệnh tiêm chủng COVID-19 bắt buộc ‘Chắc chắn sẽ cứu nhiều mạng người’

Trong phán quyết (pdf), năm Thẩm phán lưu ý rằng, Bộ trưởng Bộ Y tế Mỹ "đã xác định rõ rằng, lệnh tiêm chủng COVID-19 bắt buộc về cơ bản sẽ làm giảm đáng kể khả năng nhân viên y tế nhiễm virus và truyền nó cho bệnh nhân của họ".

Các thẩm phán cũng viết rằng, Bộ trưởng Bộ Y tế Mỹ Xavier Beccera đã trích dẫn dữ liệu có từ trước khi biến thể Omicron lây lan. Dữ liệu cho thấy rằng, sự lây lan của SARS-CoV-2 "có nhiều khả năng xảy ra hơn, khi nhân viên y tế không được tiêm chủng".

"Giữ nguyên yêu cầu rằng các nhân viên y tế phải được tiêm chủng chắc chắn sẽ cứu nhiều mạng người. Bộ Y tế sẽ thực thi yêu cầu này", ông Becerra tuyên bố trên Twitter vào cuối ngày 13/01 khi đề cập đến phán quyết của Tòa án Tối cao Mỹ.

Ông Biden, trong một tuyên bố cùng ngày 13/01, đã ca ngợi phán quyết của Tòa án Tối cao là "sẽ cứu mạng người: mạng của những bệnh nhân cần được chăm sóc tại các cơ sở y tế, cũng như mạng của các bác sĩ, y tá, và những người khác làm việc ở đó".

"Nó (lệnh tiêm chủng bắt buộc) sẽ áp dụng cho 10,4 triệu nhân viên của 76.000 cơ sở y tế. Chúng tôi sẽ thực thi nó", ông Biden cho hay.

Tháng 11/2021, khi Trung tâm Dịch vụ Medicare và Medicaid (CMS) công bố lệnh tiêm chủng COVID-19 bắt buộc, Bộ Y tế Mỹ cho biết, lệnh này sẽ áp dụng cho hơn 17 triệu nhân viên tại 76.000 nơi cung cấp dịch vụ y tế. Nhà Trắng và CMS đã không trả lời đề nghị giải thích cho sự khác biệt của hai con số này.

Các tòa án cấp dưới đã ngăn chặn lệnh tiêm chủng bắt buộc ở một số nơi trên nước Mỹ, trước khi chính quyền Biden tìm cách giữ hiệu lực cho lệnh này tại Tòa án Tối cao Mỹ vào giữa tháng 12.

CMS đã tạm thời đình chỉ việc áp dụng lệnh tiêm chủng bắt buộc trên toàn quốc vào đầu tháng 12. Sau đó, họ khôi phục lại lệnh này tại các cơ sở y tế trên một nửa đất Mỹ, tại những nơi mà lệnh này chưa bị các tòa án chặn lại.

Phán quyết mới nhất của Tòa án Tối cao Mỹ có nghĩa là tất cả các cơ sở được Medicaid hoặc Medicare tài trợ trên toàn quốc phải tuân thủ lệnh tiêm chủng COVID-19 bắt buộc.

Cao Dương

Theo The Epoch Times

Xem thêm:


Giáo sư Trường Y Stanford: Bắt buộc Nhân viên Y tế tiêm chủng COVID-19 là một ‘Sai lầm Lớn’