16 năm đồng hành cùng bệnh nhi ung thư của ‘mẹ Nhật của hàng ngàn đứa trẻ Việt’

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong 16 năm qua, có một phụ nữ Nhật đã tình nguyện gác lại công việc, chuyện gia đình để chăm lo cho trẻ em mắc bệnh ung thư Việt Nam. Chưa từng kết hôn, nhưng cô Kazuyo Watanabe được hàng nghìn bệnh nhi ung thư gọi thân thương là “mẹ Watanabe”.

Vào 16 năm trước, cô Watanabe đang là một giảng viên đại học. Chuyến thăm khu điều trị ung thư trẻ em tại Bệnh viện Trung ương Huế đã khiến cuộc đời cô rẽ sang hướng khác.

Người phụ nữ Nhật có trái tim nhân hậu này thấy trước mắt mình là khu điều trị ung thư trẻ em với cơ sở vật chất nghèo nàn, và chủ yếu chữa bệnh về máu. Ngay cả phác đồ điều trị cũng chỉ là truyền máu, tiêm kháng sinh và hóa trị đơn giản.

"Thời đó các y bác sĩ đến bệnh nhân đều nghĩ ung thư trẻ em là bệnh không điều trị được, 60% gia đình từ bỏ điều trị ngay sau khi chẩn đoán bệnh. So sánh với hệ thống y tế cho trẻ em ung thư ở đất nước mình, lòng tôi xót xa", cô nói.

Ngay khi ra khỏi phòng, Watanabe nói với người bác sĩ dẫn đoàn: "Bệnh ung thư ở trẻ em có thể chữa khỏi nếu phát hiện sớm và được điều trị, chăm sóc đầy đủ".

Sau hai tháng, nữ giảng viên quay trở lại, cùng với hai bác sĩ người Nhật. Họ đánh giá tình hình, thăm khám, hội chẩn, lên phác đồ điều trị và cung cấp tài liệu chuyên ngành ung thư nhi.

Để cải thiện tình trạng bỏ điều trị, đích thân cô Watanabe đi đến những bản làng xa xôi ở khắp các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam... tìm hiểu hoàn cảnh của người bệnh và truyền cho họ niềm tin "ung thư nhi có thể chữa được".

Vận động hơn 8 tỷ đồng cho bệnh nhi ung thư

Tháng 8/2018, Bệnh viện Trung ương Huế đã diễn ra lễ khánh thành Khoa Ung bướu – Huyết học và Đơn vị ghép tủy - nhằm điều trị các trẻ em bị ung thư. Người vận động thành lập và xây dựng là cô Kazuyo Watanabe, Chủ tịch Tổ chức chăm sóc trẻ em ung thư châu Á (ACCL).

Từ năm 2005, tổ chức ACCL đã hỗ trợ các trang thiết bị cần thiết cho việc điều trị như: buồng pha hóa chất, máy monitoring theo dõi, các máy truyền dịch. Ngoài ra, ACCL còn giúp nâng cao nghiệp vụ cho nhân viên y tế thông qua các khóa học trong và ngoài nước, đồng thời tổ chức hội thảo thường niên, mời các chuyên gia nước ngoài và bác sĩ ung thư nhi khắp Việt Nam tựu về Huế.

Với nỗ lực không ngừng, cô Kazuyo Watanabe đã vận động từ Tập đoàn Nhật Á (Japan Asia Group Limited), bà Wakako Niikura và nhiều cá nhân tại Nhật số tiền khoảng 8,5 tỷ đồng để xây dựng Khoa, gồm: 2 tỷ cho phòng ghép tủy; 3,5 tỷ cho trang thiết bị nội thất và 3 tỷ cho các trang thiết bị y tế.

“Lúc ấy tôi chỉ nghĩ duy nhất một điều là bản thân mình cần phải làm gì đó để giúp những đứa trẻ ấy. Nên khi trở về Nhật Bản, việc đầu tiên tôi làm là kêu gọi bạn bè, người thân và một số tổ chức tài trợ tiền cùng các trang thiết bị y tế, sau đó đưa sang Việt Nam để giúp việc điều trị bệnh cho các em nhỏ”, cô Kazuyo Watanabe nhớ lại.

Hằng năm, cô Watanabe đều có nhiều chuyến bay sang Việt Nam, và mỗi lần như thế cô thường ở lại từ 2 đến 3 tuần để có thể hỗ trợ, giúp đỡ trẻ em điều trị ung thư tại Bệnh viện Trung Ương Huế.

Thay đổi số mệnh trẻ em ung thư Việt Nam

Thế là, cứ khoảng tháng 7 hằng năm là thời điểm cô Watanabe đang ở Huế, bên cạnh những đứa trẻ mang trong mình căn bệnh ung thư. Hai năm nay vì Covid-19, cô không thể sang Việt Nam 3 tháng/lần như trước, nhưng cô cho biết sẽ không bao giờ thay đổi con đường đã đi: Con đường thay đổi số mệnh trẻ em ung thư Việt Nam.

"Dù ở xa và bị ngăn cách bởi dịch bệnh, công việc hàng ngày của tôi vẫn xoay quanh những đứa trẻ, các gia đình, các y bác sĩ ở Việt Nam", từ thành phố Kamakura, cô Kazuyo Watanabe, 54 tuổi, chia sẻ.

Đứa trẻ đầu tiên Watanabe gặp và giúp đỡ là cậu bé Nguyễn Anh Tài, 8 tuổi ở Quảng Trị, mắc bệnh bạch cầu cấp tính dòng Lymphoblastic. Ban đầu cô gặp Tài ở viện, sau đó về tận nhà thăm em ba lần. Em được điều trị phác đồ mới, đến năm 11 tuổi thì khỏi bệnh và đi học trở lại.

Năm 12 tuổi em bị tái phát, các bạn điều trị cùng thời với em Tài đã "ra đi" cả rồi, gia đình nghĩ em không qua khỏi. Thế rồi cô Watanabe từ Nhật bay sang, động viên em và gia đình đừng từ bỏ điều trị. “Như một phép màu, em đã vượt qua được", Anh Tài, hiện 24 tuổi, chia sẻ.

Ngôi nhà hy vọng

Thông qua hàng loạt cuộc gặp với nhân viên y tế và gia đình, cô Watanabe và tổ chức của mình đã giúp các gia đình nâng cao hiểu biết về bệnh, hỗ trợ kinh phí điều trị và chi phí đi lại. cô còn lập "Ngôi nhà hy vọng" - để nấu những bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng cho các bé và cung cấp chỗ nghỉ cho một số gia đình xa bệnh viện.

Cô Lê Thị Tư ở Quảng Trị là một trong số những người mẹ có con bị ung thư, và đã nhận được sự giúp đỡ của cô Watanabe. Cô cho biết không thể quên được những đêm tĩnh mịch, cô vẫn thấy bóng dáng người "mẹ Nhật" đi đến từng giường bệnh xem lũ trẻ đã yên giấc hay chưa.

"Mẹ" thường ngồi xuống và cùng ăn ngon lành những bữa trưa đạm bạc với người nhà bệnh nhân. “Chỉ cần nghĩ đến cái tên Watanabe là tôi không kìm nổi xúc động", cô Tư cho biết.

Nhờ những nỗ lực của người "mẹ Nhật" nhân hậu, chỉ sau 2-3 năm, tỷ lệ bỏ điều trị từ 60% giảm xuống còn 4-5%.

Trước khi cô đến, chúng tôi gần như không cứu được cháu bé ung thư nào, nhưng 16 năm có cô đồng hành đã nâng tỷ lệ sống lên đến 70%. Đến nay gần 600 trẻ đã được tổ chức giúp đỡ", bác sĩ Châu Văn Hà, phó giám đốc Trung tâm Nhi khoa của bệnh viện, chia sẻ.

Mười sáu năm làm việc với bệnh nhi ung thư Việt Nam với rất nhiều chông gai, song khó khăn lớn nhất với cô Watanabe là đối mặt với “sự ra đi của những đứa trẻ”.

"Điều đó thật sự rất đau lòng. Cuộc sống và nụ cười quý giá của các em đã mất luôn ở trong trái tim tôi. Các em đã dạy tôi rất nhiều điều và luôn là nguồn cảm hứng, động lực để tôi tiếp tục sứ mệnh", cô bộc bạch.

Với cô, hành trình đã đi qua tuy nhiều chông gai nhưng là niềm hạnh phúc vô bờ, khi có thể giúp đỡ người khác. Hiện tại, “mẹ Nhật” đang mong ngóng sớm ngày quay trở lại nơi cô coi là quê hương thứ hai của mình.

Tâm An



BÀI CHỌN LỌC

16 năm đồng hành cùng bệnh nhi ung thư của ‘mẹ Nhật của hàng ngàn đứa trẻ Việt’