5 lời khuyên giúp cải thiện sức khỏe tinh thần của bạn

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong thế giới nhịp độ nhanh ngày nay, với quá nhiều thứ khiến chúng ta phân tâm, chúng ta rất dễ tập trung vào thế giới bên ngoài mà bỏ quên những gì bên trong. Chúng ta cứ mãi kiếm tìm, có vẻ như chúng ta đang cố gắng lấp đầy khoảng trống nào đó mà chúng ta không thể xác định được; có lẽ khoảng trống đó là tâm hồn của chúng ta, đó là lý do tại sao nó dường như không bao giờ được lấp đầy bởi những mưu cầu vật chất.

Nghiên cứu cho thấy rằng khi chúng ta không tiếp xúc với nội tâm của mình, và đặc biệt là khi chúng ta thiếu kết nối tâm linh, cả sức khỏe tinh thần và thể chất của chúng ta đều có thể bị ảnh hưởng.

Khi chúng ta nỗ lực bồi dưỡng khía cạnh tinh thần của mình, các nghiên cứu cho thấy trí nhớ và nhận thức được cải thiện, khả năng miễn dịch được tăng cường, huyết áp được cải thiện, những thứ như trầm cảm, căng thẳng và lo lắng giảm bớt, tức giận và oán giận giảm đi, và nguy cơ mắc bệnh tim, tiểu đường và các tình trạng mãn tính khác cũng giảm bớt.

Tăng cường các khía cạnh tinh thần của chúng ta làm tăng mức độ hạnh phúc, hy vọng, lạc quan và nội tâm bình tĩnh. Chúng ta có thể tìm thấy ý nghĩa và mục đích sâu sắc hơn cho cuộc sống của mình. Một nghiên cứu phân tích cho thấy những người trau dồi nội tâm có mối quan hệ hôn nhân bền chặt hơn, ít phạm tội hơn, có tỷ lệ lạm dụng chất kích thích thấp hơn đáng kể, học tập tốt hơn và do đó có tác động tích cực tổng thể đến những người xung quanh và toàn xã hội.

Với rất nhiều lợi ích tuyệt vời, hãy cùng điểm qua một vài điều đơn giản mà chúng ta có thể làm để củng cố sức khỏe tinh thần của mình.

Trau dồi sự chính trực

Theo từ điển Di sản Hoa Kỳ, tính chính trực là “sự tuân thủ một cách nhanh chóng với một quy tắc đạo đức nghiêm khắc”.

Chính trực là làm điều đúng đắn, ngay cả khi không ai thèm nhìn. Tất nhiên, nhìn nó từ góc độ tâm linh, không gì là không thể nhìn thấy được.

Chính trực đòi hỏi phải trung thực với bản thân và những người khác, kỷ luật tự giác và ý chí, cũng như cam kết duy trì các giá trị và nguyên tắc của chúng ta, ngay cả khi kết quả là chúng ta thua cuộc. Nó có nghĩa là không đi theo con đường dễ dàng, và không lựa chọn tư lợi của chúng ta hơn những gì là đúng đắn.

Có một câu tục ngữ rằng, "Không có chiếc gối đầu nào mềm mại bằng lương tâm trong sáng". Một lương tâm trong sạch chỉ có được khi sống một cuộc sống liêm chính, và tầm quan trọng của nó đã được các thế hệ cũ biết rõ, những người thường được nghe nói rằng: “Lý do tôi ngủ ngon là vì tôi có lương tâm trong sạch”. Thật không may, giá trị của sự chính trực đã bị mất đi phần lớn trong thời hiện đại, và thay vào đó, sự tập trung vào tiền bạc và khát vọng vươn lên đã thay thế. Thật trùng hợp, các vấn đề về giấc ngủ là phổ biến.

Để sống liêm chính, điều quan trọng là chúng ta phải xác định các giá trị của mình để giúp xác định chúng ta là ai và chúng ta muốn trở thành ai. Điều này chính là chiếc la bàn đạo đức của chúng ta. Khi chúng ta cố gắng sống theo cách này, tính cách của chúng ta sẽ chuyển biến theo chiều hướng tốt đẹp hơn, trong khi các khía cạnh tiêu cực của chúng ta bị suy yếu và loại bỏ.

Tha thứ và khoan dung

Tha thứ là một phần không thể thiếu trong tất cả các giáo lý tâm linh ngay chính. Chẳng hạn, Chúa Giê-su nói: “Nhưng ta phán cùng các ngươi, là người nghe ta: Hãy yêu kẻ thù mình, làm ơn cho kẻ ghét mình, chúc phước cho kẻ rủa mình, và cầu nguyện cho kẻ sỉ nhục mình." Lu-ca 6: 27–28

Khi bị đối xử không tử tế hoặc theo cách mà chúng ta coi là không công bằng, chúng ta có thể cảm thấy được biện minh trong sự tức giận hoặc oán giận của mình đối với người khác. Nhưng khi chúng ta mang những điều này trong lòng, như người ta nói, chẳng khác nào uống thuốc độc và nghĩ rằng nó sẽ làm hại người kia.

Vài năm trước, tôi có một đồng nghiệp thường xuyên bất đồng với tôi. Nó đã tạo ra rất nhiều căng thẳng, và theo thời gian, tôi nảy sinh sự oán giận đối với cô ấy vì đã kiểm soát và cố gắng chỉ bảo tôi cách làm công việc của mình. Tôi thấy mình ngày càng không thích đi làm, và thậm chí còn cân nhắc tìm kiếm một công việc khác.

Rồi một ngày, tôi chợt nghĩ: “Đây là công việc của tôi. Tôi có thể đi làm và đau khổ, hoặc tôi có thể đi làm và hạnh phúc. Đó là tùy thuộc vào tôi”.

Với nhận thức này, tôi đã đi làm vào ngày hôm sau với một thái độ khác. Tôi đã tha thứ cho những gì tôi coi là không phải của đồng nghiệp và bắt đầu trút bỏ sự oán giận mà tôi từng có. Tôi giữ một thái độ dễ chịu và không để những điều nhỏ nhặt làm ảnh hưởng đến mình, và kết quả là tôi phần nào cảm thấy nhẹ nhàng hơn. Những điều đã làm phiền tôi bây giờ dường như không đáng kể đến mức tôi thường thậm chí không để ý đến chúng trừ khi ai đó chỉ ra chúng.

Điều đáng kinh ngạc là, khi tôi thay đổi bản thân, môi trường xung quanh tôi cũng thay đổi. Đồng nghiệp của tôi cũng ngừng chỉ bảo tôi làm công việc của mình, và tình hình giữa chúng tôi trở nên hài hòa. Việc thực hành tha thứ và nỗ lực thay đổi bản thân không chỉ mang lại lợi ích cho tôi mà còn mang lại lợi ích cho môi trường xung quanh.

Hành động vị tha

Vị tha, hay từ bi, là một lời dạy phổ quát khác trong các thực hành tâm linh ngay chính. Như Đức Phật đã nói, "Một trái tim rộng lượng, lời nói nhân hậu, và một cuộc sống phục vụ và từ bi là những thứ sẽ thay đổi nhân loại".

Hành động vị tha là xả bỏ ham muốn của bản thân vì lợi ích của người khác. Nó có nghĩa là giúp đỡ người khác xuất từ tấm lòng tốt của bạn, mà không mong đợi phần thưởng. Đó là đặt mình vào vị trí của người khác và có lòng trắc ẩn thực sự.

Thật không may, trong xã hội ngày nay, điều ngược lại không chỉ được đề cao, mà thường được tán thưởng và thậm chí khen thưởng. Nhưng tin tốt là, lòng vị tha có thể học được và sẽ dần trở thành một phần trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta.

Những hành động tử tế nho nhỏ, chẳng hạn như lắng nghe người khác nói mà không nghĩ đến điều chúng ta sẽ nói tiếp theo, mang một tách cà phê cho đồng nghiệp hoặc cắt cỏ cho người hàng xóm lớn tuổi, là những cách đơn giản mà chúng ta có thể đặt người khác lên trước chính mình.

Khi chúng ta bắt đầu một ngày của mình, tốt hơn là bạn nên tạm dừng và tự hỏi bản thân, "Tại sao tôi lại làm điều này?". Nói cách khác, động lực thực sự đằng sau hành động của chúng ta là gì? Chúng ta lấy cho người bạn đang ốm của mình một bát súp vì chúng ta biết cảm cúm khốn khổ như thế nào và muốn giúp cô ấy cảm thấy tốt hơn, hay vì chúng ta muốn nghe rằng chúng ta là một người bạn tuyệt vời hay chúng ta là một đầu bếp giỏi? Chìa khóa là kiểm tra suy nghĩ của chúng ta.

Giúp đỡ vì mục đích giúp đỡ, với trái tim trong sáng và chân chính, mang lại lợi ích cho người khác, và vô tình là cả chính chúng ta nữa. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng các hành vi vị tha dẫn đến tâm lý an tâm hơn, giảm mức cortisol và thậm chí giảm nguy cơ mắc bệnh tim.

Thực hành lòng biết ơn

Trong một thế giới mà chúng ta có thể có hầu hết mọi thứ chúng ta muốn bất cứ khi nào chúng ta muốn, thật dễ dàng coi mọi thứ là điều hiển nhiên và đánh mất tầm quan trọng của lòng biết ơn.

Gần đây, một sự việc đã xảy ra khi tôi đang dạy con trai mình về việc biết ơn những gì con đang có và không mong đợi nhiều hơn nữa. Chồng tôi tình cờ nghe được cuộc trò chuyện của chúng tôi và đã tham gia để nhấn mạnh những gì tôi đang nói. Anh ấy đã làm tôi ngạc nhiên khi anh ấy nói với con trai của chúng tôi rằng: “Mỗi ngày khi bố thức dậy, bố đều nói một lời cầu nguyện. Bố không yêu cầu bất cứ điều gì. Bố chỉ nói 'cảm ơn', ngay cả khi chỉ vì hai tay và hai chân cho phép bố đi làm, hoặc là vì bố vẫn còn có một mái nhà trên đầu".

Biết ơn những gì chúng ta có, không mong muốn hay đòi hỏi nhiều hơn, ngay cả khi đối mặt với khó khăn và vất vả, chắc chắn là một nỗ lực đáng giá.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng lòng biết ơn có thể được nuôi dưỡng. Bằng cách làm những việc như ghi nhật ký về lòng biết ơn hoặc suy ngẫm về ba điều mà chúng ta biết ơn vào cuối mỗi ngày, chúng ta sẽ củng cố thói quen biết ơn của mình. Chúng ta thậm chí có thể học cách biết ơn những khoảng thời gian khó khăn.

Leonardo da Vinci nói: “Những trở ngại không thể đè bẹp tôi. Mọi trở ngại đều dẫn đến quyết tâm sắt đá". Những khó khăn của chúng ta giúp củng cố quyết tâm đạt được mục tiêu của chúng ta và củng cố con người của chúng ta. Và nếu không gặp khó khăn, làm sao chúng ta biết được mình có khả năng gì?

Tìm kiếm bài học

Không một ngày nào trôi qua mà chúng ta không bắt gặp nhiều cơ hội để cải thiện bản thân. Tất cả mọi thứ xảy ra đều có lý do. Mặc dù chúng ta có thể không hiểu tại sao mọi thứ lại xảy ra, nhưng những gì chúng ta có thể hiểu là bài học ẩn chứa bên trong.

Khi làm việc với đồng nghiệp, tôi nhận ra một điều khác: Những điều khiến tôi khó chịu về cô ấy thực sự là những thứ tồn tại trong tôi — cô ấy chỉ là một tấm gương phản chiếu những gì trong tôi. Lúc đầu, đây không phải là điều tôi thậm chí muốn thừa nhận với chính mình, chứ đừng nói đến bất kỳ ai khác, và tự hỏi liệu tôi có thực sự có thói quen kiểm soát như vậy hay không.

Khi tôi chú ý đến những suy nghĩ và hành vi của mình, tôi thấy một sự thật khó khăn: Tôi cũng muốn kiểm soát mọi thứ theo cách riêng của mình. Sau khi suy ngẫm kỹ hơn về tình huống đó, tôi phát hiện ra rằng tình huống đó là cơ hội để tôi nhìn lại bản thân và rút ra một số bài học quý giá.

Tôi cũng nhận ra rằng khi một loại tình huống nào đó cứ lặp đi lặp lại, dù nó có thể có những hình thức khác nhau, thì nó đang cố dạy cho tôi một bài học. Khi tôi bắt đầu quan sát những mô thức xảy ra trong cuộc sống của mình, tôi cũng học được rằng nếu điều gì đó về một người khác khiến tôi khó chịu, đó là một dấu hiệu chắc chắn rằng bản thân tôi có thứ đó dưới hình thức này hay hình thức khác.

Qua nhiều năm, tôi thấy rằng những bài học quý giá nhất của tôi thực sự đến từ những tình huống khó khăn nhất của tôi. Mặc dù tôi không cảm thấy thích thú khi trải qua những khoảng thời gian đau khổ hoặc khó khăn đó, nhưng tôi thấy rằng trên thực tế, chúng đã phục vụ một mục đích quan trọng - tự trưởng thành. Và nếu tôi không cố gắng cải thiện phần đó của bản thân, tình hình sẽ tiếp tục tái diễn trong các tình huống khác nhau.

Khi con trai tôi vào trường tiểu học, tôi bắt đầu nói chuyện thường xuyên với con về những “bài học cuộc sống”. Tôi đã cố gắng dạy con tầm quan trọng của việc tử tế với người khác, bất kể con bị đối xử như thế nào, phải trung thực, chu đáo, kiên nhẫn và chia sẻ với người khác. Tôi cũng đưa ra các tình huống “nếu xảy ra” để con suy nghĩ về cách mà con sẽ xử lý các loại tình huống khó khăn khác nhau và sau đó chúng tôi sẽ thảo luận về các giải pháp khả thi.

Một ngày nọ, khi một cậu bé đối xử không tốt với con, con trở về nhà và nói với tôi rằng cậu bé đó không ác ý với con, và nói, "Con nghĩ rằng mẹ của cậu ấy đã không dạy cậu ấy về những bài học cuộc sống". Khi con trai tôi làm sai điều gì đó, tôi cố gắng để con hiểu tại sao điều đó sai và nghĩ xem lần sau con có thể làm tốt hơn như thế nào.

Tôi hy vọng rằng những bài học này sẽ đặt nền tảng để con trai tôi học cách tự suy ngẫm về hành động của mình, xem con có thể học được gì từ chúng và không ngừng phấn đấu để trở thành một người tốt hơn.

Theo quan điểm của tôi, những gì xảy ra trong cuộc sống của chúng ta là để dạy chúng ta sửa chữa những sai lầm của mình và thay đổi bản thân để trở nên tốt hơn bằng cách cải thiện tính kiên nhẫn, trung thực, tốt bụng, đồng cảm và các phẩm chất tốt khác.

Tóm lại

Nghiên cứu đã chỉ ra điều mà tư duy thông thường nói với chúng ta: Trau dồi nội tâm tốt cho cả sức khỏe tinh thần và thể chất của chúng ta. Nó nâng cao nhân cách đạo đức của chúng ta, củng cố các mối quan hệ của chúng ta, cải thiện hiệu suất của chúng ta ở trường học và tại nơi làm việc — và là nền tảng thiết yếu của một xã hội tốt đẹp.

Như Rumi đã nói: “Hôm qua tôi rất thông minh, vì vậy tôi muốn thay đổi thế giới. Hôm nay tôi khôn ngoan, vì vậy tôi đang thay đổi bản thân mình”. Bằng cách sử dụng một số kỹ thuật này trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta sẽ có thể cải thiện bản thân và có ảnh hưởng tích cực đến thế giới xung quanh một cách tự nhiên.

Thanh Hương

Theo The Epoch Times

Tatiana Denning, DO là một bác sĩ y học gia đình dự phòng và chủ sở hữu của Simpura Weight Loss and Wellness. Cô tin tưởng vào việc trao cho bệnh nhân của mình kiến ​​thức và kỹ năng cần thiết để duy trì và cải thiện sức khỏe của chính họ thông qua quản lý cân nặng, thói quen lành mạnh và phòng ngừa bệnh tật.



BÀI CHỌN LỌC

5 lời khuyên giúp cải thiện sức khỏe tinh thần của bạn