Tế bào T: Siêu anh hùng trong trận chiến chống lại Omicron

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tế bào T đã hình thành được khả năng chống lại biến thể Omicron nhờ quá trình liên tục “học hỏi và ghi nhớ”. Thực tế, nó hoạt động bằng cách phát hiện các tế bào bị nhiễm bệnh và tiêu diệt luôn những tế bào này, bao gồm cả virus trong đó.

Omicron đang lây lan nhanh chóng trên toàn cầu, các chuyên gia khẳng định rằng 40% dân số toàn cầu sẽ bị nhiễm bệnh trong vòng hai tháng tới.

Điều này nghe có vẻ khá giật mình, nhưng chúng ta vẫn chưa thực sự biết liệu Omicron có gây ra bệnh nặng hơn so với các biến thể khác hay không. Mặc dù vậy, các dấu hiệu cho đến nay vẫn đang tỏ ra tích cực.

Với sự bùng phát của biến thể Delta trước đây, những người nhiễm bệnh thường trải qua một quá trình từ nhiễm virus đến nhập viện; ở một số bệnh nhân, quá trình này còn bao gồm cả cấp cứu ICU và tử vong. Nhưng điều này dường như không quá rõ ràng đối với Omicron.

Tuy nhiên, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới, ông Tedros Ghebreyesus cho biết vào ngày 6 tháng 1 rằng:

“Mặc dù Omicron dường như ít nghiêm trọng hơn so với biến thể Delta, đặc biệt là ở những người đã được tiêm chủng, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc nó nên được phân loại là biến thể nhẹ”.

Câu hỏi đặt ra là tại sao nó có thể ít nghiêm trọng hơn Delta? Có những thay đổi nào trong Omicron khiến nó ít gây nguy hiểm hơn không?

Câu trả lời bao gồm cả hai khía cạnh này.

Đầu tiên, Omicron dường như ít có khả năng lây nhiễm sang các tế bào phổi. Nó có xu hướng “thích” các đường hô hấp trên, giống như nhiều coronavirus khác tồn tại trong mũi và cổ họng, chẳng hạn như OC43, một trong những coronavirus gây ra cảm lạnh thông thường.

Điều này phù hợp với các triệu chứng nhẹ mà Omicron gây ra, chủ yếu liên quan đến mũi và cổ họng, tương ứng với các hiện tượng như sụt sịt và ho khan.

Bệnh nhân chỉ trở nặng chỉ khi virus SARS-CoV-2 nhiễm vào phổi của họ, dẫn đến các triệu chứng như khó thở; nhưng biến thể mới này dường như ít có khả năng làm điều đó.

Tuy nhiên, có một khía cạnh thứ hai là tại sao Omicron dường như không gây ra bệnh nặng?

Thực tế, đó là nhờ một phần quan trọng của hệ thống miễn dịch - các tế bào T, có khả năng xử lý tốt Omicron.

Mối quan tâm ban đầu là làm thế nào để Omicron có thể né tránh được hệ thống miễn dịch - chúng ta đang nói đến kháng thể có được sau khi sau khi tiêm vaccine hoặc từng nhiễm Covid-19 trước đó.

Protein gai trên bề mặt của virus SARS-CoV-2 là mục tiêu chính của các kháng thể. Chúng bám vào điểm nhọn và làm bung nó một cách hiệu quả, ngăn nó tương tác với các tế bào mà virus đang cố gắng lây nhiễm, do đó cung cấp khả năng bảo vệ.

Tuy nhiên, với Omicron, nhờ đột biến nên các phần của gai đã thay đổi; do đó, kháng thể ít có khả năng vô hiệu hóa virus hơn. Tuy nhiên, với các kháng thể, số lượng có thể được dùng để áp đảo chất lượng.

Vì vậy, kể cả khi kháng thể không liên kết với Omicron một cách hiệu quả như với các biến thể trước đó, thì hệ thống miễn dịch có được của bạn, đặc biệt là sau khi tiêm vaccine tăng cường, vẫn có thể tạo ra một lượng lớn kháng thể đủ để phá hủy protein gai. Đây là một lý do tại sao các mũi tiêm tăng cường lại rất quan trọng.

Nhưng tin tốt lành là các tế bào T của chúng ta vẫn có thể tự nhận ra và loại bỏ hoàn toàn Omicron.

Chữ “T” trong tên của chúng xuất phát từ tuyến ức, một cơ quan trong lồng ngực nơi chúng trưởng thành. Chúng hoạt động theo một cách khác so với các kháng thể.

Khi một tế bào bị nhiễm virus, nó sẽ lấy một phần protein gai từ virus và hiển thị trên bề mặt của mình.

Điều này hơi giống như tế bào nhiễm bệnh đang vẫy một lá cờ cảnh báo rằng, nó đã bị nhiễm bệnh. Trên bề mặt của những tế bào T đều có các cảm biến đối với lá cờ này. Sau khi phát hiện ra, chúng sẽ bám vào tế bào nhiễm virus và tiêu diệt nó.

Cách tế bào T tiêu diệt virus giống như một vụ nổ có kiểm soát

Điều này nghe có vẻ kịch tính, nhưng nó rất hiệu quả. Giết tế bào có nghĩa là virus cũng bị loại bỏ. Nó giống như một vụ nổ có kiểm soát. Do đó, quá trình này có thể kiểm soát virus và ngăn ngừa bệnh nặng.

Các kháng thể giống như kế hoạch A: chúng ngăn không cho virus xâm nhập vào tế bào. Tế bào T là kế hoạch B: nếu virus lây nhiễm vào một tế bào, chúng sẽ đến và giết tế bào đó, ngăn chặn virus theo dấu vết của nó.

Cơ chế hoạt động của tế bào T vẫn hiệu quả trong việc chống lại virus, bởi vì các phần của gai được đưa lên bề mặt tế bào bị nhiễm không thay đổi nhiều trong Omicron.

Tế bào T trong cơ thể bạn đã được tạo ra để chống lại phiên bản trước của protein gai (có trong vaccine) có thể làm tốt công việc của chúng.

Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, các tế bào T do vaccine tạo ra đã giữ được khả năng chống lại Omicron theo cách này.

Hệ thống miễn dịch của bạn đã trải qua hàng triệu năm tiến hóa. Nó có đủ mọi cách thức và vũ khí để chống lại vi khuẩn, virus. May mắn thay, cho đến nay, ít nhất thì những “kinh nghiệm tích lũy” của tế bào T đang tỏ ra hiệu quả trong việc chống lại Omicron.

Và giống như các bộ phận khác của hệ thống miễn dịch, tế bào T có thể “rút tỉa những bài học” và ghi nhớ sau cuộc chiến, để từ đó, chúng hoạt động thậm chí còn tốt hơn trong lần tiếp theo khi bạn bị nhiễm bệnh.

Không những vậy, quá trình “học hỏi và ghi nhớ” của tế bào T cũng có thể giúp cơ thể chống lại các biến thể trong tương lai. Và đây là một trong những lý do khiến chúng ta lạc quan rằng đại dịch có thể sẽ sớm kết thúc.

Bài viết này được xuất bản lại từ The Conversation theo giấy phép Creative Commons.

Bảo Vy
Theo The Epoch Times


Tế bào T: Siêu anh hùng trong trận chiến chống lại Omicron