Phòng COVID-19: Lau điện thoại di động hay đeo khẩu trang tốt hơn?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Điện thoại thông minh là một trong những đồ vật bẩn nhất mà con người sở hữu. Vật dụng này thường tiếp xúc trực tiếp với mắt, mũi và môi của người dùng, vì thế việc sử dụng điện thoại di động có thể là nguyên nhân lây nhiễm chính của Coronavirus.

Vào ngày 11/2, Bộ Y tế Singapore đã thông báo rằng thường xuyên làm sạch điện thoại và rửa sạch tay là những biện pháp hiệu quả hơn để phòng tránh sự lây lan của Coronavirus so với việc đeo khẩu trang.

Thông báo này được đưa ra sau khi cư dân mạng lan truyền trên WhatsApp thông tin rằng 4 bác sĩ Singapore đã khuyến cáo mọi người nên đeo khẩu trang tại các nơi công cộng.

Vào ngày 10/2, các bác sĩ Colleen Thomas, Judy Chen, Tham Hoe Meng, và Lim Pin Pin đã cùng ký vào một bản khuyến cáo kêu gọi người dân Singapore “luôn đeo khẩu trang khi rời khỏi nhà”, và tránh đi vào các nơi công cộng. Các bác sĩ khẳng định rằng hành động này có thể ngăn chặn sự lây truyền Coronavirus ra cộng đồng trong 2 tuần.

Các bác sĩ nói thêm rằng những người không có khẩu trang nên tự làm cho mình những chiếc mới bằng vải, bằng khăn choàng hoặc giấy, để tạo ra một lớp che chắn bảo vệ khi tiếp xúc gần với người khác, vì có một số người nhiễm virus nhưng không có biểu hiện triệu chứng ra bên ngoài.

Vào ngày 12/2, trong một cuộc trò chuyện với Black Dot Research, Bác sĩ Chen cho biết rằng ở những nơi công cộng có những người có khẩu trang nhưng lại không hiểu cơ chế bảo vệ của nó, hoặc một số người lại cảm thấy “tự tin” thái quá nên không đeo khẩu trang khi ở nơi công cộng.

Tuy nhiên, vào ngày 11/2 vừa qua, ông Kenneth Mak, Giám đốc Dịch vụ Y tế của Bộ Y tế Singapore, đã tuyên bố với báo giới rằng: “Mặc dù có rất nhiều lời khuyên xuất phát từ mục đích tốt từ rất nhiều nguồn khác nhau, trong đó có cả các bác sĩ, vẫn chưa có bằng chứng cụ thể nào chứng minh rằng virus phát tán qua không khí”.

Điều đó có nghĩa là khẩu trang không phải là biện pháp bảo vệ hữu hiệu nhất. Ngoài ra ông còn cho biết một nhiệm vụ quan trọng hơn mà mọi người cần phải làm là lau sạch chiếc điện thoại di động của mình.

“Hãy quan tâm đến những đồ vật mà bạn thường chạm vào. Và thứ mà chúng ta hay chạm vào nhất là điện thoại của mình, do đó đeo khẩu trang không phải là biện pháp hiệu quả nhất”, theo báo The Straits Times trích dẫn lời của ông Kenneth Mak.

Trên thực tế, điện thoại di động nằm trong số những đồ vật bẩn nhất mà con người sở hữu, bởi vì nó được chúng ta sử dụng rất thường xuyên, và thậm chí có nhiều người còn mang điện thoại vào nhà vệ sinh, nơi được xem là kém vệ sinh nhất.

Nguy hại hơn nữa là những chiếc điện thoại này thường xuyên chạm vào mắt, mũi và môi của bạn, là những bộ phận quan trọng mà qua đó Coronavirus có thể xâm nhập vào cơ thể người.

Nhiều nghiên cứu khoa học khác nhau đã chỉ ra rằng điện thoại di động chứa nhiều mầm bệnh hơn cả bồn cầu. Điều này có nghĩa là cách nhanh nhất để hạn chế lây nhiễm bệnh là không mang theo điện thoại di động vào trong nhà vệ sinh, đồng thời cần làm sạch điện thoại của bạn.

Theo một nghiên cứu vào năm 2018 của 4 nhà nghiên cứu từ học viện Kỹ thuật Massachusetts, làm sạch điện thoại với thiết bị khử khuẩn điện thoại bằng tia cực tím là một trong những phương pháp hiệu quả nhất để tiêu diệt mầm bệnh.

Nghiên cứu cho biết, sử dụng cồn cũng có hiệu quả làm sạch tốt. Ngoài ra, cần làm sạch khe tiếp xúc giữa điện thoại và phần sạc pin, vì đây là nơi chứa nhiều vi khuẩn hơn cả màn hình.

Trong một cuộc trao đổi với tạp chí Health, nhà vi khuẩn học Charles Gerba cho biết rằng mọi người có thể tự chế dung dịch cồn tại nhà bằng cách pha loãng cồn 70 độ theo tỷ lệ cồn 40% và nước 60%. Sau đó, dùng khăn sợi tổng hợp thấm vào dung dịch này rồi đem lau điện thoại.

Cả Gerba và CNet đều cho rằng nên tránh xịt cồn trực tiếp lên điện thoại hoặc sử dụng giấy kháng khuẩn để lau mặt điện thoại, vì những cách này có thể làm bong lớp phủ chống thấm nước và chống dầu của điện thoại. Tuy nhiên, giấy kháng khuẩn có thể dùng để lau vỏ điện thoại.

Theo CNet, một số chất khác có thể được sử dụng để làm sạch điện thoại, bao gồm: nước lau cửa sổ, nước lau bếp, dung dịch tẩy trang, nước rửa bát, xà phòng rửa tay, và giấm.

Bên cạnh đó, theo một nghiên cứu năm 2018, khi không có những lựa chọn nói trên, việc dùng vải sợi tổng hợp để lau điện thoại cũng có thể mang lại hiệu quả khử khuẩn nhất định.

Đại Hải
- Theo SCMP



BÀI CHỌN LỌC

Phòng COVID-19: Lau điện thoại di động hay đeo khẩu trang tốt hơn?