Ảnh: Thư viện tráng lệ ở Đức này là một trong những thư viện đẹp nhất trên thế giới

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một hội trường hai tầng mang phong cách Rococo bên trong một tu viện từ thế kỷ 11 được trang trí công phu đến nỗi nó được coi là một trong những thư viện đẹp nhất thế giới.

Tu viện Wiblingen là một tu viện lớn nằm ở phía nam thành phố Ulm thuộc bang Baden-Württemberg, miền nam nước Đức. Nó được thành lập vào năm 1093 cho các tu sĩ Biển Đức. Nó trở nên nổi tiếng về sự kỷ luật, đặc biệt là “scriptorium”, một căn phòng nơi các tu sĩ viết nên các tác phẩm văn học có hình ảnh minh họa rất chi tiết.

Kế hoạch xây dựng một thư viện hai tầng ở cánh phía bắc của tu viện xuất hiện vào năm 1740 dưới thời của Trụ trì Meinrad Hamberger. Theo tác giả Jacques Bosser trong cuốn sách “Những thư viện đẹp nhất thế giới”, vị trụ trì muốn có một không gian “đánh thức khao khát và tình yêu đối với các bài tập tâm linh và học thuật trong các tu sĩ”.

Ảnh Đại Kỷ Nguyên
(Isogood_patrick/Shutterstock)

Ảnh hưởng bởi thị hiếu sang trọng của vua Louis XIV, phong cách Rococo đã phát triển mạnh mẽ ở châu Âu vào thế kỷ 18. Sự tinh tế của Rococo đối với các chi tiết trang trí công phu và các sắc thái phấn nhẹ nhàng hoàn toàn phù hợp với sảnh thư viện phức tạp mà Hamberger đã hình dung.

Theo trang web của Tu viện Wiblingen, trụ trì đã ủy thác cho nghệ sĩ Franz Martin Kuen tạo nên những bức bích họa tuyệt đẹp mang tính biểu tượng để trang trí trần của hội trường. Kuen bắt đầu vào năm 1744 và hoàn thành công việc khổng lồ chỉ trong sáu tháng, sử dụng sơn từ bột màu tự nhiên.

Ở trung tâm của bức tranh là một nhân vật nữ được bao quanh bởi các thiên thần.

Ảnh Đại Kỷ Nguyên
(Isogood_patrick/Shutterstock)
Ảnh Đại Kỷ Nguyên
(Isogood_patrick/Shutterstock)

Sau khi học tập với các họa sĩ Rococo người Ý là Tiepolo và Piazzetta ở Ý trong sáu năm, Kuen trở lại Wiblingen và hoàn thành việc trang trí hội trường bằng chân dung của các nhân vật lịch sử.

Bản thân sảnh thư viện là một hình chữ nhật đơn giản có kích thước 22,7 x 11 m. Nó được trang trí với sàn và cột bằng đá cẩm thạch, những bức tượng vàng và những cánh cửa được chạm khắc tinh xảo, và từng có hai tầng chứa hơn 15.000 cuốn sách. Các gáy sách được sơn màu trắng hoặc phủ giấy sáng màu để chúng hòa hợp với thiết kế bích họa phía trên.

Tuy nhiên, trong số này, chỉ còn lại 96 cuốn sách gốc vì hầu hết đã bị người Pháp đánh cắp trong các cuộc chiến tranh Napoléon từ năm 1803 đến năm 1815 và số còn lại bị vua Württemberg tịch thu trong quá trình phi tôn giáo hóa.

Ảnh Đại Kỷ Nguyên
( Michael Schreiber / Unsplash)
Ảnh Đại Kỷ Nguyên
Chi tiết của một cánh cửa ( Michael Schreiber /Unsplash)

Một cầu thang nối tầng thứ nhất và tầng thứ hai của sảnh thư viện, và tầng trung tâm được bao quanh bởi tám bức tượng gỗ sơn màu do Dominikus Hermenegild Herberger chạm khắc, đại diện cho Luật học, Khoa học Tự nhiên, Toán học, Lịch sử, Sự vâng lời, Từ bỏ thế giới, Đức tin và Người cầu nguyện. Phía trên cửa ra vào là một dòng chữ Latinh ca ngợi sự phong phú của thư viện, được dịch là: Tất cả kho tàng của trí tuệ và khoa học.

Vào những năm 1840, Tu viện Wiblingen được sử dụng làm doanh trại quân đội cho đến khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc. Sau chiến tranh, nó cung cấp nơi trú ẩn cho những người tị nạn.

Ảnh Đại Kỷ Nguyên
(Dobin Dmytro/Shutterstock)

Ngày nay, tu viện tráng lệ này là một phần của khoa y tại Đại học Ulm và mở cửa cho công chúng như một điểm đến du lịch. Vẻ tráng lệ kiểu Rococo của nó là minh chứng cho lịch sử và là nơi tôn vinh sự sang trọng.

Dưới đây là một số hình ảnh của thư viện:

Ảnh Đại Kỷ Nguyên
(Isogood_patrick/Shutterstock)
Ảnh Đại Kỷ Nguyên
(Isogood_patrick/Shutterstock)
Ảnh Đại Kỷ Nguyên
(Isogood_patrick/Shutterstock)

Theo The Epoch Times

Thanh Hương biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Ảnh: Thư viện tráng lệ ở Đức này là một trong những thư viện đẹp nhất trên thế giới