Bí mật hậu trường làm phim bom tấn tại Hollywood (Phần 2)

Giúp NTDVN sửa lỗi

Về nhiều mặt, năm 2020 là một khoảng thời gian đầy khó khăn đối với Hollywood, khi đại dịch viêm phổi Vũ Hán đã đẩy lùi lịch chiếu của một số bộ phim được người hâm mộ mong đợi nhất. Nhưng ngành công nghiệp này đang cố gắng vực dậy bằng cách tung ra không ít các dự án mới đầy tham vọng, hứa hẹn những đột phá của riêng mình trong thời gian sắp tới.

---> Bí mật hậu trường làm phim bom tấn Hollywood (Phần 1)

Từ các phân cảnh chiến đấu quy mô lớn đến một số hiệu ứng kỹ xảo chân thực đến mức khó tin, dưới đây chúng ta sẽ cùng sẽ điểm qua những bộ phim đã được công chiếu trong năm 2020 đầy biến động vừa qua, và xem cách mà đội ngũ các nhà làm phim ở Hollywood xử lý hậu kỳ các phân đoạn phức tạp để tạo ra sản phẩm hoành tráng và chỉn chu nhất.

1. Onward

Pixar gặp nhiều thử thách nhất khi đưa hình tượng nhân vật “Bố” lên màn ảnh trong “Onward”. Trong phim, “Bố” là người chỉ xuất hiện với hình dạng nửa cơ thể khi Ian (do nam diễn viên Tom Holland lồng tiếng) niệm một câu thần chú.

Để đảm bảo mô tả được toàn bộ sức mạnh và sự khó lường của câu thần chú, các nhà làm phim hoạt hình của Pixar đã dành rất nhiều thời gian cho phân cảnh đầu tiên của người “Bố”. Họ thậm chí còn dùng đến máy thổi lá để tạo cảm giác chân thực nhất đối với hiệu ứng ma thuật.

Vấn đề đặt ra cho các nhà làm phim là làm sao để khiến một chiếc quần có thể tự cử động trên phim. Để làm điều này, Pixar buộc phải nâng cấp công nghệ vải lên một tầm cao mới. Hãng đã sử dụng một quy trình mô phỏng lại cách mà quần áo của nhân vật phản ứng với chuyển động của người đó, cùng với các lực tác động khác nhau lên bề mặt.

Tiếp theo, các nhà làm phim của Pixar đã thay phiên nhau mặc bộ quần áo có màu khá trùng với nền phông xanh phía sau và di chuyển xung quanh, nhằm tìm hiểu xem một người sẽ di chuyển như thế nào nếu anh ta thiếu nửa thân trên. Cuối cùng, họ dùng hiệu ứng để loại bỏ nửa thân trên trong khi giữ lại mỗi chiếc quần đang di chuyển, rồi sử dụng đoạn phim này để làm tư liệu tham khảo cho ngôn ngữ cơ thể của nhân vật “Bố”.

2. Dolittle

Tác phẩm “The Call of the Wild” không phải là bộ phim duy nhất có động vật được tạo nên bằng CGI, chúng ta còn có “Dolitle” cũng là một bộ phim chứa nhiều phân cảnh tương tự.

Phần khó của việc này là làm sao để đảm bảo diễn viên tương tác đúng chỗ trong quá trình quay phim. Để giúp các diễn viên có thể dễ dàng tưởng tượng và nhập vai, đoàn phim đã sử dụng các đạo cụ khác nhau làm hình tượng giả cho những động vật trong phim và sáng tạo từ đó.

Với nhân vật hươu cao cổ Betsy, họ gắn đầu hươu giả lên một chiếc cột dài, thẳng đứng và nối trực tiếp với một chiếc xe bên dưới dùng cho việc di chuyển.

Trong một cảnh khác, Robert Downey Jr cưỡi đà điểu Plimpton vào Cung điện Buckingham. Họ đã dùng một chiếc xe nhỏ có gắn gimbal chống rung với thân trên là hình dạng của một chú đà điểu. Khi lên phim, đội ngũ kỹ xảo có thể thay thế chiếc xe bằng một sinh vật CGI như thật.

3. Birds of Prey

Bộ phim “Birds of Prey” của Warner Bros đòi hỏi các diễn viên cần chuẩn bị rất nhiều về mặt thể chất, với một giáo án luyện tập phù hợp với đặc điểm của từng nhân vật trong phim.

Harley Quinn là một người khó đoán và hay thay đổi, bản thân nhân vật cũng có nhiều pha cận chiến phức tạp, do đó diễn viên đóng thế của nữ diễn viên Margot Robbie cần phải có sự am hiểu nhất định về môn thể dục dụng cụ.

Trong khi đó, phong cách chiến đấu của Black Canary lại sử dụng nhiều đòn chân hơn, vì vậy Jurnee Smollett-Bell cần học môn võ kết hợp giữa taekwondo và kick-boxing.

Một nữ diễn viên khác là Mary Elizabeth Winstead đã học judo, jujitsu và karate để vào vai Huntress – một sát thủ cực kỳ nguy hiểm, luôn chính xác trong mọi hành động kết liễu.

4. Project Power

“Project Power” của Netflix đã gây ấn tượng mạnh với kỹ xảo đẹp mắt trong phân đoạn đầu tiên khi nhân vật của Machine Gun Kelly (MGK) bốc cháy như một ngọn đuốc sống.

Để tìm ra cách biến MGK thành một “hỏa nhân” sống động nhất có thể, ban đầu nhóm hiệu ứng đã thử đốt các diễn viên đóng thế trong một loạt các thử nghiệm trước máy quay.

Sau đó, nhóm đã đưa ra một quyết định táo bạo: đoàn phim sẽ sử dụng một bộ trang phục giả bỏng có gắn đèn LED. Những đèn này được lập trình để chiếu sáng khi nhân vật của anh bắt đầu bùng lên ngọn lửa trên khắp cơ thể. Đội ngũ làm phim đã giấu dải đèn LED cùng với tất cả dây điện và pin bằng một số lớp da giả bên ngoài.

Đối với MGK, mỗi ngày anh phải dành 5 tiếng để hóa trang, nhóm trang điểm sẽ dán các bộ phận giả lên hơn 95% cơ thể của rapper. Quá trình này diễn ra căng thẳng, mệt mỏi đến mức anh thường xuyên ngủ gục trong chính trang phục này.

5. Jingle Jangle

Đối với “Jingle Jangle” của Netflix, thách thức lớn nhất là làm thế nào để tạo ra một thế giới thực sự kỳ ảo khi một số đồ vật có thể tự bay lượn trong không trung cùng với các phép màu.

Trong phân cảnh Jeronicus bay, đoàn làm phim đã gắn nam diễn viên Forest Whitaker lên một giàn dây, sau đó trong giai đoạn hậu kỳ, nhóm kỹ xảo sẽ xóa những chiếc dây khỏi khung hình để tạo cảm giác ông ấy thực sự đang lơ lửng trong không trung.

Một phân cách đặc biệt thú vị khác, cuộc chạy trốn của những đứa trẻ khỏi nhà máy. Thực tế, trường đoạn này vốn được quay trước nền phông xanh, trong khi đó hai diễn viên nhí được gắn vào chiếc rương bằng gỗ. Các kỹ thuật viên VFX sau đó đã bổ sung chiếc quạt khổng lồ và quả cầu lửa vào đường hầm để tăng thêm độ kịch tính cho tình tiết của phim.

6. The Old Guard

Trong phiên bản chuyển thể từ truyện tranh này, nhận vật của Charlize Theron đã có 6.000 năm kinh nghiệm võ thuật, từ đấu vật Greco - La Mã đến đấu gậy của Philippines. Bản thân diễn viên Charlize đã phải luyện tập chiến đấu với cường độ rất cao để thành thục khi xử lý các loại vũ khí từ hiện đại đến cổ xưa.

Tất nhiên, ngôi sao này không xa lạ gì với kiểu tập luyện khắc nghiệt này, cô đã tự mình thực hiện rất nhiều pha hành động nguy hiểm trong “Atomic Blonde” và “Mad Max”. Điều phối viên chiến đấu của “The Old Guard” – Danny Hernandez nói với tờ Insider rằng, cả hai diễn viên Charlize và Kiki Layne đã dành bốn tháng luyện tập cho phân cảnh chiến đấu chính của bộ phim, nơi các nhân vật của họ đối mặt với nhau trong một trận chiến tay đôi hấp dẫn bên trong một chiếc máy bay đang bay.

Không có gì lạ đối với thành quả mà các diễn viên nhận được, cả hai đã có thể tự mình thực hiện khoảng 90% phân cảnh chiến đấu mà không cần nhóm diễn viên đóng thế.

7. Over the Moon

Làm thế nào để biến một cảnh quay hoạt hình trở nên chân thực với ánh sáng như thế này? Netflix đã sử dụng bộ hiệu ứng ánh sáng bằng công nghệ CGI, một thứ đã làm nên thành công trong việc xây dựng thế giới diệu kỳ của bộ phim hoạt hình “Over the Moon”.

Trong cảnh quay này, đội ngũ hiệu ứng kỹ xảo ánh sáng đang hoàn thiện phần ánh trăng phản chiếu trong đôi mắt của nhân vật Fei Fei.

Và trong cảnh quay này, họ đang cân bằng các nguồn sáng khác nhau đến từ mặt trăng, nhà bếp và những chiếc đèn lồng đầy màu sắc.

Những quyết định về cường độ và vị trí của ánh sáng được đưa ra từ rất sớm trong các kịch bản màu, giống như bản thiết kế nghệ thuật, giúp thể hiện sắc thái cảm xúc nhất định của mỗi phân cảnh.

Đối với những đoạn lấy bối cảnh trên Lunaria, các nghệ sĩ muốn ánh sáng phải rực rỡ màu sắc để mang lại một cảm giác đó là một thế giới vương quốc mặt trăng khác biệt.

8. The Hunt

Bộ phim “The Hunt” có nội dung châm biếm chính trị, kể về một nhóm những người theo chủ nghĩa cấp tiến săn lùng những người có tư tưởng giữ gìn truyền thống.

Các diễn viên trong phim phải tham gia vào nhiều phân đoạn chiến đấu khốc liệt và đẫm máu, nhưng phân cảnh được nhắc đến nhiều nhất là màn cận chiến trong nhà bếp giữa Betty Gilpin và Hilary Swank. Để làm cho trận chiến diễn ra gay cấn nhất có thể, đoàn phim đã thiết kế một loạt các bộ dụng cụ nội thất dễ dàng bị phá hủy.

Phim trường bao gồm sàn xốp, các ống nước và một loạt các đạo cụ đồ gia dụng dễ vỡ, ví dụ trong cảnh hai người cũng bổ nhào ra cửa kính.

Hoàng Tuấn
Theo Insider



BÀI CHỌN LỌC

Bí mật hậu trường làm phim bom tấn tại Hollywood (Phần 2)