Cảm động trước cảnh con trai ân cần đút cha ăn - Nhân dịp 'Ngày của cha' ngẫm về đạo làm con (Radio)

Giúp NTDVN sửa lỗi

Người con trai ở độ tuổi khoảng 40, đưa bố vào quán và gọi bát bún cá rô to, rồi chia ra một bát nhỏ, đút cho bố. Người bố có vẻ mệt… anh vội vuốt lưng bố, nhẹ nhàng 'cứ từ từ bố ạ'... Mặc dù không phải là "chuyện to tát", nhưng việc một người con trai trưởng thành kiên trì chăm sóc bố với những cử chỉ thân thương - dường như là "chuyện lạ" trong xã hội ngày nay với những người con "luôn luôn bận rộn".

“Công cha nghĩa mẹ cao vời

Nhọc nhằn chẳng quản suốt đời vì ta”

Ngày của Cha (Father's day) là ngày để con bày tỏ lòng biết ơn và hiếu thảo đối với cha mình. Vào Ngày của Cha, con cái thường thể hiện tình yêu thương, lòng kính trọng bằng nhiều cách khác nhau. Người con có thể mua quà hoặc bày tỏ tình yêu bằng những lời nói tình cảm, những cái ôm thật chặt...

Chắc hẳn trong lòng mỗi chúng ta, không ai quên được công ơn sinh thành, dưỡng dục của mẹ cha. Nhưng trong những bộn bề của cuộc sống, chúng ta đôi lúc chưa làm tròn được đạo hiếu. Nhân dịp này, hãy cùng xem qua câu chuyện "người con đút cha ăn" rất xúc động dưới đây.

Đó là câu chuyện về một người đàn ông ở tuổi trung niên ân cần chăm sóc cha già trong một quán ăn nhỏ - đã khiến bao người cảm động và để lại nhiều suy ngẫm.

Câu chuyện do anh Vũ Trọng Nghĩa kể lại khi vô tình chứng kiến cảnh người con trai kiên trì đút từng muỗng bún, kèm với đó là những câu nói, cử chỉ thân thương dành cho cha mình trong một quán ăn mà anh có dịp ăn cùng. Anh viết:

“Sáng đi ăn bát bún cá, gặp hình ảnh cảm động quá.

Anh con trai đưa bố vào quán và gọi bát bún cá rô to, rồi chia ra một bát nhỏ, lấy thìa con xúc từng thìa đút cho bố, thủ thỉ 'Bún cá Thái Bình đó bố'.

Người bố móm mém thưởng thức thìa bún con trai đưa cho, có vẻ rất thích thú. 'Ngoong con ạ...'. Anh con trai thêm thìa nữa và bảo: 'Thế bố ăn hết bát này đấy nhé...'.

Được mấy thìa, người bố có vẻ mệt, thở gấp. Anh con trai vội vuốt ngực, vuốt lưng cho bố, nhẹ nhàng 'cứ từ từ bố ạ', rồi hai bố con thủ thỉ hết chuyện này đến chuyện kia.

Thỉnh thoảng con trai lại hỏi bố: 'Ngon không bố? Hơn quê mình ấy nhỉ?', và người bố lại móm mém trả lời 'Ngoong'. Cứ thế mà hết bát bún cá to".

Dân gian có câu: “Bách thiện hiếu vi tiên”, trong trăm điều thiện, chữ Hiếu đứng hàng đầu. Hiếu thuận với cha mẹ luôn là một mỹ đức truyền thống vốn có của chúng ta. Cha mẹ vốn đã vất vả cả đời để nuôi nấng con cái nên người, nên khi cha mẹ về già, con cái cần có nghĩa vụ phụng dưỡng để cha mẹ được an hưởng tuổi già.

Ấy vậy mà trong nhịp sống hối hả, nhiều áp lực hiện nay, đôi khi chúng ta “quên” đi điều ấy. Chúng ta có thể chỉ nghĩ đơn giản rằng: lo cho cha mẹ đủ đầy về vật chất, thi thoảng gọi điện hỏi thăm dăm ba câu là đã làm tròn đạo hiếu rồi.

Nhưng...

Có bao giờ ta nhận ra rằng, cha mẹ vui hơn khi được gặp ta, được ta lắng nghe, hơn là những gói quà lớn gửi về từ phương xa?

Có bao giờ ta nhận ra những hành động yêu thương và quan tâm chân thành của ta là món quà tinh thần vô giá dành cho cha mẹ? Nó quý hơn rất nhiều những quan tâm hời hợt rồi chụp hình khoe trên mạng xã hội.

Ta còn nhớ chăng lúc nhỏ, câu mà ta thường nói khi buồn bực nhưng lại khiến cha mẹ rất đau lòng là câu gì không? Có phải đó là: “Cha mẹ không hiểu con chút nào cả!”, “Con ghét cha mẹ”?

Đã bao lâu rồi ta không về thăm cha mẹ? Không phụ giúp cha mẹ việc nhà?

Nếu ở cùng cha mẹ, phải chăng ta hiển nhiên xem cha mẹ là bảo mẫu toàn thời gian giúp ta trông con mà quên rằng việc này đôi khi quá sức đối với người già?

Khi công việc không thuận lợi, ta nhẫn nhịn với người ngoài nhưng khi về nhà, có khi nào ta lại dễ dàng trút giận lên cha mẹ mình?

Không có người già nào không thương con, không có người già nào không muốn con cháu sống tốt, nhưng hãy cứ nghĩ ngược lại, bao năm qua chúng ta đã báo đáp được cho cha mẹ những gì? (Ảnh: pixabay)
Không có người già nào không thương con, không có người già nào không muốn con cháu sống tốt, nhưng hãy cứ nghĩ ngược lại, bao năm qua chúng ta đã báo đáp được cho cha mẹ những gì? (Ảnh: pixabay)

Và chắc hẳn còn rất nhiều, rất nhiều điều mà ta vô tâm không nghĩ tới.

Nhưng cũng chắn hẳn vẫn có rất nhiều tấm gương hiếu thảo với mẹ cha hiện hữu quanh ta.

Cảm ơn anh Vũ Trọng Nghĩa đã ghi lại khoảnh khắc đầy xúc động và tường thuật lại câu chuyện ấm lòng này, để chúng ta cùng nhau chiêm nghiệm và cảm nhận giá trị gia đình sâu lắng, nhắc nhở nhau về chữ “Hiếu”, về đạo làm con, về những điều thật nhỏ bé và bình dị. Nhưng nếu chúng ta vô tình bỏ qua, thì một ngày kia, khi cha mẹ qua đời, chúng ta sẽ chỉ có thể ngậm ngùi hối hận vì đạo Hiếu chưa làm tròn.

Bởi thế, khi còn cha, còn mẹ, chúng ta hãy buông bỏ bớt danh lợi, không quá chạy theo “phú quý”, “giàu sang” để có đủ thời gian, tâm trí mà quay về “thảo thơm” và “trả chút công dầy” cho cha mẹ như những vần thơ của tác giả Lãng Du Khách trong bài “Đạo hiếu” này, các bạn nhé!

Sinh ra được gọi là nhân

Đừng để ô uế tấm thân hồng trần

Công ơn sinh dưỡng song thân

Đâu cần phú quý chỉ cần thảo thơm

Về già manh áo bát cơm

Không cần sang trọng chỉ đơm tình đầy

Người ơi trả chút công dầy

Công cha nghĩa mẹ nuôi bầy con thơ.

Hà Phương



BÀI CHỌN LỌC

Cảm động trước cảnh con trai ân cần đút cha ăn - Nhân dịp 'Ngày của cha' ngẫm về đạo làm con (Radio)