Cá tay hồng quý hiếm ‘đi dạo’ trong rặng san hô

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các nhà nghiên cứu đại dương đã ghi lại được những thước phim về cá tay hồng quý hiếm đang “đi dạo” trong rặng san hô ở biển sâu ngoài khơi bờ biển Tasmania.

Gần đây, các nhà nghiên cứu đại dương đã tiến hành một cuộc khảo sát ngoài khơi bờ biển Tasmania. Trong quá trình ấy họ đã phát hiện một chú cá tay hồng quý hiếm đang “đi dạo”. Loài sinh vật kỳ lạ này đã không xuất hiện trong 22 năm qua.

Các nhà khoa học đã hạ một chiếc camera có mồi xuống đáy biển để quan sát rặng san hô trong công viên biển Tasman Fracture - khu bảo tồn có diện tích bằng Thuỵ Sỹ - và ghi lại được hình ảnh về loài sinh vật khác thường vào mùa xuân năm ngoái. Nhưng mãi đến tháng 8, một trợ lý nghiên cứu mới phát hiện ra con cá tay hồng trong bức ảnh dưới đây.

Một con cá tay hồng ngoài khơi Tasmania. (CSIRO / CC BY 3.0)
Một con cá tay hồng ngoài khơi Tasmania. (CSIRO / CC BY 3.0)

Đoạn phim từ cuộc khảo sát cho thấy: Một số con tôm hùm đá đang tranh giành mồi gần chiếc camera, trong khi đó một loài giáp xác quấy rối con cá tay hồng đang ẩn mình đung đưa trong rong biển và san hô.

Nhưng chỉ vài giây sau, con cá nhỏ đã lao ra khỏi tầm mắt.

Nhà nghiên cứu Ashlee Bastiaansen thuộc Viện Nghiên cứu Nam Cực và Biển của Đại học Tasmania phát biểu trên kênh ABC: “Tôi đang xem một trong những đoạn phim thô chưa chỉnh sửa của chúng tôi, trong đó có một con cá nhỏ xuất hiện trên mỏm đá ngầm trông khá kỳ lạ. Tôi đã nhìn kỹ hơn và bạn có thể thấy đó là đôi bàn tay nhỏ bé của nó”.

Một con cá tay hồng xuất hiện gần những con tôm hùm đá đang tranh giành mồi. (Được sự cho phép của Viện Nghiên cứu Biển và Nam Cực / Công viên Úc thông qua Đại học Tasmania)
Một con cá tay hồng xuất hiện gần những con tôm hùm đá đang tranh giành mồi. (Được sự cho phép của Viện Nghiên cứu Biển và Nam Cực / Công viên Úc thông qua Đại học Tasmania)

Ông Neville Barrett, phó giáo sư tại Đại học Tasmania, cho biết: Cuộc khảo sát là nỗ lực chung của trường đại học và Công viên Úc nhằm tìm hiểu và ghi lại các loài sinh sống trong “môi trường khắc nghiệt” của công viên biển được bảo vệ.

Ông Jason Mundy tại Công viên Úc nói thêm: “Sự hợp tác là chìa khóa để khảo sát công viên hải dương đặc biệt này, nơi các dãy núi và hẻm núi dưới nước có sự đa dạng và phong phú đáng kể của các sinh vật biển, hầu hết chúng không được tìm thấy ở nơi nào khác trên thế giới”.

Môi trường sinh thái trong công viên là một khe nứt sâu 4 km, nơi sinh vật biển được tìm thấy ở độ sâu hơn 4.000 m.

Chi tiết về con cá tay hồng được nhìn thấy vào mùa xuân năm ngoái. (Được sự cho phép của Viện Nghiên cứu Biển và Nam Cực / Công viên Úc thông qua Đại học Tasmania)
Chi tiết về con cá tay hồng được nhìn thấy vào mùa xuân năm ngoái. (Được sự cho phép của Viện Nghiên cứu Biển và Nam Cực / Công viên Úc thông qua Đại học Tasmania)

Giống như các loài cá tay khác, cá tay hồng kỳ lạ ở chỗ chúng sử dụng vây lớn phía trước làm “chân”, và theo nghĩa đen, chúng thích đi bộ dọc theo đáy đại dương hơn là bơi - mặc dù chúng có thể bơi, như đoạn phim cho thấy.

Cá tay hồng là một trong 14 loại cá tay được tìm thấy xung quanh Tasmania và được cho là chỉ sống trong các vịnh ở những vùng nông hơn.

Ông Mundy cho biết, phát hiện gần đây mâu thuẫn với sự hiểu biết đó, mang đến “tin tốt lành” cho loài này.

“Điều ngạc nhiên lớn nhất là việc tìm thấy một con cá tay hồng trong công viên ở độ sâu khoảng 120 mét”, ông Barrett nói.

“Trước khi chứng kiến ​​cảnh này, loài này mới chỉ được ghi nhận bốn lần và được liệt vào danh sách các loài quý hiếm theo đạo luật về các loài bị đe dọa của Tasmania hồi đầu năm nay”.

“Đây là khám phá thú vị và mang lại hy vọng tiếp tục sinh tồn của cá tay hồng, vì rõ ràng chúng có môi trường sống và phân bố rộng hơn những gì chúng ta đã nghĩ trước đây”.

Con cá tay hồng cuối cùng được phát hiện trước đó là ở ngoài khơi bán đảo Tasman vào năm 1999.

Gần đây, loài này được phân loại là loài có nguy cơ tuyệt chủng. Tuy nhiên, từ phát hiện mới này chúng ta hoàn toàn hy vọng sẽ tìm thấy nhiều loài hơn nữa và rất có thể việc phân loại nguy cấp của nó sẽ được đảo ngược.

“Nhóm nghiên cứu hy vọng sẽ tìm thấy thêm nhiều loài cá tay và các loài sinh vật đặc biệt khác ở khu vực này trong tương lai, như một phần của các nghiên cứu hợp tác đang được Công viên Úc hỗ trợ”, ông Barrett nói thêm.

Đông Phong

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Cá tay hồng quý hiếm ‘đi dạo’ trong rặng san hô