WHO: Số ca COVID-19 tăng chỉ là 'phần nổi của tảng băng chìm'

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngày 16/3 vừa qua, tại cuộc họp báo Geneva ở Thụy Sĩ, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết: Các số liệu cho thấy các ca nhiễm Covid-19 đang gia tăng toàn cầu có thể dẫn đến vấn đề nghiêm trọng hơn, ngay cả khi một số quốc gia có tỷ lệ xét nghiệm giảm, đồng thời cũng cảnh báo các quốc gia cảnh giác trước sự lây lan của virus.

Số ca nhiễm COVID-19 tăng mạnh toàn cầu

Số ca nhiễm Covid-19 vào tuần trước đã tăng 8% so với tuần trước nữa trên toàn cầu, với 11 triệu ca mắc mới và chỉ hơn 43.000 ca tử vong. Đây là lần tăng đầu tiên kể từ cuối tháng Một. Nghiêm trọng nhất là ở khu vực Tây Thái Bình Dương, bao gồm Hàn Quốc và Trung Quốc, nơi số ca mắc mới tăng 25% và số ca tử vong tăng 27%.

Tổng Giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết: “Số ca nhiễm đang tăng bất chấp việc các trường hợp xét nghiệm đang giảm ở một số quốc gia, có nghĩa là điều chúng ta đang thấy chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Và chúng tôi biết rằng khi các ca Covid-19 gia tăng, các ca tử vong cũng vậy”.

Theo bà Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật liên quan đến COVID của WHO, sự kết hợp nhiều các yếu tố đã làm tăng số các ca nhiễm, bao gồm Omicron và biến thể BA.2 ‘tàng hình’ của nó, và sự suy giảm ý thức trong việc nâng cao các biện pháp xã hội và sức khỏe cộng đồng.

Bà Van Kerkhove nói tại cuộc họp báo rằng BA.2 có vẻ là biến thể dễ lây truyền nhất cho đến nay.

Tuy nhiên, không có dấu hiệu nào cho thấy nó gây ra triệu chứng nặng hơn và không có bằng chứng cho thấy bất kỳ biến thể mới nào khác đang thúc đẩy sự gia tăng các ca nhiễm Covid-19.

Vẫn còn rất nhiều ca COVID-19 chưa được phát hiện

Trong khi đó, WHO cho rằng nhiều biện pháp y tế công cộng đã được nới lỏng đã ‘tạo cơ hội cho virus lây lan’ và phạm vi tiêm chủng trên toàn thế giới là ‘chưa hoàn thiện’.

Nhiều quốc gia đang thay đổi chiến lược trong việc phòng chống Covid khi họ đã thoát khỏi thời kỳ đỉnh điểm của đại dịch, và số lần xét nghiệm ít hơn nhiều so với trước đây, dẫn đến nhiều ca nhiễm mới sẽ không được phát hiện.

Bà Van Kerkhove nói thêm: ‘Chúng tôi hoàn toàn hiểu rằng thế giới muốn tiếp tục phát triển từ đại dịch Covid-19, nhưng loại virus này rất dễ lây giữa người với người và nếu chúng ta không có những biện pháp can thiệp phù hợp, virus sẽ có cơ hội tiếp tục lây lan’.

Tiến sĩ Mike Ryan, Giám đốc Y tế Công cộng Khẩn cấp thuộc WHO, nói: ‘Virus vẫn lan truyền khá dễ dàng và trong bối cảnh khả năng miễn dịch suy yếu và thực tế là vaccine không hoàn toàn hoàn hảo để chống lại sự lây nhiễm, khả năng là virus này sẽ tung hoành khắp thế giới’.

Bà Antonella Viola, giáo sư Miễn dịch học tại Đại học Padua của Ý, cho biết: ‘Tôi đồng ý với việc nới lỏng các hạn chế, bởi vì bạn không thể coi đây là trường hợp khẩn cấp sau hai năm. Chúng ta chỉ cần tránh nghĩ rằng Covid không còn ở đó nữa. Và do đó, duy trì các biện pháp nghiêm ngặt cần thiết, về cơ bản là theo dõi và theo dõi liên tục các ca nhiễm, và duy trì nghĩa vụ đeo khẩu trang ở những khu vực nhỏ hẹp hoặc đông người’.

Quang Minh (t/h)


WHO: Số ca COVID-19 tăng chỉ là 'phần nổi của tảng băng chìm'