4 ngọn núi thiêng đầy huyền bí ai cũng ước đến một lần

Giúp NTDVN sửa lỗi

(Radio) - Từ ngàn xưa đến nay, các tín ngưỡng tôn giáo trên thế giới đều tin rằng con người có một mối liên hệ nào đó với các vị Thần; và những ngọn núi cao hùng vĩ, vươn tới trời xanh luôn có một ý nghĩa thiêng liêng đối với nền văn minh cổ xưa. Đó là nơi gần nhất với Thiên giới và là cầu nối của họ với các vị Thần. 

Người Hy Lạp có dãy núi Olympus thần thánh, người Nam Mỹ tôn thờ dãy núi Tepui, người Trung Hoa ngưỡng vọng núi thiêng Côn Lôn, Phạm Tịnh Sơn, còn đối với người Việt Nam chúng ta - núi Yên Tử chính là chốn linh thiêng bậc nhất.

Dãy núi Tepui - Ngôi nhà của những vị Thần

Nằm sâu trong rừng mưa nhiệt đới ở Venezuela có một dãy núi vuông vức đến kỳ lạ, mang trong mình dáng vẻ huyền bí, cổ xưa và được người dân gọi là Tepui (còn có tên là Roraima), nghĩa là "ngôi nhà của những vị Thần".

Tepui gồm khoảng 115 ngọn núi phẳng, cao đến 3.000m thuộc cao nguyên Guayana. Hóa thạch khủng long được tìm thấy và những thác nước nơi đây đã trở thành nguồn cảm hứng cho tác phẩm nổi tiếng “Thế giới bị mất” của nhà văn Conan Doyle (kể về chuyến thám hiểm tìm kiếm các loài sinh vật thời tiền sử trên đỉnh núi) và hình ảnh “Thác Thiên đường” trong bộ phim hoạt hình Up - “Vút bay” từng đoạt 2 giải Oscar năm 2009.

Theo các nhà nghiên cứu, cao nguyên này được hình thành khi Nam Mỹ còn dính liền với châu Phi tạo ra siêu lục địa Gondwana khoảng 250 – 400 triệu năm trước. Dãy Tepui là phần còn sót lại sau quá trình đứt gãy của một cao nguyên sa thạch.

Núi Tepui
Núi Tepui (Roraima). (Nguồn wikipedia)

Ngoài ra, Tepui còn là vùng đất linh thiêng, có ý nghĩa đặc biệt với người dân Pemon bản địa. Theo truyền thuyết, nơi đây vốn là gốc của một cái cây vĩ đại từng chứa đựng tất cả các loại trái cây và rau củ trên thế giới. Tuy nhiên, nó đã bị vị Thần Makunaina đốn hạ, khi đổ xuống, nó đã gây ra một trận lụt kinh hoàng.

Chính bởi sự linh thiêng, nên dù biết rằng trên đỉnh núi có rất nhiều viên tinh thể tuyệt đẹp, tỏa sáng muôn màu muôn vẻ nhưng cả người dân nơi đây lẫn du khách đều không ai dám lấy mang về vì sợ bị dính “lời nguyền”.

Bên cạnh những truyền thuyết và thần thoại, người dân và khách du lịch còn chứng kiến những sự kiện kỳ lạ khiến họ tin rằng nơi đây là một sân bay nhân tạo của người ngoài hành tinh. Thậm chí Cơ quan chuyên nghiên cứu về UFO của Chính phủ Mỹ đã từng ghi nhận một sự kiện UFO đáp xuống đỉnh Roraima, gây mất điện trong toàn khu vực.

Núi Tiên Phạm Tịnh - nơi Thần tích hiển linh

Phạm Tịnh Sơn hay còn gọi Phạm Tịnh, là danh sơn hùng vĩ bậc nhất tại Quý Châu, Trung Quốc. Nơi đây khung cảnh siêu phàm thoát tục, quanh năm khí lạ mây lành, trên đỉnh tọa lạc một quần thể kiến trúc tâm linh. Nhìn từ xa giống như một thành phố cổ ẩn hiện giữa lưng chừng trời đất như một “thành phố bầu trời”.

Núi Tịnh Phạm
Núi Tịnh Phạm. (Nguồn wikipedia)

Núi Phạm Tịnh cao khoảng 2.500m so với mặt nước biển, trên đỉnh có 2 ngôi đền được xây dựng trên một chóp đá chẻ đôi - nối với nhau bằng một cây cầu đá hình vòm qua hẻm Kiếm Vàng trông vô cùng hiểm trở.

Theo các sách cổ, núi Phạm Tịnh là nơi có sự tương thông với Thiên giới. Trong một lần dưới trời mưa lớn, ngọn Kim Đỉnh bỗng rung chuyển và nổ tách làm đôi, từ trong khe nứt bắn ra những tia sáng xuyên tận mây xanh, sáng rực cả một vùng trời.

Sau đó, nhạc trời nổi lên và người ta trông thấy một vị cao nhân ngồi trên đỉnh núi, toàn thân phát quang huy rực rỡ, tay trái làm thế hoa sen, tay phải chỉ lên bầu trời. Mọi người không hiểu vì sao ông có thể leo lên được đỉnh núi cao như vậy, liền bắc một cây cầu nối hai đỉnh núi. Thế nhưng, cầu vừa xong thì vị ấy cũng biến mất và xuất hiện trên ngọn núi khác, thân thể lớn dần, cuối cùng hóa thành một tảng đá khổng lồ.

Nhiều người tin rằng đó chính là Phật Di Lặc hiện thế. Vì vậy tại đỉnh núi nơi vị hòa thượng ngồi đã cho xây dựng một điện Di Lặc. Từ đó, núi Phạm Tịnh trở thành đạo tràng của Phật Di Lặc. Tuy nhiên, làm thế nào mà cách đây 500 năm, người xưa có thể vận chuyển vật liệu lên đỉnh núi để xây dựng điện thờ vẫn là điều con người chưa thể lý giải.

Trên ngọn núi thiêng này, thần tích xuất hiện khắp nơi với mỏm đá hình nấm trên to dưới nhỏ, “cầu Thiên Tiên” bắc ngang giữa trời. Truyền thuyết kể rằng, sức người không thể làm nổi cầu Thiên Tiên, mà chính các chư Thần đã trợ giúp và thực chất đó chính là cây gậy của Thiết Quải Lý trong Bát tiên. Sau khi chiếc cầu được tạo thành, chư Phật, Đạo, Thần đã đến chúc mừng, tạo nên một khung cảnh vô cùng tráng lệ.

Nơi đây còn thường xuyên xuất hiện “Phật quang”, được cho là điềm lành, chỉ xuất hiện ở những vùng đất thanh tịnh linh thiêng. Ngoài ra, có lời đồn rằng nếu bạn nhặt một viên đá bất kỳ trên ngọn Kim Đỉnh, bạn đều có thể nhìn thấy hình ảnh bản thân mình trong đó.

Hành trình lên đỉnh núi Phạm Tịnh phải vượt qua 8.888 bậc đá đầy hiểm trở. Bởi thế khi đến được đỉnh núi thiêng, nhìn ngắm hai điện thờ cổ kính được vây bởi mây ngàn, bạn sẽ cảm thấy lòng bình an như giữa chốn tiên cảnh.

‘Đệ nhất linh sơn’ Yên Tử

Ở Việt Nam nước ta, cũng có một nơi linh thiêng vốn được xem là miền đất Phật, lưu giữ bao huyền tích suốt hàng nghìn năm qua. Đó chính là núi Yên Tử thuộc tỉnh Quảng Ninh.

Tương truyền rằng, hơn hai nghìn năm trước, đại sư Yên Kỳ Sinh (Cũng gọi là An Kỳ Sinh) đã ở trên núi này tu Tiên, hái cây thuốc, luyện thần dược, chữa bệnh cứu người. Tên gọi “Yên Tử” có nghĩa là “thầy Yên”, bậc thầy đức hạnh, đáng tôn kính.

Thời kỳ nhà Đường thống trị nước ta (từ năm 603 đến năm 907), núi Yên Tử được xếp vào danh sách “72 phúc địa của Trung Hoa”. Còn theo An Nam chí lược, Yên Tử chính là Phúc địa Giao Châu, một trong bốn miền đất phúc của Việt Nam.

Núi Yên Tử
Núi Yên Tử. (Nguồn wikipedia)

Yên Tử là ngọn núi linh thiêng, gắn với đời sống tâm linh, tín ngưỡng của người dân đất Việt. Cũng chính vì lẽ đó mà vua Trần Nhân Tông đã từ bỏ ngai vàng, điện ngọc - chọn núi thiêng Yên Tử làm nơi tu hành, dùng Phật pháp khơi dậy Phật Tâm trong con dân, chấn hưng đất nước. Từ đây, Thiền phái Trúc Lâm được ra đời với quan điểm: “Phật ở ngay trong tâm mình, không phải ở đâu trên cõi trời xa xôi, không hẹn kiếp khác. Nếu con người biết hướng nội mà tu, để tâm mình an định… thì trí sáng… khổ đau chấm dứt và sẽ giác ngộ thành Phật”.

Ngày nay, núi Yên Tử còn lưu lại am thời Trần – Lê, hàng trăm ngôi tháp thờ ngọc cốt, xá lợi thiền sư, hàng nghìn di vật cổ độc đáo, ghi dấu ấn vàng son của một thời lấy đạo đức làm gốc.

Núi Côn Lôn - Thánh địa siêu nhiên

Núi Côn Lôn là biểu tượng của trục vũ trụ Mundi được các truyền thuyết Trung Quốc cổ xưa nhắc đến. Tương truyền, ngọn núi linh thiêng này là nơi ở của các vị Thần, có các linh thảo và linh vật huyền thoại.

Côn Lôn được xem là thủy tổ của vạn núi, vì người xưa gọi dãy núi này là “long mạch” của dân tộc Trung Hoa, là nguồn gốc của nền văn minh Trung Hoa và khởi nguồn của Hoàng Hà. Có 4 dòng sông bắt nguồn từ Côn Lôn: Sông Tường Giang, Hoàng Hà, Bạch Ngọc Hà và Hắc Ngọc Hà.

Núi Côn Lôn
Núi Côn Lôn (Côn Luân). (Nguồn wikipedia)

Núi Côn Lôn cũng có 5 đại long mạch, đã sinh ra các nhánh long mạch mở rộng ra mọi nơi trên thế giới. Vạn vật đều sống nhờ vào 5 long mạch này, đồng thời thu nạp linh khí của trời, khiến vạn vật sinh sôi nảy nở vô tận.

Tương truyền, có một “Thung lũng Chết” nằm sâu trong dãy núi Côn Lôn. Những người dân du mục sống ở đây thà bỏ đói đàn gia súc vì không có cỏ, còn hơn vào thung lũng sâu có đồng cỏ tươi tốt.

Vào những năm 1980, một sự kiện siêu nhiên xảy ra ở “Thung lũng Chết” đã khiến dãy núi này càng trở nên bí ẩn hơn. Lúc đó, khi một đoàn thám hiểm khoa học muốn vào núi để tìm hiểu, thì đúng lúc gặp một người du mục đang lùa đàn cừu của mình, đàn gia súc gặp phải đoàn người thì sợ quá bèn chạy vào “Thung lũng Chết”, người du mục đã nhanh chóng đuổi theo, rồi không thấy trở ra nữa.

Sau khi đoàn thám hiểm tiến vào “Thung lũng Chết”, họ phát hiện người du mục đang nằm bất tỉnh trên mặt đất với hai chân duỗi thẳng, còn hai tay thì thể hiện ra tư thế phòng thủ, rõ ràng anh ta đã vật lộn trước khi ngã xuống đất, nhưng trên cơ thể lại không có bất kỳ thương tích nào.

Các chuyên gia đã phát hiện ra tại đây có một lực từ trường rất mạnh, nếu đi vào vùng từ trường đó sẽ khiến con người chết ngay lập tức và nó cũng là nguyên nhân gây ra các hiện tượng thời tiết bất thường trên núi.

Sau sự việc này, núi Côn Lôn khiến người ta rợn cả tóc gáy, và gọi đó là “Thung lũng Chết” hay “Cổng Địa Ngục”. Còn theo truyền thuyết, thì đây là vùng đất linh thiêng không được mạo phạm, có con sông chảy quanh ngọn núi, tạo thành cồn cát và dòng chảy siết để ngăn con người trèo lên đỉnh của Côn Lôn.

An Nhiên
Theo Ngẫm Radio



BÀI CHỌN LỌC

4 ngọn núi thiêng đầy huyền bí ai cũng ước đến một lần