Bí ẩn về cột sắt hơn 1500 năm không gỉ ở thành phố Delhi, Ấn Độ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thành phố Delhi có bề dày lịch sử với rất nhiều di tích cũ và hiện vật lịch sử. Một trong những công trình gợi sự tò mò nhất mà quý vị sẽ tìm thấy ở Delhi là cột sắt sừng sững ở khu trung tâm Nhà thờ Hồi giáo Quwwatul. Cột trụ này đích thực là một kỳ công luyện kim của các thợ rèn Ấn Độ cổ xưa với 98% là sắt rèn. Mặc dù cây cột chỉ có chiều cao khiêm tốn 7.3m, nhưng nó lại nặng hơn 6 tấn.

Thực sự nếu chỉ nhìn bên ngoài, quý vị sẽ cảm thấy cây cột này không có gì quá đặc biệt. Nhưng quý vị hẳn sẽ rất sốc khi biết được nó đã có tuổi đời hơn 1500 năm, thậm chí không hề có một vết rỉ sét nào trên trên bề mặt bất chấp tiếp xúc đủ các yếu tố và điều kiện khí hậu khác nhau trong nhiều thế kỷ.

Những bí ẩn xung quanh cây cột

Giống như rất nhiều di tích khác ở Delhi, cột sắt có rất nhiều câu chuyện để kể. Trong khi một số được bao phủ trong tấm màn bí ẩn, thì số khác là các tài liệu và sự thật được chứng minh. Cây cột có các dòng chữ khắc trên bề mặt. Bản khắc dài sáu dòng, đặt làm ba khổ thơ, được viết bằng chữ Brahmi cổ đại. Nó mô tả những việc làm anh hùng của một vị vua tên là Chandra, có lẽ là từ thời Gupta, theo niên đại của cây cột.

Các nhà khoa học và sử học trên khắp thế giới đang cố gắng làm sáng tỏ những bí ẩn đằng sau cây cột. Đầu tiên, thật đáng kinh ngạc khi biết rằng công nghệ rèn thép chất lượng cao như vậy đã tồn tại vào khoảng thời gian đó. Một khía cạnh bí ẩn khác của cây cột lại liên quan đến vị trí của nó.

Đã có bằng chứng đáng kể cho thấy vị trí ban đầu của cây cột nằm ở đâu đó ở Madhya Pradesh, một bang khác của Ấn Độ.
Đã có bằng chứng đáng kể cho thấy vị trí ban đầu của cây cột nằm ở đâu đó ở Madhya Pradesh, một bang khác của Ấn Độ. (Wikimedia Commons)

Delhi không phải là vị trí ban đầu của cột sắt. Không có nghi ngờ gì với việc cây cột đã được chuyển đến đây. Đã có bằng chứng đáng kể cho thấy vị trí ban đầu của cây cột nằm ở đâu đó ở Madhya Pradesh, một bang khác của Ấn Độ. Vì vậy, nó lại đặt ra một câu hỏi tiếp theo, làm thế nào nó được di chuyển đến vị trí hiện tại từ hàng ngàn năm trước?

Các giả thuyết xung quanh vị trí ban đầu

Cây cột sắt từ lâu đã trở thành vật thể nghiên cứu đầy hóc búa đối với nhiều nhà khoa học, nhà sử học và nhà luyện kim; ngay cả một số cuốn sách còn được xuất bản và thậm chí cả bài báo khoa học cũng viết về nó như một chủ đề chính.

Trong cuốn sách The Story of the Delhi Iron Pillar, tác giả nói rằng cây cột ban đầu được đặt gần hang động Udayagiri ở Madhya Pradesh. Sau đó, người Mughals chiếm Udayagiri và Đế chế Hồi giáo này đã vận chuyển cây cột đến Delhi như một biểu tượng chiến thắng. Đây là một trong những giả thuyết được nhiều nhà nghiên cứu đánh giá cao, và cho rằng hợp lý hơn về vị trí ban đầu của cây cột.

Giải thích cho hiện tượng không gỉ

Tương tự như vậy, có những giả thuyết khoa học giải thích bí ẩn về chiếc cột không tích tụ rỉ sét sau hàng nghìn năm. Theo các chuyên gia tại Viện Công nghệ Ấn Độ tại Kanpur, việc không có rỉ sét có thể là do một lớp màng "misawite" hình thành trên cột sắt.

Lớp mỏng này, là một hợp chất bao gồm oxy, hydro và sắt đã hình thành trên cây cột khoảng ba năm sau khi nó được dựng lên. Hợp chất đã lan rộng và tạo thành một lớp màng mỏng bảo vệ bề mặt của chiếc cột hơn một nghìn năm.

Không giống như chuỗi dây xích này, cột trụ không bị gỉ sét tích tụ dù trải qua hàng nghìn năm.
Không giống như chuỗi dây xích này, cột trụ không bị gỉ sét tích tụ dù trải qua hàng nghìn năm. (Pixabay)

Người ta tin rằng kỹ thuật luyện kim và biến nó thành thép của người Ấn Độ cổ đại đã dẫn đến một lượng phốt pho cao trong kim loại thành phẩm, và đây là lý do đằng sau sự hình thành của lớp màng mỏng bảo vệ xung quanh cây cột. Một lần nữa, người ta không hoàn toàn xác định được rằng người Ấn Độ cổ đại vào thời điểm đó có công cụ và công nghệ để sản xuất thép chất lượng cao như thế nào.

“Một nghiên cứu được M.K. Ghosh thuộc Phòng thí nghiệm Luyện kim Quốc gia của Ấn Độ thực hiện vào năm 1963 cho thấy rằng, cột trụ được tạo hình bằng cách dùng búa đập từng thanh sắt lớn khi đang trong trạng thái nhiệt độ cực cao. Mỗi thanh nặng từ 20 đến 30kg. Nhìn kỹ cây cột, người ta phát hiện dấu búa vẫn còn in trên bề mặt. Ghosh cho rằng để tạo ra cột trụ bằng sắt như vậy sẽ cần 120 lao động làm việc trong hai tuần,” theo historymysteries.com.

Bỏ qua tất cả các giả thuyết, bất cứ khi nào quý vị bắt gặp một thứ mà mọi người đều không hiểu rõ về nó, thì sẽ không quá khó hiểu nếu một số người trong cộng đồng địa phương thường tạo ra những câu chuyện nghe khá huyền hoặc. Cột sắt ở Delhi cũng vậy. Người ta tin rằng nếu quý vị có thể vòng tay quanh cây cột cho đến khi các ngón tay chạm vào nhau, quý vị sẽ gặp may mắn!

Nhưng dù quý vị có tin hay không, thì có một điều gì đó rất kỳ lạ về cây cột, năng lực kỹ thuật cần thiết để tạo ra nó, và thực tế nó đã không bị gỉ trong hơn 1500 năm - một kỳ tích vẫn chưa được nhiều người lý giải.

Hoàng Tuấn
Theo Vision Times



BÀI CHỌN LỌC

Bí ẩn về cột sắt hơn 1500 năm không gỉ ở thành phố Delhi, Ấn Độ