Khi nào vaccine chống coronavirus mới sẽ được lưu hành?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tại sao nhiều tổ chức nghiên cứu, công ty dược, công nghệ sinh học, trường đại học... khác nhau làm theo các hướng khác nhau để phát triển vaccine chống lại một mầm bệnh? Liệu có dễ dàng hơn nếu mọi người cộng tác và làm việc cùng nhau, thay vì thử nhiều cách tiếp cận như vậy không? 

Dịch bệnh COVID-19 do coronavirus mới (hiện được gọi là SARS-CoV-2) đã gây ra sự bùng nổ về số lượng ca nhiễm bệnh được xác nhận ngày càng tăng ở Trung Quốc và 24 quốc gia khác. Tính đến ngày 19 tháng 2, đã có 74.280 trường hợp được xác nhận bị lây nhiễm virus, trong đó 2.006 trường hợp tử vong. Bốn trong số những cái chết này đã xảy ra bên ngoài Trung Quốc đại lục: đó là 4 người ở 4 quốc gia khác nhau: Philippines, Nhật Bản, Hồng Kông và Pháp. Trường hợp ở Pháp là cái chết COVID-19 đầu tiên bên ngoài châu Á.

Ngày 30 tháng 1 Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu cho đợt dịch bệnh này.

Trước những sự kiện này, các chuyên gia y tế trên khắp thế giới hiện đang chia rẽ về việc liệu sự kiện này sẽ trở thành đại dịch hay liệu có thể ngăn chặn sự lây truyền virus này hay không.

Hướng tới một đại dịch?

Trong một bài báo gần đây của New York Times, Tiến sĩ Thomas R. Frieden, cựu giám đốc Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC), cho biết, ‘’ngày càng khó có khả năng kiểm soát virus’’. Trong cùng một bài báo, Tiến sĩ Anthony S. Fauci, giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Hoa Kỳ (NIAID), cho biết, ‘’Dịch bệnh này rất, rất dễ lây truyền, và nó gần như chắc chắn sẽ trở thành một đại dịch’’.

Mặt khác, WHO vẫn lạc quan. Tiến sĩ Michael Ryan, người đứng đầu về các phản ứng khẩn cấp, nói với STAT News, ‘’có đủ bằng chứng cho thấy virus này vẫn có thể được ngăn chặn’’ và ‘’cho đến khi không còn có thể ngăn chặn được nữa, chúng ta nên tiếp tục thử’’.

Chúng ta đã thấy các nhà khoa học và chuyên gia khắp thế giới đang cố gắng tập trung mọi nguồn lực vào vấn đề sức khỏe cộng đồng này. Một số tập trung vào điều trị bệnh nhân bằng phương pháp điều trị hiện có hoặc mới, những người khác tập trung vào việc ngăn chặn sự lây truyền giữa các cá nhân bằng cách phát triển các loại vaccine. May mắn cho các nhà khoa học, bài học kinh nghiệm trong đại dịch Ebola Tây Phi 2013-16 hiện đang cho phép phát triển vaccine một cách nhanh chóng và vẫn đảm bảo sự an toàn và hiệu quả.

Tất nhiên, điều quan trọng là phải tìm hiểu thêm về loại virus mới này, bao gồm cả nguồn của nó và tại sao việc truyền bệnh dường như mạnh mẽ hơn so với các coronavirus khác.

Các tổ chức đang phát triển vaccine

CEPI, Liên minh Đổi mới Chuẩn bị Dịch tễ học, là một tổ chức phi lợi nhuận quốc tế với nhiệm vụ thúc đẩy phát triển vaccine chống lại các bệnh truyền nhiễm mới nổi. Vào ngày 23 tháng 1, Liên minh đã công bố hỗ trợ tài chính cho ba tổ chức để phát triển vaccine phòng chống lại coronavirus mới xác định này là: Inovio Enterprises Inc. với ‘’nền tảng DNA’’ của họ, Đại học Queensland với ‘’nền tảng kẹp protein’’ và Moderna Inc. hợp tác với NIAID bằng cách sử dụng ‘’nền tảng mRNA’’ của mình.

Ngày 31 tháng 1, CEPI cũng tuyên bố hợp tác mở rộng với CureVac, một công ty công nghệ sinh học, để điều chỉnh nền tảng vaccine RNA của mình thành SARS-CoV-2. Bốn ngày sau, CEPI đưa ra lời kêu gọi các đề xuất phát triển vaccine chống lại coronavirus mới, dành cho tất cả các tổ chức đáp ứng các tiêu chí và có sở hữu một nền tảng phát triển vaccine có sẵn.

Johnson & Johnson cũng đã tuyên bố tham gia phát triển vaccine, sử dụng nền tảng Adenovirus của họ, đó là một loại virus được sửa đổi để trông giống như SARS-CoV-2, nhưng không thể gây bệnh ở người.

GlaxoSmithKline, một công ty dược phẩm lớn khác, gần đây đã tuyên bố hợp tác với CEPI để cung cấp quyền truy cập cho bất kỳ ai muốn sử dụng nền tảng tá dược của họ (tá dược là các thành phần có thể được thêm vào vaccine để tăng khả năng đáp ứng miễn dịch).

Cuối cùng, Đại học Hồng Kông cũng tuyên bố họ đã có một loại vaccine, được thiết kế từ một loại vaccine cúm đã được sửa đổi, gia nhập vào danh sách những tổ chức đang nỗ lực phát triển vaccine để ngăn chặn dịch bệnh này.

Các vấn đề và giải pháp

Nhưng những nền tảng này có ý nghĩa gì? Tại sao nhiều tổ chức khác nhau làm việc hướng tới cùng một mục tiêu là phát triển vaccine chống lại một mầm bệnh? Sẽ dễ dàng hơn nếu mọi người làm việc cùng nhau, thay vì thử nhiều cách tiếp cận như vậy? Câu trả lời cho những câu hỏi này không đơn giản như vậy.

Nền tảng vaccine là công cụ mà các nhà khoa học có thể sử dụng để phát triển một loại vaccine mới, sử dụng một hệ thống tương tự như các phương pháp đã thành công trước đây. Ví dụ, một cách tiếp cận nổi tiếng và đơn giản là ‘’nền tảng bất hoạt’’, mà trong đó mầm bệnh được sao chép an toàn trong các phòng thí nghiệm, bị khống chế hoạt động và sau đó được sử dụng như một loại vaccine.

Mặc dù các nền tảng này sử dụng các phương pháp khác nhau, nhưng tất cả chúng đều có chung một mục tiêu là huấn luyện hệ thống miễn dịch của cá nhân được tiêm chủng nhanh chóng nhận ra mầm bệnh bên trong cơ thể.

Vậy tại sao có nhiều nền tảng khác nhau? Mỗi nền tảng có ưu điểm và nhược điểm riêng. Một số dễ dàng cho sản xuất hàng loạt, một số gây ra ít tác dụng phụ hơn, và một số tốt hơn trong việc huấn luyện cho hệ thống miễn dịch.

Hệ thống miễn dịch của con người được chia thành hai nhánh chính: bẩm sinh và thích nghi. Hệ thống miễn dịch bẩm sinh của chúng ta là không xác định mục tiêu cụ thể nào và có phản ứng bảo vệ ngay lập tức, nhưng lại hạn chế trong việc chống lại sự xâm nhập từ bên ngoài vào cơ thể. Hệ thống miễn dịch thích nghi có thể nhắm mục tiêu một mầm bệnh cụ thể, nhưng cần thời gian để phát huy hết tác dụng của nó, khoảng 21 đến 28 ngày sau khi bị lây nhiễm hoặc tiêm phòng. Hệ miễn dịch thích nghi được chia tiếp thành miễn dịch dịch thể và miễn dịch tế bào.

Với các mầm bệnh mới như SARS-CoV-2, các nhà khoa học không thể biết hệ thống miễn dịch nào sẽ bảo vệ cơ thể, vì vậy họ không chắc chắn nền tảng vaccine nào sẽ tạo ra loại vaccine thành công nhất.

Khi nào vaccine mới sẽ được lưu hành?

Thiết kế vaccine nghe có vẻ đơn giản như vậy, nhưng làm cho nó hoạt động chính xác theo cách chúng ta muốn là một câu chuyện hoàn toàn khác.

Hiện tại, các nhà khoa học đang nghiên cứu xác định phần nào của SARS-CoV-2 mà họ có thể sử dụng trong vaccine. Những bộ phận này phải được lựa chọn cẩn thận, bởi vì chúng cần bắt chước đúng những gì mà sự lây nhiễm thực sự sẽ làm đối với cơ thể chúng ta. Điều này phải được thực hiện cùng với việc lựa chọn một phương pháp phân phối vaccine thích hợp: nền tảng được sử dụng.

Các coronavirus, như MERS CoV được thấy ở đây, được đặt tên theo hình dạng của chúng dưới kính hiển vi: hình dạng corona (hào quang tròn, hoặc hình dạng giống như vương miện. (NIAID)

Vì lý do đạo đức, một khi có một loại vaccine thích hợp, nó cần phải trải qua thử nghiệm an toàn và hiệu quả ở động vật (mặc dù có thể có ngoại lệ). Không phải các động vật trong phòng thí nghiệm đều bị nhiễm bệnh theo cách giống như con người. Đây là lý do tại sao các nhà khoa học cũng đang làm việc để xác định loại động vật nào phù hợp để thử nghiệm đánh giá vaccine được lựa chọn. Tại thời điểm này, nhiều tháng và hàng chục ngàn đô la đã được đầu tư vào phát triển vaccine.

Khi các thử nghiệm trên động vật đạt yêu cầu, vaccine có thể được sử dụng cho người trong một thử nghiệm lâm sàng để đánh giá tính an toàn và hiệu quả của vaccine. Điều này có nghĩa là thêm vài tháng đến nhiều năm (nếu không phải là hàng thập kỷ) và hàng triệu đô la đầu tư.

Những bước cuối cùng thường nằm ngoài tầm tay của các nhà khoa học. Vaccine phải được đăng ký và nhận được phê duyệt theo quy định, được sản xuất ở quy mô lớn và phân phối. Mặc dù các bước này chỉ mất một vài dòng để liệt kê ở đây, nhưng chúng có thể mất nhiều năm để thực sự đạt được.

Mặt khác, các chuyên gia y tế nói với chúng tôi nhiều lần rằng nếu chúng ta may mắn và mọi thứ đều ổn, chúng ta có thể phát triển thành công vaccine an toàn và hiệu quả trong khoảng một năm. Vẫn còn phải xem chúng ta sẽ ở giai đoạn nào của quá trình vào đầu năm 2021. Nếu Trung Quốc đã xây dựng một bệnh viện 1.000 giường trong 10 ngày để chống lại sự lây lan của dịch bệnh, ai biết những gì có thể đạt được trong một năm phát triển và chế tạo vaccine.

Trong khi chờ đợi vaccine mới được chính thức phê duyệt và lưu hành, chúng ta cần tự tìm hiểu các phương pháp phòng bệnh dân gian, y học cổ truyền hoặc tập luyện thể thao nâng cao sức khỏe và sức đề kháng của cơ thể. Khí công cổ truyền là một trong những phương pháp hữu hiệu như vậy, giúp chúng ta thanh lọc cơ thể, tiếp nhận năng lượng tự nhiên và kết hợp với thiền định giúp chúng ta luôn giữ tâm thái thanh thản hòa hợp với thiên nhiên, tránh xa các loại bệnh tật.

Ánh Dương

Theo The Conversation


Khi nào vaccine chống coronavirus mới sẽ được lưu hành?