6 sự thật chứng tỏ: Thực vật có giác quan vượt trội hơn cả con người

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chúng ta thường cho rằng, thực vật là loài “vô tri vô giác”, nhưng các bạn có bao giờ nghe về việc, khi một người thân trong gia đình qua đời thì một số cây trong nhà cũng rũ lá hoặc chết theo không?

Nếu có ai đó nói với bạn, thực vật cũng có cảm xúc, có tư duy, biết đưa ra những quyết định cực kỳ thông minh, biết xây dựng một cộng đồng vô cùng nhân văn, và thậm chí còn đọc được suy nghĩ của bạn…thì bạn nghĩ thế nào?

Điều các bạn vừa nghe qua có vẻ hoang đường, nhưng bằng các thí nghiệm và các thiết bị hiện đại của mình, rất nhiều nhà khoa học đã đi từ ngạc nhiên đến thừa nhận sự thật rằng thực vật phức tạp và thông minh hơn chúng ta nghĩ rất nhiều.

  1. Thực vật có tri giác và cảm xúc

Ngày 2/2/1966, Chuyên gia phát hiện nói dối hàng đầu thế giới thuộc Cục tình báo Trung ương Mỹ (CIA) - ông Cleve Backster trong lúc đang uống nước, bỗng nảy ra ý định thử nối máy dò nói dối với một cái cây huyết dụ trong phòng. Sau khi tưới nước vào gốc cây, ông vô cùng kinh ngạc khi phát hiện bút điện tử của chiếc máy ghi lại một đường đồ thị giống với đồ thị lúc người ta đang vui mừng.

Cleve Backster vô cùng kinh ngạc khi phát hiện thực vật cũng có cảm tình (Ảnh: qua Tinhhoa)

Quá ngạc nhiên, ông tiếp tục thử nghiệm dùng que diêm đốt một lá cây. Nhưng khi que diêm thậm chí còn chưa tiếp xúc đến lá, kim chỉ của máy ghi đã dao động rất mạnh và vượt ra ngoài biên của tờ giấy. Đồ thị này biểu thị rằng cái cây đang rất sợ hãi. Điều này khiến ông phải thốt lên rằng: “Thực vật có cảm tình là sao!”

Sau đó, Backster đã cùng các đồng nghiệp thực hiện tiếp nhiều thí nghiệm tương tự trên khắp nước Mỹ. Tất cả đều cho kết quả như trên.

Phát hiện chấn động này của Backster đã trở thành tiền đề cho các nhà khoa học khắp nơi trên thế giới khám phá sâu hơn về tri giác và cảm xúc của thực vật.

Gần đây, IKEA - hãng nội thất danh tiếng của Thụy Điển cũng đã tiến hành một thí nghiệm tại một trường học khiến nhiều người kinh ngạc. Họ mang tới trường hai chậu cây, đặt trong lồng kính, chăm sóc chúng giống nhau một cách nghiêm ngặt. Điều khác biệt duy nhất là các học sinh được hướng dẫn mắng nhiếc, chê bai một cây; trong khi dành những lời khen ngợi, thể hiện tình yêu thương với cái cây còn lại.

Kết quả sau 30 ngày, sức sống của hai chậu cây có sự khác biệt rõ rệt. Cây bị dọa nạt trở nên héo úa, còn cây bên được yêu thương phát triển xanh tươi.

Thí nghiệm của IKEA tại một trường học đã cho kết quả đáng kinh ngạc (Ảnh: chụp từ video)
  1. Khả năng siêu cảm - công năng ‘tha tâm thông’

Trong thí nghiệm đốt lá cây ở trên, Cleve Backster còn phát hiện một điều rất kỳ diệu. Khi trong đầu ông chỉ mới tưởng tượng ra hình ảnh đốt lá cây, dù chưa hành động, nhưng máy đã lập tức vẽ ra đường răng cưa giống khi người ta lo lắng, sợ hãi. Tuy nhiên, nếu ông giả bộ muốn đốt lá cây thì trên giấy vẽ lại không thể hiện loại phản ứng này. Thật kỳ lạ phải không các bạn, cây phải chăng đã đọc được suy nghĩ của ông?

Một lần khác, ông thả một số con tôm sống vào nước sôi trước mặt một cái cây khác, lúc này cây lập tức rơi vào trạng thái kích thích tột độ. Để loại bỏ bất kỳ sự can thiệp nào, những lần thí nghiệm sau ông tiến hành trong điều kiện nghiêm ngặt hơn, với những dụng cụ mới, không cài đặt thời gian, cho tôm vào nước sôi bằng thiết bị tự động mà không có con người, đồng thời ghi lại kết quả bằng máy ghi chính xác đến 1/10 giây. Kết quả mỗi lần đều cho phản ứng như nhau. Chứng tỏ cây có thể cảm nhận được nỗi đau của con tôm.

Thí nghiệm với tôm cho thấy cây có khả năng siêu cảm (Ảnh: tổng hợp từ video)

Tại Đại học Yale, Mỹ, Backster cũng đã tiến hành một thí nghiệm thú vị khác trước công chúng. Ông nối thiết bị kiểm tra vào cây thường xuân và nhờ một học sinh giữ một con nhện bên cạnh cái cây ấy mà không cho con nhện chạy mất. Cây dường như không có bất kỳ phản ứng nào.

Tuy nhiên, khi cậu học sinh bỏ tay ra và cho con nhện bò đến cây thì điều đặc biệt xảy ra là máy dò nói dối đã vẽ ra một đường cong rất lớn. Hiện tượng này đã lặp đi lặp lại nhiều lần. Rõ ràng, cây biết được ý đồ hành động của con nhện.

Dựa trên những điều này, Backster chỉ ra rằng, thực vật có khả năng siêu cảm, có thể đọc được suy nghĩ của loài khác. Giới tu luyện gọi là công năng “tha tâm thông” - một năng lực mà người thường không có được và chỉ có ở một số ít những người trải qua quá trình tu luyện đặc thù.

  1. Có trí nhớ rất tốt

Backster còn thực hành thí nghiệm để nghiên cứu năng lực ghi nhớ của thực vật. Ông đặt hai cái cây vào cùng một phòng, rồi cho một người phá hủy cái cây trước “sự chứng kiến” của cái cây kia. Sau đó, ông cho người này đứng lẫn với những người khác, rồi để từng người một đi qua cái cây còn sống.

Điều đặc biệt là khi “kẻ hủy diệt” đi qua thì thiết bị lập tức ghi lại tín hiệu cực kỳ mãnh liệt cho thấy sự sợ hãi đối với “kẻ hủy diệt”. Đến khi người này đi rồi nó mới khôi phục lại trạng thái ban đầu. Phát hiện này đã làm chấn động giới khoa học đương thời, bởi lâu nay họ vẫn cho rằng chỉ những sinh vật nào có não bộ mới có khả năng ghi nhớ.

Một thí nghiệm khác của tiến sĩ Monica Gagliano được công bố trên tạp chí Oecologia cũng cho kết quả tương tự. Bà cùng các cộng sự đã thả rơi chậu cây Trinh nữ xuống một miếng mút từ độ cao đủ để gây sốc cho cây, nhưng không làm hại chúng. Loại cây này sẽ khép lá lại khi bị kích thích nên rất dễ quan sát phản ứng của cây.

Sau vài lần thả rơi mà không hề hấn gì, cây đã ngừng phản ứng. Điều này cho thấy, chúng biết rằng hành động đó không gây nguy hiểm. Để kiểm chứng xem có phải do cây đã ‘bị mệt’, và không thể phản ứng, họ đã thực hiện nhiều kích thích khác nhau, và những cái cây này ngay lập tức có phản ứng.

Thí nghiệm của tiến sĩ Monica Gagliano đối với cây trinh nữ (Ảnh: chụp từ video)

Thử nghiệm đã được thực hiện trên nhiều loại cây khác nhau. Và thí nghiệm được lặp lại sau khi để cây yên tĩnh 28 ngày, nhưng kỳ lạ là cây vẫn nhớ được bài học mà chúng đã trải qua, và vẫn phản ứng như cũ.

  1. Biết phân biệt thật - giả

Nhóm nghiên cứu của Tiến sĩ Aristide Esser - Trưởng phòng nghiên cứu y học, Bệnh viện Rockland, New York còn phát hiện thực vật có năng lực phân biệt phi phàm. Chúng có thể thăm dò những hoạt động tâm lý tinh tế của con người, từ đó có thể phán đoán được một người có nói dối hay không.

Backster cũng từng thử nghiệm tương tự với một nhà báo. Họ ngồi trước một cái cây có gắn thiết bị, rồi ông hỏi về ngày sinh của nhà báo và yêu cầu vị này đưa ra câu trả lời phủ định với tất cả các đáp án, bất kể nó đúng sai. Thế nhưng, khi đáp án đúng được nói ra nhưng bị phủ định, cái cây liền lập tức thể hiện sự phản ứng rất rõ ràng trên giấy ghi của máy dò nói dối.

Rõ ràng, thực vật có khả năng phân biệt được thật - giả, điều mà ngay cả con người cũng khó có thể làm được.

  1. Biết ca hát và cảm thụ âm nhạc

Năm 1976, các nhà nghiên cứu tại Damanhur, Ý đã thành công trong việc tạo ra một thiết bị có khả năng ghi lại những thay đổi điện từ trên bề mặt của lá và rễ cây, rồi chuyển chúng thành âm thanh. Họ còn chứng minh được rằng thực vật biết điều chỉnh các phản ứng điện từ như thể chúng nhận thức được thứ âm nhạc mà chúng đang tạo ra.

Từ đó đến nay, nhóm nghiên cứu ấy đã tổ chức hơn 1.000 “buổi hòa nhạc của thực vật” tại nhiều nơi trên thế giới và cung cấp cho thị trường những thiết bị nhỏ gọn để chúng ta có thể trải nghiệm được âm thanh độc đáo này của cây cối.

Những thiết bị ghi lại những âm thanh độc đáo của cây (Ảnh: Music of the plants)

Không những vậy, thực vật còn biết cảm thụ âm nhạc. Năm 1960, nhà thực vật học George Smith đã làm thí nghiệm với ngô và đậu nành. Ông gieo hạt giống vào hai hộp ươm giống có nhiệt độ và độ ẩm tương đồng. Sau đó, ông cho một hộp nghe bản Rhapsody in Blue, hộp còn lại để yên tĩnh, không có âm thanh nào.

Kết quả cho thấy, hộp được nghe âm nhạc nảy mầm nhanh hơn, cuống khô, màu lục cũng đậm hơn, và cây nghe âm nhạc - bất kể ngô hay đậu - đều có khối lượng lớn hơn.

Thậm chí, hai nhà nghiên cứu Plowman và La Reta còn phát hiện loại nhạc mà cây thích nghe là nhạc phương Đông và nhạc cổ điển. Trong khi lại phát triển hướng ra xa khỏi nhạc rock để né tránh.

Quả là thực vật cũng biết cảm thụ âm nhạc!

  1. Có cuộc sống cộng đồng rất nhân văn

Theo thuyết tiến hóa Darwin, tự nhiên tuân theo quy luật sinh tồn, mạnh được yếu thua. Thực vật chỉ biết tranh giành nguồn dinh dưỡng và ánh nắng để duy trì sự sinh tồn cho bản thân. Tuy nhiên, những nghiên cứu gần đây đã cho thấy điều ngược lại.

Trong cuốn sách bán chạy, được dịch ra hơn 20 thứ tiếng - “Đời sống bí ẩn của cây” của mình, nhà nghiên cứu Peter Wohlleben đã chỉ ra rằng, cây rừng không phải là những cá thể cô lập mà là những cộng đồng có mối quan hệ sinh thái phức tạp và có một đời sống tình cảm và xã hội phong phú. Mỗi cây đều là các thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng, thường xuyên giúp đỡ đồng loại và các động vật khác.

Nhà nghiên cứu Peter Wohlleben và cuốn sách nổi tiếng “Đời sống bí ẩn của cây” của mình (Ảnh: chụp từ video)

Vì không thể di chuyển hay chạy trốn, thực vật đã sử dụng rễ cây và nấm cộng sinh trong lòng đất để hình thành một mạng lưới kết nối Wood Wide Web giống như Internet của con người chúng ta vậy và “giao tiếp” với nhau bằng cách truyền các xung điện. Thông qua mạng lưới này, chúng chia sẻ nguồn dinh dưỡng với nhau một cách cân bằng, hài hòa và chăm sóc những cá thể không quang hợp đủ hay bị côn trùng tấn công.

Ngoài ra, chúng còn bí mật giao tiếp với nhau thông qua mùi hương. Ở thảo nguyên Châu Phi, khi một cái cây keo gai bị hươu cao cổ ăn, thì chỉ trong vài phút cây đã sản xuất ra một chất độc biến lá cây có vị đắng, khiến hươu cao cổ phải chùn bước. Đồng thời, nó sẽ phát ra một mùi hương cảnh báo để những cây keo xung quanh ngay lập tức nhận ra và chuẩn bị trước cho cuộc tấn công của hươu cao cổ. Thậm chí, một số cây còn ngầm đồng thuận về việc trì hoãn hoặc không ra hoa, kết trái để thú rừng không thể dựa dẫm vào chúng mà bỏ đi.

Ngoài ra Giáo sư Suzanne Simard của Đại học British Columbia (Canada) còn có một phát hiện thú vị rằng trong mỗi cộng đồng cây đều có một cây Mẹ. Cây Mẹ này sẽ kết nối với tất cả các cây khác thông qua mạng lưới wood wide web trên, để từ đó điều tiết nguồn tài nguyên của toàn thể hệ thực vật quanh đó và chăm sóc cho các cây non. Do vậy, khi một cây Mẹ bị đốn hạ, tỷ lệ sống sót của các cây con trong mạng lưới sẽ giảm đi đáng kể.

‘Vạn vật đều có linh’

Thực vật quả là thông minh phải không các bạn? Nhiều nền văn minh xưa truyền thụ lại rằng cần đối xử với cây cối như những sinh mệnh thật sự.

Như người da đỏ Bắc Mỹ có một nghi thức cổ xưa. Mỗi khi cây ngô sắp kết hạt, thì những lão bà sẽ đến nơi trồng ngô, dùng những lời lẽ nhẹ nhàng để nói chuyện với từng cây ngô, nhằm đạt được một sự đồng thuận hữu hảo: “Hãy để các con của bạn - các hạt ngô - nuôi sống các con tôi. Tôi cũng sẽ bảo cho các con tôi nuôi sống các con của bạn. Hơn nữa, còn bảo các con tôi từ đời này sang đời khác đều trồng ngô”.

Còn người dân đảo Solomon, Anh Quốc nếu có cây cổ thụ to lớn cần đốn hạ, dân làng sẽ tụ tập lại trước cây và la mắng nó với những lời lẽ xấu xa, tiêu cực. Họ làm như thế khoảng một tháng, thì cây sẽ chết và đổ xuống mà không cần dùng đến dụng cụ đốn hạ.

Hay tại Santa Rosa, California, nhà kinh doanh vườn ươm Luther Burbank trở nên nổi tiếng khi nuôi dưỡng thành công cây xương rồng không gai. Bí quyết của ông là, ông thường xuyên nói với cây xương rồng rằng: “Đừng sợ. Những cái gai để bảo vệ thân thể kia là không cần thiết, bởi vì đã có tôi bảo vệ rồi”. Dần dần, nhưng cây xương rồng ấy đã “đồng ý” không ra gai nữa.

Cây xương rồng ấy đã “đồng ý” không ra gai nữa (Ảnh: chụp từ video)

Ông chia sẻ: “Bất kể làm thí nghiệm nào với thực vật thì cũng nhất định không được giấu chúng. Đặc biệt là cần phải giúp đỡ chúng xuất phát từ nội tâm, có sự tôn trọng và yêu mến đối với sứ mệnh yếu đuối của chúng”.

***

Những câu chuyện và thí nghiệm khoa học trên đã phần chứng minh được rằng thực vật cũng có cảm xúc, nhận thức, thậm chí còn có những công năng siêu cảm, vượt trội hơn con người chúng ta. Điều này cũng tương đồng với nhận thức “vạn vật đều có linh hồn” của Phật gia từ hàng nghìn năm trước.

Theo triết lý Phật gia, chúng sinh trong Tam Giới đều phải trải qua lục đạo luân hồi. Một sinh mệnh đời này là người, nhưng đời sau có thể chuyển sinh thành động vật hay cỏ cây, ngạ quỷ…tùy theo Đức và Nghiệp của họ. Chính vì thế vạn vật đều có linh hồn, chỉ là cách biểu thị cảm xúc của chúng khác với của con người và chúng ta không dễ cảm nhận được.

Con người ngày nay chạy theo lợi ích phát triển kinh tế và sự thiếu hiểu biết của bản thân mà thiếu tôn trọng và “tạo nghiệp” với thiên nhiên, tùy tiện phá hoại môi trường, phải chăng vì thế mà thiên tai, dịch họa lại càng đến nhiều hơn?

Chúng tôi tin rằng, một khi chúng ta thật sự sống tỉnh thức, có trách nhiệm với Thiên nhiên, đối đãi với vạn vật xung quanh bằng tình yêu thương, thì môi trường sống của chúng ta nhất định sẽ có cải biến. Khi ấy, chính chúng ta cũng sẽ thấy tâm hồn của mình thật phong phú và hòa điệu với thế giới tự nhiên.

An Nhiên
Theo Ngẫm Radio



BÀI CHỌN LỌC

6 sự thật chứng tỏ: Thực vật có giác quan vượt trội hơn cả con người