5 hiện vật mà nhiều người muốn sở hữu nhất trong lịch sử

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tất cả các khám phá lịch sử đều quan trọng ở một mức độ nào đó, nhưng có một số gây kinh ngạc rất lớn, chúng mang lại cho chúng ta những hiểu biết hoàn toàn mới về quá khứ, nơi chúng ta đến và tổ tiên chúng ta là ai. Mời các bạn cùng tìm hiểu 5 hiện vật lịch sử kỳ thú mà nhiều người muốn được sở hữu nhất.

Cúp Jules Rimet

Giữa những năm 1930 và 1970, những nhà vô địch World Cup sẽ được trao cúp Jules Rimet. Đó là bức tượng nữ thần chiến thắng Nike của Hy Lạp cao 35cm, và nó lần đầu tiên bị đánh cắp vào năm 1966, ngay trước thềm World Cup ở Anh.

Chiếc cúp đã biến mất khỏi Hội trường Trung tâm Westminster, may mắn là nó đã được chú chó Pickles đánh hơi tìm ra một tuần sau đó, ngay dưới hàng rào vườn ở Norwood, Nam London. Vào năm 1974, Cúp Jules Rimet đã được thay thế bằng một chiếc cúp gọi là FIFA World Cup Trophy và được sử dụng cho đến ngày nay.

Cúp Jules Rimet đã bị đánh cắp một lần nữa khỏi tủ trưng bày của Hiệp hội bóng đá Brazil vào ngày 19/12/1983 và người ta không bao giờ tìm thấy nó nữa. Cuộc điều tra của cảnh sát cho thấy có khả năng những tên trộm đã nấu chảy chiếc cúp. Nhưng liệu điều này có thực sự đúng, hay là chiếc cúp vẫn được cất giấu ở đâu đó, có lẽ chỉ có những tên trộm mới biết.

Thanh kiếm Honjo Masamune

Okazaki Masamune là một thợ rèn thời trung cổ được ca ngợi rộng rãi là thợ rèn kiếm vĩ đại nhất của Nhật Bản. Những vũ khí mà ông chế tạo được cho là thuộc loại có chất lượng cao nhất thế giới. Và kiếm Katana Honjo Masamune thậm chí được cho là thanh kiếm tốt nhất mọi thời đại. Tên của nó có lẽ ám chỉ đến Tướng Honjo Shigenaga, người được cho là đã chiếm được thanh kiếm trong một trận chiến.

Ngày nay chúng ta không biết chuyện gì đã xảy ra với thanh kiếm huyền thoại này, từng được tuyên bố là báu vật quốc gia chính thức vào năm 1939. Chỉ biết nó được quân đội Mỹ sở hữu vào cuối Thế chiến thứ hai. Và chúng ta không biết rõ liệu nó đã bị phá hủy hay vẫn còn ở đâu đó ngoài kia.

Răng của Đức Phật

Trên thế giới, có một loại vật chất vô cùng đặc biệt và kỳ lạ, chẳng phải phi kim, kim loại, cũng chẳng phải lục bảo, kim cương, nhưng đáng kinh ngạc là những hạt này này búa đập không vỡ, lửa thiêu không cháy, rắn như kim cương, hàng nghìn năm cũng không hề hư hỏng. Đó chính là hạt xá lợi được tìm thấy trong tro cốt sau hỏa táng của những nhà tu hành chân chính.

Phật Thích Ca Mâu Ni qua đời năm 483 TCN. Qua nhiều thế kỷ, có nhiều ngôi chùa tuyên bố sở hữu xá lợi răng của Đức Phật. Và câu chuyện tại một ngôi chùa ở Trung Quốc có vẻ đặc biệt khó tin. Năm 1966, khi tiến hành sửa chữa Tháp Mộc, chùa Phật Cung, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc, người ta bất ngờ phát hiện ra hai chiếc răng của Đức Phật được giấu kín trong 1 bức tượng. Trên đó có đính rất nhiều hạt xá lợi nhỏ cỡ hạt gạo, tròn, màu đỏ sẫm.

Tiến sĩ Cao Bân, thành viên của Viện đá quý AGS Antwerp đã tiến hành một loạt thí nghiệm, cuối cùng kết luận xá lợi răng có bề mặt cực kỳ cứng, kết cấu vô cùng chắc chắn: Bị nén dưới áp lực 2000 tấn mà không bị biến dạng. Hàm lượng carbon vô cơ đạt đến 98,07%, như thành phần nguyên tố của kim cương.

Nghiên cứu kỹ hơn qua kính hiển vi, tiến sĩ Cao có thể nhìn thấy điều kỳ diệu, đó là 5 hình tượng Phật trong tư thế ngồi thiền. Qua nghiên cứu cho thấy các xá lợi hoàn toàn tự nhiên, không tồn tại bất kỳ vết tích nhân tạo nào.

“Thật là kỳ diệu! Không thể tin nổi… Những viên xá lợi này là vô giá”, ông kinh ngạc nói, và nói thêm rằng những hạt ngọc xá lợi này có giá trị vĩnh viễn bất biến, không thể dùng tiền mà đo lường được.

Ngọc tỷ Hòa thị bích

Ngọc tỷ Hòa thị bích là con dấu hoàng gia nguyên bản duy nhất của Trung Quốc, có thể trị giá hơn 1 nghìn tỷ USD. Ngọc tỷ này được chạm khắc từ viên ngọc bích huyền thoại Hòa thị bích, hay là Ngọc bích họ Hòa.

Sử cũ kể rằng vào thời Xuân Thu, một người đàn ông nước Sở tên là Biện Hòa đã tình cờ tìm được một viên đá ngọc ở trên núi. Biết đây là vật báu hiếm có trên đời nên ông đã dâng tặng cho Sở Lệ Vương. Đáng tiếc, do viên đá ngọc này là loại “quý hiếm không lộ” nên các chuyên gia không nhận ra đây là báu vật. Kết cục bi đát là Biện Hòa mắc tội khi quân và bị chặt đứt chân trái.

Sau đó, Sở Võ Vương lên ngôi, Biện Hòa lúc này lại tiếp tục dâng tặng đá ngọc quý, thế là thêm một lần nữa ông bị hàm oan và mất tiếp chân phải. Thời gian trôi đi cho đến khi Sở Văn Vương lên ngôi, Biện Hòa bấy giờ đã tuổi già lại còn tàn phế, ông ôm hòn đá ngọc quý giá ngồi dưới chân ngọn Sở Sơn mà gào khóc 3 ngày 3 đêm thảm thiết, thưa với sứ giả rằng: "Tôi khóc không phải là thương cho hai chân tôi bị chặt, chỉ thương là ngọc thật mà cho là đá thường".

Lần này, hoàng đế yêu cầu các chuyên gia kiểm tra lại thật kỹ, thì quả nhiên đây là viên ngọc bích tinh khiết hoàn hảo không gì sánh được. Kể từ đó, nó có tên gọi là Hòa thị bích, được coi là quốc bảo của nước Sở.

Sau này, không rõ tại sao viên ngọc quý hiếm lại lưu lạc. Vào năm 283 TCN, nó tái xuất và trở thành quốc bảo của nước Triệu. Khi ấy, sức hấp dẫn của Ngọc bích họ Hòa khiến Tần Chiêu Tương Vương, là cụ nội của Tần Thủy Hoàng, quyết định dùng 15 tòa thành để đánh đổi nhưng không thành. Mãi tới khi nước Tần đánh bại nước Triệu thì mới có được Hòa thị bích. Sau khi đánh bại 6 nước chư hầu, thống nhất Trung Hoa, Tần Thủy Hoàng đã ra lệnh cho chế tác viên ngọc quý này thành ngọc tỷ truyền quốc của nhà Tần.

Vậy là ngọc tỷ quyền lực này được lưu truyền cho các vị đế vương đời sau, rồi nó đột nhiên biến mất một cách đầy bí ẩn vào thời Ngũ Đại, khoảng những năm 900. Những thứ phát hiện sau này đa số đều được cho là đồ giả. Tung tích của ngọc tỷ "hàng thật" vẫn còn là bí ẩn.

Thuận Thiên kiếm

Thuận Thiên kiếm còn gọi là kiếm thần Thuận Thiên, là thanh kiếm huyền thoại của vua Lê Lợi. Nó được cho là ẩn chứa một sức mạnh thần kỳ.

Theo truyền thuyết, Lê Lợi dấy binh ở Thanh Hóa, phát động cuộc “Khởi nghĩa Lam Sơn”. Vào thời điểm đó, ông không thể tập hợp một lực lượng đủ mạnh, vì thế “Long Vương” đã trợ giúp và trao cho Lê Lợi một thanh kiếm thông qua việc người nông dân Lê Thận kéo lưới được lưỡi gươm có 2 chữ “Thuận Thiên”.

Sau này, Lê Lợi giành được chiến thắng liên tiếp, và cuối cùng thành công trong việc khiến nhà Minh rút lui. Ông dựng nên nhà Hậu Lê, đặt niên hiệu là “Thuận Thiên” theo tên của thanh kiếm.

Một ngày nọ, nhà vua đem theo gươm thần ngồi thuyền rồng dạo chơi trên hồ Tả Vọng, Thăng Long. Bỗng nhiên có một con rùa vàng chặn lối và nói: “Bệ hạ hoàn gươm lại cho Long Quân”.

Còn theo các cổ thư ghi nhận thì khi đang ở trên thuyền, vua Lê nhìn thấy một con rùa khổng lồ đột nhiên nổi lên và bơi về phía mình, vì vậy ông rút thanh kiếm Thuận Thiên ra và chĩa vào nó, nhưng bị con rùa khổng lồ ngậm đi, rồi biến mất trong nước không dấu vết. Vua Lê cho rằng con rùa khổng lồ xuất hiện để thu lại thanh kiếm thần. Do đó mà đổi tên hồ thành hồ Hoàn Kiếm.

Thuận Thiên kiếm là báu vật rất nổi tiếng lịch sử, chỉ là bây giờ chúng ta chỉ có thể nghe kể lại chuyện xưa chứ không còn được nhìn thấy nó nữa.

Phương Lam

Theo Ngẫm Radio



BÀI CHỌN LỌC

5 hiện vật mà nhiều người muốn sở hữu nhất trong lịch sử