Hà Nội cảnh báo tình trạng người bệnh tự test nhanh dương tính tự đến cơ sở điều trị

Giúp NTDVN sửa lỗi

Những ngày gần đây, tại Hà Nội đã xảy ra tình trạng người dân tự test nhanh dương tính tự di chuyển tới cơ sở điều trị tầng 2-3, thay vì thông báo cho cơ quan chức năng địa phương.

Sở Y tế Hà Nội vừa có Công văn về việc phân luồng tiếp nhận, điều trị người bệnh Covid-19 gửi các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn thành phố.

Theo hướng dẫn mới này, Hà Nội phân thành 3 tầng điều trị dựa theo mức độ lâm sàng và yếu tố nguy cơ. Cụ thể: Tầng 1 là tuyến y tế cơ sở, trạm y tế lưu động và tại nhà; tầng 2 gồm 19 bệnh viện đa khoa cấp huyện, do thành phố phụ trách; tầng 3 là các bệnh viện tuyến thành phố, hạng I và tuyến Trung ương.

Thành phố Hà Nội đã xây dựng kịch bản ứng phó 10.000, 40.000 và 100.000 ca nhiễm, đồng thời đã có hướng dẫn cho F0 nhẹ và không triệu chứng điều trị tại nhà với những trường hợp đủ điều kiện. Sở Y tế thành phố yêu cầu các đơn vị thực hiện đánh giá, phân tầng, điều phối, tiếp nhận người bệnh Covid-19 căn cứ vào các quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế và hướng dẫn phân loại mức độ lâm sàng, phân tầng điều trị của Sở Y tế.

Tuy nhiên, những ngày gần đây đã phát sinh tình trạng người dân tự mua, tự test nhanh có kết quả dương tính rồi tự đến các bệnh viện tầng 2-3, thay vì thông báo cho chính quyền địa phương để quản lý cách ly/xét nghiệm khẳng định/điều trị theo quy định.

Các chuyên gia y tế cho rằng điều này rất nguy hiểm và đòi hỏi ý thức khai báo của người dân cũng như sự sát sao kiểm soát của chính quyền cơ sở.

Việc bệnh nhân test nhanh dương tính (khi có thể không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, có thể điều trị tại nhà, trạm y tế lưu động....) tự đến các cơ sở y tế được phân chia để tiếp nhận bệnh nhân tầng 2-3 sẽ khiến bệnh nhân tầng 2-3 bị hạn chế cơ hội được cứu sống, không những thế còn có nguy cơ lây lan dịch ra cộng đồng.

Trước diễn biến dịch phức tạp, ngày 6/12, chính quyền TP. Hà Nội đã ban hành văn bản về việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, thành phố yêu cầu các quận, huyện đánh giá cấp độ dịch tại địa phương trên quy mô xã, phường, thị trấn và nhỏ nhất có thể để kịp thời điều chỉnh, bổ sung các biện pháp hành chính phù hợp bảo đảm công tác phòng, chống dịch theo từng cấp độ; trong đó, bao gồm việc hạn chế hoặc dừng hoạt động các dịch vụ không thiết yếu tùy theo cấp độ dịch; báo cáo ban chỉ đạo phòng, chống dịch thành phố theo quy định.

3 tầng điều trị dựa theo mức độ lâm sàng và yếu tố nguy cơ cụ thể như sau:

Tầng 1: Dành cho trường hợp bệnh nhân không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ với mức nguy cơ trung bình, gồm: Tuổi từ 50-64, chưa phát hiện bệnh nền và đã tiêm đủ liều vaccine; tuổi từ 3 tháng đến dưới hoặc bằng 49 tuổi và chưa phát hiện bệnh nền, đã tiêm đủ liều vaccine, không có triệu chứng cần can thiệp y tế. Những trường hợp ở tầng này được điều trị tại nhà, trạm y tế lưu động (cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 tại quận, huyện); hoặc cơ sở thu dung, điều trị Covid-19.

Tầng 2: Dành cho trường hợp không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, mức độ trung bình với nguy cơ cao, gồm: Tuổi bằng hoặc trên 65 và đã tiêm đủ liều vaccine; mắc bệnh lý nền và đã tiêm đủ liều vaccine; từ 50-64 tuổi chưa phát hiện bệnh nền và chưa tiêm đủ liều vaccine; phụ nữ có thai và sinh con từ dưới hoặc bằng 42 ngày; trẻ em dưới hoặc bằng 3 tháng tuổi.

Tầng 3: Dành cho trường hợp nặng hoặc nguy kịch với nguy cơ rất cao, gồm: Tuổi từ trên hoặc bằng 65 và chưa tiêm đủ liều vaccine; mắc bệnh lý nền và chưa tiêm đủ liều vaccine; có tình trạng cấp cứu chuyên khoa. Những trường hợp này được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội và bệnh viện trung ương.


Hà Nội cảnh báo tình trạng người bệnh tự test nhanh dương tính tự đến cơ sở điều trị