Bay giữa bầu trời: Môn thể thao không dành cho lòng dũng cảm mù quáng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các vận động viên nhảy dù từ máy bay hay nhảy tự bệ cố định (BASE jumping) hàng đầu trên thế giới đều khẳng định rằng, môn thể thao “kinh hoàng” này không có “đất” dành cho lòng dũng cảm đặt không đúng chỗ. Nó chỉ dành cho những người ham thích cảm giác mạnh, yêu thiên nhiên, bất chấp nỗi sợ hãi và trên hết phải có lòng đam mê yêu nghề thực sự.

Nghề nguy hiểm hiếm hoi

Tom Sander là một trong số những người hiếm hoi trên thế giới nhảy dù từ máy bay và nhảy tự bệ cố định (BASE jumping) để chụp ảnh, quay phim các vận động viên (VĐV) biểu diễn. VĐV nhảy dù kiêm nhiếp ảnh gia người Mỹ này thường có những cú nhảy giỡn mặt tử thần để ghi lại những pha biểu diễn ngoạn mục của các đồng nghiệp. Những bức ảnh có giá trị nghệ thuật đặc sắc, ấn tượng gợi mở mối quan hệ chặt chẽ giữa con người và thiên nhiên đều được anh thực hiện ở độ cao trên 1.000 mét.

Tom Sander cũng là nhà quay phim trên không trung giàu kinh nghiệm nhất thế giới, từng thực hiện hơn 5.000 cú nhảy từ máy bay, tàu lượn và từ 4 loại bệ xuất phát: Các cao ốc (Building), các tháp anten (Antenas), các nhịp cầu (Spans) và các điểm cao trên Trái đất (Earth).

Cái tên BASE của môn thể thao đòi hỏi lòng dũng cảm này chính là hình thức viết tắt chữ đầu của 4 loại điểm xuất phát nói trên. Nhiều bộ phim hành động ăn khách của Hollywood, nhiều bộ phim tài liệu đắt giá đã có sự góp công rất lớn của Tom Sander, và làm nên tên tuổi của anh như 48 hours, Point Break, Goldeneye, The living daylights… Nhiều bức ảnh của anh cũng xuất hiện trên các tờ báo, tạp chí nổi tiếng thế giới như Time, Sport Illustrated, Outside, Stern…

Tom Sander còn giành được 9 giải thưởng phim và video quốc tế cho bộ phim tài liệu nổi tiếng trên không Over the Edge.

Tom Sander cũng là nhà quay phim trên không trung giàu kinh nghiệm nhất thế giới, từng thực hiện hơn 5.000 cú nhảy từ máy bay, tàu lượn và từ 4 loại bệ xuất phát.
Tom Sander cũng là nhà quay phim trên không trung giàu kinh nghiệm nhất thế giới, từng thực hiện hơn 5.000 cú nhảy từ máy bay, tàu lượn và từ 4 loại bệ xuất phát. (Ảnh chụp màn hình vimeo)

Chinh phục nỗi sợ hãi

Khác với các VĐV nhảy dù biểu diễn lao ra từ bụng máy bay giữa không trung, hay các VĐV nhảy BASE, Tom Sander không những phải tập trung vào việc nhảy mà còn phải để mắt chọn cảnh quay phim, chụp ảnh và việc đó còn khó khăn và nguy hiểm hơn nhiều đối với các VĐV nhảy dù thông thường.

Ít ai biết rằng trước kia anh là người từng rất sợ độ cao. Tom từng thú nhận, chỉ cần đứng ở độ cao trên 10m (tương đương với tòa nhà 3 tầng) nhìn xuống đất, anh đã thấy choáng váng, khó thở và đổ mồ hôi. Tom quyết định ghi danh vào lớp học nhảy dù tại Trung tâm huấn luyện nhảy dù Lake Elsinore gần Los Angeles (bang California).

Chàng thợ mộc vừa làm vừa học đã phải tăng cường cả khóa học nhảy dù buổi tối để khắc phục chứng sợ độ cao của mình. Một trong những điều kiện tiên quyết khi tham gia khóa học là học viên buộc phải thực hiện những điều mà mình sợ hãi nhất.

Nghĩa là trước khi học nhảy dù, các huấn luyện viên ở Trung tâm đòi hỏi các học viên phải biết kiềm chế nỗi sợ hãi và có lòng can đảm thực sự. Tom đã nhiều lần phải leo lên tầng thứ 25 của Trung tâm nhảy dù và cứ một mình đứng trên đó hết nhìn xuống đất, rồi lại ngước lên bầu trời. Trong khóa học ấy, Tom là người duy nhất thực hiện cú tới 50 cú nhảy từ máy bay, trong khi những học viên bình thường chỉ cần 10-15 cú là “đánh bay” cảm giác choáng và quen dần với độ cao.

Tom là người duy nhất thực hiện cú tới 50 cú nhảy từ máy bay, trong khi những học viên bình thường chỉ cần 10-15 cú là “đánh bay” cảm giác choáng và quen dần với độ cao.
Tom là người duy nhất thực hiện cú tới 50 cú nhảy từ máy bay, trong khi những học viên bình thường chỉ cần 10-15 cú là “đánh bay” cảm giác choáng và quen dần với độ cao. (Ảnh minh họa: Getty)

Một năm sau khi tham gia khóa học, Tom đánh liều mang theo một chiếc máy ảnh tiêu cự 800mm leo lên máy bay với ý định chụp một “pô” kỷ niệm cho các học viên khi đang bay trên bầu trời. Đó là bức ảnh chụp một nhóm học viên thực hành bài nhảy dù đầu tiên của họ tại Trung tâm Elsinore, và đây cũng là bức ảnh trên không đầu tiên của Tom Sander. Ngay sau lần chụp này, Tom Sander đã quyết định từ bỏ nghề mộc để dồn toàn bộ tâm trí và sức lực cho niềm đam mê mới: Chụp ảnh trên không, khi kỹ năng nhảy của anh đã chín muồi với vốn liếng là 175 lần nhảy.

Theo đuổi đam mê

Không những thế, Tom còn nảy ra ý tưởng thiết kế một chiếc mũ sắt có bệ gắn camera để quay các cú nhảy tự do của VĐV. Chiếc mũ sắt do anh tự tạo có nhiệm vụ “chở” 4 bồ đồ nghề: Một máy quay video, một máy quay phim, hai máy ảnh chụp phim 16 và 35mm.

Cả bốn chiếc máy này đều hướng vào tròng kính “Newton” anh đeo ở một bên mắt, một công cụ đặc biệt chuyên dùng vào các mục đích quân sự. Khi chụp các mục tiêu, tâm điểm của 4 chiếc máy đều giống nhau, vì vậy Tom chỉ dùng chiếc máy quay video h-8 để quay lại các cảnh.

“Tôi có thể xem các cảnh quay ngay sau cú nhảy đầu tiên ra khỏi máy bay và có thể phân tích chớp nhoáng đoạn phim để thay đổi góc quay ở cú nhảy tiếp theo. Đó là một công việc nguy hiểm đòi hỏi phải tập trung cao độ, trong khi vẫn phải luôn nhớ mình đang “bay” và chuẩn bị “rơi” để kịp bung dù”, Tom cho biết.

Chiếc mũ sắt do anh tự tạo có nhiệm vụ “chở” 4 bồ đồ nghề: Một máy quay video, một máy quay phim, hai máy ảnh chụp phim 16 và 35mm.
Chiếc mũ sắt do anh tự tạo có nhiệm vụ “chở” 4 bồ đồ nghề: Một máy quay video, một máy quay phim, hai máy ảnh chụp phim 16 và 35mm. (Ảnh chụp màn hình video)

Tuy nhiên với 4 chiếc máy quay đặt trên đầu, trọng lượng của Tom Sander cũng vì thế mà tăng lên đáng kể. Để giảm tốc độ rơi, anh đã phải sử dụng bộ quần áo bơm khí. Nếu thiếu nó, Tom sẽ rơi nhanh hơn các VĐV khác và như vậy anh không thể chụp ảnh cũng như quay phim được.

Đi theo 4 chiếc máy là một loạt những thiết bị hữu ích khác, ví dụ như chiếc chuông báo độ cao so với mực nước biển, được Tom tự gắn trong mũ sắt, có nhiệm vụ báo cho anh biết thời gian quay phim, chụp ảnh sắp hết và phải mở dù. Với gần 15kg máy móc trên đầu thì khả năng chấn thương cổ là rất lớn, bởi độ rung lắc trong quá trình rơi tự do. Vì vậy để giảm thiểu nguy cơ, Tom thường xuyên phải thay đổi dù sau mỗi lần bay, vì chiếc dù mới ít xóc hơn do khi sử dụng nhiều lần, vải dù sẽ bị căng và rạn.

Một trong 9 nghề nguy hiểm nhất thế giới

Môn thể thao nhảy dù biểu diễn và nhảy BASE được coi là một trong 9 nghề khó khăn và nguy hiểm nhất thế giới, ngang ngửa với nghề phóng viên chiến tranh, thanh tra cảnh sát, lính đặc nhiệm, diễn viên xiếc, diễn viên đóng thế… Và những người như Tom Sander quả là những con người có thần kinh thép và tâm hồn lãng mạn, vì họ không chỉ điêu luyện trong các kỹ năng nhảy mà còn biết tận dụng những giây phút rơi tự do ít ỏi để làm nên những tác phẩm tuyệt vời ca ngợi vẻ đẹp và lòng dũng của con người.

Giống như một điều kiêng kỵ của nghề, các VĐV nhảy dù không chỉ để thể hiện lòng can đảm, mà phải thực hiện cú nhảy với lòng yêu nghề thực sự, như một thứ nghiệp dĩ. Họ phải có lòng khao khát vô điều kiện để nhảy, bất chấp nỗi hiểm nguy. Họ không chỉ nhận thức rất rõ những khó khăn rình rập trong từng thao tác, mà còn phải để ý cả những rủi ro trong quá trình quay phim.

Họ vừa phải tạo góc chụp, vừa phải bay theo các VĐV mà một trong những điều khó khăn nhất là hạn chế về thời gian.
Họ vừa phải tạo góc chụp, vừa phải bay theo các VĐV mà một trong những điều khó khăn nhất là hạn chế về thời gian. (Ảnh chụp màn hình Vimeo)

Không đơn giản như khi quay phim, chụp ảnh dưới mặt đất, không có nhiều thời gian để thả hồn theo ngẫu hứng: Họ vừa phải tạo góc chụp, vừa phải bay theo các VĐV mà một trong những điều khó khăn nhất là hạn chế về thời gian. Mọi thao tác cắt cảnh, chụp hình chỉ được diễn ra trong vòng 1 phút nếu nhảy từ máy bay, và 6-13 giây nếu nhảy BASE.

Để chụp hay quay phim trên không, Tom Sander thường phải có sự hỗ trợ đặc biệt của một “đạo diễn”, có nhiệm vụ như “hoa tiêu” quan sát tầm nhìn và cùng với anh ước lượng, thảo luận chóng vánh để dàn dựng hoạt cảnh, bao gồm chọn góc, lấy sáng, tốc độ rơi, thời gian… để chụp hiệu quả nhất các pha biểu diễn nhào lộn của VĐV.

Để có những bức ảnh để đời...

Để có được những bức ảnh để đời, Tom Sander không những phải thành thạo kỹ năng xử lý ảnh, khả năng quan sát chớp nhoáng mà còn phải có sự nhạy cảm đặc biệt của người nghệ sĩ.

Trong khi đang quay bộ phim tài liệu Over the Edge, ở độ cao trên 2.000 mét so với mực nước biển, Tom chợt bị ám ảnh bởi vẻ đẹp mê hồn của hòn đảo san hô ngầm Kayangel bên dưới, và hiểu rằng để lấy được toàn cảnh hòn đảo là một điều bất khả thi, trừ khi sử dụng ống kính góc rộng cực độ ở cả máy ảnh lẫn máy quay.

Không những muốn lấy toàn cảnh đảo san hô, Tom còn muốn có cả hình ảnh con người lồng trong đó. Vì vậy để chụp được bức ảnh 3 VĐV bay chụm như hình ngôi sao 3 cánh dưới nền là mây trời, biển nước và đảo san hô, Tom đã liều lĩnh giảm độ rơi, đổi hướng bay, cắt bóng mình khỏi chèn lên 3 VĐV bằng cách bay cùng hướng Mặt trời trong khi một tay giang ra điều chỉnh tốc độ, một tay thực hiện các thao tác chụp ảnh.

Để có được những bức ảnh để đời, Tom Sander không những phải thành thạo kỹ năng xử lý ảnh, khả năng quan sát chớp nhoáng mà còn phải có sự nhạy cảm đặc biệt của người nghệ sĩ.  
Để có được những bức ảnh để đời, Tom Sander không những phải thành thạo kỹ năng xử lý ảnh, khả năng quan sát chớp nhoáng mà còn phải có sự nhạy cảm đặc biệt của người nghệ sĩ. (Ảnh minh họa: Getty)

Giây phút xuất thần của Tom Sander đã làm nên bức ảnh độc nhất vô nhị, về sự hùng vĩ của thiên nhiên, với đường uốn cong của Trái Đất ôm trọn lòng biển và đảo san hô, tạo nên cảm giác con người đang rơi từ không gian xuống mặt nước.

Song hành với những bức ảnh tuyệt vời đó, ít ai biết rằng tác giả của nó phải đánh đổi bằng cả mồ hôi, nước mắt và thậm chí cả bằng tính mạng. Hầu hết các cảnh quay của Tom trong các bộ phim hành động hay phim quảng cáo, đều thực hiện theo đúng kịch bản của người viết. Tuy nhiên không phải nhà viết kịch nào cũng hiểu cặn kẽ về bộ môn nguy hiểm này.

Nhiều ý tưởng trong kịch bản khi áp dụng vào thực tế rất nguy hiểm, nhưng nhóm làm việc của Tom vẫn phải thực hiện, và nhiều khi tuân thủ tới 99% chi tiết trong kịch bản. Một trong những cảnh quay nguy hiểm mà Tom Sander nhớ mãi là khi quay một màn quảng cáo nước ngọt.

Cùng với người đóng thế Jake Lombard phi xe từ máy bay ra không trung, Tom Sander có nhiệm vụ bay sát Jake Lombard để ghi lại hình ảnh Jake vừa điều khiển xe như kiểu cưỡi bò quăng dây của các chàng cao bồi miền Tây nước Mỹ, vừa nâng cao chai nước ngọt uống giữa khoảng không bao la.

Tuy nhiên chiếc xe không có dạng hợp với khí động lực, nó rơi chập choạng và vì vậy Tom buộc phải mở dù khẩn cấp. Thật không may, bánh xe trước đã vướng phải tán dù phía sau của anh, xé rách một mảng lớn nên Tom đã phải mở dù dự trữ và hạ đất an toàn chỉ cách chiếc xe đạp rơi có vài mét. Hú vía.

Đam mê cảm giác lạ và yêu thích thiên nhiên, Tom cho rằng môn thể thao này ai cũng có thể thực hiện được. Nói nghe thì dễ, nhưng không phải ai cũng có thể theo đuổi nghề như anh.

Quốc Trung



BÀI CHỌN LỌC

Bay giữa bầu trời: Môn thể thao không dành cho lòng dũng cảm mù quáng