Nam giới dưới 40 tuổi và Mũi tiêm tăng cường COVID-19: Sao phải quan ngại?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hàng triệu nhân viên y tế nam, và nam thanh niên phục vụ trong quân đội Mỹ đang phải chịu lệnh tiêm chủng COVID-19 bắt buộc. Các lệnh tiêm tăng cường bắt buộc cũng có khả năng sẽ được ban hành. Với các bằng chứng ngày càng rõ ràng về viêm cơ tim ở nam giới sau khi tiêm chủng, các lệnh bắt buộc này không tuân theo y học an toàn, có đạo đức, và dựa trên bằng chứng.

Tôi bị nhiễm Omicron vào ngày tôi trở về từ một trong số ít những nơi trên thế giới không có COVID Nam Cực. Trong hai hay ba ngày, tôi có các triệu chứng nhẹ như cảm lạnh vậy. Đây là tình huống mà đại đa số những người cũng đang phục vụ trong quân đội Mỹ như tôi, và cũng đã tiêm chủng (tôi là một nam thanh niên 32 tuổi thuộc Lực lượng Không quân Vệ binh Quốc gia Alaska) đã hoặc sẽ gặp phải khi họ chạm trán với COVID. Hiện tại, đối với chúng tôi mà nói, COVID về cơ bản chỉ là cảm lạnh hay là cúm thôi.

97% số người đang phục vụ trong quân đội hiện được coi là “đã tiêm chủng đầy đủ”. Chắc chắn là một số người cũng đã được tiêm mũi tăng cường. Ngày 13/01/2022, thư ký báo chí Lầu Năm Góc John Kirby cho biết, Bộ Quốc phòng Mỹ (DoD) giữ nguyên quyết định của mình về việc bắt buộc tiêm chủng trong quân đội. Ông Kirby cũng nói rằng, Bộ Quốc phòng Mỹ đang thảo luận về việc liệu họ sẽ bắt buộc tiêm mũi tăng cường hay không. Cho dù Bộ Quốc phòng có làm thế hay không, phần lớn những người đang phục vụ trong quân đội sẽ có sức khỏe tốt hơn nhiều, nếu họ từ chối mũi tiêm tăng cường này.

Tôi từng là người ủng hộ các vaccine COVID-19 hiện có, tôi từng cho rằng chúng an toàn và hiệu quả, khi tôi mới xem các dữ liệu ban đầu của các thử nghiệm lâm sàng. Nhưng tôi bắt đầu xem xét các dữ liệu này kỹ hơn vào tháng 05/2021, sau khi có nhiều lời chứng thực về các tác hại của vaccine, và các báo cáo về tác dụng phụ có hại sau tiêm chủng ngày càng tăng trên VAERS. Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm của Mỹ (FDA) nói rằng, các thông tin về tử vong và hầu hết các bệnh tật báo lên VAERS vẫn chưa được chứng minh là có liên quan đến vaccine. Nhưng tôi thấy có một số dấu hiệu đáng lo ngại liên quan đến viêm cơ tim ở nam thanh niên trẻ tuổi.

Tôi vừa mới tiêm liều vaccine Pfizer đầu tiên xong, thì tôi bắt đầu thấy các dữ liệu chứng minh những tác hại ấy. Vì vậy, tôi quyết định xem xét sâu hơn mọi thứ trước khi tiêm liều thứ hai. Tôi không tìm thấy nhiều bằng chứng thuyết phục về các rủi ro cá nhân. Nhưng tôi cũng không thấy bất kỳ bằng chứng thuyết phục nào cho thấy rằng, tôi sẽ có được nhiều lợi ích từ liều vaccine COVID-19 thứ hai, trong khi tôi còn là một thanh niên khỏe mạnh như lập luận ở đây đặc biệt là khi biến thể Delta bắt đầu tràn lan ở Mỹ, và các ca nhiễm COVID-19 đột phá trở nên phổ biến hơn. Tôi bắt đầu phỏng đoán rằng, lợi ích cộng đồng từ vaccine COVID-19 đang giảm dần, và tôi chuyển sang coi vaccine như một biện pháp giảm thiểu rủi ro cá nhân, vì chúng có hiệu quả trong việc giảm nguy cơ nhập viện và tử vong.

Tôi quyết định bỏ qua liều vaccine thứ hai. Tôi thậm chí còn bắt đầu thấy dữ liệu chứng minh lợi ích của việc kéo dài khoảng cách giữa các liều trong trường hợp tiêm cả hai liều. Nhưng sau khi FDA cấp phép chính thức cho vaccine Comirnaty của Pfizer, Bộ Quốc phòng ngay lập tức ra lệnh tiêm chủng bắt buộc cho tất cả những người đang phục vụ trong quân đội. Tại thời điểm ấy, tôi cảm thấy đủ yên tâm về những rủi ro có hạn, và về khoảng thời gian giãn cách giữa hai liều. Vì vậy, tôi đã đi tiêm.

Vấn đề là, tôi đã đánh giá không đúng về các rủi ro của vaccine COVID-19. Hóa ra là hiện nay, một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nam giới dưới 40 tuổi có nguy cơ bị viêm cơ tim cao hơn sau khi tiêm liều thứ hai của vaccine mRNA, so với nguy cơ bị viêm cơ tim do nhiễm SARS-CoV-2. Đây lẽ ra phải là một vấn đề nổi bật trong nghị luận xã hội trên thế giới! Nhất là sau khi Tối cao Pháp viện Mỹ ra phán quyết giữ nguyên lệnh bắt buộc tiêm chủng COVID-19 đối với các nhân viên y tế, với lý lẽ yếu ớt là để “tránh truyền một loại virus nguy hiểm cho bệnh nhân của họ”. Có hàng nghìn người đàn ông dưới 40 tuổi phục vụ trong hệ thống chăm sóc y tế của chúng ta, và các lệnh bắt buộc tiêm tăng cường hiện đang được áp lên nhiều người trong số đó. Các lệnh ấy có khả năng sẽ được duy trì dựa vào phán quyết trên của Tối cao Pháp viện.

Quân đội là đại diện tinh túy của nhóm người dễ bị tổn thương bởi vaccine COVID này (nam giới dưới 40 tuổi). Khoảng hai phần ba quân đội là nam giới dưới 40 tuổi. Việc người ta thậm chí đang thảo luận về việc bắt buộc tiêm tăng cường đã là một sai lầm về mặt đạo đức rồi. Với các bằng chứng khoa học hiện tại, mọi động thái xem xét lệnh bắt buộc tiêm tăng cường nên được dừng lại. Và cần tiến hành điều tra sâu hơn về các rủi ro.

Tất nhiên, nên có sự khuyến khích mạnh mẽ đối với các thành viên của quân đội mà nằm trong nhóm nguy cơ cao, để họ tiêm liều tăng cường, nếu họ muốn (sau khi họ đã tham khảo ý kiến ​​của bác sĩ nào mà đã xem xét chặt chẽ các bằng chứng cập nhật mới nhất). Nhưng thật là đáng sợ khi mà các nhà lãnh đạo của chúng ta ra lệnh bắt buộc tiêm một loại vaccine, mà nghiên cứu cho thấy có thể gây hại nhiều hơn lợi.

Và mấy cái vaccine ấy có thể mang đến lợi ích tiềm tàng nào cho lứa tuổi này? Hầu như không có lợi ích nào. Hầu hết các thành viên trẻ, khỏe của quân đội, mà đã tiêm chủng, đều gần như không thể gặp hậu quả tiêu cực từ COVID-19. Xác suất ấy nhỏ đến mức không có lý do nào nghe xuôi tai cho việc xem xét tiêm tăng cường. Ngay cả Bác sĩ Paul Offit, một trong những người ủng hộ nhiệt tình nhất cho vaccine COVID-19, gần đây đã khuyên cậu con trai 20 tuổi của mình độ tuổi mà khoảng 20% ​​quân nhân rơi vào rằng cậu không cần tiêm tăng cường. Bắt buộc tiêm tăng cường trong quân đội sẽ là một động thái không theo đúng với y học an toàn, có đạo đức, và dựa trên bằng chứng.

Nếu vaccine giúp ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 đặc biệt là khi biến thể Omicron gây bệnh rất nhẹ đang chiếm 98% tổng số ca nhiễm COVID-19 ở Mỹ thì đó sẽ là một câu chuyện khác. Nhưng các vaccine không ngăn chặn sự lây lan của SARS-CoV-2. Vaccine có hiệu quả trong việc bảo vệ những người có nguy cơ cao khỏi nhập viện và tử vong do COVID-19. Vậy nên, chúng ta nên dành vaccine cho những người ấy, và hãy để chúng ta lấy lại quyền tự kiểm soát cuộc sống, quyền riêng tư, và quyền tự do y tế của mình.

Quan điểm được trình bày trong bài viết này là ý kiến ​​của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Tác giả bài bình luận Willy Forsyth là một Kỹ thuật viên Y tế Khẩn cấp - Nhân viên Y tế (EMT-P), và có bằng Thạc sĩ Y tế Công cộng. Anh là một Chuyên gia Y tế Công cộng từng làm việc tại các cơ quan nhân đạo trên khắp Châu Phi và Châu Á. Anh cũng là một thành viên có nhiệm vụ phục hồi và điều trị y tế cho các nhân viên trong môi trường nhân đạo và chiến đấu, trực thuộc Lực lượng Không quân Vệ binh Quốc gia Alaska. Gần đây nhất, anh là Điều phối viên An toàn Hiện trường, và Trưởng nhóm Tìm kiếm và Cứu nạn của Chương trình Nam Cực tại Trạm McMurdo.

Cao Dương

Theo Brownstone Institute


Nam giới dưới 40 tuổi và Mũi tiêm tăng cường COVID-19: Sao phải quan ngại?