Lo ngại dịch lây lan, Hà Nội xây dựng kịch bản 3.000 ca nhiễm mỗi ngày

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, thành phố sẽ xây dựng kịch bản, phương án ứng phó khi số ca mắc Covid-19 tăng lên 2.000 và 3.000 ca/ngày nhằm chủ động trong phòng, chống dịch.

Trao đổi với báo chí ngay sau cuộc họp hội nghị Ban Thường vụ Thành ủy về công tác phòng, chống dịch Covid-19 ngày 13/12, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhận định, dù số ca bệnh bình quân gia tăng mạnh, nhưng thành phố vẫn kiểm soát được tình hình.

Tuy nhiên, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng, tâm lý chủ quan vẫn còn phổ biến, biểu hiện là tình trạng tụ tập đông người, không thực hiện "5K" trong tổ chức lễ, đám; ăn uống ở hàng, quán... diễn ra nhiều nơi. Một số quận, huyện, phường, xã vẫn chưa triển khai điều trị F0 thể nhẹ hoặc không triệu chứng, cách ly F1 tại nhà.

Trước tình hình đó, Bí thư Thành ủy yêu cầu UBND thành phố chỉ đạo chủ động xây dựng kịch bản, phương án ứng phó khi số ca F0 tăng lên 2.000 và 3.000 ca/ngày.

Tiếp tục huy động sự tham gia của các bệnh viện, cơ sở y tế của các bộ, ngành trung ương đóng trên địa bàn, các cơ sở y tế ngoài công lập; huy động lực lượng y, bác sĩ đã nghỉ hưu, lực lượng sinh viên ngành Y tham gia hỗ trợ y tế tuyến cơ sở.

Tháo gỡ khó khăn về mua sắm và tiếp nhận hỗ trợ về thiết bị để bố trí xét nghiệm theo khu vực, bảo đảm trả kết quả nhanh. Chủ động rà soát và bàn giao các cơ sở thu dung F0 thành phố quản lý cho các quận, huyện chưa có hoặc chưa đủ cơ sở thu dung vận hành phục vụ công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.

Lưu ý nguy cơ lây lan dịch bệnh trong dịp lễ Noel và Tết Dương lịch 2022, ông Dũng chỉ đạo, các cấp, các ngành phải vận động tổ chức tôn giáo tổ chức theo hình thức trực tuyến, hạn chế tập trung đông người.

Chính quyền các quận, huyện, thị xã chuẩn bị sẵn sàng các phương án phòng, chống dịch bệnh ở mức độ cao hơn, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.

Các địa phương nâng cao năng lực hệ thống y tế, thành lập mới các trạm y tế lưu động; tổ chức quản lý điều trị F0, cách ly F1 tại nhà đối với tất cả các phường, xã, thị trấn; tăng cường kiểm tra, giám sát từ cơ sở.

Cũng theo Bí thư Thành ủy, các quận, huyện, thị xã phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế, Sở GD-ĐT và căn cứ vào mức độ dịch để tổ chức xây dựng kế hoạch, phương án cụ thể từng trường tổ chức cho học sinh đi học trở lại. Việc này sẽ gắn với công tác xét nghiệm và tiêm vaccine để bảo đảm an toàn cho trẻ. Khi phát hiện trường hợp F0 là học sinh phải đánh giá nhanh triệu chứng để quyết định phương án điều trị, cách ly phù hợp.

UBND thành phố cần có phương án chỉ đạo chung để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch trên toàn địa bàn thành phố, nhất là tại các điểm vui chơi, nơi thường tập trung đông người vào những ngày lễ lớn.

Tính đến 18h ngày 13/12, tổng số ca mắc Covid-19 tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay) là 19.210 ca; trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng là 7.297 ca, số ca mắc thuộc diện đã được cách ly là 11.913 ca.

Hà Nội hiện đã triển khai 32 bệnh viện, cơ sở thu dung và 27 cơ sở thu dung theo mô hình trạm y tế lưu động với năng lực điều trị cho 100.000 ca bệnh; thi công xong hệ thống oxy tại 25 bệnh viện với 3.200 đầu ra khí oxy phục vụ người bệnh; tập huấn chuyên môn trực tuyến cho tất cả các xã, phường, thị trấn và triển khai ứng dụng phần mềm để quản lý, theo dõi, điều trị F0 tại nhà.


Lo ngại dịch lây lan, Hà Nội xây dựng kịch bản 3.000 ca nhiễm mỗi ngày