Ấn Độ: Hang thiêng Phật giáo hơn 2000 năm tuổi đứng vững theo thời gian

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nằm ẩn sâu trong một khu vực biệt lập của Ấn Độ, có một quần thể gồm 30 hang động, trong nhiều thế kỷ qua nơi này đã là một phần không thể thiếu của những truyền thống thiêng liêng.

Khác xa với hang động chết chóc của các bộ phim phiêu lưu, quần thể hang động Ajanta đã mở ra một cánh cửa đến gần hơn với các truyền thống Phật giáo cổ xưa.

Hiện quần thể hang động Ajanta đã được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới. Đến với nơi này du khách như được đưa vào khoảng thời gian từ ​​nhiều thế kỷ trước, từ đó có được cái nhìn về bí mật của quá khứ và những điều thiêng liêng của người cổ xưa.

Sảnh thờ trang nghiêm cùng tuyệt tác nghệ thuật

Ẩn mình giữa một vùng đất hoang vu tươi tốt, 30 hang động của Ajanta nằm ở vùng Tây Bắc của Ấn Độ, gần thị trấn nhỏ Ajanta, cách Mumbai khoảng 200 dặm. Những người thời xa xưa đã xếp vách đá của con sông nhỏ Waghur thành một bức tường hình “móng ngựa".


Được bao quanh bởi một khu rừng rậm rộng lớn, các hang động của Ajanta nằm ẩn mình tách biệt với thế giới hiện đại. Những bức tường vách đá được chạm khắc hoàn hảo nằm rải rác giữa những đại sảnh là nơi cầu nguyện và khu sinh hoạt. (Hình ảnh: Ashok Prabhakaran qua Flickr CC BY-SA 2.0)

Cụm hang được xây dựng riêng lẻ thành các sảnh đường và tu viện Phật giáo. Trong mỗi hang động đều có sự kết hợp giữa kiến ​​trúc độc đáo và các tác phẩm nghệ thuật rực rỡ từ quá khứ. Trần hang được nâng đỡ bằng các cột trụ và tường, tất cả chúng đều được chạm khắc vô cùng tinh xảo.

Nhìn chung, đây là một bộ kiệt tác đã lưu giữ các di tích lịch sử tồn tại qua nhiều triều đại trong lịch sử của Ấn Độ.


Cột trụ và các cấu trúc giá đỡ đã giữ cho hang động cổ kính vững chắc qua vô số thế hệ. Các hoa văn chạm khắc công phu cho thấy những người thợ xa xưa đã làm việc tỉ mỉ và say mê như thế nào để xây dựng lên thiên đường của họ. (Hình ảnh:
Jorge Lascar qua Flickr CC BY 2.0)

Các bức tranh và tác phẩm điêu khắc biểu tượng Phật giáo lấp đầy trong những sảnh đường, các hang động và tu viện. Các tác phẩm điêu khắc được chạm khắc tỉ mỉ để giống với các nhân vật Phật giáo và các vị thần, có bức được chạm nổi vào các hoa văn trên tường đá, có bức là tạc tượng Phật đứng hoặc nằm. Tất cả chúng đã trở thành tập hợp tác phẩm nghệ thuật lớn nhất được biết đến trong lịch sử Ấn Độ.

Một bức tranh được tìm thấy trong hang số 1 của quần thể hang động Ajanta, hình tượng Phật được lấy làm trung tâm sáng tác. (Hình ảnh: Arian Zwegers qua Flickr CC By 2.0)

Các tác phẩm giàu ý nghĩa nghệ thuật, tôn giáo và văn hóa xã hội ở nơi đây được bố trí dọc theo các vách đá và trần hang, tạo thêm sự đa dạng và màu sắc cho những góc bị khuất. Với nghệ thuật và sự khéo léo vượt bậc, hình ảnh Đức Phật được tái hiện sống động như thật. Thật sự đây là nơi rất đáng chiêm ngưỡng.

Caves-of-Ajanta-Flickr
Bức tượng Phật nằm tựa lưng vào vách đá, phô bày vẻ đẹp linh thiêng, hoang sơ đến khó tin đã trường tồn qua thử thách của thời gian. (Hình ảnh: NINXIVI qua Flickr CC By 2.0)

Năm trong số 30 hang động bao gồm: hang động số 9, 10, 19, 26 và 29, được sử dụng làm sảnh thờ và sảnh cầu nguyện với một Bảo tháp ở cuối hang, các hang còn lại dùng làm tu viện để cầu nguyện và là nơi ở của tín đồ.

Những hang động được nối liền với dòng sông bên dưới bằng các bậc thang đá, do đó các nhà sư có thể thuận tiện sử dụng dòng nước. Tu viện nơi này được các nhà sư sử dụng để học tập kinh điển, thiền định và cư trú trong quá trình họ tu tập.

Lịch sử các hang động ở quần thể Ajanta

Các hang động được xây dựng riêng biệt trong nhiều năm qua hai giai đoạn khác nhau, kéo dài từ thời Satavahana và Gupta ở Ấn Độ.

Giai đoạn xây dựng thứ nhất diễn ra trong triều đại Satavahana, từ thế kỷ thứ hai đến thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên. Tại đây, sáu hang động (hang số 9, 10, 12, 13 và 15) đã được xây dựng đầu tiên bởi những người theo Phật giáo Tiểu thừa.

Giai đoạn xây dựng thứ hai diễn ra trong triều đại Vakataka, trong thế kỷ thứ năm sau Công nguyên, do những người theo Phật giáo Đại thừa thực hiện. Không giống như những người theo Phật giáo Tiểu thừa, những người theo Phật giáo Đại thừa thờ phụng Phật dưới hình thức một thần tượng.

Những hang động trước đó đã được tái sử dụng, và có thêm nhiều hang động nữa được dựng lên với kỹ thuật kiến ​​trúc mới hơn và những bức tranh tường tô điểm cho các bức tường đá thêm phần độc đáo.

Mặc dù chưa hoàn thiện nhưng các hang động còn dang dở (hang số 5, 24 và 29) có thể cho chúng ta một ý tưởng hay về cách thức xây dựng thời xa xưa.

Đến thế kỷ thứ sáu sau Công nguyên, các hang động này đã bị bỏ hoang khi triều đại Vakataka sụp đổ.

Năm 1819, thuyền trưởng John Smith, một sĩ quan kỵ binh người Anh trong khi đi săn thú rừng đã tình cờ phát hiện ra những ngôi đền bị mất trong hang động Ajanta. Khi tin tức được lan truyền, địa điểm bị lãng quên này đã trở thành một điểm nổi tiếng thu hút du khách và những nhà thám hiểm trên thế giới. Tuy nhiên, họ cần phải can đảm băng qua khu rừng rậm rạp để đến được các hang động.


Du khách có thể tham quan và khám phá các hang động đã được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới, chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật tuyệt đẹp và sảnh đường trang nghiêm nơi đây. (Hình ảnh: Kunal Mukherjee qua Flickr CC BY-SA 2.0)

Năm 1983, các hang động của Ajanta đã trở thành Di sản Thế giới được UNESCO công nhận, điều này đã thu hút nhiều du khách đến tham quan hơn.

Quần thể hang động Ajanta là một trong số ít dấu tích của nền văn minh cổ đại còn sót lại được biết đến, chúng chứa đầy các hiện vật văn hóa, tôn giáo và nghệ thuật, giúp vẽ nên bức tranh về một thời kỳ hưng thịnh của Phật Giáo Ấn Độ, thời kỳ mà con người dành cả cuộc đời để tìm kiếm con đường đi đến chân lý.

Khi khách du lịch thời nay hành hương đến đây và chứng kiến ​​những hình ảnh lâu đời của kiến ​​trúc và nghệ thuật Phật giáo, có lẽ họ cũng sẽ khám phá ra con đường dẫn đến giác ngộ.

Liên Hoa
Theo Vision Times



BÀI CHỌN LỌC

Ấn Độ: Hang thiêng Phật giáo hơn 2000 năm tuổi đứng vững theo thời gian