7 kinh nghiệm sống của người giàu nhất thế giới Elon Musk

Giúp NTDVN sửa lỗi

Elon Musk đang thực hiện sứ mệnh thay đổi thế giới, và muốn đưa sứ mệnh này lên cả vũ trụ. Từ công ty internet đến ô tô điện, Musk đã thu hút trí tưởng tượng của thế giới. Một số người thích Musk, một số ghét Musk: nhưng mọi người đều muốn biết anh ấy sẽ làm gì tiếp theo.

Làm thế nào mà Elon Musk trở nên thành công rực rỡ như vậy? Dưới đây là 7 kinh nghiệm sống đã giúp Musk trở thành người giàu nhất thế giới.

1. Trở thành doanh nhân công nghệ ở tuổi 12

Elon Musk từ lâu đã gắn liền với công nghệ. Anh ấy đã là một doanh nhân công nghệ từ khi còn là một đứa trẻ. Lần đầu tiên Musk bắt đầu học và hiểu công nghệ bằng cách chơi trò chơi điện tử.

Kết quả là, anh ấy đã tự học viết mã (code). Điều này khiến Musk phát triển trò chơi của riêng mình khi mới 12 tuổi.

Musk đã tự viết trò chơi Blastar, rồi bán mã cho tạp chí PC và Office Technology với giá 500 đô la Mỹ.

2. Bị bắt nạt ở trường cấp 3

Trong thời thơ ấu ở Nam Phi, ‘cậu bé Elon Musk’ là một con mọt sách và không nổi tiếng ở trường trung học.

Theo người viết tiểu sử là Ashlee Vance, Musk từng bị các bạn cùng lớp rượt đuổi và đánh đến hôn mê. Có lúc, Musk nói, một nhóm nam sinh đã tấn công anh sau khi người được gọi là bạn thân nhất của Musk dụ anh ra ngoài. Anh bị đánh nặng đến nỗi buộc phải đến bệnh viện.

Đáng buồn là điều này đã diễn ra liên tiếp trong nhiều năm. Anh ấy cũng không có nhiều thời gian nghỉ ngơi ở nhà. Cha của Musk được cho là đã ngược đãi các con của mình.

Theo Washington Post, có lần, cha của anh là ông Errol Musk, đã yêu cầu Elon và các anh em khác ngồi xuống, buộc các con phải im lặng nghe ông ấy nói trong 4 tiếng đồng hồ. Bây giờ, mối quan hệ giữa hai cha con Musk rất lạnh nhạt.

Nhiều người đã từng trải qua kiểu ngược đãi này và sẽ cam chịu không cầu tiến. Nhưng có vẻ như sự kiên cường mà Musk đã thể hiện khiến anh ấy trở nên mạnh mẽ hơn trong những nỗ lực tương lai.

Musk tốt nghiệp trường trung học nam sinh Pretoria ở Nam Phi. (Ảnh: wikimedia)

3. Học Vật lý và Kinh tế

Musk nhập cư Canada khi còn là một thiếu niên, sau đó đến Đại học Pennsylvania với tư cách là một sinh viên chuyển tiếp để lấy bằng cử nhân vật lý. Musk cũng có bằng Cử nhân Kinh tế của Trường Kinh doanh Wharton.

Musk thích khoa học và đã thực tập ở Thung lũng Silicon. Anh tốt nghiệp với khoảng 100.000 đô la nợ vay sinh viên.

Sau khi tốt nghiệp đại học, Musk bắt đầu theo đuổi bằng tiến sĩ vật lý năng lượng tại Đại học Stanford, nhưng anh thích tham gia vào ngành công nghiệp Internet hơn. Vì vậy, chỉ sau hai ngày, Musk đã bỏ học.

Sự kết hợp giữa vật lý và kinh tế học đã tạo cơ sở cho Musk phát triển các công nghệ tiên tiến và khai thác chúng để thu lợi nhuận.

4. Không dừng lại ở 22 triệu đô la Mỹ

Với khối tài sản ước tính khoảng 219 tỷ USD, Musk là người giàu nhất thế giới. Ước tính Musk kiếm được 295 triệu đô la mỗi ngày.

Nhưng nhiều năm trước, Musk có thể dừng lại ở mức 22 triệu USD. Số tiền có được là do Musk đã bán công ty khởi nghiệp phần mềm đầu tiên của mình là Zip2, cho Compaq vào năm 1999 với giá 307 triệu đô la.

Nhưng hành trình của Musk còn lâu mới kết thúc. Musk tiếp tục hoạt động trong thế giới kinh doanh và đồng sáng lập PayPal.

Năm 2002, PayPal được bán cho eBay với giá 1,5 tỷ USD; và Musk, với tư cách là cổ đông lớn đã kiếm được khoảng 180 triệu USD.

Musk vẫn không dừng ở đó mà tiếp tục thành lập SpaceX và Tesla rất thành công.

Musk quan sát một bản mẫu lắp ráp trong sự kiện tái mở cửa nhà máy NUMMI, nay là Tesla Motors (Fremont, CA) năm 2010. (Ảnh: wikimedia)

5. Có chứng tự kỷ

Năm 2021, khi chủ trì chương trình "Saturday Night", Musk tuyên bố rằng mình mắc chứng Asperger, còn gọi là Rối loạn phổ tự kỷ. Musk nói rằng mình là người đầu tiên mắc chứng tự kỷ đứng ra chủ trì chương trình.

Trong một lần phỏng vấn Sức khỏe nam giới, Musk giải thích rằng mặc dù anh bị bắt nạt thời đi học vì hội chứng tự kỷ, nhưng điều này cuối cùng đã giúp anh thành công. Vì sao?

Đặc điểm chung của những người mắc hội chứng tự kỷ là khả năng tập trung quá mức. Và Musk đã tập trung cao độ vào công nghệ. Sự tập trung mãnh liệt và chuyên nghiệp hóa này đã góp phần vào thành công rực rỡ của Musk.

6. Công ty Netscape đã phớt lờ Musk, nhưng anh không dừng ở đó

Sau khi tốt nghiệp đại học, Musk cần một công việc. Vì vậy, anh ấy đã gửi sơ yếu lý lịch của mình cho Netscape.

Công ty Netscape được biết đến nhiều nhất với trình duyệt web Navigator. Tuy vậy, Musk chưa bao giờ nhận được phản hồi từ Netscape.

Musk không quan tâm đến việc bị từ chối, thay vào đó, Musk quyết định làm việc cho chính mình. Vậy là, Musk đã thành lập Zip2 cùng với em trai của mình là Kimbal Musk và Greg Kouri.

Kimbal Musk, em trai của Elon Musk. (Ảnh: wikimedia)

Musk đã phát triển các công nghệ tiên tiến. Musk nắm giữ bằng sáng chế cho bản đồ Internet đầu tiên và phiên bản trực tuyến của Những trang vàng. Đây là nền tảng của Zip2. Đến nay, các bằng sáng chế này đã hết hạn.

7. Musk không phải là một nhà bảo vệ môi trường điển hình

Musk tham gia thị trường xe điện vì cảm thấy nguồn cung than và dầu hạn chế. Musk lo lắng thế giới sẽ cạn kiệt những nguồn tài nguyên cần thiết này và sụp đổ. Musk muốn tạo ra một giải pháp thay thế bằng cách sử dụng điện.

Lập trường có tầm nhìn xa này đã thổi bùng cho một ngành công nghiệp trị giá hàng tỷ đô la Mỹ.

Tuy nhiên, Musk không phải là một nhà bảo vệ môi trường điển hình. Trên thực tế và trong một số vấn đề, Musk đã gọi các nhà môi trường là một "sai lầm khiến người ta khó chịu".

Vào năm 2021, Musk cho biết sẽ không ủng hộ kế hoạch "Xây dựng lại tốt hơn" của Tổng thống Joe Biden.

Musk nói rằng dân số thấp mới là 1 trong những mối quan tâm hàng đầu của anh ấy về tương lai của nhân loại.

Một số người so sánh Musk với Howard Hughes (nhà phát minh và người giàu nổi tiếng người Mỹ), trong khi những người khác cho rằng Musk là Henry Ford (người giàu có tiên phong trong ngành công nghiệp xe hơi của Mỹ).

Howard Hughes vào tháng 2 năm 1938. Trong suốt cuộc đời mình, ông được biết đến như một trong những cá nhân kinh doanh giàu có nhất thế giới. (Ảnh: wikimedia)

Musk không ngại chấp nhận rủi ro. Niềm đam mê công nghệ của Musk đã mở ra nhiều lĩnh vực công nghiệp.

Bất chấp những nghịch cảnh mà Musk phải đối mặt khi còn trẻ, nhưng Musk vẫn chưa bao giờ bỏ cuộc. Trên thực tế, có lẽ thử thách đã tiếp thêm sức mạnh cần thiết để Musk tiến về phía trước với những ý tưởng đổi mới.

Người sáng lập SpaceX, Elon Musk trong một sự kiện ở Bãi biển Boca Chica, Texas vào ngày 25/8/2022. (Ảnh: Michael Gonzalez/ Getty Images)

Bất kể ý kiến ​​của bạn về Elon Musk là gì, anh ấy vẫn thu hút mọi người với một tiểu sử đặc biệt và là một người có tầm nhìn xa trong lĩnh vực công nghệ, cho dù đó là công nghệ trên trái đất hay công nghệ ngoài không gian. Chính tầm nhìn và sự nỗ lực này đã khiến Elon Musk trở thành người giàu nhất trên thế giới.

Bách Diệp
Theo NTDTV



BÀI CHỌN LỌC

7 kinh nghiệm sống của người giàu nhất thế giới Elon Musk