Cá mặt trăng quý hiếm dạt vào bãi biển Mỹ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Mới đây, người dân ở bang Oregon vô cùng bất ngờ khi bắt gặp xác một con cá mặt trăng sặc sỡ quý hiếm dạt vào bờ, cách môi trường sống tự nhiên của nó hàng trăm km.

Con cá mặt trăng (Moonfish) này được phát hiện trên bờ biển Sunset, phía Bắc bang Oregon. Con cá sặc sỡ có những chiếc vảy màu ánh bạc và đỏ cam với cơ thể dẹt, hình tròn, cùng nhiều đốm trắng và đôi mắt màu vàng.

Theo Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia (NOAA), cá mặt trăng thường sống sâu dưới đáy đại dương và ít người biết về loài cá này. Chúng thường hoạt động ở các vùng biển ôn đới và nhiệt đới. Các nhân viên thủy cung cho biết loài cá này rất hiếm gặp trong khu vực. Vì chúng chỉ sống ở vùng biển sâu, nên khi nó dạt vào bờ là điều đáng ngạc nhiên.

Năm 2015, một nghiên cứu của NOAA phát hiện cá mặt trăng là loài cá máu nóng duy nhất còn sống đến ngày nay. Khác với những loài cá máu lạnh, cá mặt trăng có thể kiểm soát nhiệt độ cơ thể để giữ ấm dưới biển sâu. Giới nghiên cứu biết rất ít về cấu tạo sinh học của chúng, dù họ ước tính cá mặt trăng có thể dài hơn 1,8 m và nặng trên 272 kg, theo Thủy cung Seaside.

Sau khi nhận được ảnh chụp con cá mắc cạn từ người qua đường, nhân viên ở Thủy cung Seaside gần đó đến thu thập xác của nó. Các nhà nghiên cứu chưa rõ điều gì xảy ra với cá mặt trăng, nhưng cơ thể nó vẫn còn nguyên vẹn, có nghĩa là nó đã bơi ở gần bờ khi chết.

Xác cá mặt trăng sau đó được đông lạnh, ​​các nhà nghiên cứu tại Bảo tàng Hàng hải Sông Columbia dự kiến ​​sẽ tiến hành giải phẫu nghiên cứu con cá này vào cuối năm nay.

Ông Keith Chandler - Tổng giám đốc của Thủy cung Waterfront cho biết, cá mặt trăng rất quý hiếm và thường không xuất hiện gần bờ biển. Thật thú vị khi nó xuất hiện trên bãi biển lần này.

Cũng theo thuỷ cung Waterfront, lần cuối cùng con cá mặt trăng được tìm thấy gần Oregon là vào năm 2009, cách cửa sông Columbia 37 dặm.

Thiên Cầm

Theo secretchina



BÀI CHỌN LỌC

Cá mặt trăng quý hiếm dạt vào bãi biển Mỹ