Bản lĩnh ứng phó trong nghịch cảnh: Từ câu chuyện của Sulli đến Tổng thống Donald Trump

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vừa qua, cái chết của ngôi sao giải trí xứ Hàn Sulli khi mới 25 tuổi khiến dư luận chấn động. Nguyên nhân cái chết được cho là do bệnh trầm cảm và áp lực công việc trong giới showbiz. Cô gái không thể chia sẻ với ai, cuối cùng đã chọn cái chết để giải thoát.

Vào ngày 14/10/2019, cựu thành viên nhóm nhạc f(x) được xác nhận đã treo cổ tự tử tại tầng 2 trong căn nhà riêng ở Seongnam, phía nam Seoul. Sulli từng thừa nhận bản thân mắc phải chứng bệnh trở ngại tâm lý, một dạng thể của bệnh trầm cảm mà không ít nghệ sĩ đang phải chịu đựng.

Cô bắt đầu có biểu hiện đờ đẫn và thường xuyên khóc không rõ lý do trong những lần livestream. Không ít lần nữ ca sĩ chia sẻ những nội dung tiêu cực và bi quan trên trang cá nhân.

Sulli ra đi khi tuổi còn rất trẻ... (Ảnh: Jang Se-young/Newsis via AP)

Tuy nhiên, chỉ sau khi Sulli ra đi, cư dân mạng mới đồng loạt bày tỏ sự yêu thương tới cô. Mặc dù trước đó, Sulli đã nhiều lần “cầu xin" giới truyền thông và antifan hãy đối xử với cô tốt một chút, nhưng không một ai thật sự lắng nghe. Điều đó phản ánh thực trạng thờ ơ, vô cảm giữa người với người trong thế giới giải trí trọng kim tiền. Và trên hết, nó biểu hiện một tâm lý yếu đuối của những ngôi sao trẻ khi nổi tiếng quá sớm mà chưa trang bị đầy đủ kiến thức và kĩ năng để ứng phó với nghịch cảnh.

Theo Nancy Colier, một nhà trị liệu tâm lý, khi chúng ta lớn lên trong một môi trường phức tạp và không đáng tin cậy, chúng ta sẽ phát triển các chiến lược phòng thủ nhất định để bảo vệ bản thân. Nói một cách đơn giản, chúng ta cố gắng khiến bản thân cảm thấy bình thường với rất nhiều điều không bình thường. Chúng ta trở thành chuyên gia chôn vùi sự lo lắng, sợ hãi, giận dữ và tuyệt vọng.

Nhưng khi chúng ta dùng những chiến lược phòng thủ này vào các mối quan hệ trưởng thành, chúng không hiệu quả và cuối cùng chúng ta cảm thấy bế tắc. Chúng ta suy nghĩ về người khác, về những điều không may xảy ra trong sự ám ảnh nhưng không dám nói ra điều đó. Bởi vì chúng ta lo lắng sẽ tạo ra sự hỗn loạn nhiều hơn, và chẳng có gì sẽ thay đổi.

Làm thế nào chúng ta có thể thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn này?

Học cách đối diện

“Xin hãy yêu thương tôi thêm chút nữa" có lẽ là câu nói đầy ám ảnh của Sulli dành cho những người ở lại. Nhưng để vượt qua cuộc khủng hoảng trong cuộc đời, mỗi người cần biết cách đối diện và yêu thương chính mình trước.

Yêu thương chính mình (Ảnh: Pixabay)

Theo Nancy Colier, điều đầu tiên, bạn cần chú ý đến những gì xảy ra bên trong mình khi đối mặt với xung đột. Nghĩa là, để nhận ra được chúng, hãy ý thức não bộ và cơ thể bạn đang bước vào một chế độ phản ứng khi đối mặt với những gì không an toàn. Khi nhận ra và dám đối diện với những cảm xúc bên trong, bạn hãy cảm thông với bản thân.

Tiếp đó, bạn dừng lại để xem xét nỗi sợ của bạn, xem xem những gì người khác nói hay hành động có khiến nỗi sợ này phình to? Liệu mối quan hệ này có thực sự ý nghĩa và cần thiết để bạn tổn hao sức lực và tâm trí? Hãy giải phóng bản thân bạn khỏi những cảm xúc tiêu cực và hướng tới sự tự do trong tư tưởng.

Ví dụ, nếu bạn bị đám đông đánh giá chỉ bởi vì bạn lỡ nói ra một câu nào đó khiến họ không vừa lòng. Lúc này, bạn cần tĩnh lặng, nhận ra sự sợ hãi, xấu hổ hay hối hận có thể đang nảy sinh bên trong bạn. Sau đó, hãy thành thật và trấn an với bản thân rằng, bạn không cố ý gây tổn thương người khác, bạn xứng đáng được tôn trọng và nếu bạn sai, bạn luôn có cơ hội để sửa sai.

Mặt khác, bạn có thể giải thích với họ vì sao những gì đang xảy ra không ổn nhưng bạn không nên quá kỳ vọng họ thấu hiểu hay đồng ý với mình. Đôi khi nỗi sợ đến từ việc bạn phải biện minh cho bản thân trước sự giận dữ, đổ lỗi hoặc phòng thủ của người khác. Thực tế, chúng ta không cần người khác phải thừa nhận hành vi của họ không ổn với chúng ta. Chúng ta hãy nói một cách đơn giản và thiện ý rằng: “Không, điều này không ổn”.

Tin vào chính mình

(Ảnh: Nicholas Kamm/AFP/Getty Images)

Ngày 30/4/2011 hẳn là một đêm đáng nhớ đối với Tổng thống Donald Trump. Đó là Đêm tiệc của Hiệp hội Phóng viên tại Nhà Trắng. Trump trở thành tâm điểm bị châm chọc, giễu cợt từ Tổng thống Barack Obama và diễn viên hài Seth Meyers khi trước đó Donald Trump công khai bày tỏ ý định sẽ chạy đua vào Nhà Trắng năm 2012.

“Donald Trump nói rằng ông ta sẽ tranh cử Tổng thống với tư cách ứng viên Đảng Cộng hoà, điều này khá bất ngờ vì tôi nghĩ rằng chuyện Trump tham gia ứng cử vẫn đang là một trò đùa. Trump rất hay xuất hiện trên đài Fox, trớ trêu cũng có một “con cáo" ranh mãnh trong cái đầu của ông ta… Gary Busy gần đây nói rằng Donald Trump sẽ trở thành một tổng thống tuyệt vời. Chắc hẳn điều ấy cũng sẽ được nói với một cái ‘lồng chim rách nát’ nào đó mà ông ta tìm được…” - Seth Meyers mỉa mai Donald Trump.

“Tất nhiên là chúng tôi đều rõ những thành tích và bề dày kinh nghiệm của ông, ví dụ như là trong một tập của chương trình Người tập sự. Bối cảnh này trong một nhà hàng bít tết, chàng trai trong đội nấu nướng đã không thể gây ấn tượng với các vị giám khảo đến từ nhà hàng Omaha Steaks. Có rất nhiều sự đổ lỗi về chuyện này, nhưng ngài Trump đã nhận ra rằng vấn đề thực sự ở đây là chuyện thiếu khả năng lãnh đạo. Và rồi ông đã không đổ lỗi cho Lil's Jon và Meat Loaf, mà ông đã đuổi Gary Busey. Và đó là quyết định khiến tôi thức cả đêm dài…” - Obama nói “kháy" về khả năng lãnh đạo và ra quyết định của Donald Trump.

Bị châm chọc khi là khách mời nổi bật, ngồi ngay chính giữa trung tâm phòng khiêu vũ, giữa tất cả 2.500 người gồm nhà lập pháp, minh tinh màn bạc, cánh nhà báo, giới chính trị gia... hẳn không phải là một trải nghiệm dễ chịu. Nhưng Donald Trump đã xử sự thế nào?

Ông điềm tĩnh, lặng im nghe hết hai bài “diễn thuyết" của họ, mặt không biến sắc hay tỏ ra khó chịu, cũng không nói ra một câu xúc phạm cá nhân nào. Ông thậm chí còn vẫy tay chào mọi người khi được giới thiệu. Những hành động đó thể hiện khả năng ứng phó trong nghịch cảnh của Donald Trump, bởi ông thấu hiểu sâu sắc thực lực và bản chất con người mình. Và thử nhìn xem, nước Mỹ đã đạt được những thành tựu gì kể từ khi ông nhậm chức?

Hãy bỏ ngoài tai những phán xét phiến diện về con người bạn!

Chúng ta không thể thay đổi người khác, nhưng chúng ta có thể thay đổi phản ứng của mình trước hành vi của họ, và chúng ta thậm chí có thể chủ động thoát khỏi các tình huống không phù hợp với mình. Chúng ta có quyền lựa chọn: học cách trở thành ánh sáng trong bóng tối và tự sáng tạo ra thực tại cho chính mình.

Đừng đánh đổi hạnh phúc với những cảm xúc tiêu cực giày vò. Hãy học cách nhìn sâu vào nội tâm mình để thấu hiểu bản thân, thay vì để những lời phán xét phiến diện của người ngoài dẫn lối.

Nội Nhiên - Thiên Bình



BÀI CÙNG CHUYÊN ĐỀ

BÀI CHỌN LỌC

Bản lĩnh ứng phó trong nghịch cảnh: Từ câu chuyện của Sulli đến Tổng thống Donald Trump