Bạn đặt mục tiêu cho năm mới 2022 chưa, nên đặt mục tiêu thế nào?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nghỉ tết là dịp rất có ý nghĩa với mọi người và được xem như là một khoảng dừng giữa nhịp sống vội vã tất bận. Đây là lúc mỗi người nhìn lại hành trình đã qua trong năm cũ, và vạch ra những mục tiêu, kế hoạch tốt đẹp cho năm tới.

Chúng ta đang ở những ngày đầu tiên của năm 2022 sau khi vừa trải qua một năm cũ đầy khó khăn, thử thách. Bạn đã bao giờ bạn nhìn lại bản New Year Resolution (bản mục tiêu năm mới) từ năm trước, và nhận ra mình đã “quên” hoặc “bỏ lỡ” phần lớn mục tiêu trong số đó?

Và rút kinh nghiệm từ bản mục tiêu năm cũ, chúng ta nên đặt ra mục tiêu năm mới thiết thực hơn, bao gồm những điều mà bạn muốn làm và quyết tâm thực hiện để hoàn thiện bản thân, chứ không chỉ là những gạch đầu, những khẩu hiệu viết ra trong lúc vui vẻ, tùy hứng.

Theo tác giả Jen A Miller, đã đến lúc chúng ta đặt ra những mục tiêu thiết thực hơn, để một năm sau nhìn lại, chúng ta đều thấy mình đã trưởng thành theo đúng định hướng mà mình mong muốn.

Chọn đúng mục tiêu

Theo nghiên cứu của tổ chức cung cấp dịch vụ về quản lý thời gian Franklin Coley, 1/3 người viết bản mục tiêu năm mới phá vỡ mọi kế hoạch của họ đề ra vào cuối tháng 1. Tức là chưa đầy 1 tháng sau khi họ viết ra.

Có 3 lý do để lý giải cho điều này:

  • Mục tiêu của bạn dựa trên những điều người khác nói rằng bạn cần thay đổi, chứ không phải điều bạn thực sự mong muốn thay đổi.
  • Mục tiêu của bạn quá mơ hồ.
  • Bạn không có một kế hoạch thực tế để đạt được mục tiêu đề ra.

1/3 người viết bản mục tiêu năm mới tự phá vỡ mọi kế hoạch của mình vào cuối tháng 1, tức là chưa đầy 1 tháng sau khi họ viết ra. Nguyên nhân đều bắt nguồn từ việc đặt mục tiêu chưa thiết thực.

Mục đích của việc tự nhìn nhận và đặt ra kế hoạch mục tiêu năm mới là để khơi gợi cảm xúc hứng khởi và đặt niềm tin vào những điều tốt đẹp. (Nguồn: Pxhere)
1/3 người viết bản mục tiêu năm mới tự phá vỡ mọi kế hoạch của mình vào cuối tháng 1, tức là chưa đầy 1 tháng sau khi họ viết ra. (Nguồn: Pxhere)

Nhận biết những thách thức

Dù bạn có đề ra mục tiêu cho năm mới tốt đến đâu, sẽ luôn có một phần nào đó trong bạn không muốn thay đổi và tìm lý do để trì hoãn. Cụ thể như:

  • “Mục tiêu này là quá lớn và sẽ có quá nhiều việc phải làm”.
    Nếu như bạn phải chạy 5 km và suy nghĩ nào sau đây sẽ khiến bạn có động lực hơn: “Tôi mới chạy được 1km và còn tận 4 km ở phía trước” hay “Tôi đã chạy được 1 km và sắp được 2 km rồi”? Thay vì nhìn vào hàng tá công việc trước mắt, hãy tập trung vào những việc bạn đã thực hiện được, và trân trọng từng bước tiến nhỏ trong quá trình thay đổi ấy.
  • “Tôi đã cố gắng tích cực, nhưng vẫn không thể làm được”

Tích cực là quan trọng, nhưng chưa đủ để thành công. Một yếu tố khác là “Realistic” – đánh giá được tình hình và khó khăn thực tế để có cách xử lý phù hợp. Mô hình W.O.O.P có thể giúp bạn vượt qua điều này.

Wish – Mong ước: Mục tiêu bạn muốn thực hiện?
Outcome – Kết quả: Kết quả lý tưởng bạn muốn đạt được là gì?
Obstacle – Rào cản: Điều gì ngăn cản bạn thực hiện điều mình muốn?
Plan – Kế hoạch hành động: Khi rào cản đó xuất hiện, bạn làm gì để vượt qua?

Ví dụ, bạn muốn xây dựng thói quen tập thể dục mỗi sáng 30 phút để có cơ thể khỏe mạnh và nhiều năng lượng hơn. Nhưng bạn lại thường dậy muộn, hoặc bận kiểm tra email, lướt Facebook, ... Để thay đổi, bạn sẽ phải đặt đồng hồ báo thức sớm, tắt thông báo email và Facebook trên điện thoại.

  • “Tôi không thể thực hiện đúng kế hoạch đã đề ra”.

Trong một nghiên cứu năm 2015, hai nhóm người tham gia nghiên cứu được trả tiền để đến phòng tập Gym trong một tháng. Nhóm thứ nhất được trả tiền nếu họ tập cố định 2 tiếng mỗi ngày. Nhóm thứ hai được trả tiền bất cứ khi nào họ đến phòng tập.

Sau một tháng, các nhà nghiên cứu nhận ra rằng nhóm thứ hai đến phòng tập đều đặn hơn. Vì vậy, hoạch định mục tiêu là tốt, nhưng cũng cần linh hoạt tùy theo thực tế. Đôi khi bạn thất bại vì kế hoạch bạn đặt ra quá khắt khe, chưa phù hợp với nhịp sống hiện tại.

Lên mục tiêu là tốt, nhưng cũng cần linh hoạt tùy theo thực tế.

Bạn có thể dùng một “hình phạt” nào đó làm động lực. (Pixabay)
Lên mục tiêu là tốt, nhưng cũng cần linh hoạt tùy theo thực tế.. (Pixaby)

Chọn đúng người để chia sẻ mục tiêu

Bạn không nhất thiết phải thực hiện bản mục tiêu năm mới một mình và có thể tìm một người đồng hành phù hợp sẽ giúp chặng đường dài 365 ngày của bạn trở nên thú vị hơn. Bạn có thể chia sẻ bản Resolution của mình với một vài người khác, hoặc chia sẻ trên mạng xã hội. Khi nhiều người biết đến, bạn sẽ có nhiều động lực và áp lực để thực hiện hơn, nhờ đó việc đảm bảo cam kết cũng cao hơn.

Hoặc bạn có thể dùng một “hình phạt” nào đó làm động lực. Ví dụ, nếu bạn không duy trì được 3 buổi chạy/tuần, bạn sẽ phải chiêu đãi bạn đồng hành một tách cafe hay một bữa ăn trưa miễn phí. Khi yếu tố tài chính được “áp dụng”, “cuộc chơi” sẽ khác rất nhiều.

Vậy làm thế nào có một người đồng hành phù hợp?

Trước hết, họ cũng phải có mong muốn thay đổi và tư duy tích cực để cùng hỗ trợ bạn. Tiếp theo, họ phải là người đủ nghiêm khắc để nhắc nhở và thúc giục mỗi khi bạn “đi trệch” khỏi đường ray.

Ngoài ra, một nghiên cứu được đăng tải trên Tạp chí Tâm lý học Ứng dụng (Journal of Applied Psychology) cho biết, bạn nên chia sẻ với những người có địa vị và trình độ cao hơn. Nguyên nhân là vì bạn quan tâm đến cách suy nghĩ và nhìn nhận của người đó về mình, nên bạn sẽ có quyết tâm cao hơn.

Howard J. Klein, tác giả của nghiên cứu khẳng định: “Bạn muốn bám sát kế hoạch, không cho phép mình lùi bước, thì bạn phải chia sẻ nó với người mà bạn ngưỡng mộ”.

Và nếu bạn vẫn thất bại, thì sao?

Chuyện không đạt được mục tiêu ngay cả khi đã rất cố gắng là hoàn toàn có thể hiểu được. Điều quan trọng là tự đánh giá và tìm được lý do đằng sau những mục tiêu thất bại ấy.

Có thể là vì một vài tháng sau khi viết bản mục tiêu năm mới, hoàn cảnh đã thay đổi, và những mục tiêu đặt ra không còn phù hợp nữa. Khi đó, bạn cần phân tích tình hình hiện tại để điều chỉnh mục tiêu và kế hoạch hành động cho phù hợp hơn.

Trong nhiều trường hợp, bạn thậm chí còn chưa bắt đầu thực hiện một vài mục tiêu trong danh sách. Trước khi tự trách mình lười biếng hoặc tự ti về năng lực, hãy nhìn nhận lại chính mục tiêu đó một cách khách quan nhất. Rất có thể, mục tiêu bạn đặt ra không sai, nhưng lựa chọn thời điểm chưa chính xác. Một cách giải quyết trong trường hợp này là thử lại một lần nữa vào thời điểm khác phù hợp hơn.

Vậy không nên đặt mục tiêu cho năm 2022?

Theo chuyên gia nhà tâm lý học, tiến sĩ Sophie Lazarus tại Trung tâm Y tế Wexner thuộc Đại học Ohio, thì việc đặt mục tiêu là truyền thống của nhiều người trong năm mới, nhưng năm 2022, điều này có lẽ không cần thiết. Bởi vì chúng ta vừa trải qua năm 2021 đầy khó khăn và biến động, thứ cuối cùng chúng ta cần là không tự tạo áp lực cho bản thân bằng những mục tiêu quá to lớn.

Thực tế, đặt mục tiêu cho năm mới không phải là điều không nên làm. Thế nhưng, bạn có thể tự gây áp lực cho bản thân nếu chỉ đặt mục tiêu vì mọi người xung quanh đều làm thế. Hơn nữa, việc đặt ra những mục tiêu không thực tế để rồi không đạt được sẽ khiến bạn càng căng thẳng, chán nản.

Tiến sĩ Sophie Lazarus cho biết: "Stress và sự thất vọng đôi khi tốt cho con người nhưng giữa bối cảnh đại dịch, chúng chỉ làm mọi chuyện khó khăn hơn".

Về bản chất, mục đích của việc tự nhìn nhận và đặt ra kế hoạch mục tiêu năm mới là để khơi gợi cảm xúc hứng khởi và đặt niềm tin vào những điều tốt đẹp. Vì vậy, quan trọng nhất là bạn nên duy trì tư duy tích cực và nhìn nhìn hoàn cảnh một cách thực tế.

Tiến Thành



BÀI CHỌN LỌC

Bạn đặt mục tiêu cho năm mới 2022 chưa, nên đặt mục tiêu thế nào?