Tại sao Covid-19 gây mất khứu giác?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, phần để ngửi trong mũi, khe khứu giác bị tắc nghẽn do sưng mô mềm và chất nhầy, trong khi phần còn lại của mũi và xoang đều bình thường. Điều này hoàn toàn khác với cảm cúm khi toàn bộ mũi đều bị tắc nghẽn, và bạn chỉ đơn giản là không thể thở được.

Từ những báo cáo đầu tiên đến từ Vũ Hán, Iran và sau đó là Ý, chúng ta biết rằng mất khứu giác là một triệu chứng quan trọng của COVID-19.

Bây giờ, sau nhiều tháng nghiên cứu cùng những phát hiện lâm sàng, các nhà khoa học cho rằng họ đã hiểu rõ cách mà loại virus này có thể gây mất khứu giác ở người bệnh.

Một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây mất khứu giác là do nhiễm virus; chẳng hạn như cảm lạnh thông thường, viêm xoang hoặc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên khác.

Nhưng các loại coronavirus trên không gây ra bệnh chết người giống như COVID-19, Sars và Mers. Chúng chỉ là một trong những nguyên nhân gây ra cảm lạnh thông thường, và có khả năng gây mất khứu giác.

Trong hầu hết các trường hợp đó, khứu giác sẽ sớm trở lại, vì mất khứu giác chỉ đơn giản là do mũi bị tắc, ngăn cản các phân tử mùi thơm tiếp cận các thụ thể khứu giác trong mũi.

Tất nhiên, cũng có một số trường hợp mà tình trạng mất mùi có thể kéo dài trong nhiều tháng và nhiều năm.

Tuy nhiên, đối với coronavirus mới (SARS-CoV-2), kiểu mất mùi lại hoàn toàn khác. Nhiều người mắc COVID-19 cho biết, họ bị mất khứu giác đột ngột và sau đó nhanh chóng trở lại bình thường trong một hoặc hai tuần.

Điều thú vị là nhiều người trong số này cho biết, mũi của họ vẫn có thể hít thở bình thường. Vì vậy việc mất khứu giác không thể là do mũi bị nghẹt như các bệnh cảm cúm khác.

Một số người thì tình trạng kéo dài hơn, thậm chí vài tuần sau đó họ vẫn chưa lấy lại được khứu giác, dù vẫn thở được. Do đó, bất kỳ lý thuyết nào về chứng mất khứu giác khi nhiễm COVID-19 đều phải giải thích cho cả hai hiện tượng này.

Thực tế, sự trở lại đột ngột của khứu giác thông thường là biểu hiện cho thấy mũi bị tắc nghẽn gây ra mất mùi. Trong đó các phân tử hương thơm không thể tiếp cận các cơ quan thụ thể trong mũi.

Các nhà nghiên cứu đã chụp CT scan mũi và xoang của những người bị mất mùi do COVID-19, họ thấy rằng phần để ngửi trong mũi, khe khứu giác bị tắc nghẽn do sưng mô mềm và chất nhầy - được gọi là hội chứng khe hở khứu giác. Phần còn lại của mũi và xoang trông bình thường và bệnh nhân không gặp vấn đề gì khi thở bằng mũi.

Chúng ta biết rằng SARS-CoV-2 lây nhiễm vào cơ thể bằng cách gắn vào các thụ thể ACE2 trên bề mặt của các tế bào lót đường hô hấp trên. Một protein được gọi là TMPRSS2 sau đó giúp virus xâm nhập vào tế bào.

Khi vào bên trong tế bào, virus có thể tái tạo, kích hoạt phản ứng viêm của hệ thống miễn dịch. Đây là điểm khởi đầu cho sự tàn phá mà loại virus này gây ra trong cơ thể.

Các nhà nghiên cứu cho biết, ban đầu họ nghĩ rằng virus có thể đang lây nhiễm và phá hủy các tế bào thần kinh khứu giác.

Tế bào thần kinh khứu giác là những tế bào truyền tín hiệu từ phân tử hương thơm trong mũi của bạn đến khu vực trong não, nơi những tín hiệu này được hiểu là “mùi”.

Tuy nhiên nghiên cứu gần đây lại cho thấy, các protein ACE2 mà virus cần để xâm nhập vào các tế bào đã không được tìm thấy trên các tế bào thần kinh khứu giác.

Nhưng chúng được tìm thấy trên các tế bào được gọi là “tế bào trung tâm”, hỗ trợ các tế bào thần kinh khứu giác.

Họ cho rằng những tế bào hỗ trợ này có khả năng là những tế bào bị virus phá hủy, và phản ứng miễn dịch sẽ gây sưng tấy vùng đó nhưng vẫn giữ nguyên các tế bào thần kinh khứu giác.

Khi hệ thống miễn dịch đã tiêu diệt virus thành công, vết sưng tấy sẽ giảm xuống và các phân tử hương thơm lại có thể tiếp xúc với vùng tiếp nhận mùi hương bên trong mũi, từ đó khứu giác trở lại bình thường.

Vậy tại sao mùi không quay trở lại trong một số trường hợp?

Viêm là phản ứng của cơ thể đối với những tổn thương, dẫn đến việc giải phóng các chất hóa học phá hủy các mô liên quan.

Khi tình trạng viêm này nghiêm trọng, các tế bào lân cận khác bắt đầu bị tổn thương hoặc bị phá hủy. Các nhà nghiên cứu tin rằng đó là giai đoạn thứ hai, nơi các tế bào thần kinh khứu giác bị tổn thương.

Việc phục hồi khứu giác chậm hơn nhiều vì các tế bào thần kinh khứu giác cần thời gian để tái tạo từ việc cung cấp các tế bào gốc trong niêm mạc mũi.

Sự phục hồi ban đầu của các tế bào thần kinh khứu giác thường liên quan đến sự biến dạng của khứu giác - được gọi là rối loạn cảm giác mùi - khi mọi thứ không có mùi như trước đây; chẳng hạn một số người cảm thấy mùi cà phê trở nên khét lẹt, giống hóa chất, bẩn thỉu và gợi nhớ đến mùi nước thải.

Vật lý trị liệu cho Mũi

Khứu giác từng được xem là "Cô bé Lọ Lem" của các giác quan vì nó thường bị các nghiên cứu khoa học bỏ quên. Nhưng giờ đây trong đại dịch COVID-19, nó đã trở thành yếu tố quan trọng nhất.

Điều đáng chú ý là chúng ta sẽ học được nhiều hơn về cách thức virus tác động lên cơ thể, nhờ việc gây ra sự mất mùi ở người bệnh. Nhưng những người bị mất khứu giác liệu còn hy vọng gì không?

Tin tốt là các tế bào thần kinh khứu giác có thể tái tạo. Chúng luôn mọc lại. Chúng ta có thể khai thác sự tái tạo đó và hướng dẫn nó bằng “vật lý trị liệu cho mũi”, được gọi là luyện khứu giác.

Có bằng chứng cho thấy việc tiếp xúc lặp đi lặp lại với một nhóm chất tạo mùi cố định mỗi ngày có thể cải thiện chứng mất mùi; và không có lý do gì để nghĩ rằng nó sẽ không hiệu quả trong việc cải thiện triệu chứng phổ biến ở bệnh nhân COVID-19.

Tác giả: Simon Gane - Nhà tư vấn Rhinologist và bác sĩ phẫu thuật tai mũi họng, Đại học London và Jane Parker - Phó Giáo sư, Hóa học Hương vị, Đại học Reading.

Hoàng Tuấn
Theo The Epoch Times


Tại sao Covid-19 gây mất khứu giác?