7 cổ vật ‘xuyên không’ kỳ lạ thách thức khoa học

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một số cổ vật, đứng trên phương diện kỹ thuật mà nói, vô cùng hiện đại, khiến người ta khó có thể tin rằng chúng được làm từ cách đây hàng ngàn năm. Thậm chí, nhiều người còn tin vào giả thuyết 'xuyên không', ám chỉ rằng những bảo vật này là sản phẩm của một nền công nghệ hiện đại, nhưng đi ngược thời gian để trở về quá khứ.

1. ‘Cột sắt’ nghìn tỷ từ thời Hán Vũ Đế

Trung Quốc có nhiều cổ vật có giá trị văn hóa cao bị thất truyền và sau đó được tìm thấy một cách tình cờ. Sau đây là một câu chuyện xảy ra vào những năm 1980 với ngư dân họ Trần sống tại một ngôi làng ở Trùng Khánh.

Một lần khi kéo lưới, ông phát hiện lưới đánh cá rất nặng, không ngờ kéo lên là một cây cột sắt khá lớn nằm gọn trong lưới chứ không phải mẻ cá lớn. Chiếc cột này đã gỉ sét, nặng khoảng 90kg, cao khoảng 75cm, trên thân có khắc chữ nhưng ông không đọc được.

Người trong làng bắt đầu quan sắt cây cột sắt, nhưng không ai biết giá trị thật của nó. Do đó, ông Trần đã bán phế liệu nó được 65 NDT (hơn 200.000 đồng). Ông rất vui vì ở thời điểm đó, số tiền này bằng thu nhập nửa năm.

Cục Di tích Văn hóa địa phương hay tin liền tìm tới trạm thu phế liệu để mua lại cây cột sắt. Các chuyên gia khảo cổ thực hiện kiểm định, xác định nó là một trụ sắt dùng để xây cầu từ thời Hán Vũ Đế (156 - 87 TCN). Nó được đánh giá là cổ vật bằng sắt hoàn chỉnh nhất, với niên đại sớm nhất được tìm thấy ở Trung Quốc.

Các chuyên giá đánh giá theo giá trị thị trường, nó phải 300 triệu NDT (hơn 1.020 tỷ đồng). Cuối cùng, cột trụ sắt được đưa vào bộ sưu tập của bảo tàng Tứ Xuyên. Rất may, vị chuyên viên của Cục Di tích văn hóa kịp thời “cứu” nó khỏi nguy cơ bị hủy hoại vì sự thiếu hiểu biết của người dân.

2. Chuông lớn của vua Dhammazedi

Vào cuối thế kỷ 15, Myanmar là một quốc gia dưới sự trị vì của Vua Dhammazedi, một cựu tu sĩ Phật giáo. Đất nước này đã đạt đến đỉnh cao về sự cổ kính trong Thời kỳ Hoàng kim với đầy đủ các báu vật được đúc vào thế kỷ 15.

Theo truyền thuyết, chiếc chuông này được đặt bên cạnh ngôi chùa dát vàng Shwedagon, một địa điểm Phật giáo linh thiêng nhất ở Myanmar. Nó được cho là chiếc chuông lớn nhất từng được tạo ra, với kích thước khoảng 6 x 4m và được đúc từ 294 tấn hỗn hợp kim loại gồm vàng bạc, đồng và thiếc. Trên đó khắc những dòng chữ bằng một thứ ngôn ngữ khó hiểu, chưa thể giải mã.

Chuông lớn của vua Dhammazedi. (Getty)

Thế kỷ 16 chứng kiến sự suy tàn của vương quốc Dhammazedi, các đội quân của châu Âu đã tiếp cận vùng đất này, trong đó có cả lãnh chúa người Bồ Đào Nha Filipe de Brito e Nicole đã mở rộng quyền lực của mình trên khắp Myanmar.

Năm 1608, ông đã cho dỡ bỏ chiếc chuông khỏi Chùa Shwedagon, định nung chảy nó để đúc một khẩu súng thần công. Sau khi lăn nó xuống một ngọn đồi, họ đặt nó lên một chiếc bè. Không ngờ, chiếc chuông nặng hơn nhiều so với những gì người ta có thể tưởng tượng, nên giữa đường toàn bộ bè và chiếc chuông đã chìm và không bao giờ được nhìn thấy kể từ đó.

Nhiều nỗ lực tìm lại chiếc chuông đã không thành công. Có ít nhất 3 vụ đắm tàu khác trong khu vực đó. Chiếc chuông này là một phần quan trọng trong lịch sử và tôn giáo của Myanmar. Sau khi nó biến mất, nhiều nhà lãnh đạo dân sự và chính phủ tin rằng nếu có thể tìm thấy và phục hồi, nó sẽ mở ra một thời kỳ thịnh vượng mới cho Myanmar.

3. Ấn ngọc 3.500 năm tuổi

Năm 2015, các nhà khảo cổ học đã có một phát hiện được xem là tuyệt vời nhất ở Hy Lạp trong hơn 50 năm qua. Đó là lăng mộ của một chiến binh Griffin cùng hơn 3.000 đồ tạo tác trong một khu rừng gần thành phố Pylos của Hy Lạp. Trong đó, đáng chú ý nhất là một ấn ngọc được làm bằng đá mã não.

Nó chỉ dài 3,6cm nhưng khắc họa một cách chi tiết đến kinh ngạc về một trận chiến khốc liệt giữa 3 chiến binh. Theo nhà nghiên cứu Jack Davis, đây là một phát hiện ngoạn mục vì nó thể hiện cơ thể người ở mức độ chi tiết tới từng bắp thịt - điều mà phải đến 1.000 năm sau trình độ nghệ thuật của Hy Lạp mới có thể đạt đến được. Một số chi tiết trên đó chỉ lớn bằng nửa milimet, nhỏ tới mức chỉ có dùng thiết bị như kính hiển vi mới có thể thực hiện được.

Ấn ngọc 3.500 năm tuổi. (Chụp video)

Kiệt tác này đã khiến các nhà sử học phải đánh giá lại dòng thời gian phát triển của nghệ thuật phương Tây mà chúng ta đang nhìn nhận hiện nay.

4. Kính áp tròng từ 4.600 năm trước

Trong bảo tàng Cairo và bảo tàng Luxor ở Ai Cập, có những bức tranh và tượng đại diện cho những người dường như đang đeo kính áp tròng. Đại diện nổi bật nhất là bức tượng gỗ của pharaoh Chora. Cái kính được gắn lên đôi mắt của bức tượng ấy giống với cấu trúc của võng mạc một cách đáng kinh ngạc. Chúng thay đổi màu sắc, từ xanh lam sang xám khói phụ thuộc vào vị trí nhìn của chúng ta.

Điều kỳ lạ là kính áp tròng không được phát minh cho đến khoảng thế kỷ 13, trong khi các cổ vật này lại thuộc thời kỳ cổ đại của Ai Cập có từ khoảng cách đây hơn 4.600 năm.

Đây là một điều bất thường, gây nhiều tò mò cho mọi người và cũng là một trong những bí ẩn lâu đời, đầy thú vị về nền văn minh Ai Cập cổ đại.

5. Cốc pha lê Chiến quốc

Món đồ này trông giống như một chiếc cốc bình thường phải không ạ? Nhưng nó lại là chiếc cốc pha lê có từ thời Chiến Quốc cách đây hơn 2.000 năm, được phát hiện vào năm 1990 ở Hàng Châu, Trung Quốc. Tuy có không ít di vật bằng pha lê được khai quật trên thế giới, nhưng chúng chỉ là những đồ vật nhỏ như mặt dây chuyền. Đây là lần đầu tiên có một đồ thủ công mỹ nghệ lớn như thế này.

Chiếc cốc cao 15,4cm, đường kính miệng 7,8cm và đáy 5,4cm, được làm từ loại pha lê có độ tinh khiết cao. Điều khiến các nhà khảo cổ học thắc mắc là làm thế nào người cổ đại có thể đục rỗng lòng pha lê cứng như vậy. Đặc biệt là cách mà họ mài và đánh bóng phần đáy rất nhỏ của cốc trong điều kiện không có máy móc kỹ thuật vào thời đó.

Crystal Cup(Warring States Period) in Hangzhou Museum.JPG
Cốc pha lê Chiến quốc - Bảo tàng Hàng Châu. (Wikipedia)

Cổ vật này quá giống thời hiện đại nên ban đầu một số người cho rằng nó là do tên trộm mộ ném vào trong mộ cổ. Tuy nhiên, các nhà khảo cổ học không tìm thấy dấu vết cho thấy khu mộ từng bị trộm. Sau nhiều lần kiểm tra, họ xác định sản phẩm tưởng chừng như “đi lạc chỗ” này chắc chắn có từ cách đây hơn 2.000 năm, nhưng người cổ đại đã tạo ra nó như thế nào thì chưa ai có thể giải thích được. Hiện chiếc cốc đang được trưng bày tại Bảo tàng Hàng Châu để mọi người cùng chiêm ngưỡng.

6. Đĩa Lolladoff

Đĩa Lolladoff là một hiện vật cổ đại của nền văn minh Xứ Banias, được phát hiện tại Afghanistan vào năm 1938. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là trên đĩa Lolladoff có chứa các hình vẽ rất giống người ngoài hành tinh và những xoắn ốc giống các thiên hà. Những hình ảnh này đã khiến nhiều người cho rằng nó có thể bị "xuyên không" từ tương lai, hoặc từ một văn minh khác, và đã lọt vào thế giới của chúng ta. Tới nay, nó vẫn là một bí ẩn đối với các nhà khoa học và nhà nghiên cứu lịch sử.

Đĩa Lolladoff. (Chụp video)

Điều thú vị là đĩa Lolladoff không chỉ có những hình ảnh tưởng tượng như vậy, mà nó còn được cho là có chứa một hệ thống ký tự bí ẩn, chưa được giải mã. Việc này càng tăng thêm tính bí ẩn và gây tò mò cho người ta, và khiến Đĩa Lolladoff trở thành một trong những hiện vật cổ đại được quan tâm nhất trong cộng đồng khoa học.

7. Đầu Tecaxic-Calixtlahuaca

Tượng đầu người bí ẩn này được phát hiện vào năm 1933 và dường như là một mảnh vỡ của một bức tượng lớn hơn. Nó được nhà khảo cổ học José Garcia-Payón phát hiện tại khu di tích Tecaxic-Calixtlahuaca của Mexico.

Như phân tích của nhà khảo cổ Bernard Andreae, “việc kiểm tra phong cách cho chúng ta biết chính xác rằng đó là tác phẩm của người La Mã vào thế kỷ thứ 2. Nó thể hiện ở kiểu tóc, bộ râu, đó là những nét đặc trưng của các hoàng đế Severian và chính xác là 'mốt' của thời kỳ đó”.

Trong khi đó, nhiều nhà nghiên cứu lại chứng minh rằng nó có mối liên hệ với người Viking hoặc người Celtic ở châu Âu. Nếu thế thì món đồ này cổ xưa hơn rất nhiều.

Mãi đến năm 1995, khi phương pháp xác định niên đại bằng nhiệt phát quang ra đời, bí ẩn này mới được nghiên cứu lại lần nữa. Kết quả cho thấy nó có niên đại từ thế kỷ thứ 9 TCN, lâu đời hơn rất nhiều so với địa điểm khảo cổ nơi nó được phát hiện.

Đầu Tecaxic-Calixtlahuaca. (Chụp video)

Các nhà nghiên cứu không biết làm thế nào mà bức tượng theo phong cách phương Tây lại đến Mexico vào thời điểm đó, khi mà theo ghi chép lịch sử thì phải đến thế kỷ 16 người Tây Ban Nha mới khám phá ra đất nước này. Ngoài ra, cách mà tác phẩm đất nung quá mỏng manh này có để tồn tại suốt một khoảng thời gian lâu như thế cũng là điều khó hiểu.

Mặc dù có nhiều giả thuyết được đưa ra để giải thích nguồn gốc của nó, nhưng không có cái nào có thể được chứng thực. Bức tượng tồn tại như một minh chứng cho thấy chúng ta biết rất ít về nền văn minh cổ đại.

Phương Lam
Theo Ngẫm Radio



BÀI CHỌN LỌC

7 cổ vật ‘xuyên không’ kỳ lạ thách thức khoa học