Bạn có phát hiện ra những con báo tuyết đang ẩn mình trong bức ảnh này không?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Những bức ảnh kinh ngạc về sự ngụy trang của báo tuyết của nhiếp ảnh gia người Ấn Độ đã trở thành cơn sốt với thử thách “hãy tìm kiếm báo tuyết”.

Ismail Shariff, 41 tuổi, từ thành phố Hyderabad, đông nam Ấn Độ, đã chụp các bức ảnh về hoàng hôn, bình minh, đời sống động vật hoang dã từ năm 2005. Bảy năm sau đó, báo tuyết trở thành chủ đề được ông yêu thích, sau khi bức ảnh nổi tiếng thế giới về loài mèo hoang dã này của nhiếp ảnh gia Dhritiman Mukherjee khơi gợi trí tưởng tượng của ông.

Bắt nguồn từ cảm hứng được tự mình chụp ảnh báo tuyết, ông Shariff đã bỏ ra hai năm để trang bị các loại thiết bị dụng cụ cần thiết. Lần đầu tiên, ông tận mắt nhìn thấy báo tuyết là tại công viên Quốc gia Hemis ở Ladakh vào năm 2014.

Bức ảnh đầu tiên trong loạt ảnh báo tuyết ẩn mình. (Ảnh: được phép của Ismail Shariff)
Bức ảnh đầu tiên trong loạt ảnh báo tuyết ẩn mình. (Ảnh: được phép của Ismail Shariff)

Vào mùa xuân năm nay (2021), bốn bức ảnh gây kinh ngạc nhất của nhiếp ảnh Shariff về báo tuyết ngụy trang ở núi đá gồ ghề, trùng điệp một cách hoàn hảo, được đăng tải trên Instagram, và mời các đọc giả “tìm kiếm báo tuyết”. Có tám con báo tuyết trong bốn bức ảnh, thế nhưng rất khó để nhận ra chúng vì sự ngụy trang hoàn hảo lẫn vào màu sắc của núi đá.

Bạn có thể tìm thấy tất cả chúng không?

Ông Shariff giải thích với Epoch Times rằng: “Chúng thật sự là những nghệ sĩ cải trang bậc thầy của nơi vách núi cheo leo. Chúng ở ngay phía trước bạn đấy, nhưng bạn lại không thấy chúng. Đó là lý do tại sao bạn cần có đôi mắt được huấn luyện kỹ, một đôi mắt kinh nghiệm đã nhìn thấy chúng ở nơi hoang dã, là điều mà tôi làm và và những gì tôi được biết đến”.

Bức ảnh thứ hai trong loạt ảnh báo tuyết ẩn mình. (Ảnh: được phép của Ismail Shariff)
Bức ảnh thứ hai trong loạt ảnh báo tuyết ẩn mình. (Ảnh: được phép của Ismail Shariff)

Ở bức ảnh đầu trong số bốn bức ảnh (tất cả ảnh này đều được chụp từ 2018 đến 2019 ở khu vực Spiti của bang Himachal Pradesh, Ấn Độ), một con báo tuyết đực đang rình một con dê núi.

Ông Shariff nhớ lại:

“Một thành viên trong nhóm đã phát hiện ra một con báo tuyết đang ngồi. Nhưng nó ở khá xa, và vì sự ngụy trang quá tài tình nên chúng tôi phải mất một lúc lâu mới thấy vị trí của nó”.

Ông giải thích tiếp: “Nó thực hiện tất cả các hành vi tập tính trước khi săn mồi. Nó đánh hơi qua làn gió và rồi đi xuống núi, cố gắng đi quanh từ bên dưới để con mồi không phát hiện ra mùi của nó, và sau đó là săn con mồi nhưng bị trượt. Toàn bộ câu chuyện này như là một tiểu thuyết Bollywood kịch tính, kéo dài 3 tiếng rưỡi”.

Bức ảnh thứ ba trong loạt hình báo tuyết ẩn mình. (Ảnh: được phép của Ismail Shariff)
Bức ảnh thứ ba trong loạt hình báo tuyết ẩn mình. (Ảnh: được phép của Ismail Shariff)

Ở bức ảnh thứ hai, ông Shariff đã chụp được cặp báo tuyết đang giao phối. Những con báo tuyết con ở gần đó, ông Shariff tin rằng những con non này là con của con báo tuyết đực từ lứa đẻ trước, nếu không, theo tập tính, một con đực thường sẽ giết những đứa con của con cái để giao phối với nó.

Theo ông Shariff, bức ảnh này cũng là đại diện cho tài liệu đầu tiên về trình tự giao phối của báo tuyết ở Spiti.

Bức ảnh thứ ba chụp lại một con báo mẹ cùng với các con của nó.

Bức ảnh cuối cùng, chụp một con báo tuyết đơn độc đang chuẩn bị săn mồi. Đây là bức ảnh gây ấn tượng với thử thách “hãy tìm kiếm báo tuyết”.

Bức ảnh thứ ba trong loạt hình báo tuyết ẩn mình. (Ảnh: được phép của Ismail Shariff)
Bức ảnh thứ tư trong loạt hình báo tuyết ẩn mình. (Ảnh: được phép của Ismail Shariff)

Sau khi đăng tải bốn bức ảnh này lên trang Instagram của mình, ông Shariff đã chờ đến 24 giờ sau mới đăng câu trả lời đang được nhiều người mong đợi.

Ông Shariff sử dụng máy quay Canon với ống kính tiêu cự 600mm để chụp nên những bức ảnh khoảng cách xa đáng kinh ngạc của mình. Là một tín đồ trung thành của Canon, ông khẳng định bất kỳ máy quay phim với đặc tính làm ổn định hình ảnh và chân máy, sẽ giúp giảm tối thiểu độ rung lắc gây ra bởi gió và bão tuyết ở khu vực Spiti.

Là một kỹ sư khoa học máy tính, ông Shariff đã mua máy quay phim đầu tiên khi còn đang nghiên cứu và du lịch ở Châu Âu vào năm 2005.

Câu trả lời cho bức hình đầu tiên của báo tuyết ẩn mình. (Ảnh: được phép của anh Ismail Shariff)
Câu trả lời cho bức hình đầu tiên của báo tuyết ẩn mình. (Ảnh: được phép của anh Ismail Shariff)

Các tác phẩm của ông đã nhận được những bình luận tích cực trên khắp thế giới. Ông đã in các bức ảnh tại nhà ở thành phố Hyderabad và bán chúng cho các khách hàng từ khắp các châu lục.

Ông cũng kinh doanh các bản in với hơn 42 cuộc triển lãm của những nhiếp ảnh gia khác, và tác phẩm của một trong số những khách hàng của ông đã được trưng bày lâu dài ở Anh và New York. Thêm vào đó, ông cũng đã dẫn đầu về thám hiểm nhiếp ảnh loài mèo rừng ở Ấn Độ, Mông Cổ và Kyrgyzstan.

Câu trả lời cho bức hình thứ hai của báo tuyết ẩn mình. (Ảnh: được phép của anh Ismail Shariff)
Câu trả lời cho bức hình thứ hai của báo tuyết ẩn mình. (Ảnh: được phép của anh Ismail Shariff)

Khách du lịch thường tránh khu vực Spiti của Ấn Độ vì ở đây rất lạnh và thường xuyên có tuyết. Tuy nhiên, các bức ảnh của ông đã “khơi dậy một kỷ nguyên chụp ảnh báo tuyết”. Shariff đã có được một bức ảnh kỷ lục về cảnh báo tuyết ăn thịt đại bàng vàng, một sự kiện mà ông gọi đó là “khoảnh khắc lịch sử của tự nhiên”.

Ông giải thích: “Điều này là có một không hai trên thế giới, bởi vì đại bàng vàng là loài chim săn mồi hàng đầu, và báo tuyết đương nhiên cũng là loài thuộc top ăn thịt ở vùng núi này. Vì vậy, khi nhìn thấy cảnh này, tôi đã vô cùng ấn tượng”.

Câu trả lời cho bức hình thứ ba của báo tuyết ẩn mình. (Ảnh: được phép của anh Ismail Shariff)
Câu trả lời cho bức hình thứ ba của báo tuyết ẩn mình. (Ảnh: được phép của anh Ismail Shariff)

Ông thường xuyên làm việc với Snow Leopard Trust, một Tổ chức Phi lợi nhuận hàng đầu về loài báo tuyết có trụ sở tại Seattle. Ông cũng làm việc với Quỹ Môi trường sống cao ở Châu Á (High Asia Habitat Fund), một tổ chức bảo tồn môi trường sống bằng cách xây dựng hàng rào cho các khu vực của các loài gia súc sống trong địa phận săn mồi của báo tuyết. Shariff khuyến khích các khách du lịch nên có chuyến đi thật thân thiện với môi trường hoang dã.

Ông nói: “Bạn nên thăm thú thiên nhiên hoang dã và quan sát các hành vi tự nhiên của các sinh vật ở quanh chúng ta”.

“Bằng cách đó, bạn không chỉ chú trọng cho việc thỏa mãn hay bồi đắp kiến thức của mình, mà còn trở thành một phần của chuỗi hoạt động bảo tồn…Nghĩa là, hãy luôn duy trì đạo đức của chính mình”.

Câu trả lời cho bức hình thứ tư của báo tuyết ẩn mình. (Ảnh: được phép của anh Ismail Shariff)
Câu trả lời cho bức hình thứ tư của báo tuyết ẩn mình. (Ảnh: được phép của anh Ismail Shariff)

Du Du
Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Bạn có phát hiện ra những con báo tuyết đang ẩn mình trong bức ảnh này không?