‘Bá Nha - Tử Kỳ thời hiện đại’: Chàng trai mồ côi viết tiếp giấc mơ của người bạn quá cố

Giúp NTDVN sửa lỗi

Giang và Tuấn đều là những đứa trẻ mồ côi, lăn lộn ngoài đời tìm đủ cách mưu sinh. Năm 14 tuổi Giang ước có chiếc xe “xì po”, Tuấn ước có tiền xây ngôi nhà thật to để cưu mang những phận đời như họ. Nhưng Tuấn qua đời vì u não không lâu sau đó, còn Giang nay đã mở được gara xe có tên “Tuấn xì po” và viết tiếp ước mơ dang dở của bạn.

Anh Nguyễn Hoàng Giang, 33 tuổi, ở phường Hưng Phú, quận Cái Răng kể về những năm tháng lang thang của mình và người bạn thủa cơ hàn đã qua đời gần 20 năm trước.

Giang là trẻ mồ côi, sống cùng bà ngoại. Ngày một buổi đi học, một buổi anh đi bán vé số, nhưng Giang rất mê xe thể thao. Nên năm 14 tuổi, Giang lên Sài Gòn vì muốn học nghề độ xe. Ngày đầu lên thành phố xa hoa, dừng chân ở quận 10 khi đã trưa, cậu bé không một xu dính túi, đi xin ăn ai cũng lắc đầu.

Nhìn thấy cậu thiếu niên trạc tuổi mình đang rửa xe bên đường, Giang đánh bạo xin vào làm thay để đổi một bữa cơm.

Hai đứa trẻ trò chuyện thì biết là đồng hương, lại cùng cảnh mồ côi. Đêm đó, người bạn mới quen tên Vũ Đình Tuấn, hơn Giang 2 tuổi đã cho Giang ngủ nhờ. Nhưng sáng hôm sau, chủ tiệm biết Tuấn cho “dân bụi đời” ngủ lại nên đã đuổi đi.

Vậy là, hai đứa trẻ ra thuê một phòng trọ ở chung. Từ đó, họ xem nhau như anh em, cùng đi bốc vác, phụ hồ, rửa xe.

Anh Giang nhớ lại: “Nghèo vậy chứ thấy ai già cả là nó giúp, đứa nhỏ nào bị bắt nạt là nó bênh. Khi tôi nói ước có cái xe “Xì po”, nó bảo hai đứa cùng làm gom tiền mua”.

Hai đứa trẻ đều có ước mơ của riêng mình, Giang mê xe thể thao nên ước có được một chiếc “Xì po” (Sport), còn Tuấn ước có tiền xây một ngôi nhà to, cưu mang hết những đứa trẻ mồ côi cơ nhỡ giống mình.

Nhưng chỉ được hơn một năm sau, Tuấn qua đời vì u não, bỏ lại giấc mơ còn dang dở.

Giang rời đô thành trở về quê nhà nhưng vẫn mong muốn thực hiện được giấc mơ của mình và bạn.

Xin học nghề không ai nhận, anh làm thân với những người mê xe "độ". Mỗi khi xe của họ hỏng, anh xin đi sửa giúp, rồi ngồi quan sát, học lỏm cách sửa của thợ. Ngoài ra, anh mày mò tự học thêm trên mạng, rồi cũng tập tành buôn xe.

Mấy năm trước, anh Giang mở một tiệm sửa xe vỉa hè gần chợ An Cư, quận Ninh Kiều bằng chút vốn và đồ nghề đi mượn. Vừa đi làm, anh vừa lên mạng nhận "dạy nghề miễn phí cho trẻ lang thang", cố gắng thực hiện ước mơ của bạn, giúp đỡ những đứa trẻ lang thang khác.

Ban đầu anh nghĩ, chỉ 1,2 người đến học nghề, nhưng có tới 7 thanh niên đến tìm anh xin học. Lúc đầu, khả năng tài chính của anh vẫn rất eo hẹp chứ chưa dư giả gì, nên anh gặp không ít khó khăn.

"Tháng đầu, mấy anh em nhiều bữa phải ăn mì tôm, làm nhiều việc chân tay khác để kiếm sống" - anh Giang nói.

Nhờ sửa xe giá rẻ, giới độ xe mách nhau nên khách kéo đến ngày càng đông hơn. Tháng thứ hai, anh Giang đủ tiền thuê một ki ốt trong chợ. Tháng thứ ba, xe đợi sửa xếp hàng dài trước cửa tiệm.

Đến nay, anh Giang đã thuê được địa điểm mở một gara ngoài đường lớn. Chàng trai mồ côi năm nào nay đã thành "ông chủ". Anh đặt tên cửa hiệu là "Tuấn Sport" - ghép giữa tên người bạn đã khuất và đam mê xe "Xì po" của mình. Ba năm qua, anh Giang đã hỗ trợ hơn 20 bạn trẻ khó khăn học nghề miễn phí. Nhiều người đã ra nghề, tự mở được tiệm riêng.

"Covid-19 khiến tôi mất mát rất nhiều thứ và nhận ra cuộc đời thật ngắn ngủi. Tôi nhớ nhiều hơn đến giấc mơ giúp người của thằng bạn đã mất" - anh Giang nói.

Khi dịch bùng phát trở lại, phường Hưng Phú nơi anh Giang sống là một trong những điểm nóng. Anh và các học trò trong tiệm sửa xe xin làm tình nguyện viên chống dịch.

Anh Giang và học trò lái xe chở nhân viên y tế đi lấy mẫu xét nghiệm lưu động, chở nhu yếu phẩm miễn phí giúp các mạnh thường quân phát cho người nghèo. Được hơn 10 ngày, đồ ủng hộ cạn mà anh vẫn nhận được tin nhắn xin giúp đỡ. Vậy là, anh tự bỏ tiền túi ra mua rồi lại đi phát. Đến các vùng nông sản không thể tiêu thụ, anh chở về thành phố giải cứu giúp bà con.

Một lần, khi đưa vợ vào bệnh viện khám bệnh, nhìn thấy cảnh cụ già đang ngồi ăn mì tôm sống. Anh Giang không đành lòng, anh về gara cùng các học trò mua đồ nấu cơm, trưa hôm đó, gara của anh nấu được hơn 200 suất cơm mang tới bệnh viện phát.

Từ đó, bếp của anh luôn đỏ lửa từ tờ mờ sáng. Cùng với sự giúp đỡ của bạn bè, mỗi ngày bếp của anh nấu được 500 - 700 suất ăn đem phát cho người nghèo khắp TP. Cần Thơ.

Không chỉ bận rộn với bếp cơm từ thiện, những chuyến đi giải cứu nông sản, phân phát nhu yếu phẩm miễn phí thường kéo người đàn ông có vợ vừa sinh đi tới 1-2 giờ sáng mới về.

Ban đầu chị Ngọc Nga, vợ anh Giang không ủng hộ chồng vì dịch giã nguy hiểm, anh lại “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Nhưng khi nghe anh nhắc đến tuổi thơ nghèo khổ, đến chuyện hai vợ chồng từng đi xin cơm từ thiện lúc cha vợ nằm viện, chị không cản chồng nữa.

Chị Nga kể: "Chi phí nhiều lắm, bỏ hết tiền rồi. Anh đòi bán nhà, bán vàng, cầm đồ...Không cho anh làm thì tối anh buồn. Hoàn cảnh anh cũng đi lên từ mồ côi nên thôi, để cho anh làm luôn".

Chị Ngọc Nga chia sẻ và đồng hành cùng chồng trong bếp cơm 0đ (Ảnh: chụp từ video)
Chị Ngọc Nga chia sẻ và đồng hành cùng chồng trong bếp cơm 0đ (Ảnh: chụp từ video)

Điều đặc biệt là trong mọi hoạt động thiện nguyện, Nguyễn Hoàng Giang đều để danh nghĩa dưới tên của người bạn “tri kỷ” ngày xưa là Vũ Đình Tuấn hoặc "Tuấn sport". Trên mạng xã hội, anh lập một tài khoản có hơn 24.000 người theo dõi, đặt theo tên bạn, và chia sẻ các hoạt động thiện nguyện của nhóm mình.

Mới đây, thành phố và cả nước bắt đầu nới lỏng giãn cách, anh Giang đã mở lại gara. Anh vẫn đang viết tiếp giấc mơ dang dở của bạn và của mình “xây ngôi nhà thật to, cưu mang hết những phận đời lang thang cơ nhỡ”.

"Di nguyện của người bạn giờ chính là ước muốn của tôi. Khi cho đi, tôi được nhận lại rất nhiều giá trị tốt đẹp. Tuy giờ không tiền bạc nhưng tôi thấy cuộc sống của mình rất giàu có" - anh Nguyễn Hoàng Giang nói.

Sau khi câu chuyện về anh Giang được vnexpress chia sẻ, rất nhiều độc giả bày tỏ rằng, họ vô cùng xúc động trước nghĩa cử của anh Giang. Và khâm phục tình bạn tri kỷ của anh. Có lẽ, vì trải qua quá nhiều thiếu thốn vất vả, anh Giang là người thấu hiểu hơn ai hết những mảnh đời cơ nhỡ không được ai thương. Sau nhiều năm lăn lộn ngoài đời, anh cũng hiểu rằng, chỉ cưu mang thôi chưa đủ, còn phải tạo điều kiện cho những hoàn cảnh khó khăn có nghề có nghiệp để tự nuôi sống bản thân, sống trách nhiệm với gia đình và xã hội.

Nhiều cư dân mạng bày tỏ, họ cảm động bởi “tình bạn tri kỷ” của anh Giang. Và ví tình bạn của anh giống Bá Nha - Tử Kỳ trong điển tích. Trong cuộc sống ai cũng có các mối quan hệ xã hội như bạn bè, đồng nghiệp. Sợi dây gắn kết mối xã giao ấy là ‘tín’ và ‘nghĩa’, nhưng rất nhiều người cảm thấy bị tổn thương, lắm lúc tạo thành nút thắt không sao hóa giải được, thậm chí đến già, đến chết vẫn nhất định chẳng muốn nhìn mặt nhau, chỉ vì vài hiềm khích nhỏ.

Nhưng tình bạn của anh Giang lại khác, họ quen biết nhau khi cả 2 đều là những cậu bé bần hàn, cùng nhau đi qua những ngày tháng khó khăn chật vật mưu sinh. Dù thời gian quen biết ngắn ngủi, nhưng cả 2 đã có một tình bạn đẹp và lâu dài đến vậy, dù có người mất người còn.

Anh Giang với khuôn mặt và ánh mắt buồn chia sẻ, sau đại dịch nếu còn điều kiện anh sẽ vẫn duy trì bếp cơm 0 đồng. Anh nói: "Chi phí mỗi ngày 7-15 triệu đồng, đều một tay tôi tự lo. Tôi không kêu gọi của ai cả. Các mạnh thường quân biết, muốn hỗ trợ thì ủng hộ nhu yếu phẩm, tôi không nhận hiện kim".

Dù đã bán hết 6 chiếc xe cổ và số vàng 2 vợ chồng tích góp bấy lâu, nhưng tâm nguyện giúp người, giúp đời của anh Giang vẫn không dừng lại ở đó. Không những thế, câu chuyện của anh đã truyền cảm hứng cho rất nhiều người, về cái tình cái nghĩa giữa thời điểm khó khăn dịch bệnh.

Thiên Cầm

(t/h)



BÀI CHỌN LỌC

‘Bá Nha - Tử Kỳ thời hiện đại’: Chàng trai mồ côi viết tiếp giấc mơ của người bạn quá cố