Bi kịch của những gia đình tìm được con bị bắt cóc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Không có nỗi đau đớn nào lớn bằng việc cha mẹ có con mất tích. Đằng đẵng năm tháng, họ phải sống trong dằn vặt, đau khổ vì không biết con mình còn sống hay đã chết, cuộc sống đủ đầy hay bất hạnh. Dù có may mắn tìm thấy con thì sau ngần ấy năm, mọi việc đều đã khác và nỗi đau có khi vẫn kéo dài cho cả đôi bên.

Vợ chồng bà Tào ở thành phố Quế Lâm, tỉnh Quảng Tây, có một cậu con trai bụ bẫm tên Tào Bình và cuộc sống của gia đình họ rất hạnh phúc. Tháng 1/1988, Tào Bình khi ấy mới 5 tháng tuổi, bị bảo mẫu ôm đi mất tích. Vào thời điểm đó, phương tiện truyền thông không rộng rãi và lan tỏa như bây giờ, vợ chồng bà Tào báo cảnh sát và huy động gia đình, họ hàng, bạn bè tỏa đi khắp các bến tàu, xe tìm kiếm nhưng không có kết quả.

Vài năm sau khi cậu con trai Tào Bình bị bắt cóc, bà Tào sinh thêm một cô con gái đặt tên là Tào Dĩnh.

Tuy nhiên, nỗi đau mất con vẫn đeo bám bà không nguôi suốt những năm tháng ấy. Bà và chồng mình luôn sống trong dằn vặt đau đớn vì không biết con trai còn sống hay đã chết? Con có cuộc sống đủ đầy không hay thiếu thốn và bị ngược đãi?

Trong nhà, bà còn để riêng một tủ đồ chơi của Tào Bình và không cho phép con gái Tào Dĩnh động vào. Những ngày lễ, Tết, mua đồ cho con, bà cũng thường mua hai chiếc và nói với con gái: "Cái này của con, cái kia của anh trai".

Đoàn tụ sau 32 năm mất tích

Hơn 30 năm qua, vợ chồng bà Tào chưa khi nào từ bỏ việc tìm kiếm con trai. Họ liên tục đăng thông tin lên báo chí, truyền hình và gửi lời kêu cứu tới những chương trình tìm trẻ lạc. Hai vợ chồng cũng kết nối dữ liệu ADN với cơ quan chức năng thành phố Quế Lâm, hy vọng tìm được con trai nhờ công nghệ.

Tào Bình sau 32 năm mất tích đã trưởng thành và có vợ con, sống cách nahf mẹ ruột chỉ 200 km. Nhưng đau khổ của anh và gia đình vẫn chưa dừng lại...(Ảnh: xuehua)
Tào Bình sau 32 năm mất tích đã trưởng thành và có vợ con, sống cách nahf mẹ ruột chỉ 200 km. Nhưng đau khổ của anh và gia đình vẫn chưa dừng lại...(Ảnh: xuehua)

Tháng 5/2020, cuối cùng vợ chồng bà Tào cũng đạt được ước nguyện. Họ tìm thấy Tào Bình lúc này đã là người đàn ông 33 tuổi có vợ con. Gia đình anh sống ở vùng nông thôn, cách Quế Lâm - nơi cha mẹ đẻ sống chỉ 200 km.

Bà bảo mẫu bắt cóc Tào Bình năm ấy tên là Tần Phương, bà Tần bị vô sinh và hay bị chồng đánh đập nên đã ôm Tào Bình bỏ đi. Bà Tần không bán cậu bé cho người khác mà tự mình nuôi dưỡng, coi cậu bé như con.

Sau khi tìm được con trai, gia đình bà Tào biết con thiếu thốn nên muốn bù đắp cho con suốt những năm tháng mà họ không kề cạnh. Thời gian đầu, mối quan hệ giữa Tào Bình và cha mẹ đẻ rất tốt, mỗi cuối tuần anh đều đưa vợ con về Quế Lâm thăm ông bà, ở lại ăn cơm. Tào Bình cũng nói rằng, anh hạnh phúc vì có hai người mẹ để yêu thương.

Nhưng mọi chuyện chưa dừng lại ở đó, bà Tào muốn đưa bà Tần ra tòa vì tội bắt cóc. Bà cho rằng, Tần Phương đã cướp đi tương lai của con trai bà, người đáng lẽ có thể vào đại học thay vì mới học hết cấp 2 đã phải đi làm.

Gia đình bà Tào đều là công nhân viên chức, có điều kiện kinh tế khá giả, họ đáng lý có thể cho Tào Bình một môi trường giáo dục tốt và tương lai tươi sáng hơn. Nhưng không ngờ Tào Bình bị bắt cóc, đây là nỗi đau thấu tận tâm can của các bậc làm cha làm mẹ như bà Tào.

"Chính cô ta cũng khiến gia đình tôi đau khổ, vật vã bao năm qua" - bà Tào nói.

Vài tháng trước, bà Tào muốn chuyển trường cho cháu nội đến Quế Lâm để có cơ hội học tập tốt hơn, nhưng Tào Bình không đồng ý. Khi mâu thuẫn xảy ra, bà Tào và con gái càng muốn Tần Phương phải ngồi tù. Người mẹ này cũng mong muốn, con trai là nhân chứng trước tòa, chống lại mẹ nuôi.

Nhưng Tào Bình nói rằng, bà Tần Phương đối với anh rất tốt, bao năm qua anh không nghĩ mình là đứa con nuôi. Bà Tần tuy "không có công sinh nhưng có công dưỡng" nên Tào Bình không thể đưa bà ra toà kiện cáo. Hơn nữa, gia đình anh bây giờ đã ổn định, anh không muốn bị xáo trộn thêm lần nữa.

Suốt nhiều năm tìm con, bà Tào rơi vào trầm cảm, sức khỏe bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nghĩ đến những đau khổ mà hơn 30 năm qua mình và gia đình phải chịu đựng, bà Tào vẫn kiên quyết đưa bà Tần ra toà. Mặc dù, đơn kiện đã bị Viện kiểm sát bác bỏ vì quá hạn truy tố 20 năm, nhưng bà Tào vẫn tiếp tục gửi đơn đến cơ quan cấp cao hơn.

Tào Bình thì cho rằng, hận thù trong mắt mẹ mình quá lớn, vượt trên tình cảm gia đình. Còn mẹ ruột thì trách anh “nhận giặc làm cha”, và mối quan hệ của anh với mẹ nuôi là được xây dựng trên sự lừa dối suốt 32 năm qua.

Bà Tào nói với Tào Bình: “Chúng ta mới là nạn nhân lớn nhất, cả nhà này ngày đêm đau khổ vì mất con hơn 30 năm”. Nhưng Tào Bình lại bỏ đi, từ chối mọi hỗ trợ tài chính của mẹ ruột, thậm chí có lúc mâu thuẫn anh còn coi mẹ đẻ như kẻ thù.

"Tôi muốn công lý được thực thi. Đã có quá nhiều gia đình như chúng tôi phải đau khổ khi bị bắt mất con" - bà Tào nói và cho rằng, nếu pháp luật không trừng trị những kẻ như Tần Phương, thảm kịch bắt cóc vẫn tiếp tục xảy ra.

Nỗi đau vẫn kéo dài...

Tương tự như hoàn cảnh của gia đình bà Tào, gia đình anh Quế Hoành Chính cũng rơi vào bi kịch như vậy sau khi tìm được con.

Vào tháng 6/2009, Quế Hào khi ấy 3 tuổi bị bắt cóc ở quê nhà tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Cha cậu bé là anh Quế Hoành Chính lăn lộn tìm con khắp nơi suốt 10 năm trời.

Gia đình anh Quế Hoành Chính có một cửa hàng rượu, vốn dĩ định đóng cửa, ngừng kinh doanh, nhưng vì con bị bắt cóc nên anh cố giữ lại cửa hàng suốt 10 năm qua, chỉ mong con trai có lưu giữ chút ký ức sau nay còn tìm về. Mười năm qua, tiền thuê cửa hàng từ 3.000 NDT mỗi năm, nay đã là 20.000 NDT/năm, các cửa tiệm kinh doanh xung quanh đều đã thay đổi. Chỉ riêng cửa hàng của gia đình anh Quế Hoành Chính vẫn còn đó. Vợ chồng anh luôn mơ ước có một ngày con trai của họ tìm về, đứng trước cửa tiệm và làm họ bất ngờ hạnh phúc.

Cửa hàng rượu của ông Quế Hoành Chính ở Tứ Xuyên, Trung Quốc sau 10 năm con trai mất tích vẫn còn. Và hình ảnh ông Quế Hoành Chính bật khóc khi đang tìm kiếm con trai ở Trịnh Châu, Hà Nam thì nhận được tin cha ông qua đời (Ảnh tổng hợp)
Cửa hàng rượu của anh Quế Hoành Chính ở Tứ Xuyên, Trung Quốc sau 10 năm con trai mất tích vẫn còn. Và hình ảnh anh Quế Hoành Chính bật khóc khi đang tìm kiếm con trai ở Trịnh Châu, Hà Nam thì nhận được tin cha ông, tức ông nội của cậu bé Quế Hào qua đời mà chưa được gặp lại cháu nội(Ảnh tổng hợp)

Cuối cùng Quế Hoành Chính và vợ anh cũng có ngày được toại nguyện sau nhiều năm rong ruổi tìm con. Nhưng ngày đoàn tụ không hạnh phúc như trong tưởng tượng của vợ chồng anh.

Tháng 3/2019, Quế Hoành Chính tìm lại được con trai Quế Hào, lúc này đã 13 tuổi ở Triều Dương. Cậu bé bị những kẻ bắt cóc bán cho gia đình ở Triều Dương làm con nuôi. Chúng nói với cha mẹ nuôi của cậu bé rằng, cậu là một đứa trẻ mồ côi.

Hôm Quế Hoành Chính đến nhận con, giây phút đoàn tụ không cảm động như anh nghĩ. Cậu bé Quế Hào nhìn bố như người xa lạ.

Anh kéo con trai vào lòng, đứa nhỏ 13 tuổi bật khóc, không nói gì nhưng cũng không chống cự. Quế Hoành Chính hỏi con trai: "Con có nhớ gì ngày bé không con?", đáp lại anh, thằng bé trả lời cộc lốc: "Không".

Người cha bày tỏ ý định đón Quế Hào về nhưng bố mẹ nuôi nhất quyết không đồng ý. Họ cũng lấy lý do Quế Hào chưa nghỉ hè, lại sắp tốt nghiệp tiểu học, không thể chuyển trường. Quế Hoành Chính đau khổ quay về nhà một mình.

Có Wechat của con, người cha thường kể về tuổi thơ của cậu, hy vọng gợi cho con chút ký ức quê nhà. Thi thoảng, anh gửi thêm những bức ảnh thời Quế Hào còn nhỏ và sống cùng cha mẹ ruột ra sao. Đứa nhỏ thường chỉ đáp cộc lốc hoặc trả lời ngắn gọn: "Con hiểu rồi".

Quế Hoành Chính đi đến Triều Dương lần thứ 2, lần này anh đi cùng cảnh sát, kiên quyết đón con về bằng được. Nhưng cậu bé lại không muốn về nhà bố đẻ. Bố mẹ nuôi cũng muốn giữ nó ở lại. "Tôi cầu cứu cảnh sát nhưng họ nói nếu đứa bé không muốn thì tôi không thể ép" - người cha tuyệt vọng kể.

Cuối cùng, cha mẹ nuôi chủ động dẫn cậu bé về nhà cha mẹ đẻ.

Từ ngày đoàn tụ, Quế Hào dẫu ít nói nhưng vẫn ăn cùng mâm với gia đình, thi thoảng cười đùa với anh và em trai 7 tuổi dù ngượng ngùng. Thi thoảng bố đi làm về, cậu bé chủ động chạy ra mở cửa. Nhưng chỉ được vài ngày, Quế Hào nói không ăn quen đồ ăn ở Tứ Xuyên vì quá cay. Bố mẹ ruột làm đồ ăn khác, mua thêm nhiều thứ cho cậu nhưng Quế Hào tự giam mình trong phòng cả tháng, chơi game và đôi khi la hét. Dù Quế Hoành Chính có thuyết phục thế nào, cậu bé cũng không mở cửa. Anh đành đi tìm bác sĩ tâm lý để khám cho con.

Chuyên gia cho rằng Quế Hào đang thấy mình bị ngược đãi. Trải nghiệm về nhà có thể đã khơi dậy vết thương lòng khi lên ba tuổi. Cậu bé đau khổ không biết mình thực sự là ai. "Quế Hào đang thấy bất an, thù hận. Nó nghĩ bố mẹ nuôi đã bỏ rơi mình, lo lắng vì phải xa họ" - chuyên gia phân tích.

Bất lực, anh đành cầu cứu cha mẹ nuôi của con. Vài ngày sau, họ đến Tứ Xuyên và nói chuyện với đứa nhỏ. Quế Hoành Chính sợ con trai bị dụ dỗ nên nhắn tin trên WeChat: "Nếu con không thích ở Tứ Xuyên, cả nhà có thể đến sống ở nơi con từng sống". Nhưng thằng bé không đáp lời mà xóa luôn tài khoản Wechat.

Đến tháng 8/2019, chỉ sau 4 tháng đoàn tụ với con trai, Quế Hoành Chính bất lực cho con trai trở về nhà cha mẹ nuôi. Trước khi đi, anh viết một bản thỏa thuận rằng con phải quay về sau 18 tuổi hoặc bất cứ lúc nào nó muốn.

Anh cũng không dám đến thăm mà chỉ gọi điện cho cha mẹ nuôi để hỏi thăm về cậu bé, vì sợ sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của con.

"Dù thế nào tôi chỉ muốn con hiểu rằng vợ chồng tôi chưa bao giờ từ bỏ con, trong suốt 10 năm qua và cả bây giờ cũng vậy" - Quế Hoành Chính nói.

Bắt cóc trẻ em là một vấn nạn khủng khiếp thường xuyên xảy ra ở Trung Quốc suốt hàng thập kỷ qua và kéo dài tới bây giờ. Tội phạm bắt cóc trẻ em có nhiều thủ đoạn khác nhau và ngang nhiên hoành hành khắp mọi nơi, không chỉ ở những vùng xa xôi hẻo lánh, mà ngay trong trung tâm thương mại, bến tàu xe, nơi công cộng... thậm chí, chúng còn liều mạng xông vào nhà và bắt trẻ con đi.

Bỏ lại phía sau là nỗi đau khôn tả của những bậc cha mẹ và gia đình có con mất tích. Nỗi đau đó không kéo dài ngày một ngày hai, mà đeo đẳng suốt những năm tháng họ còn sống. Day dứt vì không thể biết đứa con mình đứt ruột đẻ ra còn sống hay đã chết? Có bị ngược đãi, đánh đập hay thiếu thốn tình thương không? Bởi vậy, sau hàng chục năm, những ông bố bà mẹ mất con không bao giờ nguôi ngoai hy vọng tìm lại được con mình, dù kết quả có như thế nào đi chăng nữa.

Rất nhiều hoàn cảnh thương tâm xảy ra ở Trung Quốc do vấn nạn bắt cóc hoành hành. Có gia đình hoàn toàn không thể tìm được tung tích người thân, có người tìm được con gái sau 17 năm thì con cũng đã ngơ ngẩn và thân tàn ma dại. May mắn như gia đình bà Tào và ông Quế thì ít, nhưng dù tìm được con, họ vẫn phải đối diện với tổn thương tâm lý kéo dài, thậm chí những tranh chấp và mâu thuẫn vẫn xảy ra sau đó nhiều năm.

Theo thống kê của "Bảo bối hồi gia" (Các bé trở về nhà) - Trang mạng hợp tác với Bộ Công an Trung Quốc, chuyên tìm kiếm trẻ em, người vị thành niên bị mất tích, bắt cóc cho biết các địa điểm thường xuyên xảy ra bắt cóc như sau:

  1. Ga tàu hỏa: 30.40%
  2. Siêu thị/ chợ: 22.72%
  3. Trường học: 20.66%
  4. Bệnh viện: 10.20%
  5. Bến xe: 9.11%

Thiên Cầm

(t/h)



BÀI CHỌN LỌC

Bi kịch của những gia đình tìm được con bị bắt cóc