Đạo mà Khổng Tử truy cầu và Đạo mà ông truyền lại khác nhau như thế nào

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nói đến văn hóa Trung Hoa thì không thể không nói đến Khổng Tử. Muốn tìm hiểu cội nguồn văn hóa Trung Hoa thì đương nhiên càng không thể thiếu được những thứ trung tâm trong học thuyết của Khổng Tử, mà ông gọi là Đạo.

Trong lịch sử, Khổng Tử được tôn xưng là Tố Vương, tức vị vua không ngai. Ý nghĩa của Tố Vương là, ông có đạo của bậc vương giả, nhưng không có địa vị của bậc vương giả, là vị vương về ý nghĩa văn hóa.

Năm Đại Đức thứ 10 đời Nguyên (năm 1306), Nguyên Thành Tổ gia phong cho Khổng Tử là “Đại Thành Chí Thánh Văn Tuyên Vương”, có viết rằng: “Tiên Khổng Tử nhi Thánh giả, phi Khổng Tử vô dĩ minh; hậu Khổng Tử nhi Thánh giả, phi Khổng Tử vô dĩ pháp”.

Ý nghĩa là: Nếu không có Khổng Tử thì mọi người không biết những vị Thánh nhân đời trước Khổng Tử tại sao lại là Thánh nhân. Nếu không có Khổng Tử thì những Thánh nhân đời sau không học theo Khổng Tử thì cũng không thể nào trở thành Thánh nhân.

Hậu duệ của Nhất đại Thiên kiêu Thành Cát Tư Hãn còn phải thành kính với Khổng Tử như thế. Có thể thấy Khổng Tử có địa vị không thể thay thế trong văn hóa Trung Hoa.

Chỉ nói về sự khai mở của Đạo của Khổng Tử đối với nguồn gốc văn hóa Trung Hoa thì cũng có rất nhiều điều kỳ diệu rồi.

Trước tiên hãy xem một đoạn trong “Luận ngữ - Lý nhân”.

“Khổng Tử nói: ‘Sâm à, Đạo của ta dùng một để quán thông’. (Sâm hồ, ngô Đạo dĩ nhất quán chi).

Tăng Tử nói: Vâng. (Duy).

Khổng Tử đi ra, các đồng môn hỏi Tăng Sâm: ‘Nghĩa là gì vậy?’ (Hà vị dã?).

Tăng Tử nói: “Đạo của phu tử chỉ là Trung Thứ mà thôi’. (Phu tử chi Đạo, trung thứ nhi dĩ hĩ).

Đoạn văn này ghi chép cuộc đối thoại giữa Khổng Tử và truyền nhân của ông là Tăng Tử (Tăng Sâm). Khổng Tử nói Đạo của ông là “dùng một để quán thông”, Tăng Tử lại giải thích là “Trung thứ”.

Vậy “Trung thứ” có phải là Đạo hay “một” (nhất) mà Khổng Tử nói không? Câu giải thích của Tăng Sâm có đúng không?

Khổng Tử dạy học. (Tranh "Khổng Tử Thánh tích đồ")

Về vấn đề này, trong hơn 2000 năm qua, các học giả mỗi người giải thích một kiểu. Kỳ thực mấu chốt ở đây không phải là bản thân câu trả lời của Tăng Tử, mà là phải hỏi: Hai chữ “Trung thứ” đơn giản như thế này, tại sao Khổng không trực tiếp nói ra, lại nói dùng “nhất” (một) để quán thông, sau đó để Tăng Tử suy đoán. Lẽ nào Khổng Tử lại dùng lời nói đánh đố này để truyền thụ cho người kế thừa của ông sao?

Những vấn đề tương tự cũng tồn tại trong Luận Ngữ. Trong “Luận ngữ - Bát dật”, có một đoạn như sau:

Lâm Phóng hỏi về gốc rễ của lễ. Khổng Tử nói: “Câu hỏi quá lớn! Lễ nghi không nên phô trương, thà tiết kiệm còn hơn long trọng; Tang lễ nên biểu đạt tình cảm buồn thương, thà buồn còn hơn xa hoa”.

Tuy nhiên vấn đề là, nếu gốc rễ của lễ chỉ là một đạo lý đơn giản tiết kiệm tiền như thế này, thì tại sao Khổng Tử lại nói “Câu hỏi quá lớn”?. Rốt cuộc là vấn đề gì mà hỏi quá lớn? Lời trước không khớp lời sau là sao? Khổng Tử đang ám chỉ cái gì?

Chúng ta xem tiếp, trong “Luận ngữ - Vệ Linh Công” có một đoạn:

Khổng Tử nói: “Tứ này, con cho rằng ta là người học nhiều biết rộng sao?”.

Đoan Mộc Tứ (tức Tử Cống) đáp rằng: “Đúng thế, chẳng phải vậy sao?”

Khổng Tử nói: “Không phải vậy. Ta dùng một để quán thông” (Nhất dĩ quán chi).

Ở đây lại xuất hiện “dùng một để quán thông” (nhất dĩ quán chi), lại là một ẩn đố.

Cội nguồn của văn hóa Thiên - Nhân hợp nhất: Thiên Đạo

Người đọc qua Luận Ngữ đều biết, cảnh giới tu dưỡng cao nhất của Khổng môn là Nhân. Đối với các học trò khác nhau, Khổng Tử giải thích chữ Nhân khác nhau. Người hiện nay không thể giải thích được, tuy mọi người đều biết phương pháp giáo dục của Khổng Tử là “tùy theo người khác nhau mà dạy bảo khác nhau” (nhân nhân thi giáo).

Nhưng người hiện nay tuyệt đối không thể tùy ý giải thích một khái niệm trung tâm của một môn lý luận mà không đặt thêm bất kỳ định nghĩa nào. Khổng Tử không những làm được như thế, mà tư tưởng của ông còn kế thừa đời trước, mở ra cho đời sau, trở thành chủ lưu của văn hóa Trung Hoa các đời sau.

Do đó khi chúng ta nghiên cứu học thuyết của Khổng Tử, muốn lý giải được bản ý của Khổng Tử, thì không thể không xem xét từ bối cảnh văn hóa lớn hơn.

Văn hóa Trung Hoa là văn hóa Thiên - Nhân hợp nhất: Thiên Đạo dẫn dắt nhân Đạo, nhân đạo là sự kéo dài của Thiên Đạo. Trong văn hóa này, Đạo trong Đạo Đức là chỉ Thiên Đạo (Đạo của Trời, Đạo Trời), còn Đức là chỉ nhân Đức (đức của con người), tức là tiêu chuẩn hành vi của con người. Hai chữ Đạo Đức có nghĩa là trước tiên có Đạo, sau có Đức, tức là Đức của con người được kiến lập trên nền tảng của phép tắc Thiên Đạo. Đây chính là mối quan hệ “Người thuận theo Đất, Đất thuận theo Trời, Trời thuận theo Đạo” (Nhân pháp Địa, Địa pháp Thiên, Thiên pháp Đạo).

Khổng Tử bắt đầu hiểu được tinh túy Kinh Dịch từ năm 50 tuổi, và cả cuộc đời còn lại ông vui với việc này và không biết mệt mỏi. “Luận ngữ - Thuật nhi” có viết: “Nếu Trời cho ta thêm vài năm tuổi thọ, ta nghiên cứu Kinh Dịch từ 50 tuổi, thì có thể đã không mắc những lỗi lớn rồi”.

Khổng Tử nuối tiếc vì đã không thể nghiên cứu sâu Kinh Dịch từ sớm hơn. Theo “Thuyết văn giải tự”: “Nhật nguyệt là Dịch, tượng trưng cho Âm Dương”.

Những điều Kinh Dịch nói đến là Đạo của Trời Đất. Do đó, từ 50 tuổi trở đi, điều Khổng Tử nghiên cứu và truy cầu là Đạo của Trời Đất. Trên thực tế, trong hai chữ Thiên Đạo thì Nho gia chú trọng giảng về Thiên hơn, còn Đạo gia chú trọng giảng về Đạo hơn. Theo thứ tự “Người thuận theo Đất, Đất thuận theo Trời, Trời thuận theo Đạo”, thì Trời thấp hơn Đạo, nhưng lại gần với Người hơn. Đây chính là nguyên nhân tại sao văn hóa các đời sau chú trọng Nho gia trong học thuyết của 2 gia Nho - Đạo.

Khổng Tử vấn lễ Lão Tử. (Tranh zhengjian)

Điều Khổng Tử truy cầu là Thiên Đạo, vậy đứng từ góc độ truy cầu Thiên Đạo để xem xét những lời của Khổng Tử “Gốc của lễ”, “Dùng một để quán thông”, thì tất cả những vấn đều đều được giải quyết. Trong văn hóa Thiên - Nhân hợp nhất, cội nguồn của văn hóa chính là Thiên Đạo.

Lâm Phóng muốn Khổng Tử giải thích “gốc của lễ” này, thì chính là đang hỏi về Thiên Đạo rồi. Khổng Tử biết rằng, với ngộ tính của Lâm Phóng, thì thì dẫu có nói với anh ta thì anh ta cũng không thể làm được, do đó mới có câu cảm khái rằng: “Câu hỏi quá lớn!”.

Nhưng cả đời Khổng Tử dạy người không mệt mỏi, lại không muốn trả lời câu hỏi của Lâm Phóng, thế là ông mới có câu trả lời sau đó về tiết kiệm tiêu ít tiền, làm nhiều việc. Bởi vì với ngộ tính của Lâm Phóng, Khổng Tử biết là anh ta chỉ có thể làm được những việc như thế mà thôi.

Còn với Tăng Tử và Tử Cống, ngộ tính của hai người này tuy tốt hơn Lâm Phóng rất nhiều, nhưng Khổng Tử vẫn cho rằng, với ngộ tính của họ thì vẫn chưa đủ để truyền thụ tất cả sở học của mình, do đó ông dùng câu “dùng một để quán thông” (dĩ nhất quán chi). Ý nghĩa câu đó là, trong quá trình Khổng Tử truy cầu Thiên Đạo, sau khi đã lý giải được các phép tắc Thiên Đạo cao hơn, đứng ở độ cao cao hơn, với tư thế “leo đỉnh Thái Sơn nhìn thiên hạ đều nhỏ bé”, từ trên nhìn xuống, tất cả đều rõ ràng thông đạt, nhìn rõ văn hóa của con người. Còn về chữ “Một” (Nhất) này rốt cuộc có ý nghĩa cụ thể là gì, thì ông chỉ có thể để Tăng Tử và Tử Cống tự ngộ mà thôi, ngộ được đến đâu thì tốt đến đó.

Đạo mà các môn đồ của Khổng Tử kế thừa: Nhân ái

Tử Cống là một trong 10 đại đệ tử của Khổng Tử (Khổng môn thập triết). Trong “Luận ngữ - Công Dã Tràng” có viết: “Tử Cống nói: ‘Văn chương của Khổng Tử về Thi, Thư, Lễ nghi thì có thể nghe được nhìn thấy, nhưng nghiên cứu của Khổng Tử về tâm tính và Thiên Đạo thì không thể nào nghe được’”.

Trong cả cuộc đời, môn đồ đắc ý nhất của Khổng Tử là Nhan Hồi, Khổng Tử cho rằng, chỉ có Nhan Hồi là có thể kế thừa Đạo thống của ông.

Đáng tiếc Nhan Hồi mất sơn, chết trước mặt Khổng Tử. Do đó, điều mà Tử Cống nói “không thể nào nghe được” chưa chắc là Khổng Tử không truyền, mà rất có thể là Không Tử nhận thấy, trừ Nhan Hồi ra, ngộ tính các đệ tử còn lại đều không đủ, do đó ông không đem những điều ông lĩnh ngộ được đối với Thiên Đạo để giảng cho các đệ tử. Nhan Hồi chết khi chưa đầy 32 tuổi, trong các đệ tử còn lại, Khổng Tử chọn Tăng Tử làm người kế thừa y bát. Tuy nhiên với ngộ tính của Tăng Tử, thì Tăng Tử cho rằng “một” (nhất) trong câu “dùng một để quán thông” (dĩ nhất quán chi) của Khổng Tử chính là “Trung Thứ”.

Do đó, Đạo của Khổng Tử mà các môn đồ kế thừa chính là Nhân ái với Trung thứ là trung tâm.

Trong “Luận ngữ - Lý nhân” có viết: “Khổng Tử nói: ‘Sáng nghe Đạo, tối chết thì cũng được rồi’”. Nếu buổi sáng nghe giảng về đạo làm người, về Trung Thứ, buổi tối chết, thế thì làm gì có thời gian để thực hành Trung và Thứ?

Đạo gia giảng “Đạo, Đức, Nhân, Nghĩa, Lễ”, Đạo và Đức ở đây là khái niệm hoàn toàn khác với “đạo đức” mà người hiện đại chúng ta nói đến. Đạo Đức của Đạo gia giảng không phải là đạo đức được kiến lập trên cơ sở tư tưởng của người đời sau, mà là Đạo Đức được kiến lập trên cơ sở tu luyện của người tu Đạo nhận thức Thiên Đạo.

“Đạo, Đức, Nhân, Nghĩa, Lễ” là 5 tầng thứ từ trên xuống. Tầng thứ của Khổng tử có lẽ là cao hơn Nhân, nhưng điều các đệ tử của ông kế thừa chỉ có Nhân, Nghĩa và Lễ. Sau này Mạnh Tử tăng thêm Trí nữa, rồi sau nữa đến đời Hán, Đổng Trọng Thư tăng thêm Tín. Đây chính là Ngũ thường mà Nho học đời sau giảng: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín.

Chuyển tải từ “Tân kỷ nguyên”

Sở Nhất Đinh - Epoch Times
Trung Hòa biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Đạo mà Khổng Tử truy cầu và Đạo mà ông truyền lại khác nhau như thế nào