Hà Nội khuyến cáo người dân không ‘hoang mang, lo sợ cực đoan’ khi F0 tăng mạnh

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chính quyền TP. Hà Nội đề nghị người dân hạn chế tụ tập đông người không cần thiết, tránh “tâm lý chủ quan” hoặc “hoang mang, lo sợ cực đoan không cần thiết” khi số ca mắc COVID-19 mỗi ngày của thành phố tăng mạnh.

Ngày 24/2, Chủ tịch TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký công điện “hỏa tốc” về việc thực hiện các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát dịch bệnh COVID-19.

Theo đó, chính quyền thành phố đề nghị người dân tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19; thực hiện thông điệp 5K, hạn chế tụ tập đông người không cần thiết, thường xuyên theo dõi sức khỏe, trang bị kiến thức khi nhiễm COVID-19 và điều trị tại nhà; nhận biết các dấu hiệu khi bệnh chuyển nặng để liên hệ với các cơ sở y tế kịp thời hỗ trợ; tránh "tâm lý chủ quan" hoặc "hoang mang, lo sợ cực đoan không cần thiết".

Thành phố yêu cầu Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19, UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục phân cấp từ thành phố đến cấp cơ sở với nguyên tắc "4 tại chỗ"; chủ động ứng phó với dịch bệnh gắn với trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền các cấp; rà soát, chuẩn bị các phương án phòng, chống dịch bệnh đồng bộ; thường xuyên cập nhật và thông tin về dịch bệnh…

Tăng cường hiệu quả hoạt động của các trạm y tế và trạm y tế lưu động, Tổ hỗ trợ chăm sóc theo dõi F0 tại nhà, nhất là tại khu vực có mật độ dân cư cao; kịp thời chuyển tuyến điều trị theo hướng dẫn phân luồng tiếp nhận, điều trị người bệnh COVID-19 của ngành y tế.

Sở Y tế phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương nhanh chóng sàng lọc, giải trình tự gene các ca nhiễm COVID-19; đánh giá mức độ lây nhiễm của biến chủng mới (Omicron) tại khu vực thành phố trong thời gian qua; đề xuất các kịch bản, phương án, biện pháp khi số ca nhiễm tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Sở Y tế phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng phương án huy động các cơ sở khám chữa bệnh ngoài công lập, các tình nguyện viên, bác sĩ đã nghỉ hưu… cùng tham gia hướng dẫn chuyên môn tổ chức chăm sóc, điều trị tại nhà cho người nhiễm COVID-19 không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ, nhất là trẻ em, không gây quá tải cho các cơ sở y tế; Tiếp tục rà soát và bổ sung giường điều trị COVID-19 tại các bệnh viện của thành phố, đảm bảo giường bệnh điều trị tầng 2, tầng 3, nhằm giảm tỷ lệ chuyển nặng và giảm tỷ lệ tử vong.

Sở Y tế phối hợp với các Bệnh viện Trung ương tại khu vực, tổ chức phân tuyến, phân tầng, phân luồng điều trị, sắp xếp giường bệnh thu dung điều trị COVID-19; đặc biệt quan tâm đến nhóm trường hợp nguy cơ cao, phụ nữ mang thai chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19.

Sở Giáo dục - Đào tạo phối hợp với Sở Y tế, UBND các quận, huyện, thị xã tổng hợp ý kiến của các trường học, nhanh chóng rà soát, đánh giá an toàn trong trường học với học sinh khối lớp 1 đến lớp 6 khi trở lại học trực tiếp trong thời gian qua; đề xuất giải pháp để nâng tỷ lệ học sinh lớp 7 đến lớp 12 học trực tiếp, báo cáo UBND thành phố trong ngày 25/2…

Theo báo cáo ngày 24/2 của Bộ Y tế, Hà Nội ghi nhận số ca mắc mới trong 24 giờ cao nhất từ trước tới nay với 8.864 ca; trong đó có 3.025 ca cộng đồng và 5.839 ca đã cách ly.

Trà My


Hà Nội khuyến cáo người dân không ‘hoang mang, lo sợ cực đoan’ khi F0 tăng mạnh