Ai khổ hơn phụ huynh - học sinh lớp 1?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Có câu nói "đùa mà thật" thế này: "Nếu thấy 4 năm đại học hay làm luận án tiến sĩ quá cực nhọc, thì xin mời thử làm phụ huynh có con nhỏ vào lớp 1 để trải nghiệm cảm giác mới".

Trên các diễn đàn xã hội, hầu hết phụ huynh có con vào lớp 1 đều than con mình học vất vả quá. Phụ huynh lớp 1 không thể chạy theo chương trình giáo dục mới. Trong khi đó, người dạy thì đổ lỗi cho chương trình, còn người thiết kế chương trình lại đổ lỗi cho… cách dạy.

Thời điểm này, các bậc phụ huynh có con em chuẩn bị vào lớp 1 phải tất bật tìm trường tốt để gửi gắm con vào. Vô số vấn đề phát sinh khiến bố mẹ đau đầu, điển hình là việc phải kèm cặp cho con ra sao để con nhận được mặt chữ, biết được mặt số, phải làm thế nào để con viết và tính toán được.

Ai khổ hơn phụ huynh - học sinh lớp 1?

Một cặp vợ chồng than rằng họ phải thay nhau vào vai "học sinh lớp 1", ngồi học cùng con. Có lần con thú nhận: "Con sợ mắt cô nhìn con nếu lỡ con làm sai". Nghe thế vợ chồng chị lại cảm thấy đau lòng.

Nếu như những phụ huynh không cho con đi học từ sớm, thì họ sẽ phải chạy đua cùng con, đánh vật cùng chương trình lớp 1 thế này. Ép con học sớm thì không nỡ, mà để “đúng chương trình” thì lại sợ con “quá khổ”, phụ huynh lớp 1 quả là “tiến thoái lưỡng nan”.

Trong cuộc chiến học lớp 1 này, cả con lẫn cha mẹ đều phải nỗ lực. Một đứa trẻ lớp 1 học đến tận khuya là “chuyện thường tình”? Từ mẫu giáo còn “ham ăn ham chơi”, nay vào lớp 1 phải lao vào học, cộng với những lời "động viên" của cô giáo, con trẻ chắc hẳn phải chịu áp lực không nhỏ.

Nhiều bậc phụ huynh “từng trải” cho rằng trẻ em Việt đang lâm vào "bể khổ" vì bị ép học từ quá sớm. Ở nhiều nước, trẻ không học chữ vào giai đoạn mầm non mà dành nhiều thời gian học kỹ năng và tập sống tự lập. Do kiến thức nhẹ nhàng nên các em ít khi bị khủng hoảng.

Ở nước ta, ngay từ lớp 1 trẻ phải học viết chữ đẹp, học toán và làm bài tập rất nhiều. Nếu trẻ không theo kịp thì phải đi học thêm, nếu không sẽ tụt hậu so với các bạn trong lớp.

Một phụ huynh tâm sự: “Tôi nhớ ngày trước tôi học lớp 1, học kỳ 1 chỉ làm quen bảng chữ cái, dấu và những từ, vần đơn giản nhất... như học kỳ 1 của trẻ bây giờ, đọc sách tiếng Việt lớp 1 bây giờ, tôi choáng váng”.

Từ mẫu giáo còn “ham ăn ham chơi”, nay vào lớp 1 phải lao vào học, cộng với những lời "động viên" của cô giáo, con trẻ chắc hẳn phải chịu áp lực không nhỏ. (Ảnh chụp từ video)
Từ mẫu giáo còn “ham ăn ham chơi”, nay vào lớp 1 phải lao vào học, cộng với những lời "động viên" của cô giáo, con trẻ chắc hẳn phải chịu áp lực không nhỏ. (Ảnh chụp từ video)

Cải cách giáo dục

Học thêm, thi cử, hoang mang giữa hai cách phát âm, phải học nhiều nội dung phức tạp… là những gì các em học sinh lớp 1 đang trải qua trong thời đại “cải cách giáo dục.”

Không ít phụ huynh đã bắt đầu tìm thầy cô giáo để dạy thêm cho con em mình từ khi các em mới 4, 5 tuổi – được gọi là các lớp “tiền tiểu học”.

Nhiều người cho rằng hiện nay khối lượng kiến thức của lớp 1 khá nhiều, đòi hỏi học sinh thích ứng nhanh, tiếp thu nhanh, nếu không học trước thì sợ không theo kịp bạn bè, hình thành tâm lý tự ti, chán nản. Do đó, học thêm trước tuổi đã và đang trở thành xu thế chủ đạo của nhiều gia đình có con nhỏ chuẩn bị vào lớp 1.

Ở vào lứa tuổi cần được vui chơi, khám phá thế giới xung quanh, học các kỹ năng cơ bản, học về đạo đức để phát triển một nhân cách tốt đẹp, thì nhiều em nhỏ đã phải "phấn đấu" từ khi còn ngồi ghế "mẫu giáo".

Ngày xưa, nhắc đến chuyện “lớp vỡ lòng”, phụ huynh học sinh thấy cảm thấy rất nhẹ nhàng, không bị áp lực việc học hành của con, không phải lo lắng con cái mình không tiếp thu được kiến thức, chỉ cần con “đọc thông, viết thạo” và có hứng thú với chuyện học hành là được rồi.

Một trong những điều phụ huynh lo lắng nhất chính là chuyện con sợ học ngay từ ngày đầu đi học. Nhiều phụ huynh có quan điểm rằng: “Chương trình mới kiểu gì mà khiến con tôi ngay từ lớp 1 đã sợ học".

Không chỉ phụ huynh, giáo viên không ít người cũng cảm thấy áp lực. Một cô giáo lớp 1 chia sẻ: “Năm nào, phụ huynh cũng than con học Tiếng Việt lớp 1 vất vả. Năm nay, mọi việc còn khó khăn hơn. Sách mới đang đi nhanh, vượt quá năng lực học của trẻ 6 tuổi. Điều này dễ nhận thấy từ nội dung sách và thực tế tại lớp học”.

Ở chương trình sách mới này, học sinh phải tiếp xúc với những câu quá dài, trong khi nhiều trẻ nói còn chưa lưu loát, chỉ có thể “đọc vẹt” chứ không hiểu hay nhớ được.

Có vẻ như các nhà giáo dục đang hướng tới việc biến học sinh thành “thần đồng”, còn phụ huynh đành “ngậm bồ hòn” mà chạy theo. Nói là chương trình mới giảm tải, nhưng xem ra “không nặng mà là…rất nặng”, và nhiều người ví von rằng con trẻ như “chim trúng đạn”.

Nhiều bậc phụ huynh nhớ lại “ngày đầu tiên đi học” của thế hệ mình, rồi nghĩ đến con trẻ ngày nay mà chỉ biết thở dài “ngày xưa ơi…”. Việc nhồi nhét kiến thức ngay từ khi học lớp 1 liệu có nên chăng?

Tâm An



BÀI CHỌN LỌC

Ai khổ hơn phụ huynh - học sinh lớp 1?