Bức tử thai nhi: Phá thai có phải là tội ác?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Từ trước tới nay, phá thai vẫn luôn là một đề tài gây tranh cãi trong suốt chiều dài lịch sử. Trong nhiều nền văn hóa, phá thai là một hành vi không được phép, tuy nhiên trong thời đại ngày nay, ngày càng có nhiều quốc gia ban hành luật cho phép được quyền phá thai. Thế nhưng, chúng ta có nên coi phá thai là một hành vi bình thường, một lựa chọn bình thường của một người phụ nữ?

Cái giá phải trả của việc phá thai

Chỉ cần gõ cụm từ "phá thai" trên Google, kết quả cho ra khoảng hơn 50 triệu lượt tìm kiếm, và top các trang đứng đầu là những quảng cáo về các cơ sở phá thai "an toàn, bảo vệ tử cung", “bảo mật thông tin bệnh nhân”..., cũng như lời khuyên về việc phá thai theo phương pháp dân gian ngay tại nhà.

Điều này làm cho nhiều người nghĩ rằng phá thai chỉ là một “thao tác” đơn giản, chỉ là “bỏ đi” một thứ nhỡ nhàng, và không phải là vấn đề quan trọng. Tuy nhiên, trên thực tế, hệ lụy của việc nạo phá thai là rất nghiêm trọng.

Phá thai có thể dẫn tới vô sinh

Ngày 7/3/2019, một phụ nữ trẻ 27 tuổi người Trung Quốc đã được các bác sĩ thông báo rằng cô sẽ không bao giờ có thể có con nữa sau khi trải qua 17 lần phá thai.

Cô gái 27 tuổi này tên là Xiao Ju, đến từ tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) và cô đã đến bệnh viện để tiếp tục phá thai. Được biết, trong 6 năm Xiao Ju qua lại với bạn trai của mình, cặp đôi đã nhiều lần quan hệ mà không sử dụng các biện pháp tránh thai.

Do chưa có ý định kết hôn và không có khả năng nuôi con nên Xiao Ju đã đến bệnh viện phá thai mỗi khi có bầu. Đây là lần thứ 17 cô đến bệnh viện phá thai, đến nỗi các bác sĩ còn gọi cô là "khách quen".

Khi làm thủ tục kiểm tra trước khi phá thai, bác sĩ đã rất bất ngờ vì tử cung của Xiao Ju bị tổn thương nặng: “Tôi thấy niêm mạc tử cung của cô ấy rất mỏng, giống như một mảnh giấy, do những lần phá thai lặp đi lặp lại trước kia”.

Thấy vậy, bác sĩ liền khuyên cô gái trẻ hãy giữ lại cái thai vì nếu cô bỏ đi đứa bé này thì cô sẽ không còn có cơ hội được làm mẹ nữa. Tuy nhiên, do Xiao Ju quá kiên quyết nên các bác sĩ vẫn thực hiện thủ thuật phá thai cho cô.

Phá thai có thể dẫn tới mất mạng

Nghiêm trọng hơn, nhiều ca nạo phá thai còn có thể dẫn đến cái chết của thai phụ.

Ngày 19/3/2018, thai phụ V.T.K. (30 tuổi, ngụ tại xã Châu Phong, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An) đã tử vong sau khi được bà Đinh Thị Thanh (52 tuổi, ngụ cùng xã chị K.) phá thai.

Theo báo cáo ban đầu, bà Thanh có phá thai cho chị K. tại nhà bằng cách đặt vào tử cung 2/3 chiều dài của một cái sonde folay - dụng cụ thông tiểu, không bơm nước, không bơm hơi. Tiếp đó, bà Thanh cho chị K. uống nước lá rau ngót và hướng dẫn sử dụng loại nước này.

Sau khi được phá thai, tình trạng sức khỏe của chị K. chuyển biến xấu, cuối cùng chị đã không qua khỏi và tử vong vào chiều tối 15/3.

Làm việc với đoàn kiểm tra, bà Thanh khai báo rằng hai mẹ con chị K. đến xin bà phá thai cho vì lý do chị đã có 2 con gái, thai này được siêu âm cũng cho biết là con gái. Hoàn cảnh nhà khó khăn nên không muốn đẻ thêm.

Thông tin của nhân viên y tế thôn bản và UBND huyện Quỳ Châu khẳng định bà Thanh chỉ học hết lớp 7/10, không có bất kỳ một bằng cấp hoặc chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh nào.

Ngoài trường hợp không may của chị K., ngày 3/8/2020, một phụ nữ đang mang thai 15 tuần tuổi đã tử vong sau khi nạo hút thai tại phòng khám tư ở địa chỉ 15 Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Theo thông tin ban đầu, chiều ngày 3/8, người phụ nữ này đã được bạn đưa đến phòng khám địa chỉ 15 Mai Dịch để nạo hút thai. Sau khi làm thủ thuật thì phòng khám báo cho người nhà rằng thai phụ đang nguy kịch. Sau đó, người nhà lại nhận được thông tin nạn nhân đã tử vong.

Được biết, người phụ nữ này đã có 2 con nhỏ, khi mang thai người con thứ 3 thì chị quyết định nạo hút thì xảy ra sự việc đau lòng này.

Phá thai là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới

Phá thai một lần nữa lại trở thành nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới vào năm 2020, với kỷ lục 42,7 triệu trẻ sơ sinh bị giết trong bụng mẹ, theo dữ liệu do Worldometer cung cấp.

Theo Worldometer tiết lộ, tính đến ngày 31/12/2020, có 42,7 triệu ca phá thai đã được thực hiện trong năm 2020, trong khi chỉ có 8,2 triệu người chết vì ung thư, 5 triệu người chết do hút thuốc và 1,7 triệu người chết vì nhiễm HIV/AIDS.

Để so sánh, tổng số ca tử vong do coronavirus trên toàn thế giới vào năm 2020 là 1,8 triệu người, theo Đại học Johns Hopkins.

Dữ liệu về tổng số ca phá thai trên toàn thế giới được Worldometer tổng hợp dựa trên số liệu thống kê mới nhất về các ca phá thai do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố.

Theo thống kê của Worldometer, trên toàn cầu, số ca tử vong do phá thai trong năm 2020 nhiều hơn tất cả các ca tử vong do ung thư, sốt rét, HIV/AIDS, hút thuốc, uống rượu và tai nạn giao thông cộng lại.

Trên thực tế, số ca tử vong do phá thai gây sốc tới nỗi khiến cho một số nhà quan sát gọi phá thai là “vấn đề công bằng xã hội của thời đại chúng ta”, vì tầm quan trọng của vấn đề này hoàn toàn làm lu mờ các vấn đề nhân quyền khác.

Phá thai phải chăng cũng là tội lỗi?

Để có thể trả lời câu hỏi liệu phá thai có phải là một tội lỗi hay không, chúng ta hãy cùng tìm hiểu các phương pháp phá thai hiện đang được sử dụng rộng rãi trên thế giới.

Vào năm 2016, nhóm ủng hộ sự sống Live Action đã phát hành bốn video mô tả các thủ tục phá thai phổ biến nhất hiện nay. Video này có sự tham gia của một cựu bác sĩ phá thai, ông Anthony Levatino, một bác sĩ sản phụ khoa đã tiến hành hơn 1.200 thủ thuật phá thai trước khi ông nhận ra sự vô luân đằng sau hành động này. Trong video, ông đã giải thích chi tiết quy trình từng bước của bốn thủ tục phá thai phổ biến nhất, và những gì đã xảy ra với cơ thể của thai nhi bé bỏng vô tội.

  • Phá thai trong 3 tháng đầu tiên

Có 2 cách để phá thai, đó là dùng thuốc hoặc thực hiện thủ thuật phá thai.

- Cách 1: Phá thai nội khoa (dùng thuốc)

Cách làm này thường yêu cầu sản phụ phải đến phòng khám ba lần. Trong lần khám đầu tiên, người phụ nữ được cho uống những viên thuốc gây chết phôi. Hai ngày sau, nếu thai nhi vẫn còn sống thì người phụ nữ sẽ được tiêm một loại thuốc gây ra các cơn co thắt tử cung, khiến cơ thể đẩy phôi thai ra ngoài. Lần cuối cùng là để xác định xem thủ tục phá thai đã được hoàn thành hay chưa.

- Cách 2: Phá thai ngoại khoa (nạo hút thai)

Đầu tiên, bác sĩ sẽ dùng một dụng cụ bằng kim loại hình mỏ vịt để kéo mở cổ tử cung. Mở cổ tử cung có thể gây đau đớn, vì vậy cần gây tê cục bộ hoặc toàn thân. Sau khi cổ tử cung mở rộng, bác sĩ sẽ luồn một ống nhựa cứng vào tử cung, rồi nối ống này với máy hút. Máy hút sẽ kéo tuột thai nhi ra khỏi tử cung bằng một lực hút mạnh gấp 10-20 lần so với máy hút bụi thông thường. Bác sĩ cũng có thể sử dụng một dụng cụ nạo để nạo các bộ phận còn sót lại của thai nhi ra khỏi tử cung.

  • Phá thai trong 3 tháng giữa thai kỳ

Ở thời điểm này của thai kỳ, thai nhi đã quá lớn nên không thể sử dụng ống hút được nữa. Trong thủ thuật này, cổ tử cung phải được mở rộng hơn so với phá thai ba tháng đầu. Điều này được thực hiện bằng cách cắm nhiều que mỏng làm bằng rong biển (gọi là laminaria) một hoặc hai ngày trước khi phá thai. Sau khi cổ tử cung mở ra, bác sĩ sẽ dùng kẹp để cắt chân tay của thai nhi và lôi dần ra ngoài. Hộp sọ của thai nhi được nghiền nhỏ để dễ dàng lấy ra. Dụng cụ nạo cũng được sử dụng để nạo các chất bên trong tử cung và loại bỏ bất kỳ bộ phận nào của thai nhi còn sót lại.

  • Phá thai trong 3 tháng cuối thai kỳ

Thủ thuật này thường diễn ra trong 3 ngày, sử dụng gây tê cục bộ và có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, thậm chí là tính mạng của người mẹ. Ngày đầu tiên, với sự giúp đỡ của kỹ thuật siêu âm, bác sĩ sẽ tiêm vào não hoặc tim của thai nhi thuốc làm ngừng tim và làm thai chết lưu. Cũng trong hai ngày đầu, cổ tử cung dần dần được mở ra bằng laminaria. Vào ngày thứ ba, túi ối vỡ và chảy ra. Phần còn lại của quy trình tương tự như thủ thuật phá thai 3 tháng giữa được mô tả ở trên.

Gần đây, loạt bài “Bức tử thai nhi” của Báo Lao Động đã phần nào đã lột tả nạn nạo phá thai chui ở Việt Nam. Trong đó, rất nhiều hành vi vi phạm pháp luật đã diễn ra thường ngày ở một số phòng khám. Thậm chí, có trường hợp thai nhi đã trên 22 tuần tuổi nhưng vẫn bị loại bỏ.

Tại Đông Nam Á, Việt Nam là quốc gia đứng đầu về nạo phá thai. Trên thế giới, Việt Nam đứng thứ 5. Theo thống kê của Hội Kế hoạch hóa Gia đình, Việt Nam có khoảng từ 1,2 đến 1,6 triệu ca nạo phá thai hàng năm. Tuy nhiên, đây mới chỉ là những con số được công khai của vấn nạn đang làm điêu đứng nhiều quốc gia trên thế giới.

Thai nhi cũng là con người

Thai nhi là một con người. Đó là một em bé đang sống trong bụng mẹ. Vì vậy, việc nạo phá thai chính là một hành vi giết người dã man, nhất là đối với nhóm người vô tội và yếu đuối nhất trong xã hội.

Con người dù đã sinh ra hay chưa sinh ra cũng vẫn là một con người, không có gì khác biệt. Vì vậy, phải chăng chúng ta nên gọi những "thai nhi" ấy là những "em bé trong bụng mẹ". Như vậy thì phá thai chính là giết chết những em bé chưa sinh.

Vòng đời của loài người được tính từ lúc hình thành bào thai trong bụng mẹ (khi trứng kết hợp tinh trùng), rồi qua giai đoạn trong bụng thì đến giai đoạn sơ sinh (mới sinh), rồi cứ thế dần dần lớn lên và trở thành thiếu nhi, thiếu niên, thanh niên, trung niên, lão niên... Cho nên giết người ở giai đoạn nào thì cũng vẫn là giết người. Quan niệm "cái thai không phải là một con người" thực sự sai trái và là một trong những lý do dẫn đến việc nạo phá thai ngày càng tăng và người phá thai ngày càng vô cảm.

Theo những người có tín ngưỡng vào tôn giáo thì phá thai chính là một hành vi giết người. Những em bé xấu số ấy rồi sẽ trở thành những cô hồn dã quỷ, không ăn không uống, không có nơi nào để về, sống trong một hoàn cảnh vô cùng khổ cực. Do vậy, trong quá khứ, các tăng nhân đã tổ chức lễ siêu độ, chính là để giúp những cô hồn dã quỷ đói khổ (trong đó có các em bé chưa sinh) sớm có một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Còn với những người chủ động phá thai, ép buộc người khác phá thai hay thực hiện hành vi phá thai thì cũng giống như tham gia vào việc giết hại một con người, như vậy sẽ khiến bản thân tăng thêm biết bao nhiêu tội nghiệp. Theo quan điểm của nghiệp lực luân báo thì sau này họ nhất định sẽ phải hoàn trả cho những tội nghiệp mà mình đã gây ra.

Như vậy, nhìn từ khía cạnh nào thì phá thai cũng là một hành vi không tốt, không chỉ làm tổn hại bản thân mà còn chặt đứt tương lai của một con người. Vậy bạn có còn nghĩ rằng phá thai là một hành vi bình thường và được phép nữa hay không?

Thanh Hương



BÀI CHỌN LỌC

Bức tử thai nhi: Phá thai có phải là tội ác?